Việc hàng chục ngàn
người – chủ yếu là sinh viên và học sinh - đổ xô xuống đường biểu tình chống
lại âm mưu tước đoạt quyền tự do ứng cử vào năm 2017 tại Hong Kong của chính
quyền Trung Quốc đặt ra vấn đề: thế nào là một chính phủ dân chủ?
Định nghĩa một chính
phủ dân chủ, lâu nay, người ta hay nhắc đến ba yếu tố: của dân, do dân và vì
dân.
Trong ba yếu tố ấy,
yếu tố đầu (của dân) có tính chất bản thể luận; yếu tố cuối (vì dân) nằm ở mục
tiêu và ít nhiều có tính chất lý tưởng; chỉ có yếu tố giữa (do dân) thuộc cơ chế,
gắn liền với các cuộc bầu cử. Chính vì thế, thời hiện đại, hầu như chính phủ
nào cũng muốn xưng danh là dân chủ, và để chứng minh cho tính chất dân chủ ấy,
người ta cũng thường tổ chức các cuộc bầu cử định kỳ.
Tuy nhiên, liên quan
đến chuyện bầu cử lại có hai vấn đề:
Thứ nhất, bầu cử chỉ
thực sự tự do và dân chủ khi bao gồm ba yếu tố: Một, tự do ứng cử; hai, tự do bầu
cử; và ba, công việc kiểm phiếu phải thực sự minh bạch. Nhà cầm quyền Trung Cộng,
một mặt, tự xưng là dân chủ và cam kết sẽ tôn trọng dân chủ tại Hong Kong,
nhưng mặt khác, lại tước đoạt quyền ứng cử của dân chúng: Họ quy định, trong cuộc
bầu cử chính quyền địa phương vào năm 2017, chỉ có những ứng cử viên được họ chấp
thuận mới được quyền tranh cử. Hơn nữa, ngay cả khi dân chúng được tự do ứng cử
và bầu cử, dân chủ cũng không thể được bảo đảm nếu thiếu một điều kiện: việc kiểm
phiếu phải minh bạch. Nhớ, Joseph Stalin có lần nói một cách thật thà: “Những
người bỏ phiếu không quyết định được gì cả. Chỉ có những người kiểm phiếu mới
quyết định được mọi thứ” (The people who cast the votes decide nothing.
The people who count the votes decide everything).
Điều này cũng có thể
thấy ở Việt Nam. Trên nguyên tắc, chính quyền không cấm dân chúng ứng cử, nhưng
trên thực tế, họ lại tìm mọi cách để ngăn chận việc tự ứng cử để hầu như toàn bộ
các ứng cử viên đều do Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức ngoại vi của đảng giới thiệu.
Có thể nói, trong mọi cuộc bầu cử, dân chúng chỉ được quyền bầu những người đã
được đảng chọn lựa kỹ càng từ trước. Trong những trường hợp như thế, ai thắng cử
và ai thất cử không phải là vấn đề quan trọng: Ai cũng là người của đảng cả. Đó
là chưa kể đến vấn đề kiểm phiếu: cũng do đảng hoàn toàn kiểm soát. Bất kể lá
phiếu của dân chúng, chính đảng, những kẻ kiểm phiếu, mới là người quyết định
ai thắng ai thua. Bởi vậy, không có gì lạ khi ở Việt Nam, cũng như ở mọi chế độ
độc tài, trong các cuộc bầu cử, kẻ nào thắng cũng đều thắng một cách “vẻ vang”:
bao giờ cũng trên 90% phiếu bầu.
Thứ hai, ngay cả khi
chính quyền là do dân bầu và lá phiếu của họ được kiểm một cách khách quan và
minh bạch cũng không bảo đảm là sẽ có dân chủ. Nên nhớ, trước đệ nhị thế chiến,
cả Hitler lẫn Mussolini, những tên phát xít khát máu, đều lên nắm quyền sau các
cuộc bầu cử. Kenneth Kauna ở Zambia, Francisco Macias Nguema ở Equatorial
Guinea, Jose Eduardo dos Santos ở Angola, Zine El Abidine Ben Ali ở Tunisia,
Charles G. Taylor ở Liberia trước đây cũng như Robert Mugabe ở Zimbabwe, Paul
Biya ở Cameroon, Michael Sata ở Zambia và cả Vladimir Putin ở Nga hiện nay đều
trở thành những tên độc tài sau khi thắng cử. Bởi vậy, người ta mới nói đến hiện
tượng độc tài tuyển cử (electoral dictatorship).
Để có dân chủ, sau
các cuộc bầu cử và sau khi lên nắm quyền, người ta cần một số điều kiện:
Thứ nhất, có một hệ
thống theo dõi và kiểm soát các chính sách và hoạt động của chính phủ một cách
hiệu quả. Hệ thống theo dõi và kiểm soát ấy bao gồm ít nhất năm tổ chức: Một, sự
độc lập của lập pháp và tư pháp; hai, sự tồn tại của các thành phần đối lập;
ba, sự độc lập và tự do của các phương tiện truyền thông; bốn, quyền tự do ngôn
luận, bao gồm quyền tìm kiếm thông tin, bình luận thông tin và phát tán thông
tin của dân chúng; và năm, tinh thần thượng tôn pháp luật.
Ở Việt Nam hiện nay,
hoàn toàn không có hệ thống theo dõi và kiểm soát như thế.
Hơn nữa, nên lưu ý
là, ở Việt Nam, dân chỉ được phép bầu Quốc hội trong khi Quốc hội, dưới chế độ
Cộng sản, tự bản chất chỉ là một cơ quan bù nhìn chứ không có chút quyền lực
nào cả; toàn bộ guồng máy cai trị đều nằm trong tay đảng Cộng sản, nhưng dân
chúng lại không được quyền bầu bất cứ vị trí nào trong đảng cả. Việc quyết định
các chiếc ghế thực sự có quyền lực trong việc cai trị đất nước chỉ nằm trong
tay hơn 3 triệu đảng viên, hoặc cụ thể hơn, gần 200 uỷ viên trong Ban Chấp hành
trung ương của đảng Cộng sản.
Thứ hai, bản chất của
một chế độ dân chủ không phải chỉ ở việc theo dõi và kiểm soát mà còn nằm ở một
chỗ khác, quan trọng không kém, đó là sự tham gia của dân chúng. Tham gia vào
việc bầu chọn những người lãnh đạo, đã đành. Dân chúng còn nên tham gia cả vào
việc hoạch định những chính sách lớn liên quan đến vận mệnh đất nước dưới hình
thức phản biện, biểu tình hoặc trưng cầu dân ý. Tất cả những hoạt động này đều
phải được tự do.
Nhìn từ bất cứ góc độ
nào, cả chính quyền Trung Cộng lẫn chính quyền Việt Nam hiện nay đều trái ngược
hẳn với cái gọi là dân chủ.
Tiến sĩ Nguyễn Hưng
Quốc
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.