Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc Thông điệp Liên bang 2019 vào tối thứ Ba ngày 5/2/2019
Mỗi thông điệp liên bang là một nỗ lực để thiết lập tầm nhìn cho nhiệm kỳ của của một vị tổng thống, bao gồm các mục tiêu, kế hoạch và lời hứa của chính quyền.
Với vị thế là siêu cường số một thế giới, Thông điệp liên bang của Tổng thống Hoa Kỳ không chỉ được dân Mỹ nôn nóng đón nghe, mà còn thu hút sự chú ý của toàn cầu.
Thông điệp liên bang hôm thứ Ba (5/2) của Tổng thống Donald Trump được đánh giá cao với nội dung bao phủ nhiều vấn đề nghị sự, những con số ấn tượng và lý lẽ thuyết phục.
Thông điệp liên bang hay nhất từ khi lập quốc
Theo tờ Gazette, bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thứ Ba có thể là một trong những thông điệp liên bang hay nhất nước Mỹ từ trước đến nay.
Bài phát biểu trở thành một sự kiện đáng nhớ khi khán giả hát một cách tự nhiên để chúc mừng sinh nhật một người sống sót 81 tuổi của nạn thảm sát người Do Thái Holocaust.
Nếu như vậy còn chưa đủ, ông Trump đã sử dụng bài phát biểu để hợp nhất Joshua Kaufman, một người sống sót của Trại tập trung Dachau và Herman Zeitchick, một người lính Mỹ trong Thế chiến II đã giúp cứu tù nhân Dachau.
“Ít nhất trong một đêm, ông Trump đã minh họa cách những người Cộng hòa có thể và nên nói chuyện với công chúng. Ông đã nói về các chính sách kinh tế để giúp cải thiện cuộc sống của phụ nữ, dân tộc thiểu số, trẻ em, bệnh nhân AIDS và nhiều hơn nữa. Ông nói về sự cần thiết phải giảm giá chăm sóc sức khỏe với sự cạnh tranh nhiều hơn giữa các công ty bảo hiểm y tế, bệnh viện và công ty dược phẩm”, tờ Gazette nhận xét.
“Không có lực lượng nào trong lịch sử đã làm nhiều hơn để thúc đẩy tình trạng của con người hơn là tự do của người Mỹ”, ông Trump nói, và yêu cầu người Mỹ tận dụng truyền thống đó.
“Quyết định là của chúng ta. Chúng ta phải lựa chọn giữa sự vĩ đại hoặc sự bế tắc, kết quả hoặc sự phản kháng, tầm nhìn hoặc sự báo thù, sự tiến bộ đáng kinh ngạc hoặc sự hủy diệt vô nghĩa. Tối nay, tôi yêu cầu bạn chọn sự vĩ đại”.
Ông Trump đã nói về vấn đề nhập cư theo cách mềm mỏng hơn khi nhắc đến nhu cầu về một hàng rào thép thông minh, chiến lược, nhìn xuyên qua thay vì bức tường bê tông đơn giản mà ông đã nói trước đây.
“Người nhập cư hợp pháp đã làm giàu cho quốc gia của chúng ta và củng cố xã hội của chúng ta theo vô số cách”, ông Trump nói. “Tôi muốn mọi người đến nước ta với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, nhưng họ phải đến một cách hợp pháp”.
Mặc dù hơi ít về các đề xuất lập pháp cụ thể, ông Trump đã công bố mục tiêu ngân sách để loại trừ dịch HIV trong vòng 10 năm.
Tổng thống nhấn mạnh các chỉ số kinh tế đang cải thiện cuộc sống của người Mỹ: 5,3 triệu việc làm mới, 600.000 công việc sản xuất trong 3 năm qua; tăng lương; thất nghiệp ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ; tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử đối với người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Á và người Mỹ khuyết tật.
Bài phát biểu cho thấy đảng Dân chủ lúng túng không biết phải làm gì với thông điệp tích cực và niềm tin tích cực mà ông Trump mang lại.
Thượng nghị sĩ tự xưng là xã hội Dân chủ, Bernie Sanders, tỏ ra bối rối khi ông Trump thề rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa như Venezuela. Nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez của đảng Dân chủ được trông thấy thì thầm để tìm kiếm lời khuyên về việc liệu bà có nên đứng lên hoan nghênh một số tuyên bố.
Bài phát biểu sau một tuần đặc biệt tồi tệ đối với Đảng Dân chủ. Bị chỉ trích bởi các cáo buộc phân biệt chủng tộc và hiếp dâm ở Virginia, đảng này cũng đã dành cả tuần trước để trả lời về các chính sách phá thai muộn quá cực đoan đối với hầu hết những người Mỹ ủng hộ ôn hòa.
“Tôi đang yêu cầu Nghị viện thông qua luật cấm cấm phá thai muộn những đứa trẻ có thể cảm thấy đau đớn trong bụng mẹ”, ông Trump nói. “Chúng ta hãy làm việc cùng nhau để xây dựng một nền văn hóa trân trọng những mạng sống vô tội”.
“Người Mỹ đã nhìn thấy một Tổng thống Trump vào thứ Ba, với một thông điệp liên bang có thể xếp hạng cao nhất trong lịch sử. Các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa nên hy vọng tổng thống duy trì và xây dựng dựa trên phong thái đầy yêu thương và thống nhất này”, tờ Gazette kết luận.
Sẽ thay đổi quỹ đạo của lịch sử
Thỉnh thoảng trên thế giới xuất hiện một bài phát biểu rất hiệu quả và mạnh mẽ, nó thay đổi quỹ đạo của lịch sử. Bài phát biểu thông điệp liên bang 2019 của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thuộc loại đó, theo ông Newt Gingrich, Chủ tịch Hạ viện Mỹ từ 1995-1999.
Để thấy rõ bài phát biểu có sức lay động thế nào, bạn cần xem video. Vì việc đọc nó chỉ giúp bạn cảm thụ được 10% sức mạnh, theo ông Gingrich, do không thấy được sự tương tác của tổng thống với các thành viên Nghị viện và khán giả trong hội trường.
Cảm xúc bài phát biểu đêm thứ Ba mang lại cũng giống như những gì Tổng thống Reagan từng đạt được trong các bài phát biểu của ông trước Nghị viện, theo Gingrich.
Tổng thống đã bị gián đoạn 98 lần với những tràng pháo tay. Cả hai đảng Dân chủ cánh tả và Cộng hòa của Tổng thống Trump đều chưa bao giờ đứng lên và vỗ tay hết lần này đến lần khác như vậy.
“Là một cựu Chủ tịch Hạ viện, người đã phải đứng lên và tán thưởng Tổng thống Bill Clinton khi ông nói ‘Thời đại của chính phủ lớn đã kết thúc’, tôi biết chính xác những gì đã diễn ra trong tâm trí của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, ông Gingrich viết.
Bà Pelosi phải ngồi cố tỏ ra đồng cảm trong khi đối thủ lớn của bà có bữa tiệc của riêng mình với những tràng pháo tay nhiệt tình từ phía khán giả. Bà phải lắng nghe một cách lịch sự với người bà tấn công gần như hàng ngày.
Không chỉ vậy, bà Pelosi còn phải liên tục vỗ tay tán thưởng đối thủ của mình, vì ngay cả những thành viên cực đoan nhất trong đảng của bà cũng đứng dậy và vỗ tay.
“Bài phát biểu thông điệp liên bang hay nhất trong đời tôi được gửi bởi @POTUS (Tổng thống Mỹ) giỏi nhất kể từ George Washington (Tổng thống lập quốc) và nó vẫn chưa kết thúc! Chúa phù hộ @realDonaldTrump!”, Jerry Lamon Falwell Jr., Chủ tịch của Đại học Liberty ở Lynchburg, Virginia, viết trên Twitter.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chủ trì một cuộc họp báo sau khi Tổng thống Trump đồng ý chấm dứt chính phủ đóng cửa một phần dài nhất vào ngày 25/1.
Đó không chỉ là ý kiến riêng của Falwell hay Gingrich. Một cuộc thăm dò của CBS News trên những người theo dõi bài phát biểu cho thấy 76 phần trăm tán thành và chỉ có 24 phần trăm không tán thành.
Tất nhiên, có một sự thiên vị trong những người theo dõi bài phát biểu. Những người Cộng hòa thích theo dõi một tổng thống Cộng hòa. Nhiều đảng viên Dân chủ sẽ xem một tổng thống Dân chủ.
Tuy nhiên, CBS đã tìm thấy sự tán thành rộng rãi với thông điệp liên bang của ông Trump. Trong số những người độc lập, 82 phần trăm tán thành. Đảng Dân chủ có 30% tán thành, trong khi đảng Cộng hòa tán thành 97%.
Bài phát biểu của ông Trump được biên soạn để hướng tới sự thống nhất và lưỡng đảng – và 56 phần trăm người xem nghĩ rằng nó sẽ làm được nhiều hơn để hợp nhất đất nước.
Cuộc thăm dò của CBS còn cho thấy nhiều phản ứng tích cực về quan điểm chính sách của ông Trump trong các vấn đề nghị sự được đưa ra.
Về vấn đề nhập cư, những người theo dõi bài phát biểu đã đồng ý với ông Trump từ 72% (đảng Cộng hòa) đến 28% (đảng Dân chủ).
Về quân đội Mỹ và chiến lược Trung Đông, những người theo dõi bài phát biểu đã đồng ý với ông Trump từ 74% đến 26%.
71 phần trăm những người theo dõi bài phát biểu đã đồng ý với tổng thống rằng có một cuộc khủng hoảng ở biên giới phía Nam.
Khi tổng thống giải thích về cuộc gặp thứ hai sắp tới với Kim Jong Un, 78% những người theo dõi nghĩ rằng đó là một ý tưởng tốt. Thậm chí 43 phần trăm đảng Dân chủ thích ý tưởng của cuộc họp.
Bà Pelosi đã phải liên tục vỗ tay tán thưởng đổi thủ của mình.
“Đây là một bài phát biểu đã thay đổi quỹ đạo của lịch sử. Bây giờ, chúng ta sẽ xem liệu Tổng thống và Nghị viện có thể xây dựng trên quỹ đạo mới, đó là chọn sự vĩ đại, tập trung vào quốc gia và tìm cách thỏa hiệp để cải thiện đất nước chúng ta và tất cả người Mỹ hay không”, cựu Chủ tịch Hạ viện Gingrich nói.
Người Mỹ sẽ chứng kiến điều gì?
Bài diễn văn của Tổng thống Trump bao phủ nhiều vấn đề nghị sự, từ an ninh biên giới đến chính sách kinh tế, thương mại, chống phá thai và luật ân xá cho các tù nhân phi bạo lực…
Tất cả những vấn đề này đều cho thấy một Donald Trump tổng thống và Donald Trump ứng cử viên tổng thống là khá gần nhau, và đều mong muốn mang lại điều tốt đẹp nhất cho người dân Mỹ.
Trong khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi từng gọi nỗ lực xây dựng bức tường biên giới của Tổng thống Trump là “phi đạo đức”, thì Tổng thống Trump khẳng định: “Khoan dung cho nhập cư bất hợp pháp không phải là từ bi, nó thực sự rất tàn nhẫn”.
Theo tờ Heritage, ông Trump đã đúng khi nói đây là vấn đề đạo đức của giới chính trị Mỹ, và rằng tình trạng vô luật pháp ở biên giới phía Nam là mối đe dọa đối với sự an toàn, an ninh và tài chính của tất cả người Mỹ.
“Bằng chứng là các số liệu thống kê nghiệt ngã về tội ác của người nhập cư bất hợp pháp. Chỉ trong hai năm qua, các sĩ quan ICE [Cơ quan Quản lý nhập cảnh và hải quan Mỹ ] đã thực hiện 266.000 vụ bắt người nhập cư trái phép phạm tội, bao gồm cả những người bị buộc tội hoặc kết án trong gần 100.000 vụ tấn công. 30.000 tội phạm tình dục, và 4000 vụ giết người”.
Một đoạn bức tường đang xây dựng dở giữa Mỹ và Mexico.
Trong đêm thứ Ba, Tổng thống Donald Trump kêu gọi nước Mỹ cùng nhau xây dựng một nền văn hóa trân trọng mạng sống vô tội, và yêu cầu Nghị viện thông qua Đạo luật bảo vệ trẻ em có khả năng chịu đau đớn, nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi những vụ phá thai muộn.
Văn phòng Ngân sách phi đảng phái của Nghị viện ước tính việc thông qua dự luật này có khả năng cứu 10.000 người mỗi năm. Hoa Kỳ là một trong bảy quốc gia trên thế giới cho phép phá thai tự chọn trong 20 tuần (5 tháng). Tại thời điểm đó, bằng chứng khoa học cho thấy em bé có khả năng cảm thấy đau đớn khi thực hiện thủ thuật phá thai.
Ở cấp tiểu bang, hơn một chục tiểu bang trên cả nước đã ban hành các dự luật 20 tuần. Người Mỹ ủng hộ các hạn chế phá thai đáng kể bằng một mức chênh lệch lớn, bất kể liên kết đảng. Trên thực tế, 75 phần trăm người Mỹ ủng hộ việc hạn chế phá thai, nhiều nhất là trong 3 tháng đầu.
“Nghị viện cần đảm bảo rằng chính sách công tôn trọng quyền của những người dễ bị tổn thương và vô tội nhất trong số chúng ta. Thông qua luật để bảo vệ những đứa trẻ chưa sinh có khả năng cảm thấy đau đớn sẽ là một bước có ý nghĩa đối với mục tiêu đó”, Heritage nhận định.
Những chính sách đối ngoại
Có thể thấy, Trung cộng đóng vai trò khá quan trọng trong các chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump.
Đầu tiên là vấn đề thương mại. “Chúng ta hiện đang nói rõ với Trung cộng rằng sau nhiều năm nhắm vào các ngành công nghiệp của chúng ta và đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta, hành vi trộm cắp công việc và sự thịnh vượng của Hoa Kỳ phải chấm dứt”, ông Trump nói. Ông cho biết mong muốn đạt được thỏa thuận với người đồng cấp Tập Cận Bình, nhưng nói rõ Trung cộng phải “thay đổi thực sự, về cấu trúc”.
Thứ hai, việc rút khỏi Hiệp ước tên lửa hạt nhân tầm trung (INF) với Nga có cũng bao hàm mục tiêu đối phó với Trung cộng. “Trong hiệp ước đó chúng ta đã đồng ý hạn chế và giảm khả năng tên lửa của chúng ta”, ông Trump nói. Nhưng trong khi đó Trung Cộng lại được tự do phát triển tên lửa vì không bị ràng buộc bởi hiệp ước nào.
Vì vậy, “chúng ta thực sự không có sự lựa chọn. Có lẽ chúng ta có thể đàm phán một thỏa thuận khác, bổ sung [thêm việc đàm phán] với Trung cộng và các nước khác, hoặc có lẽ chúng ta không thể, trong trường hợp đó, chúng ta sẽ đầu tư và đổi mới để vượt qua tất cả”, ông Trump nói.
Iran cũng là nước “được” Tổng thống Trump chú ý. “Chính quyền của tôi đã hành động dứt khoát để đối đầu với nhà tài trợ khủng bố nhà nước hàng đầu thế giới, chế độ cực đoan ở Iran. Đó là một chế độ cực đoan. Họ làm điều xấu, điều xấu. Để đảm bảo chế độ độc tài tham nhũng này không bao giờ có được vũ khí hạt nhân, tôi đã rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran tồi tệ”, Tổng thống Trump tuyên bố.
“Chúng ta không bao giờ được bỏ qua chất độc ghê tởm của chủ nghĩa bài Do Thái, hoặc những người truyền bá tín ngưỡng độc hại của nó. Một lời thôi, chúng ta phải đối đầu với sự thù hận này ở bất cứ đâu và ở mọi nơi nó xuất hiện”.
Với Triều Tiên, ông Trump tỏ rõ bản lĩnh của một vị tổng thống tỷ phú. Ông biết nói những lời dễ chịu để khuyến khích Kim Jong Un lùi bước trong cuộc gặp sắp tới. Dẫu ông thừa hiểu rằng phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên là vô cùng cam go và rằng Kim Jong Un sẽ đi những nước cờ rất khó chịu với “lá bài Tập Cận Bình”. Biết rất khó có thắng lợi cuối cùng, nhưng ông Trump rất biết ứng trước một phần thắng lợi để ăn mừng. Một mặt là nâng cao uy thế chính mình. Mặt khác là đòn tâm lý khuyến khích ông Kim.
Có thể thấy, trong quan hệ đối ngoại, ông Trump rất cứng rắn trong chính sách, nhưng lại có đường lui trong quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo trên thế giới. Ông luôn đề cao vai trò quan hệ cá nhân qua những câu từ dễ chịu, dù đó là Kim Jong Un, Putin hay Tập Cận Bình. Điều này giúp khả năng đàm phán của chính quyền ông với các nước được cải thiện.
Phần quan trọng khác về đối ngoại, Tổng thống Trump dành cho sự vượt trội của sức mạnh Mỹ: “Quân đội của chúng ta là mạnh nhất trên Trái đất”. Sức mạnh quân đội Mỹ nhắm vào hai đối thủ kình địch nhất là Nga và Trung cộng. Với Nga là sự vượt trội về quân sự. Với Trung cộng là những đòn cản ngăn tham vọng bành trướng của Trung cộng về kinh tế, công nghệ và quốc phòng. Tổng thống Trump dành những lời răn đe cứng rắn cho Trung cộng vì ăn cắp công nghệ và bất công thương mại, nhưng lại có lời xoa dịu cho cá nhân ông Tập Cận Bình.
Tổng thống Trump cũng cho thấy những mục tiêu của ông đối với cuộc chiến ở Afghanistan và Syria. “Các quốc gia vĩ đại không chiến đấu với những cuộc chiến không có hồi kết”, ông Trump nói về cuộc chiến đã kéo dài 19 năm ở Afghanistan. “Ở Afghanistan, chính quyền của tôi đang tổ chức các cuộc đàm phán mang tính xây dựng với một số nhóm ở Afghanistan, bao gồm cả Taliban. Khi chúng tôi đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán này, chúng tôi sẽ có thể giảm sự hiện diện của quân đội và tập trung vào việc chống khủng bố”.
Venezuela một quốc gia từng rất thịnh vượng nhưng dưới thời Maduro đã lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nhiều người dân phải bới rác tìm đồ ăn để tồn tại.
Trong thông điệp liên bang, Tổng thống Trump cam kết ủng hộ người dân Venezuela trong cuộc chiến chống độc tài, và quyết tâm không để Mỹ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa.
“Chúng tôi sát cánh cùng với người dân Venezuela trong hành trình tìm kiếm tự do cao cả của họ, và chúng tôi lên án sự tàn bạo của chế độ Maduro, chế độ xã hội chủ nghĩa đã biến quốc gia đó từ một nước giàu có nhất ở Nam Mỹ thành một quốc gia đói nghèo và tuyệt vọng”, ông Trump nói.
“Ở đây, tại Hoa Kỳ, chúng ta bị rúng động trước những lời kêu gọi mới về việc áp dụng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nước Mỹ được thành lập dựa trên tự do và độc lập, [đó] không phải sự ép buộc, thống trị và kiểm soát của chính phủ. Chúng ta được sinh ra trong tự do, và chúng ta sẽ sống với tự do. Tối nay, chúng tôi lặp lại một quyết tâm rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ là một quốc gia xã hội chủ nghĩa”.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Gingrich cho rằng: “Đây là một bài phát biểu sẽ thay đổi quỹ đạo của lịch sử. Bây giờ, chúng ta sẽ xem liệu Tổng thống và Nghị viện có thể xây dựng trên quỹ đạo mới, đó là chọn sự vĩ đại, tập trung vào quốc gia và tìm cách thỏa hiệp để cải thiện đất nước chúng ta và tất cả người Mỹ hay không”.
Mỹ Khánh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.