Tin giả không phải mới chỉ bắt đầu có từ kỷ nguyên Trump.
Mr Jones, bộ phim đặt trong bối cảnh 1933, kể về một phóng viên người xứ Wales, người đã phơi bày Holodomor, tức nạn đói ở Liên Xô thời 1932-33 do hậu quả của chính sách nông nghiệp của Stalin, khiến cho tới 10 triệu người chết.
Jones bị những người muốn bưng bít chuyện này cáo buộc là dối trá, nhưng về sau, ông đã gây ảnh hưởng tới cuốn tiểu thuyết Trại Súc vật của George Orwell cùng nhiều câu viết nổi tiếng trong tác phẩm này - "mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có một số con vật được bình đẳng hơn những con khác".
Diễn viên James Norton của series truyền hình đầy kịch tính về tội phạm McMafia đã diễn cực tốt vai Gareth Jones, một người từ vùng Barry ở miền nam xứ Wales, tốt nghiệp đại học Cambridge và nói thạo tiếng Nga.
Jones là một phóng viên may mắn - anh trở nên nổi danh sau khi ngồi chung máy bay với Adolf Hitler và có được một cuộc phỏng vấn độc quyền.
Trong bộ phim của đạo diễn Agnieszka Holland người Ba Lan, Jones tới Moscow nhằm tìm cách phỏng vấn Joseph Stalin, nhưng sự nhạy bén nghề báo khiến anh tới Ukraine, nơi các phóng viên bị cấm tới.
"Nơi nơi vang lên tiếng kêu khóc, không có bánh mì. Chúng tôi đang chết," Jones sau đó tường thuật những trải nghiệm khủng khiếp về nạn đói mà anh tận mắt chứng kiến.
Tuy là phim của Ba Lan, nhưng Mr Jones có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên rất quen thuộc của Hollywood trong ba vai chính, gồm James Norton, Vanessa Kirby thủ vai phóng viên Ada Brooks và Peter Sarsgaard đóng Walter Duranty, chủ biên người Anh của New York Times tại Moscow.
Trong suốt 141 phút của bộ phim, Agnieszka Holland, người được đề cử giải Oscar cho Europa Europa hồi 1990 và gần đây được nhắc tới với các tác phẩm như các phần của series truyền hình The Wire, không đẩy Mr Jones diễn biến một cách nhanh chóng.
Trừ việc bà đẩy nhanh tốc độ của những đoàn tàu và những chiếc xe đạp chở theo tin động trời của Jones, hay chính bản thân Jones, một nhân vật trong bộ đồ màu đen chạy qua một mảng hoang vu của tuyết trắng Ukraine. Trông như thể anh tiến vào một bộ phim kinh dị - mà vào thời điểm đó thì đúng là vậy.
Phương pháp lãnh đạo kiểu Stalin dùng bộ máy an ninh để khủng bố nhân dân và cán bộ đảng cộng sản
Nếu như Gareth Jones đại diện cho những gì tốt nhất của nghề báo thì Walter Duranty đại diện cho những gì tồi tệ nhất - nhưng Sarsgaard thể hiện vai diễn quá xuất sắc, đến nỗi thậm chí nhân vật của anh còn hấp dẫn hơn so với nhân vật kia.
Duranty cáo buộc Jones dối trá về nội dung tường thuật những gì anh tận mắt chứng kiến, dẫu cho lịch sử tin rằng người được trao giải báo chí Pulitzer danh giá đã biết về mức độ của nạn đói. Duranty được cho là rất thân cận với chính quyền Liên Xô; những người khác cho rằng ông bị ép phải làm vậy.
Sự mập mờ về đạo đức của những người nắm quyền được thể hiện bằng sự ảm đạm của những thứ vây quanh, từ đám bùn đặc quánh của London khi đó đang khốn khổ trong cảnh thắt lưng buộc bụng dưới sự cai trị của những ông già ngồi thì thầm trong góc nhà, cho tới những khối nhà Xô-viết của Moscow.
Những tia sáng chỉ hiện lên cho một bữa tiệc khôi hài, nơi mà Jones cảm thấy vô cùng không thoải mái - có lẽ là bởi có một gã Peter Sarsgaard trần truồng chào đón, hoặc đơn giản là bởi sự trác táng của buổi tiệc tượng trưng cho những gì đang diễn ra, khi mà các phóng viên cố gắng quên đi chuyện ai là người trả tiền cho họ.
Gareth Jones có vẻ như thật thuần khiết, và khán giả không cần phải có những lời gợi ý rõ ràng từ Mr Jones mới hiểu được điều này. Thái độ cương quyết của Norton-trong-vai-Jones theo đó cho rằng các phóng viên phải theo đuổi sự thật "và không được bênh bên nào" đã khiến cánh báo chí ở Berlin cười vang nhà.
Thế nhưng sự khước từ thẳng thừng đối với lời kể của nhân chứng về nạn đói đã khiến ta phải băn khoăn tự hỏi về cơn bão bất ngờ mà nó có thể khuấy động lên vào thời điểm này - nội dung tường thuật của Jones sẽ gây tranh cãi quyết liệt tới mức nào.
Holland cũng cho thấy người ta tuyệt vọng muốn tin tưởng vào Stalin tới mức nào; nhiều học giả mong mỏi muốn coi ông là liều thuốc giải độc, diệt trừ được Hitler, và đơn giản là họ không muốn tin rằng các chính sách Stalin đưa ra trong thực tế đã gây ra một thảm cảnh kinh hoàng như vậy.
"Cho nên là khi đó không có chút hy vọng nào," George Orwell kết luận một cách đau buồn trong phim, khi ông chấp nhận rằng câu chuyện của Jones chính là sự thật.
Nhưng chừng nào vẫn còn những Gareth Jones trên thế gian này, phóng đi trên chiếc xe đạp của ông để đem sự thật đến cho thế giới, thì hẳn là sẽ vẫn còn hy vọng.
Emma Jones
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.