Dưới con mắt của nhà
phân tích người Nhật Mizokami, quân đội Trung Cộng chỉ là một con rồng giấy.
Trung Cộng đang vươn
mình mạnh mẽ và muốn gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên có nhiều trở
ngại khiến họ không dễ dàng đạt được tham vọng này. Tác giả gốc Nhật Kyle
Mizokami đã đăng tải trên internet bài viết sâu lý giải vì sao về mặt quốc
phòng, Trung Cộng lại được ông xem chỉ là một con rồng giấy.
Dưới đây là phần lược
dịch nhận định của Mizokami về các trở ngại khiến cho Trung Cộng
không dễ triển khai sức mạnh quân sự ra bên ngoài với tư cách đại cường quốc.
***
Kyle Mizokami
Sau nhiều thập kỷ
phát triển 2 con số, ngày nay Trung Cộng đã là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Cùng với đó, chi phí quốc phòng của Trung Cộng đã tăng 10 lần trong 25 năm. Bắc
Kinh hiện đang xây dựng một lực lượng hải quân nước xanh mạnh mẽ, phát triển
chiến đấu cơ tàng hình, và đang thận trọng thử nghiệm các hoạt động gìn giữ hòa
bình và viễn chinh.
Việc Trung Cộng xây
dựng thực lực quân sự cùng với chính sách đối ngoại ngày càng “rắn” của nước
này đã khiến cho phương Tây ngày càng cảnh giác. Một số nhà hoạch định chính
sách của Mỹ coi Bắc Kinh là “đối thủ gần ngang cơ” duy nhất của Washington. Nói
cách khác, họ coi Trung Cộng là quốc gia duy nhất có sức mạnh quân sự đủ để
đánh bại Mỹ trong một số trường hợp nhất định.
Chiến hạm Nga và Trung
Cộng tập trận chung
Tuy nhiên, phương
Tây đã sai. Thậm chí ngay cả sau nhiều thập niên tái vũ trang sâu rộng, Trung Cộng
vẫn chỉ là một con rồng giấy, giống như ông Mao Trạch Đông từng coi nước Mỹ là
một chú hổ giấy.
(Nguyên văn hồi năm
1956, Mao Chủ tịch của Trung Cộng đã đánh giá về nước Mỹ như sau: “Bề ngoài nó
rất hùng mạnh, nhưng trên thực tế nó chẳng có gì phải sợ cả - nó chỉ là một con
hổ giấy”.)
Ngân sách quốc phòng
Trung Cộng tăng không ngừng ở mức hai con số năm này qua năm khác. Tuy nhiên, lạm
phát đã trung hòa bớt nhiều phần trong sự tăng trưởng đầu tư đó. Đã vậy, cả lục
quân, hải quân, không quân và tên lửa chiến lược của Trung Cộng đều đã bị tổn hại
nhiều do nạn tham nhũng. Vũ khí của các quân chủng này nhìn chung đều thua xa
vũ khí tương ứng của phương Tây.
Về mặt công nghệ,
đúng là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Cộng đang từng bước mạnh lên. Nhưng điều
đó không có nghĩa Bắc Kinh có thể huy động quân đội mình cho các sứ mệnh toàn cầu.
Vị trí bất lợi
Cũng giống Nga, Trung
Cộng có đường biên giới dài và tiếp giáp với rất nhiều quốc gia, trong đó có những
quốc gia ít nhiều trong tình trạng bất ổn như Pakistan, Afghanistan, Myanmar
hay Triều Tiên, hoặc các quốc gia có va chạm biên giới trên bộ với nước này như
Ấn Độ, Bhutan. Trong 14 quốc gia chung biên giới với Trung Cộng, có tới 2 nước
sở hữu vũ khí hạt nhân, đó là Pakistan và Triều Tiên.
Riêng tình hình Triều
Tiên rất khó đoán định. Khi xảy ra biến cố, có khả năng nhiều triệu người Triều
Tiên sẽ vượt biên giới đổ vào Trung Cộng. Đã rò rỉ các thông tin về phương án dự
phòng của quân đội Trung Cộng (PLA), trong đó PLA sẽ được đưa vào Triều Tiên để
lập vùng đệm. Phản ứng trước các tiết lộ này, Bình Nhưỡng đã ít nhiều thay đổi
thái độ với Bắc Kinh.
Gần như hoàn toàn
đơn côi
Về cơ bản, Trung Cộng
thiếu vắng các đồng minh thực sự và đáng tin cậy. Riêng ở vùng Thái Bình Dương,
nước Mỹ có thể dựa vào Nhật Bản, Đài Loan, Australia, Hàn Quốc, New Zealand, và
Philippines với tư cách là các đồng minh thân cận, cũng như duy trì mối quan hệ
thân thiện với các nước khác bao gồm Malaysia, Việt Nam và Indonesia.
Trong khi đó, danh
sách các đồng minh của Trung Cộng ở Thái Bình Dương lại rất ngắn, chỉ có… nước Nga. Trên phạm vi toàn cầu, Trung Cộng có thêm một
số đồng minh là Pakistan, Zimbabwe, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Uzbekistan. Nhiều
nước trong số này đang vật lộn với những vấn đề nội bộ.
Bắc Kinh bắt tay với
các nước này nhằm kiềm chế họ. Tuy nhiên, việc này chỉ có hiệu quả trong trường
hợp Pakistan chứ không phải Triều Tiên. Ở Myanmar, Trung Cộng cố thân mật với
chính quyền quân sự tại đó, nhưng rồi đột nhiên Myanmar tiến hành hàng loạt cải
cách dân chủ và mở rộng quan hệ với cả phương Tây và Nhật Bản.
Quan hệ giữa Trung Cộng
với các nước Đông Nam Á và Nhật Bản cũng không được tốt đẹp cho lắm, đặc biệt
là sau những hành động gây hấn trên Biển Hoa Đông và Biển Đông cùng với việc Trung
Cộng tuyên bố nhận chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông.
Quan hệ ngoại giao ảnh
hưởng tới vị thế quân sự quốc tế. Trong khi hải quân Mỹ có thể đi khắp Thái
Bình Dương và có thể ghé thăm hàng chục cảng, thì chiến hạm Trung Cộng chỉ có
thể đi ven bên ngoài hải phận của mình. Ngoài cảng Vladivostok của Nga, hải
quân Trung Cộng không có nơi nào xa khác để tới.
Về mặt chiến lược, rõ
ràng Trung Cộng ở vào thế bất lợi rất lớn. Bắc Kinh không có đồng minh cung cấp
căn cứ, chia sẻ gánh nặng, chia sẻ thông tin tình báo hoặc chí ý là động viên về
tinh thần.
Lạm phát ‘ăn mòn’ vũ
khí
Kể từ năm 1990, chi
phí quốc phòng Trung Cộng đã tăng ít nhất 10% mỗi năm. Kết quả, sau 24 năm, chi
phí quân sự của nước này đã tăng tổng cộng là 10 lần.
Nhưng nếu tính đến lạm
phát, thì mức tăng thực sự của Trung Cộng trong chi phí quốc phòng chỉ là một
con số mỗi năm.
Nhìn lại lịch sử,
vào năm 1989, quân Giải phóng Trung Cộng có 3,9 triệu quân nhân nhận lương, đa
phần trong đó là bộ binh thiếu phương tiện và vũ khí hiện đại. Xe tăng chủ công
của lục quân Trung Cộng là phiên bản chiếc T-55 có từ những năm 1950.
Tàu ngầm Trung Cộng
Không quân và hải
quân Trung Cộng chỉ có khả năng phòng thủ ven biển. Trung Cộng có một tàu ngầm
tên lửa hạt nhân duy nhất, mà nghe nói tàu này đã bị bắt lửa và chìm trong cảng.
Trung Cộng khi ấy là
một nước nghèo. GDP của nó là 451 tỷ USD so với 8.840 tỷ của Mỹ cùng thời điểm.
Năm đó, Bắc Kinh chi 18,83 tỷ USD cho quốc phòng.
Vào thời điểm năm
1989, nếu tính bình quân, chi phí quốc phòng trên mỗi người lính Trung Cộng là
4.615 USD, còn con số tương ứng của Mỹ là 246.000 USD.
Cuối thập niên 1980,
học thuyết quân sự của Trung Cộng là “Chiến tranh Nhân dân”. Theo học thuyết
phòng thủ này, đối phương sẽ được nhử sâu vào trong nội địa và bị tiêu diệt bằng
chiến tranh chính quy và chiến tranh du kích.
Nhưng đến năm 1991,
Bắc Kinh hãi hùng theo dõi những diễn biến mới ở Iraq và Kuwait. Khi ấy, liên
minh do Mỹ dẫn đầu đã đập tan quân đội của ông Saddam Hussein và đánh bật nó ra
khỏi lãnh thổ Kuwait. Một chiến dịch không kích kéo dài vài tuần và một cuộc tiến
công trên bộ trong chỉ có 100 tiếng đồng hồ đã phá hủy một lực lượng Iraq áp đảo
về số lượng.
Bắc Kinh có nhiều việc
phải làm để cải cách quân đội. Nhưng việc này cần tiền. May là kinh tế Trung Cộng
tăng trưởng mạnh nên họ có thể dành một phần đáng kể thu nhập của mình cho quốc
phòng.
An ninh nội địa bất ổn
Theo một số tính
toán, năm 2013 Trung Cộng chi cho “an ninh công cộng” còn nhiều hơn cả cho quốc
phòng đối ngoại.
Điều này cho thấy Trung
Cộng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề an ninh nội địa, như các cuộc bạo động
bắt nguồn từ môi trường ô nhiễm nặng nề, lạm dụng sức lao động, tham nhũng, nạn
“chiếm đất”… Các điểm nóng mà Trung Cộng phải đối mặt bao gồm vùng Tây Tạng,
hay vùng Tân Cương, nơi người Duy Ngô Nhĩ phẫn uất với làn sóng người Hán đến định
cư.
Dưới tình cảnh hiện
nay, Trung Cộng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chi nhiều hơn cho an
ninh công cộng, và do đó làm ảnh hưởng đến sức mạnh quốc phòng đối ngoại của nước
này.
Căn bệnh tham nhũng
trầm kha
Tham nhũng là một vấn
đề lớn và khá mập mờ trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Các quan chức
bán tài sản nhà nước để tư lợi. Các nhà thầu tính thêm phí phát sinh cho các
công việc dưới chuẩn. Nạn “bằng hữu trị” – đưa bạn bè thân vào các vị trí quản
lý, dẫn tới việc thăng cấp cho những cá nhân thiếu năng lực.
Trước đây, trong nhiều
năm, PLA “tăng gia” bằng cách trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Khi kinh tế Trung
Cộng cất cánh, các nỗ lực này chuyển thành các doanh nghiệp. Bên cạnh việc trồng
trọt, PLA còn kinh doanh thêm khách sạn, rạp hát, quán bar…
Năm 1998 Đảng Cộng sản Trung
Cộng ra lệnh cho PLA phải cắt đứt quan hệ với các doanh nghiệp thương mại nhằm
tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu. Một đơn vị bộ binh giờ không còn phải
nuôi lợn nữa – bản thân ngân sách quốc phòng đã đủ đáp ứng nhu cầu lương thực của
binh lính.
Tướng Từ Tài Hậu,
nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Cộng hồi năm 2009, trong chuyến
thăm Lầu Năm Góc. Ông Từ bị tố là đại quan tham trong quân đội Trung Cộng
Nhưng thay vì đóng cửa
các doanh nghiệp quốc phòng, các lãnh đạo tham nhũng trong quân đội lại chuyển
sang kinh doanh chui và cố gắng che đậy các doanh nghiệp ngầm này.
Trò phi pháp bán “biển
số xe quân sự” cho các cá nhân dân sự giàu có là một nghề hốt bạc. Những người
mang biển quân sự - vốn chỉ có mối liên hệ hời hợt với quân đội - lắp đèn đỏ và
còi hú lên xe hơi của mình rồi phóng qua dòng xe cộ đông đúc trên phố. Ngoài ra
những người đi xe biển quân sự còn hay được hưởng quyền xài xăng miễn phí.
Nan buôn “biển đỏ” tệ
hại tới mức vào năm 2013, PLA cấm các loại xe nhập khẩu đắt tiền như là
Mercedes-Benz, BMW, Porsche, và Bentley được cấp biển quân sự.
Thi thoảng Bắc Kinh
lại ra tay trị tội các sĩ quan tham nhũng. Hồi năm 2007, một thẩm phán đã
tuyên án tử hình tạm hoãn đối với phó đô đốc Wang Shouye vì đã biển thủ 25 triệu
USD công quỹ PLA.
Với tư cách là Phó
Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần của PLA, ông Wang ở vào thế được quyền phê chuẩn việc
cấp nhà ở quân sự. Chính phủ đã kết tội ông Wang nhận lại quả từ các nhà thầu.
Cảnh sát đã bắt giữ
Wang vào năm 2006 sau khi vị lãnh đạo này từ chối yêu cầu bao tiền cho một
trong nhiều cô bồ của ông này. Các điều tra viên phát hiện hơn 8 triệu USD giấu
trong lò vi sóng và tủ lạnh bên trong nhà của Wang ở Bắc Kinh và Nam Kinh cùng
2,5 triệu USD khác nữa trong một chiếc máy giặt. Ngoài ra còn có chứng cớ về một
khoản tiền 8 triệu USD “thụt két” nữa trong các tài khoản ngân hàng của Wang.
Hồi tháng 3/2014, cảnh
sát bắt giữ cựu tướng Từ Tài Hậu từng là ủy viên Quân ủy Trung ương với cáo buộc
ông ta kiếm hàng triệu USD từ việc bán “cấp bậc”. Giai đoạn 2004-2013, ông Từ
phụ trách việc bổ nhiệm sĩ quan cấp cao trong lục quân.
Không biết chính xác
Từ kiếm được bao tiền. Chỉ biết người phó của ông này là tướng Cốc Tuấn Sơn –
hiện cũng bị bắt và điều tra, đã tặng con gái ông Từ một thẻ debit trị giá 3,2
triệu USD làm quà cưới.
Theo các báo cáo, tướng
Cốc đã bán hàng trăm “lon” quân sự. Một nguồn tin nói với Reuters: “Nếu một vị
đại tá không thuộc diện thăng cấp, muốn trở thành thiếu tướng thì phải chi tới
4,8 triệu USD”.
Trong đa phần các
quân đội chuyên nghiệp, những khoản hối lộ như thế này không đáng với những gì
thu lại được. Nhưng trong trường hợp của Quân Giải phóng Trung Cộng, đây được
coi là một khoản đầu tư. Cấp bậc càng cao thì càng có nhiều cơ hội “làm giàu”.
Daniel Hartnett, một
chuyên gia phân tích của công ty CAN cho biết, tham nhũng có thể phá hại năng lực
quân sự của PLA.
Ông nói: “Nếu các sĩ
quan mải mua chức vụ, như các cáo buộc xuất hiện gần đây, điều đó có nghĩa rằng
những ai có năng lực và nên được thăng tiến thì có thể không được thăng tiến,
còn những ai sắp được thăng tiến thì không nhất thiết phải là nhờ năng lực”.
Tham nhũng có thể
làm tổn hại PLA theo cách khác.
Harnett phân tích:
“Việc mua hàng cho PLA nhiều khi không xuất phát từ lợi ích tối thượng của PLA.
Người ta có thể mua một đồ nào đó rồi nhận lại quả, thậm chí ngay cả khi hàng
đó có chất lượng thấp hoặc không cần thiết”.
Tham nhũng có thể
gây chia rẽ giữa người dân Trung Cộng và PLA. “Nếu quân đội được xem là một thể
chế tham nhũng, giống như hồi đầu thập niên 1980, thì sự ủng hộ nói chung dành
cho PLA có thể bị suy giảm”. “Điều này hoàn toàn đi ngược lại hình ảnh mà quân
đội vẫn tự xây dựng về mình đó là danh dự, thanh liêm”.
Tinh thần của giới
sĩ quan PLA đã sụt giảm đáng kể sau vụ scandal Cốc Tuấn Sơn. Theo Reuters, “nhiều
sĩ quan lo sợ bị trừng phạt. Còn những người có phẩm chất nhưng lại bị phớt lờ
trong chuyện thăng tiến thì lại hết sức bất mãn”.
Tờ Foreign Policy dẫn lời một
chính ủy hàng đầu của PLA nói rằng: “Không nước nào đánh thắng nổi Trung Cộng.
Chỉ có nạn tham nhũng trong chúng ta có thể hủy diệt chúng ta và khiến cho quân
đội của chúng ta chưa tham chiến mà đã bại rồi”./.
tbui22206
ReplyDeleteDưới con mắt của nhà phân tích người Nhật Mizokami, quân đội Trung Cộng chỉ là một con rồng giấy. Dưới con mắt phân tích của người Việt Nam, các lảnh tụ CSVN chi là ký sinh trùng, những con mọt ăn bám, những con chuột đục khoét, bòn rút trên xương máu của dân, hay những con khỉ Ebola mà mọi người đều xa lánh.