Tại châu Âu hồi Thế kỷ thứ 17, khi danh hoạ Michelangelo Merisi da Caravaggio và Peter Paul Rubens vẽ những bức tranh nổi tiếng, thì để thể hiện được màu xam lam sẫm, người ta cần dùng tới sắc tố màu chiết xuất từ ngọc lưu ly, thứ đá bán quý lấy về từ Afghanistan xa xôi.
Chỉ có những hoạ sĩ danh tiếng nhất mới được phép dùng thứ chất liệu xa xỉ này. Những người ít tiếng tăm buộc phải dùng những vật liệu khác, cho ra màu sắc xỉn đục hơn và sẽ bị phai dần dưới ánh sáng mặt trời.
Cho mãi đến thời cách mạng công nghiệp hồi Thế kỷ 19 thì chất liệu thay thế nhân tạo mới được phát minh ra, và màu xanh lam sẫm cuối cùng trở nên phổ biến.
Trong thời thuộc địa, màu xanh da trời của người Maya được khai thác bên cạnh những thứ khác vốn thuộc về người dân ở Tân Thế giới.
Vậy nhưng vào cùng thời gian đó, ở bên kia bờ Đại Tây dương, các tác phẩm ở vùng Baroque thuộc địa do những nghệ sĩ như José Juárez, Baltasar de Echave Ibia và Cristóbal de Villalpando sáng tác hồi đầu Thế kỷ 17 tại Mexico - Tân Tây Ban Nha - lại tràn ngập những sắc xanh đẹp đẽ này.
Tại sao lại có thể vậy được?
Ở Tân Thế giới, ngọc lưu ly thậm chí còn hiếm hoi hơn là ở châu Âu.
Cho tới mãi giữa Thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học mới phát hiện ra rằng người Maya đã tạo ra được một màu xanh rất bền, rất đẹp từ nhiều thế kỷ trước khi miền đất của họ trở thành thuộc địa và các nguồn tài nguyên của họ bị khai thác.
Màu xanh lam sẫm chiết xuất từ ngọc lưu ly tại châu Âu không chỉ cực đắt mà còn tốn rất nhiều công sức mới tạo ra được. Màu này được dành để vẽ những chủ thể quan trọng nhất trong bức tranh.
Bức Sự tôn thờ của các đạo sĩ (Adoration of the Magi) của Ruben - bản mà nhà danh hoạ này đã phải mất hơn 20 năm để hoàn thành, nay được treo tại bảo tàng Museo del Prado ở Madrid - là một ví dụ.
Màu xanh đặc biệt này chủ yếu được dùng để vẽ phần áo choàng của Đức mẹ Đồng Trinh, và sau đó được dùng sang cho một số nhân vật hoàng gia và thánh thần.
Thế nhưng tại Mexico, màu xanh được dùng để vẽ cả những thứ ít thiêng liêng hơn, đời thường hơn.
Những bức hoạ vẽ trên tường có tuổi đời 1.600 năm tại đền thờ của người Maya ở Chichén Itzá vẫn có màu sắc tươi sáng, kể cả màu xanh, là thứ màu vốn thường bị phai đi theo thời gian.
Các nhà khảo cổ nghiên cứu về những khu phế tích tiền-Hispanic ở vùng Trung Mỹ (Mesoamerican) đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra những bức tranh vẽ trên tường tại vùng Maya Riviera, nơi nay là Mexico và Guatemala.
Chúng được vẽ từ khoảng thời gian có thể sớm nhất là từ 300 năm sau Công nguyên, mà có lẽ những bức nổi tiếng nhất là ở đền Chichén Itzá (được thực hiện vào khoảng 450 năm sau Công nguyên).
Màu xanh này có một ý nghĩa nghi lễ đặc biệt đối với người Maya.
Họ bôi lên các nạn nhân hiến tế và lên những ban thờ nơi thực hiện nghi lễ hiến tế nạn nhân thứ màu xanh sắc sảo này, Diego de Landa Calderón, một giám mục ở Mexico thuộc địa thời Thế kỷ 16 viết lại những gì ông tận mắt chứng kiến.
Tác phẩm này của hoạ sĩ người Mexico Baltasar de Echave Ibia tràn ngập sắc xanh - một điều quá xa xỉ đối với các hoạ sĩ châu Âu thời Thế kỷ 16
Các nhà khảo cổ học đã rất đỗi ngạc nhiên trước sự bền màu của sắc xanh trong các bức tranh tường.
Chất liệu bí mật
Cây Añil, thuộc họ nhà chàm, thì có rất sẵn ở khu vực này, nhưng chủ yếu được dùng để nhuộm chứ không phải để vẽ.
Màu chàm nhanh chóng phai đi dưới ánh nắng mặt trời và các tác động tự nhiên, cho nên giới chuyên gia cho rằng khó có khả năng người Maya dùng thứ nhiên liệu có sẵn đó để nhuộm màu các bức tranh.
Cho mãi đến tận cuối thập niên 1960, nguồn gốc tạo ra màu xanh có sức bền tồn tại qua hàng trăm năm mới được khám phá: đó là nhờ việc đem trộn một loại đất sét hiếm, được gọi là đất sét attapulgite, với màu nhuộm xanh trích xuất từ cây Añil.
Trong thời kỳ thuộc địa, các chất liệu địa phương như màu xanh Maya và phẩm son đã bị khai thác, bóc lột bên cạnh các nguồn tài nguyên khác của vùng đất và con người ở Tân Thế giới này.
Những màu sắc đó, được cho là đại diện cho sự thịnh vượng của đế chế Maya và cũng đại diện cho tất cả những gì bị cướp bóc đem đi.
Bản Rhapsody màu xanh
Các hoạ sĩ bậc thầy của châu Mỹ được nhắc tới trong lịch sử nghệ thuật (nếu như có được nhắc đến) như một nhánh khiêm tốn của trường phái nghệ thuật Baroque khi so với các tên tuổi như Caravaggio và Rubens.
Có thể nhìn nhận một cách thật đơn giản rằng họ chỉ bắt chước các lớp đàn anh ở châu Âu.
Trong thực tế thì sang đến thế hệ thứ hai và thứ ba, các hoạ sĩ sinh ra tại Mexico City như Juárez và Echave Ibia đã tách khỏi phong cách mỹ học châu Âu để hướng tới thứ nghệ thuật được phân tầng độc đáo: những tác phẩm bề thế và tinh tế, khắc hoạ sự sống động của Tân Thế giới.
Tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Mexico (Munal) ở Mexico City, các tác phẩm của Juárez được trưng bày theo trình tự thời gian, cho thấy sự biến chuyển của ông từ một người bắt chước phong cách châu Âu trở thành một hoạ sĩ bậc thầy của dòng nghệ thuật Baroque Tân Tây Ban Nha.
Những bức tranh sơn dầu của ông ban đầu là sự thể hiện cách phối sáng tương phản đầy ấn tượng cùng gam màu ấm áp của phong cách hội hoạ Baroque châu Âu, sau chuyển sang các gam màu bão hòa lạnh (xanh dương rực rỡ, vàng, xanh lá cây và đỏ), với nguồn sáng phức tạp, và sử dụng chất liệu địa phương, như màu xanh Maya.
Villalpondo vẽ bức tranh trên khung vòm hình chén bên trên bàn thờ phượng chính của thánh đường Puebla, Mexico hồi 1688, và màu xanh của tranh đến nay vẫn vẹn nguyên, tươi sáng.
Tuy Rubens cũng sử dụng màu nổi nhưng các tác phẩm của ông khi xét một cách tổng thể thì có bố cục xáo trộn hơn và mang sắc ấm hơn so với của Juárez.
Màu sắc ông dùng thậm chí còn rực rỡ hơn của Rubens, có lẽ là rực rỡ nhất trong nghệ thuật Baroques châu Âu, nhưng cách bố cục trông lại giống với của Caravaggio hơn.
Các tranh sơn dầu của Caravaggio đầy màu đỏ và vàng đậm, nhưng gần như không có màu xanh - nếu ta để ý tới bất kỳ kiệt tác của Caravaggio sẽ đều thấy rằng màu xanh thường vắng bóng.
Gần gũi nhất với phong cách Caravaggio nhưng có sử dụng màu xanh lam chính là các tác phẩm của Juárez.
Tuy nhiên, dù sáng tác rất nhiều và được công nhận tài năng, Juárez qua đời trong túng quẫn.
Nếu Juárez khi chết mà trong túi không có lấy một đồng peso, thì làm thế nào ông lại có được lượng lớn sắc xanh chiết xuất từ ngọc lưu ly, mang từ châu Âu đến để vẽ trong các tác phẩm của mình?
Chi tiết trong bức Sự xuất hiện của Đức mẹ Đồng Trinh và Hài đồng trước Thánh Francis
(Apparition of the Virgin and the Child to St Francis) của José Juárez với màu xanh biếc và xanh thoáng qua trong chiếc áo choàng của Đức mẹ Đồng Trinh
Villalpando, thường được cho là họa sĩ thực dân sáng tác nhiều nhất ở Tân Tây Ban Nha, thì bắt chước phong cách Rubens.
Villalpando khá là hợp với lịch sử hội hoạ Baroque châu Âu và không xa rời khỏi 'nỗi sợ khoảng trống' của Rubens - ý niệm trong nghệ thuật Baroque rằng mọi khoảng trống trên bức tranh sơn dầu đều phải thể hiện một hình ảnh hay sự việc nào đó.
Dù bắt chước phong cách Rubens nhưng Villalpando lại vẽ bằng chất liệu của vùng Trung Mỹ.
Kết quả là các tác phẩm hội hoạ và các bức tranh vẽ trên tường của ông thì trông đẹp hơn và sử dụng nhiều màu bão hoà hơn.
Bức tranh tường mà ông vẽ trang trí mái vòm của nhà thờ Puebla là bức đầu tiên và cũng là bức duy nhất của loại hình này ở Tân Tây Ban Nha.
Những đám mây xanh tím cuộn trôi phía sau hình ảnh Đức mẹ Đồng Trinh, các vị thánh và thiên thần được Villalpando vẽ nên.
Dù ông đã tìm cách thể hiện chất Baroque châu Âu ở châu Mỹ, nhưng những chất liệu ông có trong tay đã biến ông thành một criollo, tức hậu duệ thuần chủng của người gốc Tây Ban Nha, ở Mexico City.
Cây Añil, họ nhà cây chàm, được người Maya dùng để trộn với thứ đất sét attapulgite để tạo ra màu xanh lam.
Baltasar de Echave Ibia sử dụng màu xanh vô cùng tinh tế khiến ông được biết đến với tên gọi "El Echave de los azules" (Echave của sắc xanh).
Cha của ông là Baltasar de Echave Orio, cũng rất hào phóng trong việc dùng màu xanh, nhưng Echave Ibia thì đặc biệt lão luyện, tài tình trong việc sử dụng sắc màu này.
Có một lý do khiến tại sao ở Mexico City từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 18 lại có sự phong phú tưởng chừng như vô hạn đối với màu xanh lam. Là bởi cả ba hoạ sĩ đó đều có nguồn cung ứng màu rực rỡ ở ngay tại chỗ.
Rõ ràng là các hoạ sĩ này và những người khác ở khu vực Tân Thế giới không sử dụng sắc tố màu xanh giống như các hoạ sĩ ở châu Âu.
Màu xanh chiết xuất từ ngọc lưu ly xanh và được sử dụng ở châu Âu là một màu xanh biếc, tối.
Màu xanh được sử dụng ở Tân Tây Ban Nha phản ánh sự sống động, ban đầu được người Maya chiết xuất từ cây Añil.
Màu xanh của người Maya là một trong những màu sắc bền nhất trong số tất cả các màu sắc của vùng Trung Mỹ, như ta thấy trong các bức tranh tường 1.600 năm tuổi ở Chichén Itzá.
Có lẽ độ bền trơ gan với thời gian đã giữ cho những bức tranh sơn dầu Baroque và những bức tranh tường ở châu Mỹ, từ Mexico đến Peru, còn nguyên vẻ tươi tắn dẫu đã trải qua nhiều thế kỷ.
Sự giao thoa ảnh hưởng này, từ văn hoá Maya cho đến nghệ thuật Baroque châu Âu, diễn ra ở Mỹ Latin trên các bức tranh của các họa sĩ Criollo cho thấy chủ nghĩa toàn cầu bắt đầu sớm hơn nhiều so với những gì mà lịch sử học thuật muốn làm cho chúng ta tin.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.