Có bao giờ bạn cảm thấy buồn chán dù đang làm việc ở một vị trí rất tốt trong một công ty rất danh giá, nhiều người mơ ước?
Tại sao thời nay, việc đi làm lại khiến ta cảm thấy kém hài lòng đến vậy?
Phải chăng chúng ta đang sai lầm khi cố tìm hiểu 'tại sao' mình đi làm, thay vì thật ra là cần lý giải được việc mình đi làm 'như thế nào'?
Ở đầu Thế kỷ 21 này, có lẽ ít có thứ gì gây bất mãn cho chúng ta nhiều hơn so với việc đi làm.
Đó là những cuộc họp triền miên không dứt khiến ta thậm chí bắt đầu quên mất cả tên của mình. Đó là những email chán ngắt giống hệt với những email ta đã xoá đi ngày hôm qua, nay lại xuất hiện trong hộp thư. Ngày làm việc và mọi thứ liên quan đều diễn ra trong môi trường công sở có thiết kế mở, không chút riêng tư.
Tôi đã dành hai năm qua để nghiên cứu và viết một cuốn sách về việc cải thiện văn hoá làm việc trong thời hiện đại.
Những thách thức đối với nơi làm việc thời hiện đại đã vượt quá mức bình thường, trở thành điều trầm trọng.
Quỹ Sức khoẻ Tâm thần (The Mental Health Foundation) nói rằng 74% người Anh cảm thấy trong năm ngoái có lúc này lúc khác họ quá mệt mỏi do stress, mà công việc là nguyên nhân lớn nhất.
Điều này không gây ngạc nhiên gì.
Kể từ khi tất cả chúng ta bắt đầu kiểm tra được email trên điện thoại di động thì ngày làm việc trung bình đã dài thêm hai giờ đồng hồ.
Theo vài ước tính thì các nhân viên, những người được trông đợi là sẽ giữ liên lạc với đồng nghiệp, đang gắn mình với công sở tới trên 70 giờ một tuần.
Tâm trạng không hài lòng với công việc được nói tới nhiều, nhưng chúng ta cần hiểu rõ hơn nguồn gốc sâu xa gây ra tâm trạng đó
Phân nửa số người làm thêm vài giờ mỗi ngày nằm trong số những người bị stress ở mức độ cao nhất.
Khi 'vì sao' chưa phải là đã đủ
Đó là lý do vì sao những lời hô hào của Simon Sinek lại có vẻ ngày càng trở nên khó chịu đối với dân công sở.
Sinek nổi tiếng về sự kiên định với quan điểm cho rằng thế hệ thiên niên kỷ cần phải hiểu lý do 'vì sao' họ làm việc trước khi cam kết nhận làm việc đó.
"Các công ty vĩ đại không thuê người có kỹ năng rồi thúc đẩy họ, mà thuê những người đã có động cơ sẵn, rồi truyền cảm hứng cho họ," Sinek nói.
Việc truyền cảm hứng diễn ra bằng cách nói với nhân viên 'vì sao' họ làm công việc cụ thể nào đó. Nhưng rõ ràng là việc chỉ chú trọng duy nhất vào chuyện này lại đang tạo ra sự không hài lòng và bất mãn từ phía người lao động.
Các nhân viên thuộc mọi lứa tuổi đang phải đối diện với 'vấn đề của thế giới thứ nhất', đó là: "Vì sao tôi đang làm việc cho một tổ chức danh giá, có mục đích, tôn chỉ rõ ràng mà vẫn không cảm thấy hài lòng?"
Tình trạng nhân viên trên thực tế chuyển sang làm các nhiệm vụ có những khác biệt đáng kể so với những gì họ được hứa hẹn khi ứng tuyển xảy ra ngày càng phổ biến.
Vụ nhân viên Google đồng loạt bỏ công sở đi ra ngoài biểu tình trong năm 2018 để phản đối cách đối xử của hãng với các nhân viên nữ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình bất mãn dai dẳng của nhân viên đối với nơi làm việc, dẫu cho họ đã nhận được câu trả lời thoả đáng, đầy tự hào cho câu hỏi 'vì sao'.
Nhân viên Google tại văn phòng của hãng ở London bỏ ra ngoài hôm 1/11/2018
Rõ ràng là trong khi các CEO chú trọng vào việc đưa ra viễn kiến cao quý cho vấn đề 'vì sao', thì điều đó không ích gì đối với nhân viên, những người mệt mỏi với chỗ làm của mình.
Có lẽ đã tới lúc chúng ta phải thoát khỏi câu hỏi 'vì sao' để đi tìm lời đáp cho câu hỏi 'Làm thế nào để tôi cảm thấy hài lòng hơn, ít căng thẳng hơn trong công việc?'
Sức mạnh từ những thay đổi nho nhỏ
'Làm thế nào' để cải thiện văn hoá làm việc?
Rõ ràng là không phải nơi công sở chỗ nào cũng có một Steve Jobs để đưa ra viễn kiến mới mẻ hơn, hào nhoáng hơn về công việc, nhưng cá nhân mỗi chúng ta cũng có thể tạo ra những thay đổi đối với ngày làm việc của mình để bản thân mình cảm thấy bớt chán chường hơn.
Một khi người lao động chấp nhận rằng điều quan trọng là phải biết 'làm thế nào' thì nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy có thêm sinh khí do nhận thức được rằng ta có quyền đề xướng ra thay đổi.
Gánh nặng công việc lớn nhất đối với hầu hết chúng ta là những khoảng thời gian chết tiệt dành cho các cuộc họp hành. Có một cách đơn giản ta có thể làm là hãy giảm bớt phân nửa số người phải dự họp, và đó sẽ là điều khiến mọi người vui thích.
Giới hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư tại Bridgewater Associate nhận ra rằng việc có ít người trong các cuộc họp có vẻ như sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, giúp cải thiện chất lượng thảo luận tốt hơn.
Tất nhiên, cái khó ở đây là ai cũng nghĩ rằng những cuộc họp mà bản thân mình vắng mặt lại chính là lúc có nhiều thứ hay ho diễn ra. Để tránh suy nghĩ phiền toái này, họ đã ghi lại toàn bộ các cuộc họp - và kết quả là không có ai phàn nàn gì khi họ không được đưa vào danh sách dự họp.
Còn có những thứ khác nữa: các nhân viên ngày càng nhận thức được rõ ràng về kết quả nghiên cứu theo đó nói việc đạt được từ ba tới bốn lần nghỉ trưa đúng cách mỗi tuần sẽ giúp ra quyết định tốt hơn, giảm bớt cảm giác mệt mỏi ngày thứ Sáu mà nhiều người chúng ta gặp phải.
Xa hơn nữa, việc áp dụng văn hoá fika truyền thống của Thuỵ Điển, tức là việc các đồng nghiệp tụ tập uống cà phê, ăn bánh quy và trò chuyện thân tình, và việc đưa hoạt động tản bộ một chút với đồng nghiệp trong lúc uống cà phê thành thói quen hàng ngày dường như sẽ cho hiệu quả tích cực. Nó khiến chúng ta cảm thấy bớt chán ngán đám email và giúp thư thái đầu óc khi ta kết thúc ngày làm việc.
Trong thực tế, việc tản bộ thậm chí còn có thể mở rộng ra thành biến cuộc chuyện trò thành các cuộc họp thay vì phải ngồi xuống một chỗ mới họp được. Một nghiên cứu cho thấy việc tản bộ cải thiện khả năng suy nghĩ sáng tạo tới 81% trên số những người tham gia thử nghiệm.
Đưa một cuộc họp mới vào lịch biểu có vẻ như là chuyện kỳ dị khi mà chúng ta đang cố sắp xếp cho gọn gàng, ngăn nắp tuần làm việc của mình. Tuy nhiên, các cuộc gặp gỡ mang tính giao tiếp xã hội thì lại có sức mạnh tạo ra tiền bạc; nhiều công ty ở Anh đã từng nghĩ cách thay thế các cuộc họp truyền thống buồn tẻ bằng những hình thức khác, từ việc hoãn họp cho tới chuyển sang tụ tập ở một quán pub địa phương.
Margaret Heffernan, người từng năm lần làm CEO ở các công ty khác nhau, nói rằng việc bà đưa ra mô hình họp hàng tuần dưới hình thức tụ tập giao tiếp xã hội tại một trong các hãng đặt ở Mỹ mà bà từng điều hành là "sự chuyển đổi hoàn toàn" đối với văn hoá nơi làm việc.
Heffernan quan sát thấy việc khuyến khích các nhân viên bỏ thời gian giao tiếp với nhau trong ngày làm việc khiến họ nhiều khả năng sẽ hợp tác với nhau hơn.
Chốn công sở là nơi mà nhiều người đang mắc phải chứng phát ốm bệnh do luôn phải vội vã. Đây là hậu quả của những đòi hỏi gắt gao trong công việc thời hiện đại - và nó tác động ghê gớm, khiến nhân viên kiệt sức, nhất là với những ai còn non nớt.
Khi công việc là thứ kéo dài triền miên không dứt thì việc tập trung trả lời cho câu hỏi cao quý 'vì sao' chúng ta làm việc sẽ không hữu ích.
Có lẽ ngay vào lúc này, chúng ta cần phải quan tâm tới chuyện chúng ta làm việc 'như thế nào'.
Bruce Daisley
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.