Để tưởng nhớ những đồng bào ta đã thiệt mạng trong cuộc chiến tháng Hai năm 1979.
Hầu như lần nào lên dạy ở Cao Bằng mình đều đến Tổng Chúp thắp hương cho 43 người dân bị bọn Tàu sát hại trong cuộc chiến tranh ăn cướp tháng Hai năm 1979.
Câu chuyện 43 người dân thường vô tội bị lũ sát nhân đập chết bằng gậy rồi hất xác xuống giếng ngay sát bờ sông từ lâu đã trở thành biểu tượng kinh hoàng cho tội ác trời không dung đất không tha của đội quân xâm lược đến từ phương Bắc thời hiện đại. Tội ác ấy không thể phôi pha trong tâm trí người dân Việt. Gác lại quá khứ chứ không thể quên quá khứ nhất là không thể đảo lộn trắng đen!
Vào cuối hè năm 2015, sau buổi dạy mình rủ học trò sang Tổng Chúp. Gọi là sang vì từ trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng xuôi một chút tới km5 rồi rẽ sang phải đi thêm một quãng đường nữa là đến Tổng Chúp. Quãng đường chừng 4 cây số, rất gần. Thế nhưng, thật là lạ khi mình nói chuyện này thì hầu hết các học viên trong lớp hầu như không biết. Không biết thì phải nói lại để cho các em biết.
Mình bảo các em cứ nhờ Google thì ra hết. Miệng nói tay làm mình vào mạng và “lôi” thông tin về vụ thảm sát này cho các trò cùng đọc lại. Rất nhiều nước mắt đã chảy! Mình bảo học trò: Nếu mở lại những trang sử cũ thì khắp một dải biên cương từ Quảng Ninh đến Điện Biên còn nhiều lắm những tội ác tày trời của quân xâm lược. Thời gian có thể xóa đi nhiều thứ nhưng tội ác man rợ đốt sạch, phá sạch, giết sạch, cướp sạch của lũ giặc hồi ấy thì không xóa được đâu. Có sức nước hoa thì nó vẫn tanh lợm mùi máu!
Nói với các em vài phút và thầy trò cùng đi.
Qua chợ, bảo trò chờ, mình vào mua lễ. Mình nhớ bố dặn từ hồi bé: Người chết họ biết tất cả con ạ, tâm thành là được lễ không cứ phải nhiều! Vâng, con vẫn nhớ lời bố dặn. Bó nhang thơm, chục tiền vàng, hoa trái bánh kẹo. Không quên mua một chiếc khay nhựa!
Tổng Chúp thì mình đền nhiều lần hồi còn ở lính nhưng gần đây quãng đường này nhà mọc lên san sát không còn nhận dạng được nữa. Phải hỏi thăm một chút và lối vào nơi chỗ chứng tích tội ác phải đi qua một gia đình người dân mới định cư!
Tấm bia đúc bằng xi măng được gắn khá vững chãi sát bụi tre ken dày. Bên dưới tấm bia là cái giếng cạn, nơi 43 người dân vô tội đã bị đập chết bằng búa, bằng gậy rồi bị hất xuống đây!
Mấy thầy trò lặng im bày lễ ngay trên thảm cỏ, tất cả lặng lẽ cúi đầu. Khói hương tỏa mùi thơm nhẹ. Vườn rậm rạp nên nắng lọt xuống cũng nhạt đi rất nhiều. Mình thầm khấn: Tôi ở xa về đây, có nén hương thơm tưởng nhớ những người lâm nạn năm xưa! Có trời cao đất dày làm chứng cho lòng thành của thầy trò. Dù ít được nhắc đến nhưng tin rằng hầu hết người Việt không ai quên tội ác man rợ của lũ cướp ngày, không ai quên nỗi oan khiên của các vị. Cầu cho linh hồn mọi người thảnh thơi phù hộ cho người dân nơi đây không bao giờ gặp phải oan khiên như thế!
Mấy thầy trò thu dọn lễ! Đốt bó vàng mã thầm gửi cho người ở cõi âm!
Quay lại nhà ông chủ khu vườn mình rút ít tiền và thưa rằng: Thầy trò không có nhiều, gửi gia chủ một chút gọi là có lời hàng tháng ngày một ngày rằm có nén hương nhớ những người xấu số!
Ông chủ nhà nước mắt ứa ra, chủ khách nắm tay nhau thật chặt, không ai nói thêm một lời.
Chưa bao giờ mình thấy tình đồng bào lại thiêng liêng đến thế!
Hè năm nay có thể lại lên Cao Bằng và lại về Tổng Chúp!
Chắc là thế.
Đặng Tiến
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.