Nổi tiếng là người đàn ông sống ẩn dật và bí mật, Nhậm Chính Phi dường như có niềm tin mãnh liệt rằng, doanh nghiệp mà ông dày công gây dựng trong 30 năm qua có thể đứng vững trước sự giám sát của các nước phương Tây.
"Hoa Kỳ sẽ không thể nào bóp nát chúng tôi", nhà sáng lập 74 tuổi của Huawei nói với tôi trong một căn phòng có bộ bàn ghế ăn được trang trí công phu theo hơi hướng Châu Âu.
Nhậm Chính Phi dường như không lo lắng gì khi bị cáo buộc là gián điệp và đánh cắp thông tin bí mật cả. Ngược lại, trước mặt tôi lúc này là một người đàn ông vô cùng hài hước, ông ấy cười đùa suốt buổi phỏng vấn.
Khi được hỏi liệu áp lực của Mỹ lên các đồng minh có thể loại bỏ Huawei ra khỏi thị trường phương Tây hay không, Nhậm Chính Phi nói Huawei có nhiều sự lựa chọn.
"Nếu đèn tắt ở phương Tây, thì ở phương Đông đèn vẫn sáng. Nếu miền Bắc tối đi, thì vẫn còn miền Nam. Hoa Kỳ không đại diện cho toàn thế giới. Hoa Kỳ chỉ đại diện cho một phần của thế giới mà thôi."
Ông Nhậm nói đúng, Hoa Kỳ chỉ chiếm một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh của Huawei mà thôi.
Nhưng các cáo buộc của Hoa Kỳ đã bắt đầu ảnh hưởng đến các thị trường quan trọng hơn của ông, như Châu Âu và Anh. Nhiều nước đã bày tỏ sự quan ngại đối với Huawei ở khu vực này.
Nhậm Chính Phi muốn cả thế giới tin rằng, công ty của ông vẫn có thể đứng vững trước áp lực của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, tâm trạng của Nhậm Chính Phi thay đổi khi tôi hỏi về mối quan hệ của ông với quân đội và chính phủ Trung cộng.
Trong tất cả các câu trả lời, ông ấy từ chối đề cập sâu đến vấn đề này, chỉ nói rằng đây không phải là sự thật mà đơn giản chỉ là những lời cáo buộc.
Ông Nhậm nhấn mạnh rằng, kết nối chính trị không phải là điều khiến Huawei thành công như ngày hôm nay.
Nhưng ông Nhậm không phủ nhận rằng, chính trị có liên quan đến vụ bắt giữ con gái ông, bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính của Huawei.
Từ trước đến nay, Nhậm Chính Phi vẫn tránh nói về động cơ vụ bắt giữ con gái ông, nhưng hôm nay ông đã nhắm thẳng vào Hoa Kỳ.
"Tôi phản đối những gì Hoa Kỳ đã làm", ông Nhậm nói.
"Động cơ chính trị này là không thể chấp nhận được. Hoa Kỳ luôn thích trừng phạt người khác, bất cứ khi nào có vấn đề họ cũng sẽ sử dụng cách này".
"Sự việc đã đến nước này, chúng tôi sẽ để tòa án giải quyết".
Chi bộ Đảng Cộng sản ở Huawei
Ông Nhậm Chính Phi xác nhận rằng có một chi bộ Đảng Cộng sản ở Huawei. Tuy nhiên, đây là điều mà tất cả các công ty - nhà nước hay nước ngoài - đều phải có để tuân thủ pháp luật khi hoạt động ở Trung cộng.
Nói về việc liệu các thiết bị Huawei có dễ bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp của Trung cộng hay không, Nhậm Chính Phi đưa ra quan điểm rất rõ ràng và thực tế.
Ông liên tục khẳng định rằng, chính phủ Trung cộng đã tuyên bố chính thức rằng họ không bao giờ yêu cầu các công ty lắp đặt thiết bị gián điệp. Tuy nhiên, trên thực tế sẽ không có luật nào ở Trung cộng bảo vệ ông trong trường hợp chính phủ bắt ông cung cấp quyền truy cập.
Đây sẽ là yếu tố quyết định để nhiều quốc gia cân nhắc xem có để Huawei tham gia vào mạng 5G hay không.
Các công ty Trung cộng như Huawei chỉ mới bắt đầu đe dọa sự thống trị của các doanh nghiệp phương Tây trong một thập niên qua.
Khi các công ty này xuất hiện, thế giới đã phải vật lộn với cách mà chúng vận hành.
Điều cốt lõi ở đây là nỗi sợ rằng các công ty này phục vụ cho lợi ích của Đảng Cộng sản.
Họ có thực sự làm thế hay không, có lẽ lại không phải là vấn đề cốt lõi.
Chỉ riêng quan điểm suy nghĩ là thế lại có thể quyết định Huawei còn thành công hay không trong tương lai.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.