Con gái Philip Jones Griffiths kể về cha
Các bức ảnh của nhiếp ảnh gia Philip Jones Griffiths được coi là chủ chốt trong việc đảo ngược quan điểm của công chúng Mỹ về Cuộc chiến Việt Nam. Mười năm sau khi ông qua đời, một trong hai người con gái của ông kể về những gì đã thôi thúc ông nắm bắt những khoảnh khắc đau thương như vậy.
"Những bức ảnh này khắc sâu vào tâm khảm người xem," bà Katherine Holden, con gái của Philip Jones Griffiths nói.
"Có cái gì đó gây ám ảnh sâu sắc trong những bức hình này - chúng ở mãi trong tâm trí người xem sau khi họ đã thôi không ngắm chúng."
Philip Jones Griffiths với hai cô con gái, Katherine (trái) và Fanny (phải) tại New York năm 1989.
Philip Jones Griffiths và các con gái Katherine (giữa) và Fanny (trái)
Một người lính Mỹ cầm súng đang cố nói chuyện với một phụ nữ Việt Nam bồng con.
Cha của bà, Philip Jones Griffiths, được coi là một trong những nhà báo - nhiếp ảnh gia vĩ đại nhất của thời đại ông, người đã nắm bắt được nỗi kinh hoàng thực sự của cuộc chiến khi ông đưa tin về Cuộc chiến Việt Nam trong giai đoạn 1966 tới 1971.
Những bức ảnh và quan sát của ông - được xuất bản trong cuốn sách Vietnam Inc năm 1971 - đem đến một góc nhìn ám ảnh và chấn động: các bà mẹ và trẻ em bị mũi súng chĩa vào, trẻ sơ sinh dính đầy máu, những khuôn mặt đầy kinh hãi và những người lính vật lộn để tồn tại trong một môi trường khắc nghiệt.
Như tác giả và nhà bình luận chính trị Mỹ Noam Chomsky từng nói: "Nếu có ai ở Washington đã đọc cuốn sách đó, chúng ta đã không có những cuộc chiến ở Iraq hay Afghanistan."
Một bà mẹ hoảng sợ và con trai trong trận đánh Sài Gòn năm 1968
Khi còn nhỏ, hai cô con gái của Griffiths được biết nhiều về công việc của cha họ.
"Khi tôi và em tôi còn nhỏ, ông ấy tìm cách cho chúng tôi biết về công việc mà ông đang làm," Katherine kể.
Lính Mỹ thường thể hiện lòng thương đối với kẻ thù.
Một bé gái Việt Nam lần đầu được thấy thuốc lá đầu lọc năm 1967.
Sinh ở Rhuddlan, hạt Denbighshire, xứ Wales, Griffiths bắt đầu sự nghiệp của mình bằng công việc của nhiếp ảnh gia tự do cho tờ báo the Rhyl Leader vào những năm 1950.
Ông rất tự hào là người xứ Wales và thường so sánh người xứ Wales và người Việt Nam. Sau khi cuộc chiến kết thúc, ông tiếp tục sang thăm Việt Nam hàng năm cho tới khi ông qua đời hồi 2008 ở tuổi 72.
"Ông ấy gắn bó với người Việt Nam và tôi nghĩ ông thấy có nhiều điểm tương đồng giữa người xứ Wales và người Việt Nam, như cả hai cùng là những cộng đồng nhỏ hơn, sống theo làng xóm, và chịu ách áp bức của đế quốc," Katherine giải thích.
Hành trình của Philip Jones Griffiths tới Việt Nam
Một bà mẹ ôm con trong một chiến dịch tìm và diệt của Mỹ ở Quảng Ngãi năm 1967.
* Sau khi làm việc cho tờ báo địa phương the Rhyl Leader những năm 1950, ông bắt đầu làm nhà nhiếp ảnh tự do một phần thời gian cho tờ the Manchester Guardian, rồi sau đó làm cả thời gian cho tờ the Observer ở London năm 1961.
* Sau một thời gian làm ở Châu Phi, ông vào làm cho Hãng Ảnh Magnum và chuyển đến Đông Nam Á, nơi ông chụp ảnh và đưa tin về Cuộc chiến Việt Nam từ 1966 đến 1971.
* Nhiều bức ảnh của Griffiths tập trung phản ánh tác động của chiến tranh lên người dân thường.
* Ông nói: "Tôi muốn cho [mọi người] thấy rằng người Việt Nam là những người mà người Mỹ phải noi theo chứ không phải hủy hoại."
* Không những phản ánh nỗi kinh hoàng của cuộc xâm lược vũ trang, các hình ảnh của ông cũng ghi lại những khoảnh khắc đầy tình người của những người lính Mỹ.
* Henri Cartier-Bresson, đồng nghiệp của ông ở hãng ảnh Magnum, nói về các tác phẩm của ông: "Kể từ thời Goya, chưa có ai khắc họa chiến tranh như Philip Jones Griffiths."
* Sau Cuộc chiến Việt Nam, Griffiths làm việc ở hơn 120 quốc gia trong đó có Grenada sau cuộc xâm lược của Mỹ năm 1983.
* Có phần trớ trêu, Griffiths sống hầu hết cuộc đời sau này ở Mỹ, tuy ông có quay lại London.
Katherine cho biết mặc dù cha bà đi khắp thế giới vì công việc, ông chưa bao giờ mất mối liên hệ với gốc gác của mình.
"Mặc dù tôi lớn lên ở London, ông đảm bảo là tôi và em gái tôi hè nào cũng về thăm xứ Wales và chơi với các anh chị em họ người xứ Wales," bà nói.
"Ông luôn đùa rằng ông là một người xứ Wales có một không hai vì ông không uống bia, không chơi rugby và cũng không hát."
Một thiếu niên Việt Nam bị một lính Mỹ thuộc sư đoàn 9 bắt ở ngoại ô Sài Gòn
Một xe chở xác ở Việt Nam năm 1967.
Ông muốn các tác phẩm của mình được giữa ở xứ Wales, và tư liệu của ông giờ đây được lưu trữ vĩnh viễn ở Thư viện Quốc gia xứ Wales, Aberystwyth.
William Troughton, người phụ trách triển lãm ảnh tại Thư viện Quốc gia, nói: "Philip Jones Griffiths không tự coi mình là một nhiếp ảnh gia chiến tranh truyền thống.
"Ông muốn cho thấy tác động và sự bất công của chiến tranh lên những người dân thường - cuốn sách 'Vietnam Inc.' của ông có tác động lớn và được coi là một tác phẩm kinh điển."
Lính Mỹ áp giải nhóm người bị bắt năm 1967
Randy Kennedy, trong bài viết tưởng niệm đăng trên tờ the New York Times, nói rằng các bức ảnh "gây ám ảnh" của Griffiths "giúp đảo ngược quan điểm của dân chúng thành phản đối chiến tranh".
Griffiths lập ra Philip Jones Griffiths Foundation để hỗ trợ các nhà báo nhiếp ảnh gia trẻ. Katherine và em bà, Fanny Ferrato, là quản trị viên.
"Ông ấy nói về điều kỳ diệu khi được đi khắp thế giới và nói điều ông muốn qua sức mạnh của cái hộp nhỏ diệu kỳ đeo quanh cổ," Katherine nói thêm.
Lính Mỹ đến gần một người nông dân năm 1967
"Và với chúng tôi ở quỹ từ thiện mà ông lập ra, mục tiêu của chúng tôi là khuyến khích và truyền cảm hứng cho người trẻ, nhất là người trẻ ở xứ Wales, rằng bạn có thể bước ra và bạn có thể giúp dừng một cuộc chiến.
"Tôi nghĩ đó là thông điệp vô cùng mạnh, và có lẽ là thông điệp để đời của ông."
Những người lính hứng nước mưa trong trận đánh Sài Gòn năm 1968
Sức mạnh của không quân Mỹ có vai trò gây tranh cãi trong cuộc chiến
Người tị nạn vượt qua chiếc cầu sập ở Huế trong Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu thân 1968, thời điểm mà quan điểm của công chúng Mỹ về cuộc chiến thay đổi.
Caleb Spencer
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.