Saturday, October 11, 2014

Khi các ứng cử viên người Việt hạ thủ . . . chẳng lưu tình

image
Một câu thành ngữ rất phổ thông tại Hoa Kỳ là “All politics are local”, có thể tạm dịch là mọi chuyện chính trị đều ở địa phương. Thế nhưng người ta có thể hiểu nghĩa của câu nói một cách rộng hơn: chuyện chính trị cũng có thể là chuyện “chính chị chính em”, tức là những chuyện tranh giành, đấu đá, gấu ó lẫn nhau xảy ra khá thường xuyên và cũng khiến nhiều người phải nhức đầu và tò mò tìm hiểu. Chữ “địa phương” thường ngụ ý rằng những chuyện tưởng như to lớn kiểu quốc gia đại sự nhiều khi chỉ xuất phát từ những chuyện riêng lẻ ở cấp địa phương, nhưng rồi sau đó lớn mạnh dần.
Ngoài ra, nó cũng còn muốn nhắn nhủ với các chính trị gia rằng nếu muốn ôm những giấc mộng “mưu bá đồ vương”, thì cũng đừng bao giờ quên chăm lo cho cái “nôi” của mình, cái cứ địa, vốn là nơi gốc gác đã từng giúp mình khởi nghiệp công danh. Chẳng vì thế mà thỉnh thoảng người ta cũng chứng kiến nhiều chính trị gia tên tuổi lớn cũng bất ngờ thất bại trong những cuộc bầu cử tại ngay đơn vị địa phương của mình, chỉ vì người dân tại đây đã bất mãn khi thấy các nhà dân cử đó đã không còn chú ý đến họ mà chỉ mải lo đuổi theo những tranh giành hay quyền lợi riêng tư cho mình ở thủ đô.
Riêng đối với ngành truyền thông, câu nói trên cũng có một ý nghĩa quan trọng tương tự. Đó là các cơ quan truyền thông, ngoài việc tường thuật đầy đủ các diễn biến thời sự có tầm quan trọng to lớn, cũng phải biết chăm lo đến việc cung ứng đầy đủ tin tức về những diễn biến xảy ra ngay tại địa phương của mình, cho dù những điều này có thể không tạo sự chú ý đặc biệt đến nhiều người ở nơi khác. Bởi lẽ sự quan tâm của mỗi người thay đổi theo từng hoàn cảnh và địa phương, và những diễn đàn truyền thông không chú ý việc loan tin địa phương đầy đủ coi như đã không làm đúng chức năng của mình, đồng thời cũng khiến độc giả hay khán thính giả cũng mất tin tưởng về thiên chức làm báo của mình.
Trước đây, người viết bài này đã từng than trách sự thiếu sót đáng tiếc này của rất nhiều các cơ quan truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại, phải chăng cũng vì cái bản tính e dè cố hữu là “tránh ngại đụng chạm” khi phải tường thuật những điều được coi là “trái tai gai mắt”. Cái bản tính này có lẽ đã trở thành cái tật khó chữa của nhiều người Việt, và trong nhiều trường hợp, còn được khéo léo nguỵ biện rằng đó là cái tính khôn ngoan, tế nhị, “dĩ hoà vi quý” v.v. Thế nhưng nó đã trở thành một khiếm khuyết lớn của những người tự coi như là những người làm trong ngành truyền thông, nhưng vô tình đã trốn tránh trách nhiệm của mình khi phải đối diện với sự thật.
Cách đây vài năm, chuyện một vị linh mục người Việt nộp đơn thưa kiện vị giám mục địa phận cùng với nhiều vị linh mục khác tại Orange County ở California phải được coi như là một sự kiện sửng sốt đối với cộng đồng người Việt tại đây. Tuy nhiên, hầu hết các tờ báo lớn, các đài truyền hình và truyền thanh tiếng Việt đều gần như tảng lờ chuyện này, dù rằng tờ Orange County Register, tờ nhật báo lớn nhất trong vùng, đã chạy tin này ngay ngày hôm sau.
Tương tự như vậy, tại thành phố Houston ở Texas, vụ một ông nghị viên gốc Việt nộp đơn thưa kiện một hội bô lão tại toà án (và sau đó bị thua kiện) cũng được ký giả của tờ Houston Chronicle, tờ nhật báo lớn nhất tại địa phương, đích thân vào phòng xử để phỏng vấn và sau đó tường thuật lại trong bài viết. Ở Houston không có một tờ nhật báo tiếng Việt, nhưng tất cả các đài tivi hay radio tiếng Việt đều không hề loan báo chút tin tức nào liên quan đến vụ này, kể cả một đài phát thanh lớn có chương trình Chào Bình Minh mỗi buổi sáng chuyên diễn dịch lại các bản tin thời sự của tờ Houston Chronicle. Vụ này, mãi về sau đó cả tuần lễ, mới được đưa ra, nhưng cũng chỉ được nhắc lại chút chút thay vì mổ xẻ chi tiết để cho đồng hương được rõ tường tận.
Sau khi bị vạch ra khiếm khuyết sao nhãng trách nhiệm này, ông bà chủ nhân của đài đã lên tiếng phân trần, trong một chương trình tâm sự kể lể hàng tuần, và đưa ra lý do để biện hộ rằng mục đích của họ là chỉ nhằm đưa lên những thông tin có tính tích cực, xây dựng, và tránh những tin tức tiêu cực có thể gây chia rẽ, không đem lại những hình ảnh tốt đẹp cho cộng đồng v.v. Đứng trước những lời lẽ nguỵ biện gượng gạo như vậy, nhất là từ những người thường hay khoe khoang về thành tích lâu năm trong ngành truyền thông chuyên môn của mình, độc giả hay thính giả muốn biết sự thật có lẽ cũng phải chán ngán, chỉ còn cách mượn lời của ông Hoàng Hải Thuỷ mà than “Phi-ní lô đia” (Fini l’eau dire, hết nước nói!)
Trong tình hình thời sự hiện nay, quả tình là có rất nhiều biến động sôi nổi nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới khiến mọi người phải quan tâm và các diễn đàn truyền thông đã tung nhân sự đến nhiều nơi để tường thuật rất chi tiết. Ngoài tình hình chiến sự vẫn còn nóng bỏng ở Trung Đông với chiến dịch quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo để chống lại tổ chức Hồi-giáo cực đoan có tên là IS, còn có vụ xuống đường biểu tình do giới trẻ tại Hương Cảng chủ động để đòi hỏi tự do dân chủ cũng là một đề tài thời sự được mọi người chú ý đến. Ngay cả ở tại địa phương vùng Texas, vụ một người dân tại thành phố Dallas bị nhiễm vi khuẩn Ebola cũng được xem là một sự kiện quan trọng, vì nó cũng gây sự hoảng sợ không ít của cư dân quanh vùng, dù rằng đã có sự trấn an của các viên chức chính quyền đặc trách về việc phòng chống bệnh dịch.
Dĩ nhiên, người ta cũng không thể bỏ qua thời sự chính trị tại Hoa Kỳ với cuộc bầu cử diễn ra chỉ vài tuần lễ sắp đến mà kết quả có thể ảnh hưởng nhiều đến chính trường và sinh hoạt của người dân Mỹ trong vòng hai năm tới. Nhất là khi hầu hết các dự đoán đều cho thấy là phe Cộng Hoà có thể giành được chiến thắng tại Thượng Viện, cộng với việc củng cố thêm đa số tại Hạ Viện, và do đó hứa hẹn một tương lai xung khắc đối đầu trực tiếp với hành pháp của TT Obama, dẫn đến hệ quả thấy trước là tình trạng cù nhầy tiếp tục kéo dài để đợi chờ . . . đến kỳ bầu cử kế tiếp vào năm 2016!
Trong bối cảnh đó, người viết bài này quyết định lựa chọn đề tài bầu cử để hầu chuyện cùng bạn đọc, khi biết rằng các đề tài trọng đại khác có lẽ đã được khai thác rất chi tiết bởi nhiều ngòi bút khác. Hơn nữa, chuyện bầu cử lần này cũng có nhiều chuyện đáng nói, vì nó liên quan trực tiếp đến nhiều người Việt khi xảy ra tại hai nơi có đông người Việt cư ngụ tại hải ngoại: đó là cuộc bầu cử chức vụ nghị sĩ tiểu bang đơn vị 34 tại vùng Little Saigon ở nam California, và chức vụ dân biểu tiểu bang đơn vị 149 tại vùng tây nam Houston ở Texas, trong đó đều có mặt của các ứng cử viên gốc Việt.
Nhưng điều đáng nói hơn hết, mà tiếc thay nhiều ngòi bút khác cũng như nhiều cơ quan truyền thông tiếng Việt đều thường né tránh, viện dẫn lý do tế nhị, tránh đi vào chuyện tranh giành phe phái v.v. . . khiến cho người đọc và khán thính giả nhiều khi không nắm vững vấn đề, dễ hoang mang hoặc chán nản khi thấy những người làm truyền thông thiếu cái can đảm để hoàn thành cái chức nghiệp đơn giản nhưng cao quý của mình: đó là tường thuật đầy đủ và trung thực những gì đã xảy ra để giúp người đọc có cái nhìn đứng đắn về những diễn biến xảy ra quanh mình.

TỪ CUỘC BẦU CỬ TẠI LITTLE SAIGON

Cuộc bầu cử này có nhiều chi tiết mới xảy ra lần đầu tiên, ngoài chuyện kết quả có thể dẫn đến sự kiện lần đầu tiên có một người gốc Việt được đắc cử nghị sĩ tiểu bang tại California nếu như bà Janet Nguyen thắng cử vào đầu tháng 11 sắp tới.
Do bởi Đề Luật số 14 được đa số cử tri tại California thông qua vào năm 2010, đây cũng là lần đầu tiên cử tri tham dự một cuộc bầu cử với quy chế mới, theo đó không còn có màn tranh cử của hai người đại diện cho hai chính đảng Dân Chủ và Cộng Hoà. Thay vào đó, cử tri lần này sẽ lựa chọn 1 trong hai người đã về đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ, không cần biết hai người này thuộc đảng nào. Lần này, đơn vị 34 bầu nghị sĩ tiểu bang cũng đã được vẽ lại, bao gồm một diện tích trải rộng trên nhiều thành phố như Santa Ana, Huntington Beach, Westminster và một số vùng nhỏ lân cận.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ hồi tháng 6 vừa qua, có tổng cộng 10 người ra tranh cử với người về đầu là bà Janet Nguyen (thuộc đảng Cộng Hoà) với 52% số phiếu và ông Jose Solorio (của đảng Dân Chủ) về nhì với 33% số phiếu. Người về hạng 3 là ông Phạm Kim Long (đảng Cộng Hoà) giành được 14%. Tuy nhiên, chỉ có hai người về đầu là được quyền tiến vào vòng nhì để cử tri lựa chọn quyết định vào tháng tới.
Nếu chỉ nhìn một cách phiến diện, nhiều người (nhất là phe ủng hộ Janet Nguyen) dễ có cái suy luận đơn giản rằng trong cuộc bầu cử vòng nhì, chỉ cần các cử tri của ông Long (cùng đảng Cộng Hoà) dồn phiếu cho Janet Nguyen thì coi như thắng lợi sẽ dễ dàng vào tay người Việt.
Nhưng thực tế không đơn giản như vậy, dù rằng Janet Nguyen trên lý thuyết vẫn có chút lợi thế hơn đối thủ Solorio do bởi số phiếu cách biệt như vậy ở vòng đầu. Lý do dễ hiểu là cuộc bầu cử sơ bộ không phản ảnh đúng tình hình của cử tri trong vùng, vì số người tham dự ít hơn nhiều so với số cử tri sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quyết định thực thụ diễn ra vào đầu tháng 11.

Lý do kế tiếp là không hẳn những người Việt (ứng cử viên lẫn cử tri) đều nhắm mắt bỏ phiếu cho người đồng hương hoặc cùng đảng trong những vòng nhì của các cuộc bầu cử. Nói chi đâu xa, ông Long về hạng 3 kể trên, tuy cùng theo đảng Cộng Hoà, nhưng mới đây lại ký đơn xin chữ ký cử tri để đòi bãi nhiệm Janet Nguyen trong chức vụ Supervisor vì nhiều “tội danh” như việc chia chác quyền lợi với những người trong gia đình hay cùng bè phái, hoặc phải ủng hộ gây quỹ cho bà, rồi đến chuyện bà cấm không cho treo lá cờ vàng chính nghĩa trong cuộc họp báo với cựu đại sứ Mỹ David Shear vào năm ngoái, và nhất là tội để cho những phụ tá thân cận như ông Andrew Đỗ đã có những lời lẽ nặng nề và khiếm nhã với đồng hương trong một cuộc họp báo mới đây.image
Tấm biểu ngữ đòi bãi nhiệm Janet Nguyen
Lý do sau cùng là đơn vị 34, dù đã được vẽ lại, vẫn có số cử tri nghiêng nhiều hơn về phe Dân Chủ, dù là với tỉ lệ không cao lắm. Trong cuộc bầu cử sau cùng vào năm 2012, có đến 53% cử tri tại đơn vị này đã bỏ phiếu cho ông Obama. Tuy vậy, số người ghi danh thẻ cử tri hiện nay cũng tương đối gần ngang ngửa với lợi thế chút ít về phe Dân Chủ, chiếm khoảng 38.3%, trong khi phe Cộng Hoà chiếm khoảng 35.3% số cử tri. Do đó, nhiều người tiên đoán quyết định của khối cử tri độc lập, tức là không nhất thiết trung thành với bất cứ đảng nào, có lẽ sẽ là yếu tố quyết định sau cùng. Hiện nay, số cử tri độc lập trong đơn vị 34 được ước lượng lên đến khoảng 80,000 người (khoảng 21%), khiến cho kết quả sau cùng có lẽ sẽ khít khao gay cấn đến giờ chót.
Janet Nguyen thật ra cũng không xa lạ gì với việc bầu cử tại đơn vị 34 này. Nghị sĩ đương nhiệm là ông Lou Correa, một người gốc Latino nhưng đã giúp đỡ và sinh hoạt với nhiều tổ chức người Việt trong vùng, tương tự như bà Loretta Sanchez và ông Jose Solorio. Sau khi giữ chức trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, coi như ông Correa phải mãn hạn theo luật giới hạn (term limit) tại California. Trước khi đắc cử chức vụ này vào năm 2006, ông Lou Correa là một trong số 5 Supervisor của Orange County, và chính sự đắc cử của ông Correa cũng đã vô tình mở đường cho sự nghiệp của Janet Nguyen được thăng tiến mau chóng.
Trước khi đi sâu vào chi tiết, tưởng cũng cần mở ngoặc để nói thêm cho rõ về chức vụ Supervisor này, tương đương như một nghị viên của hội đồng tỉnh, nhưng có phần uy quyền hơn vì kiêm nhiệm luôn cả 3 chức vụ lập pháp, hành pháp và tư pháp, chứ không phải chỉ có thẩm quyền lập pháp theo nghĩa truyền thống của một nghị viên.
Nếu coi California như là một nước nhỏ (tiểu bang) trong nước lớn là Hoa Kỳ, thì một County phải được coi như là một tỉnh hạt (thay vì quận hạt như thói quen đọc sai từ lâu) vì nó là một đơn vị hành chánh độc lập, thực thi các điều luật của tiểu bang ở cấp tỉnh. Các County có diện tích cũng như dân số lớn nhỏ nhiều khi rất khác biệt. Các County lớn thường bao gồm nhiều thành phố lớn nhỏ khác nhau, nhưng được điều hành bởi một chính quyền độc lập do dân bầu lên: đó là Hội đồng Quản Trị của County, thường gồm 5 uỷ viên. Tại California và 5 tiểu bang khác, uỷ viên này được gọi là County Supervisor. Tại phần lớn các tiểu bang khác, tên gọi của họ là County Commissioner. Riêng tại Louisiana, thì một County lại được gọi là Parish (giống như Giáo Xứ) và người uỷ viên này có khi lại được gọi là Juror (vì hội đồng quản trị được gọi là Police Jury). Còn tại Alaska thì County lại được gọi là Borough!
Người đứng đầu về hành chánh của một tỉnh hạt có thể là do Hội Đồng Quản Trị bầu ra hoặc thuê mướn, hoặc là một người do dân bầu lên, tức là County Judge (tương tự như tỉnh trưởng). Tuy nhiên, quyền hành của người này không phủ trùm lấn át những uỷ viên khác trong Hội Đồng Quản Trị, vì mỗi người có 1 phiếu bằng nhau, và do bởi cả hội đồng này nắm giữ cả 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Không hiểu do thói quen dịch sai bắt đầu từ lúc nào, nên chữ Supervisor đã được dịch là Giám Sát Viên, (phải chăng vì lúc đầu người dịch chưa hiểu rõ cơ cấu chính quyền của một County tại California và chỉ biết đến cái nghĩa thông thường của chữ supervisor ám chỉ một người sếp có vai trò giám sát kẻ dưới). Tuy nhiên, chữ Giám Sát Viên không nói đúng được cái chức năng đầy quyền uy của một quản trị viên (về hành pháp) kiêm nhiệm luôn các lãnh vực lập pháp và tư pháp. Chữ “giám sát” theo tiếng Việt, hoàn toàn không bao gồm công việc điều hành, mà chỉ là người trông nom, thanh tra người điều hành để xem mọi chuyện có gì sai lạc hay không.
Tiếc thay, hầu hết các cơ quan truyền thông tiếng Việt tại địa phương đều bắt chước theo lối dịch sai lầm nghiêm trọng này mà không thấy sự vô lý của nó. Tương tự như vậy, hầu hết nhiều người cũng dịch Court Superior tại California là Toà Thượng Thẩm, trong khi trên thực tế, chức năng của nó chỉ là Toà Sơ Thẩm, tức là toà án xét xử ở vòng đầu giữa hai phe bị cáo và nguyên cáo. Còn Toà Thượng Thẩm, tức là Toà Kháng Án, được gọi là Court of Appeals, tương đương với toà xét xử ở vòng hai, chỉ xem xét các yếu tố pháp lý và thủ tục, trước khi muốn kháng án ở vòng ba là Tối Cao Pháp Viện. (Vụ sai lầm này cũng khiến chúng ta nhớ lại trước đây trên nhiều làn sóng phát thanh, nhiều xướng ngôn viên cứ đọc trong bản tin về “Speaker of the House” là phát ngôn viên của Hạ Viện, nhưng đúng ra đó là vị Chủ tịch của Hạ Viện.)
Xin đóng ngoặc tại đây để trở về với đề tài bầu cử tại vùng Little Saigon. Khi ông Correa đắc cử nghị sĩ tiểu bang vào cuối năm 2006, ông đành phải từ bỏ chức vụ Supervisor và một cuộc bầu cử đặc biệt được mở rộng để tìm người thay thế. Trong cuộc chạy đua này, kết quả gây chấn động là 2 ứng cử viên người Việt về đầu, vượt hơn hẳn các nhân vật gạo cội khác được xem là ứng viên của cả hai đảng Cộng Hoà (Carlos Bustamante) và Dân Chủ (Tom Umberg).
Đó là Janet Nguyen và Nguyễn Trung. Cả hai người này đều được coi như là đàn em của Trần Thái Văn, lúc bấy giờ là dân biểu tiểu bang, chính trị gia gốc Việt đầy quyền lực nhất tại địa phương. Janet Nguyen bắt đầu bước vào chính trường bằng chiếc ghế nghị viên ở Garden Grove, sau đó cũng có tham vọng nối gót đi lên vào các chức vụ cao hơn. Tuy nhiên, định mệnh đưa đẩy khiến cho Janet Nguyen không kiên nhẫn ngồi chờ và chịu sự sắp đặt của đàn anh, do đó quyết định tự mình xông ra ứng cử vào chức vụ Supervisor vào đầu năm 2007, coi như đối đầu trực tiếp với Nguyễn Trung, được xem như là con gà của Trần Thái Văn đưa ra. (Thật ra, trước đó Trần Thái Văn cũng có mộng ra tranh cử với Lou Correa cho chức vụ nghị sĩ tiểu bang, nhưng phải nhường lại cho bà Lynn Daucher, có lẽ do áp lực trong nội bộ của đảng Cộng Hoà. Trong cuộc tranh cử này, cộng đồng người Việt cũng đấu đá dữ dội giữa hai phe ủng hộ đối nghịch.)
Cuộc đấu đá giữa hai phe Trần Thái Văn và Janet Nguyen đã diễn ra hết sức gay gắt, với đủ mọi thủ đoạn được tung ra để hạ gục đối phương một cách cạn tàu ráo máng, để rồi tiếp tục kéo dài sau đó khi kết quả rất khít khao giữa hai người về đầu, chỉ cách nhau có vài lá phiếu trong tổng số mấy chục ngàn phiếu của cử tri. Điều này đã dẫn đến những màn đếm phiếu lại để kiểm chứng, rồi kiện cáo ra toà, rồi kháng cáo lên toà trên kéo dài trong nhiều tháng trời. Đây cũng là dịp để cho cử tri người Việt được dịp thấy rõ hơn bộ mặt đạo đức giả của các chính trị gia trẻ gốc Việt, trước đó vẫn thường sử dụng chiêu bài ăn nói nhỏ nhẹ kiểu thưa gởi các bậc trưởng thượng và thường hô hào khẩu hiệu “Người Việt chỉ nên bầu cho người Việt”. Nhưng lần này, chính họ đã sử dụng đủ mọi đòn độc hiểm để hạ thủ mà chẳng chút lưu tình, coi như vứt bỏ trôi sông câu tục ngữ rất phổ thông là “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Qua đến năm sau, khi ra tái tranh cử cho chức vụ Supervisor với nhiệm kỳ mới là 4 năm, mọi người tưởng rằng Janet Nguyen có thể cũng sẽ gặp khó khăn như lần trước. Nhưng cuối cùng, Janet Nguyen đã thắng cử dễ dàng ở vòng đầu trước đối thủ là nghị viên Dina Nguyen, cũng là một con gà khác của Trần Thái Văn. Từ đó, Janet Nguyen bắt đầu củng cố sức mạnh và uy tín của mình, tuy chưa sánh bằng Trần Thái Văn nhưng cũng là một khuôn mặt gốc Việt đáng kể trong đảng Cộng Hoà ở địa phương.
Vận may đến với Janet Nguyen vào năm 2010 khi quyết định ủng hộ cho nữ tỷ phú Meg Whitman tranh cử thống đốc tiểu bang trong khi Trần Thái Văn lại ủng hộ cho ông Steve Poizner. Ở vòng sơ bộ, bà Whitman đã đè bẹp đối thủ, trở thành nhân vật sáng giá nhất của đảng Cộng Hoà tại California. Janet Nguyen nhờ đó cũng được tiếng thơm lây đối với bộ máy của đảng Cộng Hoà tại Orange County. Cuối năm đó, Trần Thái Văn bị thảm bại trước bà Loretta Sanchez trong cuộc chạy đua chức vụ dân biểu liên bang, để rồi sau đó không còn tìm chức vụ trống nào để có thể ra tranh cử tiếp, coi như tiêu tan giấc mộng trở lại chính trường. Nhưng Janet Nguyen vẫn tiếp tục đi lên, sau khi tái đắc cử lần nữa chức vụ Supervisor vào năm 2012.
Lần này, triển vọng của Janet Nguyen cũng rất sáng sủa dựa vào kết quả về đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ vào đầu tháng 6 vừa qua. Hơn nữa, đơn vị 34 sau khi được vẽ lại ranh giới, lại không còn được ưu thế áp đảo về cử tri theo đảng Dân Chủ như lúc trước. Tuy nhiên, lần này cũng có nhiều người Việt, kể cả cử tri theo đảng Cộng Hoà như trường hợp của ông Phạm Kim Long kể trên, sẵn sàng ra mặt chống đối kịch liệt.
Sai lầm lớn nhất khiến nhiều người bực mình Janet Nguyen là chuyện bà ta đã “mưu mô” tính toán trong việc nộp đơn xin hội đồng thành phố Westminster để tổ chức ngày kỷ niệm 30-4 vào năm 2010, để phỗng tay trên của nhiều tổ chức, hội đoàn quân đội trong vùng vốn trước đây có đứng ra lo liệu. Nhiều lời tố cáo được tung ra từ sự kiện này, dẫn đến nhiều cuộc tranh luận gay gắt giữa hai phe bênh và chống.
Gần đây, vụ này được hâm nóng trở lại khi ông Andrew Đỗ, một phụ tá cao cấp của Janet Nguyen, đã mở một cuộc họp báo để biện hộ trước những cáo buộc cho bà sếp của mình. Tuy nhiên, ông phụ tá này lại gây ra bất mãn cho nhiều người khi dùng những lời lẽ khiếm nhã và kiêu căng để chỉ trích người khác (ông Nguyễn Tấn Lạc) trong cuộc họp báo và sau đó đòi đuổi người ta ra khỏi hội trường.
Thật ra nếu biết khôn ngoan, phe Janet Nguyen có thể lờ đi chuyện tai tiếng về vụ giành tổ chức đêm 30-4 năm xưa để khỏi khơi dậy sự bực tức của nhiều người, dễ đẩy họ đi bỏ phiếu cho phe đối phương. Bởi vì nguyên tắc cơ bản mà bất cứ một ứng cử viên nào cũng đều thuộc nằm lòng, đó là chớ có bao giờ gây hiềm khích với cử tri để họ bực mình và đi bỏ phiếu cho đối phương. Nếu như không lấy được cảm tình của cử tri, thì ít nhất cũng bắt tay chào hỏi một cách ngoại giao, hoặc tảng lờ chứ không nên bao giờ khiêu khích hay gay hấn. Bởi vì có thêm một lá phiếu bỏ cho đối thủ, thì phe ta phải đi kiếm thêm 2 phiếu nữa, vừa để hoá giải lá phiếu bỏ cho đối thủ vừa để đem lại lợi thế cho mình. Trong bối cảnh đi tìm kiếm lá phiếu ủng hộ có thể đã khó khăn, không ai dại gì lại đi làm cho lá phiếu của cử tri chạy về phía đối thủ của mình.
Trong chiến dịch vận động ráo riết gần đây, phía đối thủ Jose Solorio đã tung nhiều đòn tấn công Janet Nguyen, trong đó có những cáo buộc cũng khá nghiêm trọng, ngụ ý vạch ra những chuyện không mấy hay ho tốt đẹp gì. Điều thứ nhất liên quan đến một nhân vật khá bí ẩn trong cộng đồng người Việt là ông Nick Lê Công Tâm, phụ tá cao cấp của Janet tại hội đồng quản trị Orange County. Theo điều tra của tờ Orange County Register, ông này làm việc trung bình chỉ có 13 tiếng mỗi tuần nhưng lại được bà Janet Nguyen trả lương đến hơn 105 ngàn Mỹ kim / 1 năm. Trong khi đó, hầu hết các phụ tá cao cấp của hội đồng OC phải làm việc khoảng gần 40 giờ mỗi tuần và cũng chỉ được trả lương bình thường, thấp hơn nhiều so với ông Lê Công Tâm. Kế đến là Diane Hong Nguyen, chị em của Janet, cũng được trả lương hơn 73 ngàn Mỹ kim dù chỉ làm việc có 22 tiếng mỗi tuần.image
Jose Solorio và Janet Nguyen tranh chức nghị sĩ tiểu bang đơn vị 34
Hiện nay, Janet Nguyen được xem là “con gà cưng” của đảng Cộng Hoà không phải chỉ ở Orange County mà còn của cả tiểu bang California. Lý do đơn giản là vì đảng này đang mong giành thêm được một chiếc ghế nghị sĩ để có thể vượt qua được tỉ lệ 1/3. Đã từ lâu, phe Cộng Hoà ở vị thế thiểu số rất yếu tại tiểu bang đông dân nhất của Hoa Kỳ. Nhưng họ vẫn có quyền ảnh hưởng đến sinh hoạt chính trường, dù rằng chỉ là thứ sinh hoạt cản trở cù nhầy ở vai trò đối lập, với lập trường cứng ngắc là cương quyết không tăng thuế.
Vì hiến pháp tiểu bang quy định các điều luật tăng thuế cần phải có đa số áp đảo (2/3) chứ không chỉ là đa số quá bán, nên trong nhiều năm qua các dân biểu và nghị sĩ Cộng Hoà cũng ngăn chặn không cho thông qua bất cứ những dự luật nào liên quan đến việc tăng thuế nhằm giải quyết tình trạng thâm thủng ngân sách tiểu bang. Hậu quả là tất cả những đạo luật và ngân sách được thông qua đều coi như tránh né việc giải quyết khó khăn to lớn này, chỉ lo đùn đẩy vấn nạn này vào tương lai bất định cho thế hệ con em sẽ phải gánh vác. Hậu quả là tình trạng càng ngày càng tệ hại hơn, do bởi tiền lời phải trả nợ cho số tiền thâm thủng này cứ tăng dần.
Đến năm 2012, phe Dân Chủ thắng cử lớn và giành được đa số áp đảo ở cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện, cộng với việc thống đốc Jerry Brown cùng đảng, nên sau đó đã thông qua dễ dàng nhiều đạo luật hầu giải quyết nan đề này, từ đó coi như cũng đã giúp cho California vượt qua được cơn thử thách to lớn này. Điều này có thể là vận may cho tiểu bang cũng như đa số cư dân tại California, nhưng nó lại là điều không may cho đảng Cộng Hoà, vì họ sẽ còn lận đận ngồi ở vị thế phe thiểu số tại tiểu bang này trong vòng vài thập niên nữa. Do đó, bất cứ một chiến thắng nào có thể đánh bật được cái đa số áp đảo của phe Dân Chủ cũng sẽ trở thành một niềm hãnh diện, một niềm vui lớn cho phe Cộng Hoà, và chiếc ghế nghị sĩ tiểu bang đơn vị số 34 lần này là cơ hội may mắn nhất cho Janet Nguyen và đảng Cộng Hoà có thể nở mày nở mặt phần nào.

ĐẾN CUỘC BẦU CỬ TẠI HOUSTON

Tại một tiểu bang đông dân khác là Texas cũng có những cuộc bầu cử khiến người Việt phải chú ý nhiều, do bởi lý do đơn giản là có ứng cử viên gốc Việt. Tại đơn vị 2 của Tarrant County ứng cử cho chức vụ County Commissioner có ông Andy Nguyễn, về đầu trước đối thủ là H. Suzanne Kelley với tỉ lệ 69% trên 31% trong đảng Cộng Hoà. Trong cuộc bầu cử vào tháng 11, ông sẽ đối đầu với ứng cử viên Kenneth Sanders của đảng Dân Chủ.
Còn tại đơn vị 149 ở khu tây nam thành phố Houston là cuộc tranh đua cho chức vụ dân biểu tiểu bang mà người đương nhiệm là ông Võ Hiền, thường được biết với cái tên quen thuộc là Hubert Vo. Và tại đây thì cuộc tranh tài có phần hấp dẫn và sôi động hơn, có lẽ vì đối phương lần này lại là người Việt. Đó là ông Al Hoang, tức là Hoàng Duy Hùng, cựu nghị viên hai nhiệm kỳ ở đơn vị F của Houston, vừa mới thảm bại một cách bất ngờ và đau đớn hồi năm ngoái trước một đối thủ được xem như là “vô danh tiểu tốt” lúc bấy giờ.
Khỏi phải nói, Al Hoang có lẽ là một tên tuổi gây tranh cãi sôi nổi ồn ào nhất trong lịch sử người Việt tại Houston, và có thể tại cả hải ngoại từ hơn một thập niên qua. Cứ thử vào Google và đánh cái tên “Hoang Duy Hung” sẽ thấy hiện ra hơn 3,660,000 entries. Còn nếu đánh giòng chữ “Al Hoang” thì sẽ thấy hiện ra hơn 13 triệu entries, còn cao hơn gấp nhiều lần cái tên “Ho Chi Minh” chỉ có khoảng 4 triệu entries!
Dân biểu Hubert Vo là người đương nhiệm sau khi đã thắng cử tại đây trong 5 nhiệm kỳ liên tiếp, và cuộc thắng cử đầu tiên của ông vào năm 2004 phải được coi như là một sự kiện gây chấn động bất ngờ lớn nhất trong lịch sử quốc hội tiểu bang, vượt xa hẳn tầm mức ngạc nhiên của Trần Thái Văn cũng đắc cử dân biểu tiểu bang lần đầu tại California vào cùng thời điểm.
Bởi vì dù sao Trần Thái Văn trước đó đã là một tên tuổi lớn trong chính trường tại khu Little Saigon, và Orange County được coi như là thành trì của phe bảo thủ nằm trong một tiểu bang càng ngày càng nghiêng về phe cấp tiến. Trước đó, ông ta đã là nghị viên ở Garden Grove, sau thời gian phụ tá cho nhiều vị dân cử của Cộng Hoà là Bob Dornan và Ed Royce. Vào thời ấy, Trần Thái Văn quả tình nhận được sự ủng hộ của đông đảo người Việt, để rồi sau đó trở thành kiêu căng và hống hách, đánh mất dần sự ủng hộ và còn khiến nhiều người căm tức đối chọi, kể cả trong nội bộ phe Cộng Hoà.
Nhưng khi Hubert Vo ra ứng cử vào năm 2004, ông ta còn là một tên tuổi xa lạ trong cộng đồng người Việt, nói gì đến trong sinh hoạt chính trường của Mỹ. Vì thế nên kết quả thắng bất ngờ của ông vào giờ chót đã như cú bom nổ lớn khiến mọi người phải kinh ngạc. Chuyện cũng dễ hiểu vì đối thủ bị ông hạ gục là Talmadge Heflin, một vị dân biểu kỳ cựu giữ chức vụ này trong suốt 22 năm, vào lúc ấy là một người đầy quyền uy vì nắm giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Chuẩn Chi trong Hạ Viện Texas, tức là người nắm quyền quyết định chi tiêu của mọi ngân sách trong chính quyền tiểu bang.
Kết quả đêm bỏ phiếu cũng khít khao gay cấn chỉ hơn nhau có vài trăm phiếu, nên cũng dẫn đến chuyện tranh cãi, kiện cáo vì ông Heflin nhất định không chấp nhận thua cuộc, nhưng rồi sau cùng cũng không làm thay đổi kết quả. Hubert Vo một sớm một chiều bỗng trở thành “con cưng” của đảng Dân Chủ tại Houston nói riêng, và Texas nói chung, dù rằng phe Cộng Hoà chiếm ưu thế lớn tại Quốc Hội cũng như hầu hết các chức vụ quan trọng khác.
Điều đáng nói là Hubert Vo đã thắng cử bất ngờ dù không có sự ủng hộ tích cực của cử tri gốc Việt, do bởi nhiều người vào lúc đó vẫn còn ưa chuộng đảng Cộng Hoà và ít người đã biết tiếng hoặc thấy Hubert Vo sinh hoạt cộng đồng. Chiến thắng này là nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó có cả vận may khi ông Heflin có thể ỷ y nên không đề phòng, và lại còn dính mắc vào một vụ tai tiếng đòi giành con nuôi của một phụ nữ da đen. Nhưng yếu tố quan trọng nhất có lẽ là cấu trúc dân số trong đơn vị, đã không còn thuộc đa số trung lưu Mỹ trắng có khuynh hướng bảo thủ như trước đây, mà bắt đầu bao gồm nhiều gia đình gốc thiểu số đến định cư theo làn sóng đổ vào của nhiều khối di dân gốc Á, từ Tầu, Việt, Phi cho đến Ấn Độ, Pakistan v.v. .
Dấu hiệu báo trước đã xảy ra vào 2 năm trước khi một người Việt trẻ tuổi khác là Andrew Trần, không nổi tiếng và cũng không có tiền để vận động, đã ra tranh cử vào năm 2002 nhưng cũng chiếm được một số phiếu đáng kể là 45%, không thua xa ông Heflin. (Trước đó, ông Heflin gần như đã không có người nào dám ra tranh cử đối đầu trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, gần như là một thứ dân biểu suốt đời). Điều này cho thấy là cử tri trong đơn vị 149 không còn nhất thiết trung thành với đảng Cộng Hoà nữa nên đã sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ cho phe đối lập. Với một nền tảng cử tri thuận lợi như vậy, Hubert Vo khi tình nguyện xung phong bỏ tiền để ra tranh cử đối đầu với Heflin vào năm 2004, đảng Dân Chủ tại địa phương đương nhiên ủng hộ hết mình, nên đã tìm đủ cách để giúp đỡ trên nhiều mặt, hướng dẫn cách ăn nói và tranh luận trước đám đông theo đúng bài bản của các chính trị gia chuyên nghiệp.
Qua hai năm sau, ông Heflin cũng ra tái tranh cử để mong phục hận nhưng giấc mộng cũng vỡ tan và thua đậm hơn lần trước (chỉ được 46%), phần lớn sự cách biệt là nhờ vào khối lượng cử tri người Việt gần như đã dốc lòng dồn phiếu cho Hubert Vo sau khi khám phá ông ta cũng là một người tương đối dễ thương, hoà nhã, không cao ngạo, không thích “nổ bậy” như nhiều chính trị gia trẻ khác, lại có phần khiêm cung khi nhìn nhận những khuyết điểm của mình, như khả năng tương đối yếu kém nói tiếng Việt khi tranh luận.
Đến năm 2008, Hubert Vo cũng đụng độ một đối thủ gạo cội khác là Greg Meyers. Ông này cũng thuê mướn nhiều chương trình vận động tranh cử trên các cơ quan truyền thông tiếng Việt, nhưng cũng không đánh bại được vì đa số người Việt vẫn tiếp tục ủng hộ cho Hubert Vo, thắng cử với 56%.
Cuộc bầu cử năm 2010 được xem như là một biến cố lớn do làn sóng Tea Party bỗng xuất hiện, lật đổ được phe Dân Chủ tại Hạ Viện Hoa Kỳ, cũng như giành được nhiều chiến thắng to lớn tại nhiều tiểu bang trên nước Mỹ, trong đó có Texas. Lần đó, rất nhiều những khuôn mặt nổi tiếng của phe Dân Chủ tại quốc hội Texas đều bị thất cử do hậu quả của hiện tượng Tea Party, nhưng chỉ riêng có Hubert Vo là một trong số những người hiếm hoi không bị hất cẳng, tuy thắng chật vật với 52% trước đối thủ Jack O’Connor là một khuôn mặt có uy tín và thế lực trong đảng Cộng Hoà tại Houston.
Có lẽ chính do hiện tượng tương đối “vững như thành đồng” này mà phe Cộng Hoà gần như đã không còn có tham vọng giành lại đơn vị 149, bởi vì trong cuộc bầu cử năm 2012 sau đó, không có một tên tuổi gạo cội nào trong đảng Cộng Hoà đã ra ứng cử để đối đầu với Hubert Vo, khiến ông thắng dễ dàng với 61%. Bởi lẽ, dù là Cộng Hoà hay Dân Chủ, các chính trị gia có tiền bạc và thế lực cũng không phải là người ngu để sẵn sàng lao đầu vào những cuộc tranh cử phiêu lưu khi mà viễn tượng chiến thắng xem ra rất yếu ớt. Họ chỉ nhập cuộc khi thời cơ đến (thường là những lần tranh cử mở rộng khi không còn người đương nhiệm) hoặc trong trường hợp đơn vị tranh tài được xem là ngang ngửa giữa đôi bên, và do đó họ có thể hy vọng giành được thắng lợi xem chừng có phần ít khó nhọc hơn.
Nhưng cuộc bầu cử năm 2014 có lẽ được xem như là dấu hiệu đảng Cộng Hoà đã chính thức bỏ rơi đơn vị 149 về phe Dân Chủ, hết hy vọng giành lại được, nhất là khi Hubert Vo tiếp tục ra tái tranh cử, nhờ lợi thế quá lớn của một vị dân cử đương nhiệm. Sự kiện phe Cộng Hoà chỉ đưa ra có 2 người gốc Việt (Hồ Thanh Nghị và Al Hoang) để tranh cử sơ bộ tại đây, với người thắng cuộc sẽ đối đầu với Hubert Vo vào đầu tháng 11, có thể được xem như là một chiêu đánh theo kiểu “cầu âu”, vì đã hết biết cách nào để tung đòn theo đúng sách vở, thì thôi cứ đành quơ đại. Nếu thua thì đó cũng là điều thấy trước, nhưng nếu may mắn bất ngờ thì biết đâu chừng cũng khám phá ra một vài nhược điểm nào đó của đối phương. Do đó, việc có một ứng viên gốc Việt của phe Cộng Hoà ra đối đầu trực tiếp với Hubert Vo lần này có thể coi như là một cơ hội tò mò (intrigue) cho đảng Cộng Hoà để biết xem là liệu ông ta có bị chia phiếu của khối người Việt đến mức nào. Nhiều phần là cả hai ông Nghị Hồ lẫn Al Hoang khó lòng giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri Cộng Hoà tại đây so với những tên tuổi gạo cội khác như Talmadge Heflin hoặc Jack O’Connor.
Cho đến nay, việc hơn thua tại đơn vị 149 không nhất thiết lệ thuộc vào lá phiếu của khối cử tri người Việt, mà chính là sự hơn thua của đa số cử tri tại đây nghiêng hơn (dù là chút ít) về phe Dân Chủ hơn là Cộng Hoà. Số phiếu của cử tri gốc Việt nếu đoàn kết lại và dồn hết cho Hubert Vo coi như sẽ giúp đem lại thắng lợi dễ dàng hơn, như điều đã xảy ra từ năm 2006 đến nay. Và điều này có lẽ sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay, ngoại trừ khi có những thay đổi đột biến gây tiếng xấu tai hại to lớn cho Hubert Vo vào giờ chót.
Khách quan mà nói, nếu như Hồ Thanh Nghị thắng cử ở vòng sơ bộ để đối đầu với Hubert Vo, nhiều người sẽ tò mò hơn để theo dõi kết quả lá phiếu của cử tri người Việt sẽ bị phân tán ra sao. Lý do là Hồ Thanh Nghị được xem là một khuôn mặt dễ thương, đứng đắn, được nhiều người quý mến, có thành tích phục vụ xã hội qua nhiều nhiệm kỳ trong Hội đồng Quản trị Khu Học Chánh Alief. Tên tuổi của anh ta chắc chắn sẽ thu hút được một số lượng đáng kể lá phiếu cử tri gốc Việt do những mối giao tình lâu năm trong gia đình và bạn bè, nhất là từ nhiều người trung thành với đảng Cộng Hoà nên có thể cũng không mặn mòi gì lắm với Hubert Vo trong thời gian qua. Tuy nhiên, Hồ Thanh Nghị không phải là một chính trị gia cáo già với nhiều mưu mô quỷ quyệt, nên đã thất bại ở vòng bầu cử sơ bộ khi trả lời những câu hỏi với sự thành thực trong sáng của mình, thay vì những câu trả lời vuốt đuôi cho giới cử tri bảo thủ cực đoan vốn là thành phần siêng đi bầu ở vòng sơ bộ.
Riêng đối với ứng cử viên Al Hoang và cử tri gốc Việt, kết quả bầu cử nghị viên đơn vị F của Houston vào cuối năm 2013 đã cho mọi người thấy rõ, đối với những ai còn ngây thơ hay hoang tưởng hoặc chẳng biết tí gì về diễn biến bầu cử tại Hoa Kỳ.
Vào lúc ấy, Al Hoàng là nghị viên đương nhiệm suốt 2 nhiệm kỳ, được coi là có lợi thế để tái đắc cử dễ dàng nên tất cả những đối thủ khác (gốc Tầu, Pakistan, Latino, Mỹ trắng v.v.) đều không nhảy ra vì nghĩ rằng chắc chắn sẽ thua. Nếu có tham vọng, họ sẽ khôn khéo để chờ đợi 2 năm sau khi ông ta sẽ phải mãn hạn và không được tái tranh cử nữa, thì cuộc chạy đua tại đơn vị F coi như sẽ được mở rộng để mọi người nhập cuộc thi đua. Dưới mắt nhìn của nhiều người không rõ chuyện, họ coi như Al Hoang đã nắm chắc lá phiếu của khối cử tri gốc Việt, cộng thêm lợi thế của người đương nhiệm và do đó có xác suất quá cao để thành công.
Vì thế, sự xuất hiện của Richard Nguyễn để đối đầu với Al Hoang phải được xem như là một chuyện “chơi ngông”, của những người sẵn sàng bỏ tiền ra ứng cử để mua chút tiếng vang hoặc thoả mãn tự ái cá nhân của mình. Anh này được xem như là một ứng viên thuộc loại “vô danh tiểu tốt” ngay cả trong cộng đồng người Việt, nói gì đến cộng đồng người Mỹ nói chung tại đơn vị F. Quỹ vận động tranh cử của anh là con số không, so với kho bạc mấy chục ngàn Mỹ kim của Al Hoang chi ra để quảng cáo. Không có bảng tên cắm tại nhà, không có truyền đơn, không có quảng cáo hay talk show trên các đài tivi hay radio.
Trong bức tâm thư ra mắt, Richard Nguyễn chỉ nói đến chuyện ra tranh cử là để có cơ hội chứng tỏ cho mọi người thấy là sẽ có một người trẻ, lần này sẽ không phản bội lại cha anh của họ như gương xấu của Al Hoang. Tuyệt nhiên, không hề có bất cứ lời hứa hẹn hay chương trình hành động nào khác, dù rằng ông ra ứng cử chức nghị viên thành phố Houston! Theo nhà báo của Houston Chronicle thuật lại với kẻ viết bài này, trong hai cuộc gây quỹ cho Richard Nguyễn do người quen đứng ra tổ chức, số người tham dự rất lèo tèo, và một vụ còn khiến cho ban tổ chức bị lỗ, nói gì đến chuyện gây quỹ. Ấy thế mà cuối cùng anh ta đã thắng, dù là khá khít khao chỉ vài trăm phiếu.
Khách quan mà nói, có lẽ chính anh ta cũng không ngờ là mình sẽ thắng cử. Điều hiển nhiên là anh ta thật sự không hề có tham vọng trở thành một chính trị gia chuyên nghiệp. Việc anh ra ứng cử, có lẽ chỉ là để thoả mãn sự bực tức của nhiều bậc cha chú trong gia đình, khó chịu khi phải chứng kiến nhiều việc làm của Al Hoang mang tính chất phản bội niềm tin của họ trước đây, đã làm cái công việc dại dột là “lỡ trao duyên lầm cho tướng cướp”. Điển hình là việc Al Hoang mạo nhận tên tuổi bà thị trưởng Houston để phát ngôn bừa bãi trong đêm tưởng niệm 30-4, rồi sau đó còn “nổ sảng” để khoe khoang tào lao về cái gọi là đường bay trực tiếp từ Houston về Sàigòn v.v. Sau đó là chuyện thậm thụt đi gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn của Việt Cộng, nhưng phải dấu diếm cho đến khi bị một tờ báo trong nước tiết lộ ra ngoài.
Nhưng giọt nước làm tràn ly có lẽ là những hình ảnh về chuyến đi của Al Hoang về Việt Nam, với những vụ gặp gỡ các viên chức Việt Cộng tại Đà Nẵng, hoặc thăm viếng các tay chóp bu như Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Minh Triết v.v. Có lẽ Al Hoang và bộ tham mưu cố vấn của ông nghĩ rằng những lời lẽ nguỵ biện với chuyện lén lút gặp gỡ Nguyễn Thanh Sơn được trình bày trên nhiều làn sóng tại Houston sau đó cũng giải toả phần nào sự bực tức hay nghi ngại của cư dân tại Houston. Nên từ đó ông phóng lao đi xa hơn nữa, sẵn sàng “hồ hởi” làm một chuyến “áo gấm về làng” để có thể khoe mẽ với nhiều cán bộ trong nước có thể không hiểu rõ về cơ cấu và hiện tình chính trường nước Mỹ. Sau đó ông còn tung ra những tấm hình và đoạn phim chiếu những cảnh này, đương nhiên khiến sự bực tức của người dân tại hải ngoại càng dâng cao hơn nữa. (Khi xem những tấm hình này, có người cắc cớ hỏi rằng chẳng lẽ nghi thức ngoại giao trong nước đã xuống cấp đến mức mà người lãnh đạo ngành ngoại giao như ông Nguyễn Thanh Sơn lại mang dép để đón tiếp một phái đoàn của chính quyền Houston? Hỏi tức là trả lời.)image
Phái đoàn của Al Hoang được Thứ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Thanh Sơn đón tiếp tại Việt Nam.
image
Ngay cả Nguyễn Minh Triết cũng mang dép khi tiếp phái đoàn từ Huoston
Trong lúc Al Hoang đang hô hào về cái gọi là “cách mạng trắng” cho những ai còn nhẹ dạ hay ngu ngơ để có thể kiên nhẫn ngồi lắng nghe, thì những người Việt cao niên tại đơn vị F không biết làm gì hơn để bầy tỏ sự tức giận của mình như đa số người Việt tại hải ngoại. Cơ hội bầu cử đơn vị F vào lúc đó bỗng nhiên mở ra cho họ một dịp may để “xả xú-páp” sự bực tức của mình bằng cách rủ rê đi bỏ phiếu cho Richard Nguyen, coi như là một hình thức trả đũa những hành động phản bội của Al Hoang.
Lá lay là cuộc bầu cử này xảy ra vào năm lẻ, không trùng với những cuộc bầu cử lớn trên toàn quốc. Hơn nữa, các chức vụ lớn như thị trưởng, kiểm soát viên tài chánh cũng không có gì gay cấn sôi nổi nên người dân ít thèm quan tâm, và do đó cũng không siêng năng đi đến thùng phiếu. Kết quả là chỉ có gần 3,000 người chịu khó đến bỏ phiếu ủng hộ cho Al Hoang, trong một đơn vị F của thành phố có khoảng gần 100 ngàn cư dân. Và vận xui đã run rủi khiến cho con số những người cao niên người Việt âm thầm rủ rê lẫn nhau đến thùng phiếu để bỏ phiếu chống Al Hoang cho bõ ghét cũng tương tự như vậy, nhưng hơn được khoảng 200 phiếu. Quả là vận xui vì trước đó không có những tên tuổi thuộc các sắc tộc khác ra tranh cử để có thể tạo tình trạng chia phiếu lẫn nhau khiến khó có người vượt qua được đa số quá bán ở vòng đầu, để cho Al Hoàng có cơ may “chữa cháy”. Thành ra khi chỉ có 2 người Việt tranh cử tại đơn vị F, số sai biệt vài trăm phiếu cũng đã đủ để hất cẳng Al Hoang té ngựa một cách đau đớn.
Dĩ nhiên, kết quả bầu cử sau cùng sẽ diễn ra vào sáng thứ Tư sau ngày bầu cử 04 tháng 11 sắp tới. Đến lúc đó, mọi người sẽ biết được rõ ràng kẻ thắng người thua. Và trong nhiều trường hợp cũng có thể xảy ra những vụ “ngựa về ngược” (upset) rất bất ngờ. Nhưng đối với cộng đồng người Việt tại Houston, có lẽ số người đến thùng phiếu tại đơn vị 149 lần này để bầy tỏ quan điểm của họ một lần nữa cho rõ ràng có lẽ sẽ không nhỏ. Nhất là khi kết quả của cuộc bầu cử tại đơn vị F vừa qua đã cho họ một bài học rất quý giá về sức mạnh cũng như ý chí của người dân khi muốn bầy tỏ quyết tâm của mình để không bị phản bội lần nữa.

MAI LOAN


image

Khi Trung Cộng chuyển lửa Cách Mạng Văn Hoá vào Hồ...
Mỹ sẽ không vồ vập như Việt Nam tưởng tượng
Favic: tốp ca không có người Việt chuyên hát nhạc ...
Ngủ Đò
Did You Know?
Mạng xã hội là nguồn tin chính ở VN
Hoa quả TC và quan ngại 'nhúng hóa chất'
Bộ não: điều khiển biểu tình ở Hồng Kông, qua lời ...
Hồ Chí Minh là thế đấy!!!
Người nghiện ma túy tăng, cướp giật lộng hành ở Sà...
Tranh cãi vụ giết chó vì chủ bị Ebola
Người Việt ít cần 'món ăn tinh thần'?
Những điều người trẻ VN nên làm
Tàu Sunrise 689 đã mất tích một cách bí ẩn
Đèn đường không dây ở Mỹ
Khi vợ chồng bị lú lẫn_bệnh Alzheimer
Chống khủng bố hay tránh khủng bố?
Những sản phẩm mới của Nhật
Võ sĩ Lê Cung bị cấm thi đấu 12 tháng
Đánh chuột giữ bình hay giữ mình?
Đèn LED là gì ?
Hai cuốn phim, hai thái độ
Tỉ phú truyền thông Hồng Kông Jimmy Lai nhắn nhủ p...
Mỹ cần một đối tác mạnh chống lại Trung Cộng
Học được gì từ Hàn Quốc?
Giới hoạt động nhân quyền nêu nghi vấn về việc Mỹ ...
Một cái nhìn khác về quan hệ Việt-Mỹ
Sức sống mãnh liệt của thực vật
Vài chuyện lạ - Interesting stuff
Chùm khế ngọt
Bên vực rạn nứt của lãnh đạo Trung Cộng
Không thành công thì cũng thành...
Nghị Viên Bí Mật: Hoàng Duy Hùng
Biểu tình ở Hồng Kông kiên quyết không rút lui
Tuổi trẻ thờ ơ, vô cảm là trách nhiệm của nhà giáo...
Ngày cuối cùng ở VN
Tập Cận Bình có thể là nhà cai trị cộng sản cuối c...
Discovery: The fall of Saigon
Truy tìm nghi phạm giết du khách Anh ở Thái Lan
Thu Minh: nữ ca sĩ nham nhở

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.