Chiều nay khi bước
vào một quán ăn bên lề đường ở Sài Gòn, tôi cảm thấy lạc lõng khi
giữa một dãy bàn khoảng hơn chục cái, hơn hai mươi con người đang
ngồi, ăn và bấm điện thoại. Tất cả đều là điện thoại smartphone cảm
ứng. Khi phát minh ra điện thoại, con người muốn thế giới mà họ đang
sinh sống xóa bỏ khoảng cách địa lý để xích lại gần nhau hơn bằng
phương tiện và công nghệ. Thế nhưng ít ai ngờ rằng, giờ đây điện
thoại đang làm tốt chức năng của mình, đó là giúp mọi người cách ly
với xã hội nhiều hơn. Ở nơi tôi làm việc, cứ mỗi buổi trưa, các
nhóm người đứng chờ thang máy và bấm điện thoại, một khung cảnh
lạnh lùng. Vào khu nhà ăn, cũng từng ấy con người, vừa ăn vừa bấm
điện thoại, miệng vẫn trò chuyện nhưng mắt không dứt ra khỏi màn
hình. Và có một câu chuyện vui nho nhỏ là vừa rồi khi phòng Nhân sự
có làm một khảo sát nhỏ cho buổi tiệc tất niên, hơn 70% nhân viên
đã trả lời rằng họ mong muốn món quà tặng dịp tất niên là điện
thoại iPhone 6/iPhone 6 Plus.
Khi tôi hỏi một
đồng nghiệp, rằng tại sao anh ấy lại thích bấm điện thoại như vậy,
thì câu trả lời của anh là: thế giới với cái điện thoại thú vị và
dễ dàng hơn là cái thế giới thật bên ngoài. Phương, tên của anh đồng
nghiệp hằng ngày vẫn trầm lặng và ít nói, cho rằng anh thấy mình
khó hòa hợp với những đồng nghiệp khác. Phương không thích bia rượu như
thói quen của đàn ông Việt, cũng chẳng thích bài bạc cá độ, sở
thích duy nhất của anh là game.
Phương gần như dành trọn thời gian cho
máy tính và game vì công việc của anh cũng là một nhân viên IT. Phương
nói rằng, thế giới giữa người và người là mới là một thế giới
ảo, các giá trị đều ảo. Những người hằng ngày vẫn cười cười nói
nói, vẫn anh em thân thiết chẳng mấy chốc cũng đâm sau lưng nhau vì
danh lợi. Chính vì vậy mà Phương thấy tin tưởng hơn khi lúc nào cũng
ôm khư khư máy tính hay điện thoại.
Một người bạn
khác của tôi là nữ giới, cô cho rằng sở dĩ thích bấm điện thoại là
vì cô thích cập nhật Facebook. Khi smartphone ra đời, đồng thời thế hệ
mạng di động cũng tiến xa thêm nhiều bậc để gần như lúc nào con
người ta cũng có thể kết nối với toàn thế giới thông qua cái thiết
bị nho nhỏ là điện thoại di động. Yến, tên của cô bạn, thích kết
bạn qua Facebook và mua hàng online. Yến nói: “Nhiều lúc có những
khoảnh khắc khó xử như vào thang máy cùng với những người biết mặt
nhưng chẳng biết tên, chả biết chào hỏi thế nào thì cứ mang điện
thoại ra bấm bấm là ổn.”
Vấn đề nghiện
smartphone không phải chỉ diễn ra ở một quốc gia đang phát triển như
Việt Nam, vấn đề này còn là vấn nạn của người khổng lồ châu Á –
Nhật Bản. Là một quốc gia tiên tiến về công nghệ, Nhật Bản hàng năm
đưa ra vô số sản phẩm phục vụ cho đời sống con người, nhưng trớ trêu
là ngày càng có nhiều công dân Nhật, nhất là giới trẻ, đang lệ
thuộc quá nhiều vào công nghệ. Giờ cao điểm buổi tối ở phố Shibuya,
Tokyo, một người đàn ông phải hét lớn lên vì một thanh niên vừa đi
vừa mải mê bấm điện thoại nên đâm sầm vào ông. Đèn tín hiệu giao
thông ở Shibuya chuyển xanh, hàng trăm con người bước ầm ầm qua phố,
mắt không hề rời khỏi màn hình điện thoại. Họ mải mê với trò game
mới, hay đọc tin tức, hoặc đơn thuần chỉ là đang xem một video clip ca
nhạc mới của Ayumi Hamasaki. Hãng AFP cho rằng, số người nghiện điện
thoại di động gia tăng không chỉ ở Tokyo, mà còn ở cả các đại đô thị
khác trên toàn thế giới, trong đó có New York, London và Hong Kong. Mê sử
dụng điện thoại chiếm đến 41% trong các nguyên nhân của những vụ tai nạn liên
quan đến người đi bộ hoặc đạp xe. Nếu mọi người cứ xuống đường và dán mắt vào
điện thoại thì ngày càng nhiều tai nạn xảy ra.
Một bài báo gần
đây đang cảnh báo xu hướng nghiện điện thoại smartphone đang ngày càng gia
tăng trong giới trẻ châu Á. Theo kết quả nghiên cứu mới đây, người dân châu Á
có xu hướng "nghiện" sử dụng điện thoại thông minh cao gấp ba lần so
với các nước phương Tây. Singapore và Hong Kong hiện dẫn đầu khu vực châu Á -
Thái Bình Dương khi có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới.
Khoảng 87% người dân Singapore sở hữu điện thoại thông minh, cao hơn cả Mỹ
(65%). Người Singapore cũng bỏ ra trung bình 38 phút mỗi lần lên Facebook, gần
gấp đôi thời gian của người Mỹ. Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng nằm trong
nhóm những nước đứng đầu thế giới về thời gian dành cho các thiết bị công nghệ
như: TV, máy tính bảng, điện thoại di động… Trong đó, đứng đầu là người
Indonesia, tốn 540 phút mỗi ngày cho các thiết bị công nghệ. Con số này tại Việt
Nam là gần 400 phút, trong đó phần lớn thời gian người Việt Nam dành cho điện
thoại thông minh.
Các nhà khoa học
trên thế giới cũng đã phát hiện ra hội chứng mới, đó là hội chứng
nghiện điện thoại di động. Hội chứng này được gọi là nomophobia (viết tắt của
no-mobile-phone phobia, tạm dịch là nỗi ám ảnh vì không có điện thoại di động).
Các nhà tâm lý học cho rằng, hội chứng này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến
người trẻ tuổi. Triệu chứng của nomophobia bao gồm cảm giác lo sợ hoặc tuyệt vọng
khi bạn tách rời chiếc điện thoại, không thể tập trung vào các cuộc hội thoại
hoặc công việc mà liên tục kiểm tra thông báo mới trên điện thoại.
Để kết thúc bài
blog này, xin mượn một bài viết thú vị của một tác giả online để
thấy smartphone ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào:
Trí tưởng tượng của
một gã trai tơ đang yêu luôn bị triệt tiêu bởi sẽ được giải đáp sau cái SMS
quan tâm giả tạo “Em yêu đang làm gì thế?” Những sự quan tâm lớn lao đến người
mình yêu trong đó còn có cả mật khẩu mở điện thoại của họ. Những món quà tự tay
làm được thay thế bằng pin sạc dự phòng, vỏ iPhone, chiếc điện thoại đời mới…
Và vật kỷ niệm đó sẽ bị vứt bỏ khi có điện thoại mới. Các gã đàn ông nhác việc
nhà nhưng đều cực kỳ chăm chỉ việc dọn dẹp tin nhắn, lịch sử cuộc gọi trước khi
về tổ ấm.
Họ có thể lãng quên
nhiều thứ đáng quan tâm quanh cuộc sống, nhưng hiếm khi quên sạc điện thoại trước
khi ngủ. Trong đêm tối, các cặp vợ chồng đều chú tâm vào việc xoạc xoạc vuốt vuốt
điểm tin, like dạo cho đến khi ngủ gật hơn là xoa lưng nắm lấy tay người nằm
bên cạnh. Lúc trẻ nhỏ cần vui chơi với cha mẹ lại thường được bàn giao
ngay cho bà “bảo mẫu điện thoại” có cài đặt hàng trăm game. Điện thoại càng
thông minh thì đời tư lại càng dễ bị phơi bày. Họ có thể dễ dàng trao thân
nhưng đều lưỡng lự đổi điện thoại cho nhau dù chỉ vài phút. Hãy thử cất điện
thoại di động một ngày, bạn sẽ còn biết thêm nó đã từng lặng lẽ lấy đi của bạn
những gì.
Cao Huy Huân
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.