Đọc những báo cáo của
nhà nước và báo chí chính thống, nhìn những đường cao tốc, những dinh thự ở Sài
Gòn và Hà Nội, ta có cảm tưởng là đất nước đã có những phát triển lớn, gấp mấy
chục lần cách đây 30 năm.
Tuy nhiên, đường xá,
dinh thự chỉ là bề mặt, không cho thấy khả năng công nghệ thực của một nước nếu
chúng tùy thuộc phần lớn vào ngoại viện và công nghệ ngoại quốc. Đưa ra những
con số về sự tăng trưởng của mình mà không so sánh với các nước tương tự là một
việc hoàn toàn vô nghĩa, nhất là khi sự tăng trưởng đó tính từ một khởi điểm
(năm 1975) quá thấp vì những lý do bất thường như chiến tranh.
Trong cuộc chạy đua
liên tục với thế giới, sự tụt hậu đối với các nước láng giềng sẽ không sớm thì
muộn đưa đến lệ thuộc về chính trị. Để đối phó lâu dài với những đe dọa từ
phương bắc, Việt Nam phải trở thành một nước công nghiệp giàu mạnh, ít ra là
tương đương với Tàu.
Ở Đại hội IX (2001)
Đảng CSVN đã đặt mục tiêu Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào
năm 2020, có nghĩa là khi đó công nghiệp phải đóng góp hơn 50% vào GDP. Hiện thời
tỷ lệ này chưa tới 20% và thậm chí đang xuống dần trong mười năm qua [1]. Dựa
vào đà phát triển từ 1975 tới nay, có hy vọng gì là Việt Nam sẽ đạt được mục
tiêu đó?
Để có một ý niệm xác
thực hơn về những thành quả trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tôi
xin đưa ra vài so sánh giữa Việt Nam và Hàn Quốc ở thời điểm tương đương trong
quá trình xây dựng đất nước. Hàn Quốc là một thước đo hợp lý cho Việt Nam vì
hai nước có những điểm rất giống nhau: cùng là những nước Đông Á chư hầu của
Tàu trong thời quân chủ, cùng thấm nhuần ảnh hưởng Khổng giáo, cùng hệ thống
chính trị – văn hóa. Một dấu hiệu của sự tương đồng là trong thế kỷ 12, khi những
quý tộc Việt đời Lý di cư qua Cao Ly, họ đã dễ dàng hòa mình vào quê hương mới
và chiếm vị thế xã hội tương đương như ở cố hương [2].
Trong lịch sử hiện đại,
hai nước đã cùng trải qua mấy chục năm thuộc địa: Cao Ly là thuộc địa của Nhật
từ 1910 tới 1945, Việt nam là thuộc địa của Pháp từ 1984 tới 1954. Hàn Quốc được
giải phóng sau Thế chiến II nhưng ngay sau đó trải qua một cuộc chiến tàn khốc,
còn Việt Nam sau khi thoát khỏi chế độ thuộc địa cũng phải trải thêm một cuộc
chiến cho tới 1975. Khi hòa bình tái lập, hai nước đều là những nước nông nghiệp
lạc hậu, kinh tế bị phá hủy nặng nề.
Theo một chuyên viên
Hàn Quốc [3], khi chiến tranh mới kết thúc nước này bị coi là một nước “vô vọng”
so với những nước Á châu khác như Philippines, Thái Lan và Miến Điện: dân trí
kém cỏi, gian dối, nhiều mặc cảm, đầu óc trì trệ, chỉ một nửa dân số có giáo dục
sơ đẳng hay hơn.
GDP đầu người năm
1960 là 79 USD, lương thực thiếu thốn, cán cân thương mại lỗ trầm trọng (xuất
32 triệu dollars, nhập 97 triệu), cả nước tùy thuộc nặng nề vào ngoại viện,
không có vốn phát triển, tình trạng chính trị – xã hội không ổn định. Ở thời điểm
1953, Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) chưa ra đời, hoạt động của Ngân hàng Thế
giới (World Bank) hãy còn rất hạn chế, và có rất ít nguồn ngoại viện hay đầu tư
ngoại quốc. Nói tóm lại, tình trạng tổng quát của Hàn Quốc năm 1953 có lẽ còn
thảm hại hơn Việt nam vào năm 1975.
Khu nghèo dọc sông
Cheong-Gye-Cheon, thập niên 1950 [3].
Hai lịch sử song
song gần như “anh em sinh đôi” của hai nước chỉ xê xích 22 năm về thời điểm:
chiến tranh Cao Ly kết thúc năm 1953, chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Vậy,
tính theo quá trình phát triển thì Việt Nam 2014 phải ở một vị trí tương tự như
Hàn Quốc năm 1992. Ta thử so sánh Việt Nam bây giờ với Hàn Quốc khoảng 1992 trở
về trước vài năm.
Kỹ nghệ ô tô
1988: Hàn Quốc sản
xuất 1,1 triệu ô tô, xuất cảng 576.134 chiếc xe (83% bán sang Mỹ), sản xuất bộ
phận ô tô trị giá 4,6 tỉ USD (tương đương khoảng 9,2 tỉ USD hiện thời) [4].
2014: Năm 2013 Việt
Nam lắp ráp 40.902 ô tô. Lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước chỉ bằng 1/3 lượng
xe nhập khẩu. Hiện ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ thực hiện chủ yếu 3
công đoạn chính là hàn, lắp ráp và tẩy rửa sơn [5]. Một số hãng như Mazda và
Ford đã phải từ bỏ dự án lập nhà máy lắp ráp lớn ở Việt Nam vì nước ta không sản
xuất được bộ phận phụ tùng. Công nghệ sản xuất linh kiện kém phát triển, tỷ lệ
nội địa hóa chỉ đạt tới 5-10% và giới hạn vào các linh kiện kỹ thuật thô sơ như
ắc quy, dây điện, các bộ phận nhựa đơn giản [6].
Xe Ladalat chạy trên
đường phố Sài Gòn trước 1975
Kỹ nghệ đóng tàu
1988: Hàn Quốc sản
xuất 27% trọng tải tàu thủy trên thế giới.
2010: Tham vọng trở
thành “cường quốc đóng tàu” của Việt Nam [7] thất bại nặng nề, tập đoàn đóng
tàu Vinashin bị giải thể để lại món nợ 4,5 tỉ USD [8]. Số tiền này gấp 4 lần
gói kích cầu của Chính phủ để phục hồi kinh tế trong cơn khủng hoảng suy thoái
năm 2008, gấp 3 lần tổng mức đầu tư cho chương trình xóa đói giảm nghèo cả nước
[9].
Kỹ nghệ xây cất
1989: Hàn Quốc xuất
cảng công trình xây cất trị giá 7 tỉ USD (tương đương khoảng 14 tỉ USD hiện thời).
2014: Việt Nam chưa
nghe nói xuất cảng công trình xây cất nào. Hầu hết các công trình lớn tại Việt
nam hãy còn do các hãng ngoại quốc thực hiện.
Kỹ nghệ điện tử
1988: Kỹ nghệ điện tử
(TV, video, computers, lò vi ba, linh kiện v.v.) Hàn Quốc sản xuất 23 tỉ USD
(46 tỉ USD hiện thời), đứng thứ 6 trên thế giới. Xuất khẩu 15 tỉ USD (30 tỉ USD
hiện thời). Những hãng lớn như Samsung, Lucky-Goldstar, Hyundai đã mở nhà máy ở
Tây Đức, Anh, v.v. [10].
Máy tính IBM được xử
dụng tại các ngân hàng trước 1975
2014: Kỹ nghệ điện tử
Việt Nam chủ yếu là lắp ráp bộ phận ngoại quốc. Không tự sản xuất được linh kiện.
Đóng góp của công
nghệ vào GDP
1987: Sản phẩm công
nghệ (manufacturing) đóng góp 30,3% vào GDP của Hàn Quốc [4].
2012: Sản phẩm công
nghệ (manufacturing) đóng góp dưới 20% vào GDP của Việt Nam và có chiều hướng
đi xuống trong mười năm vừa qua [1].
So sánh giá trị gia
tăng hàng công nghiệp chế tạo (MVA) trên đầu người, Ta thấy Hàn Quốc tiến triển
thế nào và Việt Nam ta làm ăn ra làm sao.
Giao thông
1990: Seoul có 200
km xe điện ngầm. 1987: Hàn Quốc có 6340 km đường sắt, trong đó 762 km là đường
kép và 1023 km đường điện.
2014: Khởi công xây
tuyến xe điện ngầm đầu tiên (Bến Thành – Suối Tiên) dài 19 km. Về đường sắt, Việt
Nam vẫn dùng hệ thống đường sắt do thực dân Pháp để lại từ 1945, chưa xây gì
thêm. Các ga hầu như không thay đổi, chỉ ngày càng xuống cấp.
GDP
1988: Hàn Quốc đạt
GDP/đầu người 4466 USD (khoảng 9.000 USD hiện thời), bằng 22% Mỹ, đứng thứ 49
trên 166 nước [11]. Năm 1992, GDP Hàn Quốc lên đến 7527 USD (khoảng 15.000 USD
hiện thời).
2012: Việt Nam đạt
GDP/đầu người 1596 USD, bằng 3% Mỹ, đứng thứ 131 trên 177 nước [11].
Văn hóa – xã hội
2014: Người Việt Nam
bị nhiều tiếng xấu ở ngoại quốc về nạn ăn cắp vặt, một số cửa hàng Nhật phải cảnh
cáo bằng tiếng Việt. Nhân viên Hàng không Việt nam bị bắt vì tội ăn cắp, buôn lậu.
Nhiều hãng ngoại quốc đầu tư xây nhà máy ở Việt Nam quan tâm về việc công nhân
ăn cắp link kiện. Tình trạng người Việt ăn cắp diễn ra ở khắp mọi nơi, ở công sở,
ở công ty, nơi công cộng, siêu thị, điểm du lịch… Năm 2013, khi Đại sứ quán Hà
Lan phát tặng áo mưa miễn phí, dân chúng đã chen lấn, chụp giựt để lấy thật nhiều
khiến buổi phát tặng phải hủy bỏ. Những cảnh tranh lấn hái hoa, cướp lộc ở các
lễ hội xảy ra thường xuyên. Ý thức về môi trường yếu kém, tật xả rác thịnh
hành, hình ảnh du khách ngoại quốc đi nhặt rác giùm ở các thắng cảnh trở thành
quen thuộc [12].
1992: Dân Hàn Quốc
đã đạt tới trình độ văn hóa không kém gì các nước văn minh tiến triển nhất trên
thế giới.
Thể thao
Năm 1988, chỉ 35 năm
sau khi chiến tranh Cao Ly kết thúc, Hàn Quốc tổ chức thành công rực rỡ Thế vận
hội Seoul với 159 nước tham dự. Hàn Quốc được 12 huy chương vàng, đứng thứ tư
sau Liên Xô, Đông Đức và Mỹ.
Năm 2014, 39 năm sau
khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Việt Nam đăng cai tổ chức Á Vận Hội (có 45
nước thành viên), nhưng phải hồi lại vì không đủ sức.
KẾT LUẬN
Từ một hoàn cảnh hậu
chiến vô cùng thảm hại, với nguồn nhân lực không hơn gì Việt nam và trong tình
hình thế giới khó khăn hơn, Hàn Quốc đã được lãnh đạo đúng đường và trở thành một
nước công nghiệp tân tiến trong vòng 40 năm, dư thừa nội lực để đối phó với
Tàu.
So sánh lịch sử phát
triển của Việt Nam và Hàn Quốc, không thể tránh kết luận là ta đã tụt hậu quá
xa hoặc đã đi lạc đường. Một nước Việt Nam công nghiệp tân tiến có vẻ như đã trở
thành một ảo tưởng không bao giờ thực hiện được. Sự thua kém láng giềng sẽ càng
ngày càng trầm trọng và sự lệ thuộc ngoại bang sẽ trở nên tuyệt đối.
Không cầm cự được với
kẻ địch bằng công nghệ và kinh tế thì sẽ phải cầm cự bằng xương máu. Tuy nhiên,
hy sinh xương máu của dân chúng và binh sĩ để giữ gìn tự chủ thì cũng chỉ có thể
tạm trì hoãn một tương lai u tối không thể tránh khỏi. Điều mâu thuẫn nguy hiểm
là quá nhiều dân chúng cũng như lãnh đạo tỏ ra tự hào và tự mãn với những thành
tích của mấy chục năm qua.
Phạm Quang Tuấn
Trang Y
ReplyDeleteSo sánh với Hàn Quốc làm chi vậy. VN chúng ta luôn tự hào có: chủ nghĩa mác lê bách chiến bách thắng! VN chúng ta là: anh hùng đánh thắng ba đế quốc xâm lăng tàn ác: Pháp, Nhật, Mỹ! VN chúng ta là Đỉnh cao trí tuệ bậc nhất thế giới! VN chúng ta có: 25 nghìn tiến sĩ. VN chúng ta có: rừng vàng biển bạc. VN chúng ta có mẹ VN anh hùng. VN chúng ta có: bác! Có đảng quang vinh muôn năm. VN chúng ta có thủ độ bự. VN chúng ta có tòa nhà quốc hội bự. Chừng đó thôi - VN chúng ta cũng đã bỏ xa Hàn quốc hàng trăm năm. Hàn quốc không thể so bì với VN chúng ta được. Chúng ta tự hào - bốn nghìn năm ta vẫn là ta - không có quốc gia nào nhân đạo và hạnh phúc hơn VN. Chúng ta có tự do dân chủ, độc lập chủ quyền gấp nghìn lần bọn tư bản bóc lột. VN kiên định cuối thế kỷ 21 sẽ tiến lên CNXH. Lúc đó Hàn Quốc sẽ thua xa VN chúng ta. Hãy đợi đấy!