Thằng
bạn Việt kiều mới đây gửi mail cho tôi: “ … Sàigòn dạo này còn nhiều xích
lô không? Cứ đến những ngày tháng tư này, tao lại nhớ đến xích lô. Bây giờ, mày
chạy 2 bánh nổi không?….” . Chạy 2 bánh ở đây là nghiêng xe, giữ thăng bằng,
thì xích lô 3 bánh có thể chạy bằng 2 bánh.
Tên
Việt kiều này có thời là đồng nghiệp…xích lô của tôi. Nó đang theo ban triết
(Tây) thì đứt phim. Sau 75, mọi ngành học bên văn khoa (trừ ngoại ngữ) đều có
vấn đề, môn triết lại càng có vấn đề hơn nữa. Nó (phải) bỏ học, sống lông bông
đủ kiểu. Tôi theo ngành khoa học nên được chiếu cố cho học nốt những môn còn
thiếu, ra trường và làm việc tại một trung tâm nghiên cứu.
Một
buổi chiều cũng dạo tháng tư thế này, lang thang ngoài phố, tình cờ gặp y đang
đạp xích lô. Tay bắt mặt mừng. Y ra hiệu cho
tôi bước lên xe, chở thẳng ra quán nhậu lề đường. Chén thù chén tạc, đời xích
lô lắm chuyện ly kỳ bụi bặm. Y bảo : “ Tao mướn xe tháng, xài không hết
công suất, chiều tối hay sáng sớm gì đó, khi nào rảnh, mày lấy xe chạy kiếm
thêm tiền”. “ Tao chưa thử xích lô lần nào. Có dễ chạy không?”, tôi
hỏi. “ Không khó lắm”.
Note: hình trong bài viết
này là minh họa
Nói
vậy cũng hơi ngần ngừ, tôi đang dạy kèm thi đại học cũng kiếm thêm được chút
đỉnh đủ nhậu lai rai. Một bà bước đến bên bàn nhậu hỏi:
-Xích
lô! có đi không?
-Nghỉ
rồi dì, thằng bạn lắc đầu
Vài
ly rượu đủ làm tôi bốc lên :
-“Ngồi
đó chờ. Để tao!” , tôi quay qua bà khách: “ Dì đi đâu?”
Hình
như tôi có khiếu… đạp xích lô. Chẳng cần tập tành gì cả, mọi thứ đều an toàn,
trót lọt. Nửa tiếng sau, tôi trở lại quán rượu, đặt số tiền của cuốc xe đầu
tiên lên bàn, cười sảng khoái: “ 5 giờ rưỡi chiều mai, tao ghé nhà mày lấy
xe”.
Những
năm sau 75 mọi thứ đều đổi đời. Một thằng đạp xích lô như tôi cũng phải ăn mặc
và ứng xử như một người đạp xích lô. Ống quần chân phải xắn cao để khỏi bị xích
xe nghiến nát quần, tai nạn dập mặt cũng không chừng. Nhưng điều quan trọng là
phải đội nón, tránh nắng là chuyện nhỏ, tránh gặp mặt người quen mới là chuyện
lớn. Không ít lần tôi đã đụng phải học trò, đồng nghiệp, thậm chí cả bạn (gái)
ngoắc xe. Đời lắm nỗi oái oăm!
Có
lần tôi chở hai bà khách, mà trọng lượng của cả hai chắc cũng trên tạ rưỡi.
Trưa nắng, dốc cầu Thị Nghè dài như …vô tận. Tôi chợt thấm thía câu thơ của Cao
Bá Quát: “ Trời nắng chang chang người trói người…”. Hai bà khách vô tư
cười nói, sao hai bả không xuống xe đi bộ 1 quãng cho mình đỡ khổ ! Cho dù thế
nào, có Chúa làm chứng, tôi đã tận lực làm tròn nhiệm vụ của thằng đạp xích lô,
nhưng lực bất tòng tâm, dốc mỗi lúc mỗi cao, tôi không còn ghì nổi tay lái,
đành phải buông để xe đổ nhào về phía trước… Đôi khi con người cũng nên biết
lắng nghe những lời chửi rủa mà tưởng như đang nghe nhạc.. trữ tình, cuộc đời
nhờ đó sẽ đỡ khổ hơn chăng?
Một
trường hợp khác, tôi chở một bà khách ăn mặc quý phái, túi da, vòng vàng, son
phấn sáng rực. Thỏa thuận địa điểm và giá cả xong, tôi khởi hành, dù giá hơi
hẻo, nhưng chở một người thì xe cân bằng, dễ chịu hơn chở xe trống. Khi tới
nơi, bà khách nói đi xích tới nữa, sắp tới, và tới nữa,… cũng cả hơn 2 cây số.
Đến đây thì tôi hiểu mình bị lừa vặt, dừng xe lại, và lịch sự mời bà khách
xuống. Bả sừng sộ : “ Mày là thằng đạp xích lô, chứ là cái thá gì mà đòi
đuổi bà xuống….” . Tôi nổi nóng, nhảy xuống xe, định ăn thua đủ, nhưng
thoáng thấy quần mình đang mặc, ống thấp ống cao,…Trong nháy mắt, tôi chợt nhận
ra đúng thân phận, mình chỉ là thằng đạp xích lô. Tôi xua tay : “ Tặng bà
cuốc xe đó”, rồi lên xe đạp thẳng, còn kịp nghe tiếng nguýt đuổi theo: “
Xí….! Nghèo mà còn làm phách…”
Những
năm cuối thập niên 70, đầu 80 chẳng ai sống bằng lương nhà nước nổi. Lương kỹ
sư khoảng 73 đồng. Nhu yếu phẩm gạo (13kg), đường (0,5kg), thịt mỡ
(0,6kg),..được mua theo giá chính thức. Cũng phải kể, đàn ông được thêm mua 3
gói thuốc đen, phụ nữ vài thước vải mùng. Mấy thứ này ngốn hơn nửa tiền lương
rồi. Còn giá thị trường đại khái thế này: 3 đồng/ tô phở bình dân, 3 đồng/xị
rượu hạng bét, 0,5 đồng/ly cà phê bắp,.. Đó là mức sống tiêu chuẩn cán bộ (kỹ
thuật) là thế. Còn dân thường hầu như phải vật lộn theo giá thị trường, sổ gạo
khi có khi không, chen lấn, khoai mì, bo bo, hàng độn đủ thứ… Vậy mà thiên hạ
vẫn sống, vẫn loay hoay kiếm cái gì đó để ăn, để tồn tại. Sức đề kháng của con
người để sinh tồn trong nhiều trường hợp thật không tưởng tượng nổi. Sau này
tôi mới hiểu vì sao mấy ông tù cải tạo, phải chờ thả về mới chịu…đổ bệnh.
La
cà trong giới xích lô tôi mới biết ra rằng, không ít người là trí thức (cũ) đã
chọn con đường mưu sinh này. Khá bộn cái gọi là “ngụy quân, ngụy quyền” cũng
tham gia vào nghề này. Họ khó có chọn lựa nào khác. Ai cũng tìm cách che giấu
thân phận, nhưng “phát hiện” ra nhau không phải là điều khó. Lúc ế độ, không có
khách, táp xe vào bóng mát nào đó, nằm khểnh trên xe đọc sách: tri thức vẫn là
một nhu cầu, ngoài chuyện ăn uống.
Tôi
biết có nhiều nhà giáo sau 75 bỏ nghề để đi hớt tóc dạo, bán thuốc lá lẻ, sửa
giày dép,.. Tôi hỏi một vị :“ Bộ không được lưu dụng hay sao mà bỏ nghề giáo,
làm nghề này chi cho cực?”. “ Không, tôi tình nguyện “mất dạy”. Tôi thà
“mất dạy”…”, ông cựu giáo chức cười méo miệng. Tôi không hỏi thêm nữa, sợ
ông buồn.
Có
một nghề mà mấy ông cựu thầy giáo rất thích, đó là nghề bơm mực bởi vì ít nhiều
nó dính dáng tới văn phòng tứ bảo, cũng gần gần với cái “nghiệp” năm xưa của
mấy ổng. Tôi xin mở ngoặc một chút để các bạn trẻ có thể hình dung về nghề lỗi
thời này. Bút bi mà các bạn đang dùng, xài hết mực thì vất đi. Sau 75, bút bi
thuộc loại “quý giá” và là hàng dễ hỏng. Bút nào mà xài được tới hết mực, được
xem là hàng…chất lượng cao, xài hết thì mang ra ngoài đường bơm mực, xài tiếp.
Nói tới bút dỏm, mà không nói tới giấy dỏm thì có vẻ hơi thiếu.
nghề bơm mực
Giấy
vàng khè, còn lộm cộm những bã rơm rạ nghiền chưa kỹ, đè bút mạnh tay một chút
để ra chữ, có khi văng cả bi ra ngoài. Tôi còn lưu giữ khoảng vài trăm trang
giấy như thế, trên đó là bút tích các báo cáo và bản dịch tài liệu kỹ thuật.
Đôi lúc nhìn lại thấy ngậm ngùi. Quả là một thời kiên nhẫn không cần
thiết.
Không
phải khách đi xích lô nào cũng hãm tài như tôi vừa kể ở trên. Khách đàn ông dễ
chịu hơn, ít kì kèo. Khách nhi đồng thì miễn trả giá, cỡ nào tôi cũng chạy.
Khách hào phóng nhất, mà đôi khi cũng xù tỉnh queo nhất là mấy em đi…khách, hôm
nào trúng mánh thì trả đậm, lỡ trật mánh thì hẹn…kiếp sau. Có khách hàng lên
xe, buông một câu: “ Anh chở tôi đi đâu loanh quanh cũng được, đi đủ 2
tiếng đồng hồ.”. Thời buổi lúc đó, lên voi xuống chó, tình đời đen bạc, đẩy
đưa, tâm tư chất chứa gì đó, người khách im lặng suốt cuốc xe. Tôi chở khách,
chở luôn nỗi buồn thời cuộc của họ.
Một
buổi sáng chủ nhật, tôi chở bà khách từ chợ An Đông. Bà bao xe nguyên ngày, đi
nhiều nơi trong Sàigòn, mỗi nơi đi vào khoảng nửa tiếng, rồi trở ra đi tiếp. Đi
kiểu này thì khỏe, tôi khỏi tốn công cảo xe lòng vòng kiếm khách. Tới nơi,
khách đi công chuyện của khách, tôi ngả người lên xe nằm chờ, và lấy sách ra
đọc. Chặng cuối cùng, bà đi tới bến xe miền Tây, để đón xe đò về Rạch Giá. Có
vẻ như đã xong công việc, bà khách ngồi trên xe vui vẻ bắt chuyện:
-Anh
đạp xích lô lâu chưa?
-Chừng
vài tháng
-Tôi
thấy anh đâu có dáng đạp xích lô, mặt mày như thế phải là người có ăn học.
-Tôi
đang kiếm sống bằng nghề đạp xích lô mà.
-Ban
nãy tôi thoáng thấy anh đọc truyện tiếng Anh, quyển gì, à…16 skeletons in
closet
Bà
khách này đáo để quá… Tôi im lặng hồi lâu.
-Sao
anh không đi?
-Đi
đâu?, tôi vờ ngớ ngẩn
-Ở
đây khó sống. Bên kia còn thấy tương lai…
Tới
bến xe, bà trả tôi gấp đôi số tiền thỏa thuận. “Anh không muốn đi thật
sao?”.Tôi lờ mờ hiểu ra công việc của bà sáng nay, “ Tôi có hoàn cảnh
riêng. Chúc chị đi bằng an”.
Đi
vài bước, bà khách chợt quay lại, rút trong túi xách quyển sách:“ Anh cầm quyển
này mà đọc” . Tôi chưa kịp cám ơn bà đã quầy quả đi ngay vào bến. Đó là
quyển tiểu thuyết “ Chiếc cầu trên sông Drina ”
của Ivo Andritch
Sáu
tháng đạp xích lô, tôi hiểu ra được nhiều mảng đời, nhiều số phận. Cuộc sống
đảo điên và kỳ lạ, một chút tàn nhẫn, một chút thánh thiện, không đơn giản như
những gì tôi chúi mũi trong phòng lab.
Biết
bao chuyện của một thời, không sao nói hết. Nói ra không phải để “khoe khoang”
một thời khổ cực. Đâu chỉ có chuyện cơm áo gạo tiền mới làm mình khổ cực. Khổ
nhiều thứ, khổ tinh thần, đến giờ vẫn còn khổ. Tôi nhớ câu nói của một người
bạn đã khuất núi: “ Nghèo thì ăn bắp ăn khoai cũng chịu được, nhưng chịu
nhục thì không”. Có cách nào khác không?
Trong
những ngày gian khổ đó, bên cạnh những mảng tối, vẫn còn đâu đó vài điểm sáng.
Thèm miếng thịt, thèm lắm, vậy mà dĩa thịt trong mâm cơm nhiều khi còn đầy,
ngừơi này nhường người nọ, không ai nỡ gắp. Tuổi trẻ thời nay không hình dung
nổi chuyện lẻ tẻ đó. Thế hệ @ là phải nhanh như điện xẹt, yêu cuồng sống vội.
Đối với họ, cuộc sống là hưởng thụ, đề cao cá nhân, ứng xử theo kiểu bầy đàn mà
quên chia sẻ.
Thanh
niên thiếu nữ giành giựt hoa ở hội chợ hoa Hà Nội năm nào chẳng phải là điều
đáng suy nghĩ hay sao? Hay chỉ mới hôm qua, báo đưa tin, cả ngàn fan nữ thảng
thốt vì vẻ đẹp của một ngôi sao Hàn quốc. Cũng chả trách bọn trẻ được, một khi
triết lý giáo dục xem con người là phương tiện cho mục tiêu nào đó, chứ không
xem con người là cứu cánh.
Chiếc
cầu trên sông Drina được xây từ thế kỷ 16, nối liền Bosnie và Serbie, khi đó
Nam Tư còn thuộc đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Máu và nước mắt, thù hận và nhẫn tâm, biết
bao sự cố to nhỏ xảy ra chung quanh cây cầu trải suốt 400 năm, từ chiến tranh
bệnh dịch cho đến cái chết của một thiếu nữa lao mình xuống sông Drina. Rồi
chiếc cầu cũng bị giật sập trong cuộc chiến đầu thế kỷ 20, mang theo nỗi ê chề
của cô chủ quán già Lotika vì tình đời bạc bẽo. Số phận của chiếc cầu và thân
phận của con người. Bốn trăm năm có là giấc mộng?
Sàigòn
bây giờ vẫn còn xe xích lô, nhưng chủ yếu để phục vụ du lịch, chở khách Tây. Nó
trở thành hàng trang điểm cho cuộc đời.
Người
Đà Lạt nói : “ba chiều, chín chiều”, nghĩa là ba chiều mưa, qua đến chiều thứ
tư vẫn còn mưa, thì sẽ mưa thêm 5 chiều nữa. Bây giờ Đà Lạt đang mưa, đến chiều
thứ ba rồi, và có lẽ với tháng tư này, mai sẽ còn mưa nữa, mưa cho đủ chín
chiều, có khác gì “cửu hồi trường”, chín chiều quặn đau?
Vũ Thế Thành
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.