Nhà văn George Orwell từng đưa ra lời tiên đoán rất nổi tiếng về tương lai (của một thế giới tồi tệ, tất nhiên), trong đó ông nói rằng nạn "suy nghĩ kép" (có hai suy nghĩ đối lập trong đầu cùng lúc) và "tân ngôn" (ngôn ngữ gây méo mó tư tưởng) lan tràn khắp nơi, còn mọi công dân đều bị theo dõi gắt gao.
Giờ đây, khi nhìn lại những điều đó, người ta không khỏi giật mình nhận thấy toàn bộ viễn kiến của ông mới thật kỳ lạ: trong thời đại Internet và siêu kết nối hiện nay thì tất cả những thứ mà ông từng đưa ra như điềm báo đều đã phát triển thành nghệ thuật, tinh tế tới độ thay vì bị áp đặt lên chúng ta, thì giờ đây chúng âm thầm chế ngự cuộc đời ta.
Theo tinh thần Orwell, tôi xin đưa ra "tân ngôn" của thời đại chúng ta, thế kỷ của "siêu", "ảo" và "hậu" cái này cái kia (có lẽ Orwell sẽ dở khóc dở cười trước ý tưởng về thứ gọi là "hậu sự thật"!), nơi mà cuộc đấu tranh giữa ý nghĩa chân - giả của mọi thứ đã dịch chuyển vào không gian mạng. Đó là cuộc cãi cọ, tranh luận dai dẳng giữa mọi người cho tới (không) hồi kết, cũng giống như sự đấu tranh của bản sắc con người chúng ta vậy.
Người ta thường nói khi ta đặt tên cho thứ gì đó nghĩa là ta bắt đầu hiểu nó.
Tôi không chắc điều này có còn đúng nữa không trong thế giới mạng, nơi mà ý nghĩa của những thứ ta đặt tên và sống chung (hay bị mắc kẹt trong đó) thì ngày càng trở nên vô cùng phức tạp.
1. Siêu vật thể - Hyperobject
Có lẽ là bắt đầu bằng những giới hạn tri thức của con người thì không phải là lựa chọn khôn ngoan cho lắm, nhưng trong thời hậu thiên niên kỷ, "hậu nhân" (xem thêm phần giải thích bên dưới) thì tính khiêm nhường có lẽ đã đứng đúng vị trí.
Từ "siêu vật thể" (hyperobject) do học giả Timothy Morton đặt ra, nhằm để chỉ những hiện tượng quá lớn và quá xa vời, vượt xa những gì con người từng biết đến, khiến họ không thể lý giải.
Ông lấy ví dụ là hiện tượng Trái Đất nóng lên (ông gọi là "tận thế"), một hiện tượng do loài người gây ra, nhưng con người ngày nay quá nhỏ nhoi mờ nhạt trước hiện tượng đó.
Nhưng từ này còn gợi lên những cách suy nghĩ khác: liệu hệ thống tài chính toàn cầu ngày nay có phải là một siêu vật thể không?
2. Giả danh – Catfishing
Từ này nghe có vẻ sẽ hợp lý hơn nếu được dùng để chỉ việc đi bắt cá cho mèo, nhưng trong thực tế nó lại dùng để chỉ những kẻ tạo ra danh tính ảo trên mạng.
Cho dù đó là vì chán chường, cô đơn hay có tà tâm thì những 'thân phận ảo' này cũng sẽ lôi kéo dụ dỗ người khác vào những cuộc chuyện trò qua tin nhắn, qua đó xây dựng tình cảm giả tạo với họ (nguồn gốc không rõ lắm của từ "catfish", tức là cá da trơn, là từ một phim tài liệu năm 2010 có tên "Catfish", mà hài hước thay là danh tính của phim cũng còn là một ẩn số).
Có hai cách để ta nhìn nhận điều này.
1. Internet/không gian ảo quả là một điều tuyệt vời, vì nó cho phép ta đánh bóng hình ảnh hoặc thậm chí thay đổi hoàn toàn bản thân, và điều này là sự khai mở tuyệt vời để chúng ta thể hiện mình - một bước tiến trong quá trình tiến hóa của loài người.
2. Không hẳn, đó là một tương lai lệch lạc, bởi về bản chất internet là một đấu trường tự do, và vì vậy cũng là một môi trường thiếu đạo đức (mọi người trong đó được hưởng quá nhiều 'tự do' nhưng không có nghĩa vụ xã hội); đó là một khu rừng hoang đã nơi ta phải luôn canh chừng sau lưng và vật lộn sinh tồn, và chắc chắn nó là một bước lùi trong quá trình tiến hóa.
Tôi thiên vào ý thứ hai hơn. Nếu một số người trong chúng ta trở thành "kẻ giả danh", giống như con cá da trơn (catfish) lẩn lút dưới đáy sông Mississippi, thì liệu tất cả chúng ta có đều trở nên thấp kém đi, trở thành những kẻ giả danh không?
3. Thức tỉnh – woke
Được hiểu theo nghĩa 'đánh thức năng lực tự nhận thức chính trị', với mong mỏi sẽ không sớm quay lại trạng thái lờ đờ gà gật trước đó. (Bạn có nhớ là các rapper từng đeo những chiếc đồng hồ báo thức cũ, rất to với dây xích trên cổ, loại đồng hồ sẽ khiến bạn bật dậy ngay lập tức).
Từ này xuất phát từ phong trào đòi quyền cho người da đen vào thập niên 1960-1970, tuy ca khúc "Master Teacher" của Erykah Badu (2008) được coi là nguồn gần đây và quan trọng nhất của từ này.
'Woke' xuất hiện trở lại lần thứ hai gần đây trên TV, với loạt phim truyền hình Atlanta của Donald Glover (mùa thứ nhất công chiếu năm 2016), và trong loạt phim "Dear White People" (Gửi người da trắng) năm 2017.
Đó là khi mà người Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ nhận ra rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chưa bao giờ biến mất mà chỉ được nguỵ trang dưới hình thức cảm thông và khoan dung.
Phong trào Black Lives Matters (Mạng người da đen là quan trọng) ở Mỹ đã thu hút được sự ủng hộ rộng khắp sau vụ thiếu niên 17 tuổi người Mỹ gốc Phi Trayvon Martin bị bắn hồi năm 2013.
Kể từ đó, "woke" đã nhanh chóng vượt lên dẫn đầu, qua mặt các phong trào dân quyền đứng thứ hai (LGBT) và thứ ba (nữ quyền), vốn cũng bị ru ngủ bởi ảo tưởng về lòng khoan dung.
Mục tiêu của "woke" là cần phải vượt qua cảm giác được khoan dung để trở thành được hoàn toàn chấp nhận và đón nhận.
4. Tân kỳ quặc - The new weird
Thể loại văn chương mới nổi này đưa ra những phỏng đoán về "hậu nhân" (post-human - một loài nào đó thay thế cho con người chúng ta hiện nay, một dạng người khác trong tương lai).
Loại hình văn chương này xóa nhòa đi những giới hạn, những quy ước truyền thống, gạt bỏ nhân loại và việc coi con người là trung tâm sang một bên, và đưa ra những câu hỏi không thể giải đáp nếu chỉ dựa vào những từ ngữ thông dụng (vì thế mà được gọi là "kỳ quặc").
Nó gắn với những tác giả như Jeff Vandermeer và M John Harrison trong thể loại tiểu thuyết, nhưng cách tiếp cận đã lan sang cả thể loại truyền hình (như trong phim Westworld hay loạt phim truyền hình đầy sáng tạo Fargo and Legion của Noah Hawley).
Phim Annihilation (Hủy diệt) của Vandermeer bị ảnh hưởng nặng nề bởi ý tưởng về hệ sinh thái được đưa ra trong thời gian gần đây, theo đó cho rằng nhân loại chỉ là một tiếng vang ngắn ngủi trong lịch sử địa chất: thậm chí ngay cả khi ta xét đến những thảm họa tiềm ẩn từ hiện tượng nóng ấm toàn cầu thì Trái Đất đã tồn tại từ lâu trước con người, và nó sẽ vẫn tồn tại rất lâu sau đó (hãy xem lại phần "siêu vật thể" ở trên).
Trong cuốn Light (Ánh sáng) ra năm 2002, tác giả Harrison tưởng tượng đến một vũ trụ nơi thân thể vật lý của loài người bị một loài sinh vật ngoài hành tinh chiếm dụng và sống cộng sinh trên đó, mà loài sinh vật đó thì mạnh mẽ, khôn ngoan tương đương, thậm chí còn hơn con người.
Westworld thì cho trí tuệ máy móc khả năng phản chủ và đưa ra những mệnh lệnh hoàn toàn vô nhân tính.
Cameron Laux
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.