Vì sao Cuba từ giàu nứt đổ vách, hòn ngọc của Caribe thành nghèo rớt mồng tơi. Sau hơn 2 năm bí mật đổ bộ lên Cuba và tiến hành cuộc chiến tranh du kích, vào ngày 29 tháng 12 năm 1958, các chiến binh dưới quyền chỉ huy của Che Guevara tấn công và chiếm được thành phố Santa Clara. Sáng sớm ngày 1 tháng 1 năm 1959, tổng thống Fulgencio Batista bỏ chạy sang nước Cộng hòa Dominica.
Tổng thống Fulgencio Batista & Fidel Castro
Chiều tối ngày 1 tháng 1 năm 1959, tại Santiago de Cuba, Fidel Castro tuyên bố chiến thắng. Những chiến binh đầu tiên của Castro tiến quân vào Havanna ngày hôm sau, đánh dấu một thời kỳ mới cho nước Cuba.
Cuba ngày xưa 1950
Kể từ đó cho đến nay đã tròn 60 mươi năm. Báo chí cánh tả, đặc biệt là của phe xã hội chủ nghĩa, thường hay ca ngợi nhiều thành tựu của nước Cuba cách mạng dưới quyền của Fidel Catro. Những điều đó có thật không? Hãy cùng nhìn lại nước Cuba trước và sau 60 năm cách mạng để có một sự so sánh.
Nước Cuba trước cách mạng
Với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, nước Cuba giành được nền độc lập năm 1902 nhưng chủ quyền Cuba bị hạn chế vì Hiến Pháp mới của Cuba cho phép Hoa Kỳ có quyền can thiệp để “duy trì nền độc lập Cuba”. Ngoài ra, một phụ lục của Hiến Pháp ghi nhận Hoa kỳ có quyền mua hoặc thuê đất Cuba để thiết lập căn cứ hải quân ở trên đó. Mãi đến năm 1934, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt mới xóa bỏ những hạn chế về chủ quyền của Cuba, ngoại trừ điều khoản thiết lập căn cứ hải quân.
Cuba ngày xưa 1950
Cho tới lúc đó, Cuba đã có một mức phát triển vượt bậc khi so với các nước châu Mỹ La-tinh khác:
· Năm 1829, Cuba là nước đầu tiên sử dụng máy hơi nước trong hàng hải và bốc dỡ hàng hóa.
· Năm 1837 Cuba khai trương tuyến đường sắt đầu tiên của nước này. Đây là tuyến đường sắt thứ năm trên thế giới.
· Năm 1918 Cuba là nước đầu tiên của lục địa ban hành luật ly hôn.
· Năm 1922, Cuba là nước thứ nhì của thế giới bắt đầu có chương trình phát thanh.
Cuba ngày xưa 1950
Năm 1940, Cuba là nước đầu tiên áp dụng luật lao động 8 giờ/ngày, đưa ra mức lương tối thiểu và cho các trường đại học có quyền tự trị. Cũng trong năm này, một trong những hiến pháp tiến bộ nhất thế giới của thời đó được thông qua, bao gồm quyền đi bầu của phụ nữ, bình đẳng giới tính và chủng tộc cũng như quyền lao động của phụ nữ.
Năm 1950, Cuba là nước thứ hai trên thế giới bắt đầu có truyền hình. Tám năm sau, 1958, Cuba cũng là nước thứ hai trên thế giới có truyền hình màu (Tây Đức có truyền hình màu năm 1967, Đông Đức năm 1969).
Cuba ngày xưa 1950
Trong những năm 1950 trước cuộc cách mạng của Fidel Castro, Cuba là một nước giàu có với một nền kinh tế hiện đại và hệ thống hạ tầng thuộc hàng tiên tiến nhất thời bấy giờ. Havanna phát triển trở thành thành phố đẹp nhất châu Mỹ La-tinh.
Với 356 dollar thu nhập trên đầu người năm 1958, Cuba đứng hàng thứ ba ở châu Mỹ La-tinh và đồng thời cũng là quốc gia đứng hàng thứ 29 trên thế giới về kinh tế năm đó, mặc dù chỉ có 6,5 triệu dân (thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam năm 1992 là 140 dollar.
Tiền lương bình quân cho một ngày trong những ngành công nghiệp năm 1958 là 6 dollar (theo thông tin của Cơ quan Lao động Thế giới ILO), đứng hàng thứ 8, trước cả Tây Đức.Cũng năm 1958, cứ 1000 người dân thì cuba có 24 chiếc xe hơi, đứng đầu châu Mỹ La-tinh (Nhật: 4).
Năm 1958, Cuba có tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong thấp thứ nhì châu Mỹ La-tinh: 32 trường hợp tử vong / 1000 ca sinh nở, đứng trước cả Pháp, Bỉ, Tây Đức, Áo, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Để so sánh: năm 1990, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở Việt Nam là 44/1000 trẻ sinh sống. Năm 1957, Cuba có một bác sĩ cho 1000 người dân, đứng đầu châu Mỹ La-tinh.
Trước cuộc cách mạng, Cuba có 3 trường đại học nhà nước, 3 trường đại học tư nhân, có mật độ báo chí cao nhất châu Mỹ La tinh: 18 tờ nhật báo chỉ riêng ở Havanna, hơn 60 tờ trên khắp nước, 23 đài truyền hình và 160 đài phát thanh.
Cuba ngày nay
Cuba sau cách mạng
Trong thời gian 60 năm sau cách mạng, bộ máy tuyên truyền của Cuba và của phe xã hội chủ nghĩa luôn luôn ca ngợi các thành tựu của nước này trên các lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế, đời sống,v.v…
Nạn mù chữ đã được xóa bỏ ở Cuba, điều này là không tranh cãi. Hệ thống giáo dục không mất tiền cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, với mức phát triển của nước Cuba trước cách mạng thì việc xóa nạn mù chữ cho người dân cũng là một việc hoàn toàn khả thi.
Cuba ngày nay
Cuba cũng đã thành công trong việc trở thành một trung tâm nghiên cứu về Công nghệ Sinh học. Có 7000 nhà khoa học và kỹ thuật làm việc trên lĩnh vực này. Con số bác sĩ được đào tạo tăng từ 33 lên 64 người trên 10.000 dân cư. Con số này là kỷ lục ở châu Mỹ La-tinh. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Sau cách mạng, người ta cần một con số lớn bác sĩ để thay thế cho những người đã bỏ nước ra đi. Ngoài ra, ngay từ lúc ban đầu, Cuba đã sử dụng bác sĩ và nhân viên y tế như là những “sứ giả của cách mạng”. Từ 1961 cho tới 2008, có 40.000 bác sĩ và y tá được gửi đến 77 nước. Sau chiến thắng của Hugo Chávez, con số này còn tăng vọt thêm một lần nữa.
Cuba ngày nay
Tất cả những nước này đều phải trả ngoại tệ cho chính phủ Cuba để đổi lại sự “giúp đỡ” này. Ví dụ như Angola đã trả 5000 dollar hằng tháng cho mỗi một bác sĩ. Số tiền này được chuyển thẳng cho nhà nước Cuba. Chính quyền Cuba chỉ trả tiền lương thánh bình thường cho những người này (độ chừng 25 đollar) cũng như một khoản tiền gọi là tiền thưởng hằng tháng. Brazil cũng là nước nhận rất nhiều bác sĩ từ Cuba. Công cuộc xuất khẩu dịch vụ này đã mang lại cho nhà nước Cuba 7,4 tỉ dollar trong năm 2010, trong khi thu nhập từ du lịch chỉ là 2,2 tỉ. Tức là việc đào tạo bác sĩ xuất phát từ động cơ xuất khẩu dịch vụ để thu ngoại tệ nhiều hơn là vì người dân, vì hiện nay trong nước Cuba vẫn thiếu bác sĩ và nhân viên y tế, các cơ sở y tế và bệnh viện đều thiếu tiền.
Cuba đã mất sự hỗ trợ to lớn từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu từ sau khi khối cộng sản Đông Âu sụp đổ. Điều này có thể nhận thấy rõ trong xã hội. Đào tạo sư phạm thiếu thốn cho tới mức năm 2008, chỉ riêng ở Havanna đã thiếu 8192 thầy giáo. Gần 10.000 thầy cô đã về hưu bây giờ phải trở lại đi dạy học.
Cuba ngày nay
Cuba hiện có 3,7 triệu ngôi nhà, trong đó 40% nằm trong trạng thái hư hỏng nặng. Hệ thống y tế thiếu thuốc chữa bệnh cũng như phụ tùng thay thế cho các thiết bị y khoa. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh tụt từ hạng 13 trên thế giới trước cách mạng xuống hạng 30.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, Cuba tiến hành hai cuộc cải cách ruộng đất, tịch thu đất của đại địa chủ (1959) và trung nông (1963). Hậu quả là thu hoạch đường mía đã giảm từ 6 triệu tấn trong năm 1958 xuống còn 3,8 triệu tấn chỉ trong vòng vài năm. Năm 2010, thu hoạch đường mía còn 1,1 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ khi Fidel Castro lên cầm quyền, bằng với lượng thu hoạch năm 1905. Cuba bây giờ phải nhập thêm đường cho nhu cầu trong nước và để đáp ứng con số xuất khẩu đã ký kết dài hạn với Trung cộng. Không chỉ đường mía, cà phê cũng giảm mạnh sau khi bị quốc hữu hóa: từ 60.000 tấn cà phê năm 1959 xuống còn chỉ một phần mười con số đó. Hằng năm, Cuba phải nhập khẩu 80% lương thực cần thiết bởi sản lượng thu hoạch trong nước rất ít.
Sự mất bình đẳng cũng tăng lên trong đất nước Cuba, ngược với những lời hứa hẹn của cách mạng. Trong vòng 25 năm qua, nhóm người Cuba gốc Phi ngày ngày nghèo đi, tỷ lệ thất nghiệp lại cao hơn trung bình cả nước. Thanh niên Cuba gốc Phi chiếm đa số trong giới những người phạm tội.
Nước Cuba cách mạng không có tự do ngôn luận. Theo Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, nước Cuba đứng ở hạng 169 trong 180 quốc gia được khảo sát.
60 năm của cuộc cách mạng đã biến nước Cuba một thời là hòn ngọc của vùng Caribe, từ một trong những nước có mức phát triển cao nhất vùng châu Mỹ Latin Cuba đã trở thành một nước nghèo nàn và lạc hậu. Từ một nước xuất khẩu đường, Cuba ngày nay đã phải nhập khẩu đường. Từ nước có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ nhì châu Mỹ Latin, có hệ thống hạ tần cơ sở dựa trên kỹ thuật hiện đại nhất thời ấy với một nhà nước hiện đại, nước Cuba hiện nay thiếu thốn dủ mọi thứ trên mọi lĩnh vực. Một vài thành quả có được trong thời gian 60 năm đó chỉ nhờ vào sự viện trợ về tài chính và nhân sự khổng lồ từ khối Đông Âu và Liên Xô. Sau khi mất đi chỗ dựa và nguồn tài trợ này, nước Cuba đã suy sụp và kiệt quệ như hiện trạng ngày nay cho thấy.
Phan Ba
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.