Hà Nội từng chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump, 12/11/2017
Khi Singapore đóng vai trò chủ nhà của cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6/2018, các doanh nhân ở đất nước nhỏ bằng một thành phố đã kiếm tiền từ hàng lưu niệm theo chủ đề thượng đỉnh và các sự kiện bên lề. Khoảng 2.500 nhà báo đã tới Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long được dẫn lời nói rằng cuộc gặp thượng đỉnh sẽ củng cố hình ảnh của đất nước ông ở nước ngoài.
Giờ đây, Việt Nam, với tư cách chủ nhà của cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Trump lần thứ hai dự kiến diễn ra trong hai ngày 27-28/2, có thể sẽ còn được hưởng nhiều hơn nữa, theo các chuyên gia am hiểu Việt Nam.
Cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội sẽ tạo uy tín, giúp cho Việt Nam tạo được sự tôn trọng của cả các nước dân chủ lẫn các nước cộng sản, và điều này sẽ có lợi cho chính sách đối ngoại đa phương cũng như uy tín của Việt Nam trong tư cách một quốc gia đáng được chọn để kinh doanh, kể cả tổ chức các sự kiện quốc tế lớn.
Giáo sư Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales ở Úc, nhận định "Tất cả các bên liên quan, Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung cộng và Hàn Quốc, đều tin tưởng Việt Nam là một chủ nhà trung lập".
Trung cộng hậu thuẫn Triều Tiên, trong khi chính phủ Hoa Kỳ lo ngại Triều Tiên đang phát triển vũ khí hạt nhân.
"Thành công của Việt Nam sẽ tái khẳng định tính đúng đắn của chính sách đối ngoại của nước này, là đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại và là người bạn đáng tin cậy đối với tất cả các nước", ông Thayer nói. "Việt Nam hưởng lợi từ công cụ đòn bẩy mà họ có được khi họ làm chủ nhà cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ nhì", theo vị giáo sư.
Ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế hàng đầu chuyên trách châu Á-Thái Bình Dương thuộc công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, nhận xét rằng: "Mối quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ chắc chắn sẽ là một nét chính của cuộc gặp lần này".
Ông nói thêm: "Mặc dù rõ ràng đó là cuộc gặp giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên, song tôi nghĩ rằng bối cảnh Tổng thống Trump đến thăm Việt Nam cũng rất tích cực đối với Việt Nam. Nó mang đến cơ hội đối thoại song phương".
Quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam đang "chuyển lên một tầm cao mới", ông nói, ông còn cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh này "nêu bật" xu hướng đó.
Theo các nhà phân tích, cuộc gặp thượng đỉnh sẽ bổ sung vào danh sách các sự kiện quốc tế lớn diễn ra tại Việt Nam. Ông Thayer nói các nước ở châu Á "biết rằng Việt Nam có khả năng bảo đảm an ninh, cung cấp nơi ăn nghỉ tuyệt vời, và kinh nghiệm ngoại giao chuyên nghiệp để quản lý một cuộc gặp thượng đỉnh cấp cao".
"Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam chưa thực sự tự tin trên trường quốc tế", ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, nói. "Đây là cơ hội để họ làm quen với việc được nhiều sự chú ý của thế giới", theo lời ông Trung.
Việt Nam, vốn đã được hai bên của cuộc gặp thượng đỉnh tin tưởng, sẽ chính thức được ghi nhận trong tháng này về những đóng góp cho nỗ lực vì hòa bình khu vực, nếu hai bên tham gia cuộc gặp thượng đỉnh đạt được tiến bộ trong việc xử lý vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, ông Frederick Burke, cổ đông công ty luật Baker McKenzie ở Tp.HCM, nói.
"Tầm vóc của Việt Nam trước mắt cộng đồng quốc tế không chỉ là một thành viên có trách nhiệm mà thực sự là một nước có vai trò lãnh đạo, bước lên nấc thang cao nhất trong quan hệ quốc tế và giải quyết các vấn đề quốc tế", ông Burke nói.
Giống như các chính phủ Đông Nam Á khác, Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng để hưởng lợi ích kinh tế và an ninh từ cả Trung cộng lẫn các cường quốc phương Tây.
Ralph Jennings
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.