Các hãng hoả xa Nhật Bản nhận ra rằng có vẻ như các cột đèn tỏa ra ánh sáng màu xanh da trời tại các ga tàu làm giảm tỷ lệ tự sát.
Nhưng kỹ thuật tác động tới hành vi này có thực sự hiệu quả? Và cơ chế hoạt động của nó là gì?
Năm 2013, một nghiên cứu khoa học sau được công bố đã nhanh chóng trở thành căn cứ cho hàng ngàn tin tức và các đoạn tin đăng trên mạng xã hội lan nhanh.
Ý kiến đưa ra thật vô cùng sửng sốt: đèn xanh ở các ga tàu đã giúp ngăn chặn những vụ tự tử tại đó. Các nhà khoa học thậm chí còn đưa ra con số thống kê các vụ tự tử giảm tới 84%.
Ý tưởng này ngay lập tức thu hút sự chú ý và tạo cảm hứng cho nhiều dự án tương tự ở các nước khác.
Tuy nhiên, cũng như nhiều câu chuyện khoa học thú vị mà phức tạp khác, một số chi tiết đã bị tam sao thất bản trong quá trình trao đi chuyển lại.
Mọi chuyện bắt đầu vào những năm cuối thập niên 2000, khi một số công ty đường sắt Nhật Bản lắp đặt cột đèn có ánh sáng xanh trên những sân ga.
Việc này nhằm nỗ lực ngăn chặn người dân tự sát ở những nơi như vậy - được gọi là kỹ thuật "cú hích". Đây là những kỹ thuật tác động tới hành vi ứng xử, và mặc dù có vẻ như khá trừu tượng nhưng chúng lại có mức độ ảnh hưởng lớn đáng ngạc nhiên.
Đèn xanh được lắp đặt tai toàn bộ 29 sân ga của tuyến tàu Tokyo Loop (Yamanote) Line hồi 2008
Theo một nghiên cứu, những người từng trải qua căng thẳng tâm lý đã trở lại trạng thái thư giãn nhanh hơn khi họ nằm trong phòng tắm dưới ánh đèn xanh.
Ý tưởng ở đây là ánh sáng xanh có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của con người.
Một nghiên cứu hồi năm 2017 đã ủng hộ ý tưởng trên: những người từng trải qua căng thẳng tâm lý đã nhanh chóng trở lại trạng thái thư giãn khi họ nằm trong phòng tắm có ánh đèn xanh.
Michiko Ueda tại Đại học Waseda đã nghe về thử nghiệm lắp đèn trên sân ga của các công ty đường sắt và được cho biết rằng ánh đèn xanh thực sự có tác dụng.
Ueda đã nghiên cứu một loạt các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tự tử của Nhật Bản - từ kinh tế đến thiên tai và thậm chí cả thảo luận về các vụ tự tử của những người nổi tiếng trên Twitter.
Nhưng bà nói rằng phản ứng đầu tiên của bà đối với tuyên bố của các công ty đường sắt là sự hoài nghi. "Tôi nghĩ rằng chúng tôi nên theo dõi cụ thể và tôi quyết định liên hệ với công ty đường sắt để hỏi xem liệu họ có thể cung cấp dữ liệu hay không," bà giải thích.
Sau khi phân tích dữ liệu của 10 năm về các vụ tự tử tại 71 ga tàu của Nhật Bản, Ueda và các đồng nghiệp thấy rằng quả là có một số bằng chứng cho thấy việc này có ảnh hưởng tới hành khách. Tỷ lệ tự tử đã giảm 84%, một con số đã được tường thuật rộng rãi ngay sau đó.
Thật không may, đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Khi các tường thuật về kết quả nghiên cứu được đăng tải, Masao Ichikawa tại Đại học Tsukuba đưa ra một cách đánh giá khác đối với dữ liệu. Ông chỉ ra rằng điều quan trọng là phải phân biệt giữa dữ liệu được thu thập ban ngày và ban đêm tại các sân ga ngoài trời. Vào ban ngày, ánh đèn có thể dễ dàng bị bỏ qua, hoặc thậm chí được tắt đi.
Ichikawa cũng xem xét kỹ lưỡng một phương pháp đo lường dựa trên xác suất thống kê gọi là hệ số "khoảng tin cậy". Các phân tích thống kê luôn hàm chứa sự không chắc chắn tiềm tàng đối với một kết quả cụ thể - chẳng hạn như mức độ ảnh hưởng đến đâu - và "khoảng tin cậy" thể hiện phạm vi khả năng xảy ra các giá trị đó.
Ichikawa nhận thấy rằng "khoảng tin cậy" theo bài báo của Ueda là quá lớn: từ 14% đến 97%.
"Về mặt thống kê, như vậy là rất không ổn định," ông nói. Điều này có nghĩa là hiệu quả thực tế có thể thấp đến mức chỉ giảm 14% thôi - 14% vẫn là một thay đổi đáng kể, nhưng không lớn như mức độ báo cáo của truyền thông (84%).
Ông hy vọng là nghiên cứu của chính mình, được công bố vào năm tiếp theo đó để phản hồi nghiên cứu của Ueda, sẽ đảm bảo rằng mọi người bắt đầu không nghĩ ánh đèn xanh là một biện pháp phòng ngừa diệu kỳ - rằng bằng cách nào đó chúng lại có tác dụng phi thường đối với những người đang muốn tự tử.
Việc thiết lập các rào chắn bảo vệ và cửa chắn an toàn dọc theo các rìa sân ga sẽ hữu ích hơn nhiều, Ichikawa nói. Ông thừa nhận rằng lắp đặt cửa có chi phí cao hơn nhiều so với làm đèn xanh. Song chi phí lắp đặt đèn có thể lại thành đắt đỏ khi hiệu quả của ánh sáng xanh hóa ra chỉ ở mức thấp tối thiểu.
Kể từ khi công bố kết quả nghiên cứu của mình, Ueda đã nhận được vô số các câu hỏi từ các công ty đường sắt trên khắp thế giới, bao gồm Thụy Sĩ, Bỉ và Vương quốc Anh.
"Thật tuyệt vời," bà nói. Đã có ít nhất hai ví dụ về việc lắp đặt đèn ánh sáng xanh ở Anh - một tại chỗ chắn tàu ở Scotland, và một ở ga tàu bên trong sân bay Gatwick.
Song Ueda không hề đề xuất các kế hoạch lắp đặt đèn xanh. "Bất cứ khi nào ai đó hỏi tôi rằng họ nên lắp đặt đèn xanh hay cửa bảo vệ, tôi sẽ trả lời ngay: Bạn nên làm cửa chắn an toàn," bà nói.
Trong khi biết chắc vấn đề chi phí liên quan đến cửa chắn an toàn, bà Ueda nhấn mạnh thêm rằng điều quan trọng là phải hiểu rõ rằng hiệu quả của ánh đèn xanh có thể mơ hồ hơn so với suy nghĩ của một số người - và chúng ta thực sự vẫn không biết chính xác mức độ ảnh hưởng của ánh đèn lớn tới đâu.
Ví dụ, có lẽ việc lắp đặt các cột đèn mới, tỏa sáng - bất kể màu gì - sẽ khiến mọi người trở nên tự ý thức cao hơn, dẫn đến thay đổi hành vi của mình, Ueda đưa ra ý kiến. Và có thể khi mới lắp đèn xanh cho thấy có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa tự tử, nhưng một thời gian sau thì lại không mấy tác dụng vì mọi người đã quen với ánh đèn xanh đó.
Ueda hiện đang tiến hành một nghiên cứu mới để đo lường tác động tâm lý của ánh đèn xanh, nhưng một nhóm nghiên cứu khác đã có kết quả trái ngược.
Nghiên cứu hồi 2017 nêu trên đã tin vào ý tưởng rằng ánh sáng màu xanh có thể làm trấn tĩnh tâm trí, nhưng Stephen Westland, một chuyên gia về màu sắc và thiết kế tại Đại học Leeds, nói rằng ánh sáng không có mấy ảnh hưởng đến một yếu tố quan trọng khác - yếu tố bốc đồng của con người.
Các thử nghiệm được thực hiện bởi một cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ của ông Westland tên là Nicolas Ciccone, đã phát hiện ra rằng, mặc dù những người tham gia xác nhận họ ít nhiều đều cảm nhận sự hưng phấn tâm lý tùy thuộc vào màu sắc của ánh sáng được chiếu vào căn phòng mà họ đang ở, song các thiết bị đo năng lực hành vi và biến động thần kinh không cho thấy có mức độ ảnh hưởng sâu.
Một thí nghiệm liên quan đến việc đánh giá hành vi chấp nhận rủi ro bằng cách yêu cầu người tham gia nhấn nút bơm bóng bay ảo. Họ được hứa thưởng một khoản tiền mặt nếu họ có thể không làm vỡ quả bóng bay.
"Mỗi lần nhấn nút bơm sẽ mang lại rủi ro bóng vỡ lớn hơn, nhưng cũng đồng thời phần thưởng tiềm năng cũng nhiều hơn," kết quả nghiên cứu ghi nhận.
"Chúng tôi đã thực sự không tìm ra được bất kỳ bằng chứng nào để tôi có thể tự tin đặt tay lên trái tim mình và xác nhận rằng ánh sáng xanh hoặc ánh sáng đỏ khiến bạn trở nên bốc đồng hơn," Westland giải thích.
Và mặc dù liệu pháp ánh sáng được đưa ra như một phác đồ điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD), nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là những thay đổi tâm trạng theo màu sắc này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý muốn tự tử.
"Thực ra là không hề có sự liên hệ nào với bất kỳ hành động mà bạn có thể thực hiện," ông nói.
Tất cả những điều này không phải để dập tắt niềm hy vọng tìm ra các cách giải quyết sáng tạo nhằm đối phó với nạn tự tử ở Nhật Bản. Xét cho cùng, quốc gia này nằm trong top 20 trên thế giới về tỷ lệ tự tử - một vấn đề mà nhiều người ở nước này đang phải thực sự đấu tranh, cố gắng khắc phục.
Tổng số vụ tự tử đã giảm trong những năm gần đây, từ 34.500 vụ năm 2003 xuống còn khoảng 21.000 vụ vào năm 2017, nhưng con số tự tử lại đang gia tăng trong giới trẻ.
"Thật là khó để diễn đạt thành lời, sự việc rất đáng buồn," ông Ichikawa nói.
Ánh sáng màu xanh có thể có chút ảnh hưởng tích cực đối với những người có ý định tự tử, nhưng cho đến nay, khoa học thực sự chưa tìm thấy kết quả thuyết phục. Như chính Ueda đã nói, "Tôi thực sự không muốn mọi người nghĩ rằng ánh đèn xanh là giải pháp."
"Nhấn mạnh lại lần nữa, mọi người nên sử dụng nhiều biện pháp, và lắp đặt cửa chắn an toàn tại sân ga là một biện pháp hiệu quả nhất."
Chris Baraniuk
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.