Monday, October 6, 2014

Không thành công thì cũng thành...

image
Joshua Wong, lãnh đạo phong trào sinh viên phát biểu bên ngoài văn phòng của Trưởng quan Hành chánh Hong Kong Lương Chấn Anh.
Liên quan đến cuộc biểu tình của thanh niên, sinh viên và học sinh tại Hong Kong từ hơn một tuần vừa qua, giới truyền thông quốc tế ghi nhận một yếu tố mới: sự mệt mỏi của dân chúng. Gánh nặng kinh tế đã bắt đầu đè nặng trên vai nhiều người. Việc những người biểu tình chiếm cứ các trung tâm thương mại và các con đường huyết mạch trong thành phố khiến việc đi lại trở thành khó khăn, công việc buôn bán bị đình trệ, số lượng du khách - đặc biệt từ đại lục - giảm hẳn. Từ sự ủng hộ hoặc hờ hững ban đầu, nay, nhiều người đã bắt đầu đổ lỗi cho những người biểu tình. Việc một số tên đầu gấu nhảy vào đánh đập và sỉ nhục những người biểu tình ít nhiều được sự đồng tình của một bộ phận dân chúng nào đó: Họ muốn cuộc biểu tình chấm dứt sớm.

image
Không những dân chúng mệt mỏi, những người biểu tình cũng bắt đầu mệt mỏi. Nhìn lên màn ảnh tivi, người ta dễ dàng nhận thấy các thanh niên, sinh viên và học sinh đang biểu tình tại Hong Kong đã bắt đầu uể oải. Sau gần một tuần chỉ sống bằng bánh mì, chuối và nước uống, nhiều người đã có vẻ đuối sức. Họ nằm ngủ vật vạ trên đường. Những tiếng hô khẩu hiệu đã yếu dần. Trả lời các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, một số người tuy vẫn đầy quyết tâm nhưng đã nhuốm mùi bi quan: Họ không tin là chính quyền Trung Cộng sẽ đáp ứng hai yêu sách chính của họ (yêu cầu Trung Cộng bỏ quyết định độc quyền chọn lựa các ứng cử viên cho cuộc bầu cử vào năm 2017 và yêu cầu đặc khu trưởng Hong Kong Leung Chun-Ying, kẻ, theo họ, chỉ biết ngoan ngoãn tuân theo lệnh của Bắc Kinh, phải từ chức).
Trước sự mỏi mệt từ những người biểu tình cũng như của dân chúng ấy, không ai tin cuộc biểu tình sẽ kéo dài lâu.

Nhưng như vậy thì sao? Cuộc biểu tình có thành công hay không?

image
Tôi nghĩ là không. Giới cầm quyền Trung Cộng, ai cũng biết, thường ít khi nhượng bộ quần chúng. Một phần, đó là tính cách của họ, những người trưởng thành từ cuộc Cách mạng văn hoá vốn nặng tính chất duy ý chí. Phần khác, họ sợ một sự nhượng bộ như vậy sẽ mở đầu cho các cuộc xuống đường biểu tình ở những thành phố lớn trong đại lục.
Không nhượng bộ nhưng có lẽ Trung Cộng sẽ không áp dụng chính sách mạnh tay như ở Thiên An Môn năm 1989. Có bốn lý do chính.

Thứ nhất, Hong Kong hiện nay không phải là Bắc Kinh hơn hai mươi năm trước. Ở Hong Kong hiện nay, truyền thông vẫn còn khá tự do, số lượng phóng viên nước ngoài vô cùng đông đảo. Bất cứ sự trấn áp hung bạo nào cũng đều được truyền đi khắp thế giới và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Trung Cộng.

image
Thứ hai, một sự trấn áp như thế sẽ ảnh hưởng đến một mục tiêu Trung Cộng vẫn muốn theo đuổi: thống nhất Đài Loan. Sẽ không có ai ở Đài Loan tin tưởng vào lời cam kết “một nước, hai chế độ” của Trung Cộng nữa.

Thứ ba, ý nghĩa và hiệu ứng chính trị ở Hong Kong khác hẳn với Thiên An Môn: Ở Thiên An Môn năm 1989, nếu chính phủ nhượng bộ, chế độ cộng sản toàn trị sẽ sụp đổ; ở Hong Kong hiện nay, nếu chính phủ nhượng bộ, tất cả đều giữ nguyên trạng như cũ chứ không có gì thay đổi cả.

Cuối cùng, thứ tư, thật ra, Trung Cộng cũng không cần phản ứng mạnh. Họ tin là họ sẽ thành công ở một chiến thuật khác, nhẹ nhàng và không chừng hiệu quả hơn: kéo dài thời gian, để đến một lúc nào đó, mọi người đều mỏi mệt và dần dần giải tán. Với họ, đó là chiến thuật bất chiến tự nhiên thành.

image
Không thành công, nhưng cũng không thể nói là cuộc biểu tình của giới trẻ Hong Kong thất bại. Không thất bại vì nhiều lẽ.

Thứ nhất, nó thu hút sự chú ý của toàn thế giới về sự bội tín của chính quyền Trung Cộng đối với chủ trương “một quốc gia hai chế độ” mà họ từng cam kết với chính phủ Anh trước năm 1997. Sự bội tín ấy không những gây bất lợi cho Trung Cộng trong việc thuyết phục dân chúng Đài Loan thống nhất với họ mà còn tác hại đến nỗ lực xây dựng một thứ quyền lực mềm của Trung Cộng.

Thứ hai, nó làm cho dân chúng Hong Kong nói chung quan tâm nhiều đến người khác cũng như đến tương lai và vận mệnh của chính họ, từ đó, bớt hờ hững trước các vấn đề chính trị. Suốt cuộc biểu tình, người ta để ý là mỗi lần các sinh viên và học sinh bị đàn áp, từ cảnh sát cũng như từ bọn quấy nhiễu, dân chúng lại đổ xô xuống đường tham gia vào cuộc biểu tình nhiều hơn. Một phần vì họ phẫn nộ; phần khác, vì họ tin tưởng đó là cách tốt nhất để “cứu” những thanh niên đang tranh đấu: số đông sẽ mang lại sự an toàn.

image
Thứ ba, nó tạo nên một hình ảnh rất đẹp về giới trẻ Hong Kong dưới mắt nhìn của thế giới. Thành công hay không thành công, cuộc biểu tình ở Hong Kong hiện nay cũng được giới quan sát quốc tế xem là một trong những cuộc biểu tình đẹp và lịch sự nhất trong lịch sử, ở đó, người ta không chỉ biết chống đối mà còn biết bảo vệ những giá trị chung của xã hội. Họ không dẫm lên các bãi cỏ. Họ tự dọn dẹp rác rến, kể cả tàn thuốc lá. Họ lịch sự xin lỗi mọi người về sự phiền toán do cuộc biểu tình gây nên. Họ biết tự kiềm chế khi bị các tên đầu gấu đến quấy rối và hành hung.

image
Cuối cùng, thứ tư, cuộc biểu tình hiện nay là một cuộc tập dượt tốt cho các cuộc đấu tranh cho dân chủ về sau. Hầu hết những người lãnh đạo cuộc biểu tình này đều rất trẻ. Chắc chắn họ học được rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc biểu tình lần này. Hơn nữa, cũng qua cuộc biểu tình này, một số trong họ trở thành những tên tuổi lớn, được chú ý trên thế giới, nhờ đó, sau này, bất cứ tiếng nói phản kháng và phản biện nào của họ, cũng đều dễ dàng vang xa, và do đó, có hiệu quả lớn.

image
Bởi vậy, có thể nói, ngay cả khi không thành công, những người tham gia cuộc biểu tình lần này cũng thành… các nhà dân chủ. Đó là điều may mắn cho Hong Kong. Nếu dưới chế độ độc tài, người ta chỉ cần MỘT nhà độc tài, dưới các chế độ dân chủ, để cho vững mạnh, người ta lại cần vô số các nhà dân chủ.



Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc


image


image

Nghị Viên Bí Mật: Hoàng Duy Hùng
Biểu tình ở Hồng Kông kiên quyết không rút lui
Tuổi trẻ thờ ơ, vô cảm là trách nhiệm của nhà giáo...
Ngày cuối cùng ở VN
Tập Cận Bình có thể là nhà cai trị cộng sản cuối c...
Discovery: The fall of Saigon
Truy tìm nghi phạm giết du khách Anh ở Thái Lan
Thu Minh: nữ ca sĩ nham nhở
Kim Yo-jong nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên
Lây nhiễm bệnh Ebola trên máy bay?
Đập tan chính sách tuyên truyền lừa gạt
Hồng Kông: Khi mãnh thú mắc xương…
Những thủ đoạn buôn lậu kỳ lạ nhất thế giới
CS Bắc Việt gởi bức điện thư xin đầu hàng...
Nợ Cứt
Huỳnh Thục Vy: Tâm thư gửi bạn
Gai Cột Sống: Nguyên nhân, triệu chứng và biến chứ...
Cuộc chiến tranh mới của Mỹ
401k bắt nguồn từ phần 401 đoạn (k) của bộ luật th...
Chủ nghĩa cộng sản châu Á còn gì?
Số phận một loài chim
Chánh Thanh tra Andrew Philips tự tử?
Vài thắc mắc về một bài viết của TS Vũ Duy Phú trê...
Thủ phạm tiếp tay TC đánh chiếm Gạc Ma là ‘lãnh đạ...
Một "cuộc cách mạng" tự mâu thuẫn
Khu Người Việt ở Warsaw, Ba Lan
WHO khuyến cáo người Việt bớt ăn muối
Lễ Quốc Khánh TC bị lu mờ vì các cuộc biểu tình ở ...
Họ không thể giết hết chúng ta
BOO...: khi lá cờ của Trung Cộng đã kéo lên
Nhìn Joshua Wong, nghĩ về vấn đề lãnh tụ
Chiếc dù và người biểu tình Hong Kong
Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân xuống đường ủng hộ...
Chó chết mèo cũng nhăn răng
Lee Samantha: những bữa cơm độc đáo dành cho con
Chuyện Đông Âu kéo tượng Lenin
Ðôi Mắt Phượng
Dân số vàng của Việt Nam: còn đang ngái ngủ
Sinh viên HK 'lý tưởng mà không ảo tưởng'
Ăn Chay - Vegetarianism

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.