Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình.
Venezuela là nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, tuy nhiên nhiều vấn đề phức tạp đã tàn phá nền kinh tế của nước này. Trung cộng và Nga đã giúp đỡ Venezuela tránh được kịch bản sụp đổ bằng cách liên tục tung ra “phao cứu trợ” tài chính và số tiền hỗ trợ đã lên tới hàng chục tỷ USD trong vòng 10 năm qua.
Trong hầu hết các trường hợp, Venezuela đã dùng dầu mỏ để trả nợ dần cho Moscow và Bắc Kinh - hai đồng minh lớn nhất của Caracas. Đây được cho là hình thức trao đổi phù hợp cho tất cả các bên, tuy nhiên điều này dường như đang thay đổi.
Trong bối cảnh Mỹ và nhiều nước tuyên bố ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời hợp pháp của Venezuela thay vì đứng về phía chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Nicolas Maduro, Nga và Trung cộng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để đòi lại số nợ từ Venezuela. Thậm chí, Moscow và Bắc Kinh có thể mất trắng một số khoản tiền từng cho Caracas vay trước đây.
“Tôi không nghĩ họ (Nga và Trung cộng) ủng hộ việc thay đổi chế độ (tại Venezuela). Tôi không nghĩ họ thích ý tưởng rằng Mỹ dường như công nhận một người nào đó khác làm tổng thống. Cả ông Tập Cận Bình và ông Putin đều lo ngại liệu Mỹ có bất kỳ ý định nào nhằm thực hiện kịch bản tương tự tại đất nước của họ, hay tại những nước mà họ xem là các quốc gia vệ tinh, hay không”, Helima Croft, giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu tại tập đoàn tài chính RBC Capital Markets, nhận định.
Venezuela hiện nợ các chủ nợ nước ngoài, bao gồm Nga và Trung cộng, khoảng 100 tỷ USD. Một số báo cáo thậm chí đưa ra con số cao hơn.
Các thỏa thuận đã mang lại cho Nga và Trung cộng giá dầu tương đối rẻ cũng như chỗ đứng tại khu vực được coi là “sân sau” của Mỹ. Đổi lại họ đã cung cấp cho Venezuela những khoản tiền mặt cần thiết.
Tuy nhiên sản lượng dầu của Venezuela giảm mạnh trong những năm gần đây, chỉ bằng 1/3 so với thời điểm cố Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền vào năm 1998. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi doanh thu từ dầu mỏ chiếm khoảng 98% nguồn thu của Venezuela.
Venezuela hiện nợ Trung cộng 20 tỷ USD và nợ công ty dầu khí nhà nước Rosneft của Nga 2,3 tỷ USD, bao gồm lãi suất. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu những khoản nợ này có còn giá trị không nếu Tổng thống đương nhiệm Maduro bị lật đổ và tổng thống tự phong Guaido lên nắm quyền.
Bài toán với Trung cộng
Ông Tập Cận Bình đón ông Maduro tại Bắc Kinh năm 2015.
Ông Guaido từng tuyên bố mọi thỏa thuận hợp pháp do Quốc hội Venezuela phê chuẩn sẽ vẫn được tôn trọng. Đây được xem là động thái hòa dịu của tổng thống tự phong Venezuela với Trung cộng trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn công khai ủng hộ ông Maduro.
“Họ (Trung cộng) lo ngại rằng phe đối lập sẽ lên nắm quyền và có thể không muốn tôn trọng các hợp đồng đã ký trước đó, hoặc tìm ra các lỗ hổng”, Russ Dallen, đối tác quản lý ngân hàng đầu tư Caracas Capital Markets, nhận định.
Russ Dallen thừa nhận rằng “sự trung thành” của Bắc Kinh với chính quyền Maduro có thể sẽ không kéo dài.
“Trung cộng hiện không biết phải làm gì. Họ không được chính quyền Maduro trả tiền và tình hình tiếp tục diễn biến xấu đi”, Russ Dallen cho biết.
Tuy nhiên, tổng thống tự phong Guaido có lý do để thanh toán các khoản nợ cho Trung cộng khi Bắc Kinh hiện là thị trường dầu mỏ lớn nhất của Venezuela. Chuyên gia Croft chỉ ra rằng ông Guaido không muốn làm mất lòng Trung cộng - quốc gia tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới và quyết định nguồn cầu dầu mỏ toàn cầu. Nếu không trả nợ cho Trung cộng, ông Guaido sẽ tự làm xói mòn mức độ tín nhiệm của mình.
“Nếu phe đối lập lên nắm quyền và tuyên bố vỡ nợ, điều đó sẽ làm tổn hại chính họ. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới khả năng xử lý nợ trong tương lai của họ. Vì thế tôi không nghĩ kịch bản này sẽ xảy ra”, Kathryn Rooney Vera, chiến lược gia đầu tư trưởng tại tổ chức Bulltick Capital Markets, dự đoán.
Theo Russ Dalen, mong muốn tránh đối đầu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại vốn đã phức tạp và nhiều rủi ro có thể hối thúc Trung cộng cân nhắc chuyển từ ủng hộ tổng thống Maduro sang tổng thống tự phong Guaido.
Venezuela cần Nga
Tổng thống Putin đón người đồng cấp Venezuela Maduro tại Moscow
Mặc dù Juan Guaido đánh tín hiệu cho thấy ông có thể tôn trọng những nghĩa vụ về nợ với Trung cộng, song tổng thống tự phong của Venezuela không có động thái tương tự với Nga. Những thỏa thuận mới nhất của Nga với Venezuela cũng là điều mà Moscow không muốn mạo hiểm.
Nga được xem là “phao cứu sinh” của Tổng thống Maduro. Moscow đã nhiều lần bơm tiền vào phút chót để cứu Venezuela thoát khỏi kịch bản vỡ nợ. Tuy vậy, nếu Nga tiếp tục tung ra gói hỗ trợ tài chính khác, thậm chí tiếp tục mua vàng của Venezuela, tình hình hiện nay có thể trở thành một cuộc khủng hoảng kéo dài.
“Câu hỏi đặt ra là liệu họ (Nga) có tin rằng một vài tỷ có thể giúp được Venezuela lúc này hay không?”, chuyên gia Croft đặt câu hỏi.
Điều trớ trêu là nếu Nga để Venezuela rơi vào cảnh vỡ nợ, liệu Moscow có thể tịch thu vật thế chấp giá trị nhất của Venezuela, công ty dầu mỏ Citgo khổng lồ tại Mỹ, hay không. Năm 2016, Tổng thống Maduro đã thế chấp 49,9% cổ phần của Citgo cho công ty dầu khí nhà nước Rosneft của Nga để vay tiền của Moscow.
Nếu tổng thống tự phong Guaido lên nắm quyền lãnh đạo, kịch bản vỡ nợ trên diện rộng có thể không xảy ra. Tuy nhiên, nhiều khả năng không chủ nợ nào của Venezuela được trả tiền ngay lập tức.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể sẽ dẫn đầu một trong những chương trình tái cấu trúc nợ phức tạp nhất và lớn nhất đối với Venezuela. Về cơ bản, Venezuela sẽ phải tái thiết hoàn toàn.
Một tin tốt cho Venezuela là nước này “ngồi” trên 300 tỷ thùng dầu cùng trữ lượng dồi dào vàng, quặng sắt và các tài nguyên khác dưới lòng đất. Do vậy, quốc gia Nam Mỹ được cho là vẫn có khả năng trả nợ nhất định.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.