Khi gặp Alan Elkins,
tôi đã làm giáo sư trường đại học được 10 năm.
Alan rất khác so với hầu
hết các sinh viên khoá Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) của tôi. Ông rất tâm
lý và biết đặt ra những câu hỏi tốt hơn tôi. Ông 68 tuổi, trong khi hầu hết các
sinh viên khác đều đang ở tuổi đôi mươi.
Khi đó, tôi đang làm dở
một công trình nghiên cứu về các thất bại của những CEO và đã tổng hợp hàng chục
trường hợp về những lãnh đạo thất bại ở công ty mình, như Stephen Wiggins từ
Oxford Health Systems, George Fisher và Gary Tooker của Motorola, William
Smithburg của Quaker/Snapple.
Không ngạc nhiên khi
Alan bị cuốn hút bởi dự án này, và ông đã khuyến khích tôi phỏng vấn các lãnh đạo
này cũng như những người khác để tìm hiểu xem lý do gì khiến họ và các công ty
này lạc lối một cách ngoạn mục như vậy.
Tôi không thể tưởng tượng
nổi vì sao các CEO tài năng lại muốn thảo luận nguyên nhân khiến họ phạm sai lầm.
Thế nhưng Alan rất giỏi
thuyết phục; ông đã giúp tôi sắp đặt và tiến hành các cuộc phỏng vấn.
Và tôi nhận ra là nếu bạn
muốn hiểu vì sao các công ty lại có những quyết định như thế, thì bạn nên chú ý
vào người lãnh đạo, và bạn sẽ nhận ra họ cũng chỉ là con người.
Không phải ngẫu nhiên
mà những nhà chiến lược tài ba của lịch sử, như Tôn Tử trong Binh pháp Tôn Tử
hay Richard Đệ Tam trong tác phẩm của Shakespeare, lại khiến người đọc bị cuốn
hút bởi những nhược điểm lẫn sức mạnh của mình.
Nhà lãnh đạo giỏi
Những điều mà các lãnh
đạo nói chuyện với tôi và Alan chủ yếu là sự thật cơ bản về các CEO - họ cũng
không thực sự khác chúng ta mấy.
Thay vì là những nhà kỹ
trị, họ là những con người thật, với tất cả những định kiến, xúc cảm.
Ví dụ, khi bạn làm hỏng
việc lớn nhưng khi được hỏi trách nhiệm, liệu bạn có đổ lỗi cho người khác? Đó
là cách mà một CEO đánh giá về thất bại của công ty khiến ông mất việc.
Nhiều CEO không ngại đổ
lỗi cho người khác về những thất bại của mình.
Trong cuộc phỏng vấn,
ông nói với tôi là có bảy lý do vì sao công ty thất bại: Một - vị giám đốc tài
chính của công ty là người không làm được việc; Hai - khách hàng của chúng tôi
không đủ thông minh để hiểu chúng tôi muốn làm gì; Ba - các nhà hành pháp gây
khó khăn cho công ty ông v.v... và v.v...
Tuy nhiên đối với những
người khác, tôi và Alan lại có cơ hội thảo luận thoải mái về những sai lầm của
họ.
Siêu lãnh đạo
Chúng tôi đã có được cái
nhìn thấu đáo về cách suy nghĩ của các lãnh đạo cao cấp khi phỏng vấn những người
kế nhiệm của các lãnh đạo vĩ đại, những người mà chúng tôi gọi là siêu lãnh đạo.
Tất nhiên, rất dễ để
nói là những người lãnh đạo của ngành luôn là những kẻ không có trái tim, chỉ
biết đến tiền.
Tôi không phủ định là
không có những người như vậy. Tuy nhiên điều tôi nhận thấy vẫn khá khác biệt.
Hết lần này đến lần
khác, các lãnh đạo cao cấp từng lãm việc cho những siêu lãnh đạo lại nói về giá
trị của những người sếp trước đó đối với cá nhân họ. Tôi đã nghe kể về sự hỗ trợ,
lòng trung thành và những sự gắn kết về mặt tình cảm.
Khi tôi phỏng vấn
Chase Coleman, tỷ phú, nhà quản lý quỹ đầu tư, và là người kế nhiệm siêu giám đốc
Julian Robertson, Coleman đã diễn tả cách mà Robertson chỉ với một cái gật đầu
khẽ đã có thể bật đèn xanh cho các công việc của Coleman.
Ông đã đón nhận sự chuẩn
thuận từ siêu giám đốc của mình như thể một đứa con trai nghe lời bố.
Mối quan hệ này cũng
được phản ánh trong những cuộc phỏng vấn khác mà tôi thực hiện.
Ví dụ, Stevan Alburty,
một quản lý tại hãng quảng cáo Chiat/Day (từng rất nổi tiếng với nội dung quảng
cáo làm cho hãng Apple khi ra mắt máy tính Macintosh), nói với tôi rằng sếp cũ
của ông, Jay Chiat, "có tác động đối với cuộc đời tôi và những giá trị của
tôi hơn cả cha mẹ tôi. Ông là một người có tầm ảnh hưởng lớn, và tôi tự xem
mình là vô cùng may mắn vì được làm việc cùng ông".
Jean-Piere Moullé, một
lãnh đạo lâu năm của Chez Panisse đã bị sa thải bởi sếp mình Alice Waters, thì
thuật lại: "Các nhân viên của bà sẽ làm bất cứ điều gì vì bà. Nhưng đôi
khi họ cũng cảm thấy khó chịu... cảm giác giống như mẹ bạn cứ nhắc đi nhắc lại
rằng bạn phải dọn dẹp phòng. Nhưng mà bà nói đúng."
Sự kính yêu và nuối tiếc
Tôi thậm chí còn nghe
kể về cả lòng kính mến lẫn sự nuối tiếc mà các nhân viên dành cho siêu lãnh đạo
của mình.
Một số nhà quản lý cũ
từng phục vụ huyền thoại thời trang Ralph Lauren đã dùng từ "lòng kính
yêu" để diễn tả cảm xúc của họ về siêu lãnh đạo của mình.
Nhiều nhân viên cảm thấy
tiếc nuối khi quyết định rời khỏi Ralph Lauren
Sal Cesarani, một nhà
thiết kế từng được nhận giải thưởng, người đã từng làm việc cho Ralph Lauren
trong những năm đầu, nói thế này: "Nếu bạn nói với bất cứ nhân viên nào
khác trong công ty, họ cũng sẽ nói với bạn điều tương tự: họ sẵn sàng hy sinh
tính mạng vì ông."
Tuy nhiên giây phút
quyết định rời bỏ công việc cũng đầy đau đớn.
Cesarani nhớ lại:
"Lauren không bao giờ làm ồn ào mà ông chỉ lắc đầu thất vọng là tôi đã phản
bội ông, vì ông luôn nghĩ rằng tôi sẽ luôn sát cánh bên ông. Và tôi đã rất khó
khăn mới quyết định được điều mình muốn làm."
Ngay cả trong những
năm sau này, khi nghĩ đến chuyện rời khỏi Lauren, Cesarani cũng không giấu được
nỗi buồn, giọng của ông trầm xuống trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi.
Chúng ta đặt các CEO
vào những trọng trách lớn - nhất là ở những nơi như Thung Lũng Silicon, nhưng
đôi khi chúng ta quên rằng họ cũng chỉ là con người, và đã là con người thì ai
cũng đầy cảm xúc.
Họ cũng có những điểm
yếu như chúng ta. Nhiều người trong số họ cũng có những sự gắn kết về tình cảm
trong đời sống thường ngày như tất cả chúng ta.
Alan Elkins đã ra đi,
nhưng cái nhìn của ông về con người - dù họ giàu có hay nổi tiếng - vẫn ở lại với
tôi.
Có nhiều người xây dựng
nên những hình ảnh hoàn mỹ về các lãnh đạo xung quanh họ, cũng như bản thân họ.
Thế nhưng những gì
trông chắc chắn, vững chãi từ xa lại có thể mỏng manh hơn chúng ta tưởng.
Sydney Finkelstein
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.