Người dân Nam Hàn biểu tình đòi 'cấm cửa' người Trung cộng.
Một loại virus mới, rất đáng sợ, xuất phát từ Trung cộng, đang lan truyền khắp thế giới. Và cũng tạo ra làn sóng chống Trung cộng ở khắp nơi, với các lời kêu gọi cấm hoàn toàn người Trung cộng nhập cảnh, nhưng cũng gây ra sự nghi ngờ, sợ hãi lây bệnh, đối với cộng đồng người Hoa cùng là những người Á Châu khác.
Các tiệm ăn ở Nam Hàn, Nhật, Hồng Kông và Việt Nam đang từ chối không nhận thực khách là du khách Trung cộng.
Người dân Indonesia tụ tập biểu tình gần một khách sạn và đòi hỏi các khách Trung cộng phải rời đi nơi khác. Các tờ báo ở Pháp và Úc gặp chỉ trích vì có những hàng tít lớn với nội dung bị coi là “kỳ thị chủng tộc”.
Trong khi đó, người gốc Hoa và các người gốc Á Châu khác đang sinh sống ở Âu Châu, Hoa Kỳ, Á Châu và vùng Thái Bình Dương lên tiếng than phiền về các thái độ kỳ thị.
Người Nam Hàn biểu tình gần dinh tổng thống đòi không cho người Trung cộng nhập cảnh.
Hơn hai chục quốc gia ngoài Trung cộng hiện báo cáo có các ca nhiễm virus Corona, đã làm thiệt mạng hơn 300 người và làm hàng ngàn người phát bệnh ở Trung cộng. Nhiều quốc gia đã gửi phi cơ đến Vũ Hán để di tản công dân của họ.
Tinh thần chống Trung cộng diễn ra trong lúc chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách phát triển ảnh hưởng của họ trên toàn thế giới, và sự trỗi dậy của Trung cộng cũng đã tạo ra nhiều tranh chấp về thương mại, chính trị và ngoại giao với nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, sự lo sợ về virus mới hiện nay đang khiến gây ra phong trào chống Trung cộng, và trong một số trường hợp, cũng làm những người gốc Á Châu khác bị vạ lây.
Nghiệp đoàn công nhân ngành y tế Hồng Kông bỏ phiếu đình công để đòi đóng cửa biên giới với lục địa Trung cộng.
Tại Nam Hàn, các trang web nay tràn ngập những lời kêu gọi chính phủ của họ ngăn không cho nhập cảnh hay trục xuất người Trung cộng, cùng những phê bình chỉ trích với giọng điệu kỳ thị về thói quen ăn uống và phép vệ sinh của họ.
Một nhà hàng hải sản nổi tiếng ở Seoul, nơi thường có du khách Trung cộng lui tới, ghi bảng rằng “Người Trung cộng không được vào” trước khi phải gỡ đi hôm Thứ Tư do những chỉ trích mạnh mẽ trên mạng.
Hơn 650,000 người Nam Hàn đã ký vào bản thỉnh nguyện thư trên mạng đòi tổng thống Nam Hàn phải tạm thời cấm mọi du khách từ Trung cộng.
Một tờ báo lớn ở Nam Hàn, tờ Joongang Ilbo, trong bài xã luận đăng tải hôm Thứ Năm, nói rằng “sự kỳ thị người Trung cộng đang gia tăng mạnh mẽ ở Nam Hàn. Các bệnh truyền nhiễm là vấn đề khoa học, không là vấn đề có thể giải quyết qua các phát biểu giận dữ không kiềm chế.”
Ở Hoa Kỳ, sau khi truyền thông loan tin rằng có người theo học tại đại học Arizona State University nhiễm virus, cô Ari Deng, người gốc Hoa, sinh ra ở Hoa kỳ, kể rằng cô đến ngồi ở bàn học trong khuôn viên trường tại Tempe, Arizona, gần năm sinh viên khác.
Cô Deng, người Á Châu duy nhất trong các sinh viên này, nói các sinh viên kia bắt đầu nói thầm thì với nhau.
“Họ trở nên rất căng thẳng và họ nhanh chóng thu thập sách vở rồi cùng nhau rời khỏi bàn,” theo lời cô Deng thuật lại.
Học sinh Philippines ở Manila đeo khẩu trang khi đi học.
Trong một lớp về thương mại, cô Deng kể có một sinh viên khác, không phải người Á Châu, nói rằng: “Tôi không là người kỳ thị chủng tộc, nhưng có nhiều sinh viên quốc tế sống trong khu chúng cư của tôi. Tôi cố tránh xa họ, nhưng tôi nghĩ là tất cả chúng ta phải cẩn thận và rửa tay thường xuyên.”
“Nghe khó chịu lắm, nhưng tôi không để bị bận tâm về việc này,” theo cô Deng.
Trong khi đó, tại trường đại học University of California, Berkeley, trung tâm dịch vụ y tế nhà trường đã phải gỡ bỏ một bản post trên Instagram hôm Thứ Tư rằng, “sự sợ hãi khi tiếp xúc với những người có thể là gốc Á Châu và cảm thấy có lỗi về sự suy nghĩ này là phản ứng bình thường vào thời điểm có virus lan truyền.”
Theo ông Gregg Orton, giám đốc Hội Đồng Quốc Gia người Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương (National Council of Asian Pacific Americans NCAPA), nói rằng “bất kể là chúng tôi ở đây bao lâu rồi, có những lúc mà chúng tôi hầu như ngay lập tức bị coi là người ngoại quốc. Đây là thực tế hết sức phũ phàng với nhiều người trong chúng tôi.”
Ở Hồng Kông, virus Corona làm trầm trọng hơn tinh thần chống Trung cộng.
Tiệm Tenno Ramen, một tiệm mì Nhật ở Hồng Kông, từ chối không phục vụ khách hàng đến từ lục địa.
“Chúng tôi muốn sống lâu hơn. Chúng tôi muốn bảo vệ khách hàng tại địa phương. Chúng tôi xin lỗi về việc này,” tiệm ăn cho hay trên Facebook.
Một giáo viên người Pháp mới đây khởi sự cuộc thảo luận trên Twitter dưới tên #JeNeSuisPasUnVirus (Tôi không phải là con virus), với nhiều người kể lại các trường hợp bị kỳ thị, kể cả trẻ nhỏ bị trêu chọc trong sân trường cũng như hành khách trên xe điện tránh xa người có vẻ là Á Châu.
“Đây là virus xuất phát từ một vùng ở Á Châu. Con virus này có thể đến từ Bắc Phi, Âu Châu hay bất cứ nơi nào khác,” theo lời Soc Lam, một cố vấn pháp lý cho cộng đồng người Hoa ở Paris. “Người ta không nên nghĩ rằng vì chúng tôi là Á Châu, chúng tôi dễ làm lây lan virus này.”
Nhân viên bán hàng ở trung tâm Rome, Ý, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách.
Tại New Zealand, một người gốc Singapore nhưng sống ở quốc gia này đã 21 năm, bà Kiwi Dollice Chua, kể với tờ New Zealand Herald rằng khi bà đến khu thương xá ở Auckland tuần qua để mua thiệp mừng đám cưới, một phụ nữ nhìn bà với sự ghê tởm và nói rằng “Dân Á Châu các người mang virus tới đây.”
“Đây là sự kỳ thị và quá sức vô lễ,” theo bà Chua.
Văn phòng tổng thống Philippines trước các báo cáo về phản ứng kỳ thị trong nước, đưa ra bản thông cáo nói rằng: “Chúng ta không nên có thái độ kỳ thị, hay hành xử có thiên kiến đối với người khác. Thực tế là ai cũng có thể mắc virus này.”
V.Giang
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.