Là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, nhưng sau 13 năm đứng đầu chính phủ Đức, vào cuối tháng Mười, bà Angela Merkel tuyên bố sẽ rời chức vụ đảng trưởng của đảng Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU), đảng đứng đầu liên minh cầm quyền tại nước này.
Tuy trên lý thuyết bà vẫn còn có thể giữ chức thủ tướng đến năm 2021, nhưng trên thực tế, có lẽ việc bà Merkel rời chức vụ này chỉ còn là vấn đề thời gian
Sự nghiệp của bà Merkel
Bà Merkel cùng Hoàng hậu Jordan Rania al Abdullah (trái) tại buổi lễ "Publisher's night" ở Berlin hôm 5/11
Sự nghiệp của bà Merkel được khởi đầu với một số thành tích đáng ghi nhận.
Bà là thủ tướng trẻ tuổi nhất của CHLB Đức khi bà nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên năm 2005 lúc 51 tuổi. Đồng thời bà cũng đã là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Đức đứng đầu một chính phủ và là thủ tướng đầu tiên xuất thân từ Đông Đức, tức là Cộng Hòa Dân Chủ Đức.
Với 13 năm nắm quyền, bà đứng hạng ba trong những thủ tướng lâu năm nhất của CHLB Đức, chỉ sau ông Helmut Kohl, người đã thống nhất nước Đức, và ông Konrad Adenauer, vị thủ tướng đầu tiên của quốc gia này.
Bà Merkel vốn không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp. Tốt nghiệp trong môn vật lý tại trường đại học Leipzig và giữ một bằng tiến sĩ về vật lý hóa học, bà Merkel bước chân khá trễ vào đấu trường chính trị.
Năm 1989, tức là trong năm bức tường chia đôi hai nước sụp đổ, bà gia nhập một đảng nhỏ tại Đông Đức. Năm 1990 bà gia nhập đảng CDU và chỉ một năm sau đó, một cách bất ngờ, bà đã được thủ tướng Helmut Kohl đưa vào nội các của ông và được giữ một bộ nhỏ về phụ nữ và thanh niên.
Bà Merkel và một ngư dân ở đảo Ruegen trong một chiến dịch vận động bầu cử của CDU năm 1990.
Năm 1994 bà lại được ông Kohl giao cho chức vụ quan trọng hơn, đó là chức bộ trưởng bộ bảo vệ môi sinh và an toàn cho các nhà máy điện nguyên tử. Sự hỗ trợ của ông Kohl đã mang đến cho bà Merkel cái biệt danh châm biếm là "bé gái của Kohl" (Kohl´s girl).
Năm 1998, chính phủ Kohl bị thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội và ông phải xuống chức, bà Merkel đã vươn lên nắm vị trí tổng bí thư đảng CDU. Và chỉ hai năm sau đó bà lên chức chủ tịch đảng này.
Bà Merkel đã lên đỉnh cao quyền lực năm 2005 khi đảng CDU dưới quyền bà đã thắng cuộc bầu quốc hội và lập liên minh với đảng SPD (Đảng Xã Hội Dân Chủ) cho nhiệm kỳ thứ nhất của chính phủ Merkel.
Năm 2009 bà đã đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Lần này đảng CDU đã lập một liên minh với đảng FDP (Đảng Tự Do Dân Chủ).
Trong cuộc bầu cử 2013, đảng FDP bị tụt xuống dưới 5% cử tri và bị loại ra khỏi quốc hội. Bà Merkel lập chính phủ thứ ba với đảng SPD. Liên minh này đã được tái lập sau cuộc bầu cử năm 2017 và là nền tảng cho chính phủ thứ tư của bà Merkel.
Những cao điểm trong nhiệm kỳ của bà Merkel
Bà Merkel đã gặp phải nhiều thử thách trong thời gian bà là thủ tướng. Thử thách lớn đầu tiên là cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2007-2008.
Lúc đó bà làm thủ tướng được ba năm. Chính phủ Merkel đã thực hiện những biện pháp cấp tốc nhằm trấn an dư luận và hỗ trợ cho nền kinh tế như cam kết bảo đảm cho những tài khoản tại nước Đức và tiền thưởng cho những người bỏ xe cũ mua xe mới.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của bà Merkel (2009-2013), cơn khủng hoảng kinh tế vẫn chưa hết mà lại bị tăng cường bởi sự suy yếu tài chánh của một số quốc gia trong khối Euro, đặc biệt là Hy Lạp. Trong tình huống đó sự bình tĩnh và những quyết định cân nhắc của bà đã mang đến cho bà sự khâm phục và trọng nể của cả bạn lẫn thù.
Những biện pháp cứng rắn nhằm phục hồi ngân sách quốc gia mà bà buộc Hy Lạp và các quốc gia bị khó khăn trong khối Euro thực hiện cũng đã mang đến cho bà những tên hiệu như "Madame Non" và "Iron Lady" (giống như bà thủ tướng nổi danh của Anh Quốc Margaret Thatcher). Tại Đức người ta còn gọi bà là "mẹ già" (Mutti) vì phong thái của bà.
Bà Angela Markel chỉ vài tháng sau khi lên làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ nhất hồi 2005.
Thử thách lớn nhất trong nhiệm kỳ thứ ba của bà Merkel (2013-2017) đã đến từ năm 2014.
Trên cao điểm của cuộc nội chiến ở Syria và Iraq, cả triệu người trốn chạy trước chiến tranh và khủng bố Hồi giáo, và cùng lúc hàng trăm ngàn người từ Phi Châu tìm đường di cư qua biển Địa Trung Hải. Vào tháng Chín 2015 bà Merkel đã quyết định cho hàng trăm ngàn người tỵ nạn bị kẹt tại biên giới Áo và Hungary vào nước Đức.
Đây là hành động cao thượng nhất của bà Merkel. Qua việc này nguồn gốc của sự giáo dục và cái suy nghĩ đạo đức của bà đã được thể hiện rõ nhất.
Những thất bại của bà Merkel
Nhưng có lẽ quyết định của bà để cho hơn một triệu người tị nạn từ Trung Đông đến trong vòng năm 2015 cũng là lỗi lầm lớn nhất đưa đến tình trạng ngày hôm nay tại Đức.
Sau khi nước Đức hồ hởi đón tiếp người tị nạn, một số biến cố đã xảy ra khiến dư luận Đức bắt đầu đảo lại. Từ những sự phạm pháp nhỏ, cho đến những vụ cưỡng dâm phụ nữ Đức, và cuối cùng là những cuộc khủng bố giết người, nhất là tại Berlin cuối năm 2016 với 12 người thiệt mạng.
Tuy con số của những vụ này không lớn, nhưng nó cứ tái diễn và đều do những người mang danh tị nạn đến Đức gây ra. Sự việc này đã đưa đến sự thành hình của những tổ chức chống Hồi giáo và chống người ngoại quốc như Pegida tại thành phố Dresden. Đặc biệt là vấn đề di cư đã giúp cho đảng tân phát xít AfD (Sự Lựa Chọn Cho Nước Đức) trở thành một thế lực đáng ngại.
Sự rạn nứt quyền lực của bà Merkel đã bắt đầu từ đấy. Tuy là bà đã lèo lái nước Đức qua khỏi cơn khủng hoảng tài chánh và quốc gia này hiện đang hưởng một nền kinh tế mạnh, nhưng từ lúc người tị nạn đến một cách đông đảo, nhiều vấn đề của tương lai tại nước Đức đã hiện lên rõ hơn. Thí dụ như vấn đề duy trì mức hưu trí và trợ cấp xã hội, số người lương thấp ngày càng tăng mặc dù nạn thất nghiệp đã giảm xuống rất thấp, vấn đề an ninh công cộng, sự thiếu nhà ở cũng như hạ tầng cơ sở xuống cấp…
Từ đầu nhiệm kỳ thứ ba, chính phủ Merkel dường như chỉ còn quản lý các vấn đề, thái độ cân nhắc chờ đợi của bà đã thành tính cách thụ động. Mặc dù trong nhiệm kỳ này liên minh CDU/ SPD nắm đa số ¾ trong cả hạ và thượng viện, đủ để chỉnh sửa hiến pháp, nhưng chính phủ Merkel đã bỏ qua cơ hội này. Nhiều phương án cải cách nhằm vào hệ thống bảo hiểm xã hội, hệ thống giáo dục, bộ máy an ninh quốc gia… đã được bàn luận và cần một sự chỉnh sửa hiến pháp, nhưng cuối cùng không một biện pháp nào đã được thực hiện.
Việc bà Merkel tuyên bố sẽ không ứng cử lần nữa cho chức chủ tịch đảng là cao điểm của những diễn biến trong nội bộ của CHLB Đức từ lúc bầu cử quốc hội cho nhiệm kỳ 2017-2021.
Trong cuộc bầu cử này hai đảng của liên minh CDU và SPD đều bị mất phiếu nặng nề. Đảng CDU đã đàm phán lập liên minh với hai đảng FDP và Gruene (Đảng Xanh). Nhưng sau hai tháng đàm phán không thành, cuối cùng hai đảng CDU và SPD đã theo yêu cầu của tổng thống Đức Steinmeier tái lập liên minh và chính phủ.
Nhưng chính phủ mới của bà Merkel đã bị mắc vào những tranh cãi trong nội bộ về vấn đề di cư và an ninh công cộng kéo dài qua nhiều tháng và suýt đưa đến sự tan vỡ chính phủ hai lần.
Điều đó làm sự bất mãn của dân chúng tăng lên với kết quả là xu hướng đi xuống của hai đảng CDU và SPD đã tiếp tục trong hai cuộc bầu cử nghị viện tại hai tiểu bang Bavaria và Hesse. Hai đảng đều mất hơn mười phần trăm cử tri. Áp lực này cuối cùng đã đưa đến quyết định rút lui của bà Merkel.
Tương lai sẽ ra sao?
Bà Angela Merkel và bà Annegret Kramp-Karrenbauer, tổng bí thư đảng CDU
Việc thôi chức chủ tịch đảng được dư luận tại Đức xem là một quyết định tuy ngoài ý muốn nhưng kiên định của bà Merkel.
Như thế, đảng CDU sẽ có cơ hội để chỉnh đốn lại đường lối và đưa một người lãnh đạo mới lên nhằm ngưng xu hướng đi xuống. Đó cũng là một sự chia tay từng bước của bà Merkel với quyền lực, vì theo truyền thống của các đảng cầm quyền xưa nay tại CHLB Đức, người chủ tịch đảng lúc nào cũng là người kiêm chức vụ thủ tướng hoặc người ứng cử cho chức vụ này. Giới quan sát chính trị trong nước cho rằng bà Merkel sẽ rời ghế thủ tướng sau khi chủ tịch mới của đảng CDU được bầu vào đầu tháng 12.
Rất có thể là lúc đó, liên minh CDU/ SPD sẽ tan vỡ và sẽ có một cuộc bầu cử mới. Có thể là sẽ có một liên minh mới giữa Đảng CDU và đảng Xanh.
Đây là một bước ngoặc quan trọng trong nền chính trị của nước Đức. Tuy là quốc gia này đang trong một tình thế rất tốt - với nền kinh tế mạnh nhất Âu Châu, ngân sách quốc gia cân bằng, mức độ an ninh cao và nạn thất nghiệp thấp kỷ lục. Tuy nhiên, hệ thống các đảng đang lay động bởi những thay đổi của xã hội và những lo âu của dân chúng cho tương lai.
Ngoài những vấn đề chưa giải quyết trong nội bộ, nền phồn thịnh của nước Đức và của cả khối Liên Minh Âu Châu (EU) đang bị đe doạ bởi những diễn biến như cuộc chiến kinh tế đang được khởi động bởi chính phủ Hoa Kỳ, xu hướng tan rã của khối EU, sự xa lìa giữa Hoa Kỳ và các đồng minh trong NATO, nguy cơ của một sự khủng hoảng tiền tệ mới do chính phủ dân túy ở Ý gây ra.
Không những nước Đức cần có những cải cách mà EU cũng cần một sự đổi mới để có thể đương đầu hữu hiệu với những vấn đề trong tương lai.
Xưa nay hai quốc gia Pháp và Đức được xem là hai đầu tàu của EU. Hiện tại chỉ có tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người đề xướng những kế hoạch để cải cách khối EU. Nhưng từ phía Đức đã không có sự hưởng ứng. Không có sự hỗ trợ của Đức, ông Macron chắc sẽ không thành công.
Trong số 12 người muốn ứng cử để nối ngôi bà Merkel, có lẽ chỉ có ba người có triển vọng thắng.
Đó là bà Annegret Kramp-Karrenbauer, tổng bí thư đảng và người thân cận với bà Merkel; ông Jens Spahn, Bộ trưởng Y tế; và ông Friedrich Merz, cựu chủ tịch của đoàn dân biểu trong quốc hội Đức. Cả hai người đàn ông đều thuộc vào cánh phải của đảng CDU và đều chỉ trích đường lối của bà Merkel. Có một số dấu hiệu cho thấy rằng cuộc đua này sẽ được quyết định giữa bà Kramp-Karrenbauer và ông Merz.
Liệu người nối chân bà Merkel sẽ có đủ khả năng và uy tín để hướng dẫn nước Đức và Liên Minh Âu Châu qua khỏi chặng đường hiểm nghèo này?
Nguyễn Xuân Vĩnh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.