Tại cuộc họp quốc hội thường niên của Đảng Cộng Hòa ở Orlando hôm 30/03, Chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện Elise Stefanik (Cộng Hòa-New York) đã không do dự chút nào khi được ông Jake Sherman, người đồng sáng lập Punchbowl, hỏi rằng làm thế nào để bà và các đồng nghiệp của mình “có thể cân bằng ngân sách mà không ảnh hưởng đến các quyền và các khoản chi tiêu bắt buộc” trong năm 2023.
Bà Stefanik trả lời, “Tôi tin rằng khi chúng ta tập trung vào An sinh Xã hội và Medicare, thì đó là những chương trình quan trọng mà chúng ta phải bảo vệ cho những người cao niên hiện nay và cho các thế hệ tương lai. [Tuy nhiên,] bất kỳ loại nỗ lực đổi mới nào cũng sẽ phải được thực hiện trên một cơ sở lưỡng đảng.” Bà cũng đồng tình khi ông Sherman cho rằng “bây giờ không phải là thời điểm” cho những hành động như vậy.
Bà tiếp tục, “Bây giờ những điều đó không còn được xem xét nữa, Chủ tịch Hạ viện đã nói rất rõ ràng về điều đó và tôi cũng ủng hộ quyết định của ngài Chủ tịch về điều đó. Tôi nghĩ chúng ta có thể tìm thấy các khoản tiết kiệm thực sự là ở chỗ xem xét tất cả các bộ để tìm ra khoản nào có thể được tiết kiệm. Mọi chủ tịch ủy ban đã được Chủ tịch Hạ viện giao nhiệm vụ làm như vậy và liệu đó có phải là khoản tiền COVID chưa được sử dụng — vốn là một mục tiêu dễ đạt được — có phải chịu một số trách nhiệm tài chính hay không.”
Bà Stefanik cũng dẫn chứng về các chương trình không được đặt tên trong Bộ Quốc phòng (DOD) “vốn không tập trung vào quốc phòng, mà tập trung vào hệ tư tưởng Thức tỉnh, chúng tôi cũng có thể nhắm mục tiêu vào các chương trình đó.”
Việc bà Stefanik nhấn mạnh rằng [việc cắt giảm] An sinh Xã hội và Medicare — hai chương trình quyền phúc lợi xã hội lớn nhất trong ngân sách liên bang, chiếm lần lượt 21% và 13% tổng chi tiêu — “không còn được xem xét” tiếp tục một đề tài chưa từng có tiền lệ của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện và được Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) tuyên bố lần đầu ngay trước Thông điệp Liên bang hôm 07/02 của Tổng thống Joe Biden.
Trong những năm qua, hễ khi nào diễn ra tranh luận tại Quốc hội về cải cách chi tiêu liên bang, thì Đảng Cộng Hòa đều luôn kiên quyết yêu cầu giảm chi tiêu bắt buộc, kể cả đối với hai chương trình quyền lợi lớn nhất nói trên, còn Đảng Dân Chủ lên án những thành viên Đảng Cộng Hòa nào được cho là vô tâm vì đã “đẩy Người Cao Niên xuống vực thẳm” ngay cả khi họ liên tục tăng các khoản chi tiêu, thâm hụt, và nợ quốc gia.
Gần 50 triệu người dân Mỹ đã về hưu nhận được các khoản tiền An sinh Xã hội hằng tháng, và ước tính có 60 triệu người nhận trợ cấp Medicare.
Lập trường bất ngờ nói trên của Đảng Cộng Hòa không phải là yếu tố mới duy nhất trong Trận chiến Ngân sách năm 2023. Nợ quốc gia hiện ở mức trần cao nhất từ trước đến nay là 31 ngàn tỷ USD, lạm phát tiếp tục ở mức chưa từng thấy trong bốn thập niên, và hệ thống ngân hàng dường như đang bất ổn trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng lớn.
Trong bối cảnh đó, đề nghị ngân sách của Tổng thống Biden, nếu được thông qua, sẽ đẩy khoản chi tiêu hàng năm lên 6.9 ngàn tỷ USD, cao hơn 54% so với năm 2019, năm cuối cùng trước Đại dịch COVID, và khiến mức thâm hụt năm 2024 lên đến 1.8 ngàn tỷ USD. Mức thâm hụt đó sẽ còn cao hơn mặc dù ông Biden đang muốn thu được 4.5 ngàn tỷ USD từ các khoản tăng thuế mới đối với các cá nhân, gia đình, và doanh nghiệp.
Ông Biden và các đồng minh Đảng Dân Chủ của ông tại Quốc hội yêu cầu nâng mức trần nợ lên cao hơn nhiều, điều này sẽ khiến tiếp diễn cuộc bùng nổ chi tiêu do Đại dịch COVID gây ra vốn bắt đầu hồi năm 2020 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và tăng tốc mạnh mẽ dưới thời người kế nhiệm ông.
Ông McCarthy và các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện nói rằng sẽ không có việc tăng trần nợ nếu không có những cải tổ chi tiêu lớn và các khoản chi tiêu phải được giảm ít nhất 130 tỷ USD xuống các mức của năm 2022. Dường như một bế tắc về chính trị và lập pháp, diễn ra sau khi chính phủ ngừng hoạt động hồi tháng 10/2022, là không thể tránh khỏi trừ khi ông Biden và ông McCarthy chấp thuận các thỏa hiệp lớn.
Một lý do quan trọng cho sự tự tin của bà Stefanik và sự xuất hiện của chiến lược mới của Đảng Cộng Hòa là ông Russ Vought, cựu Giám đốc Lâm thời của Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) dưới thời cựu Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung tâm Đổi mới Hoa Kỳ (CRA), một tổ chức tư vấn theo phái bảo tồn truyền thống mới và đầy nhiệt huyết.
Trong vòng vài tuần sau khi họ giành lại khối đa số ở Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11/2022, ông Vought đã trình bày những gì đã trở thành cốt lõi trong lập trường ngân sách của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện xét trên các khía cạnh căn bản.
Điểm mấu chốt trong tư tưởng của ông Vought là ông nhận thấy một nhu cầu cấp bách cho một “sự thay đổi mô hình căn bản” trong cách Quốc hội tiếp cận cả chi tiêu bắt buộc (như An sinh Xã hội và Medicare, các khoản chi này được xác định theo luật) lẫn chi tiêu tùy ý (tuân theo các nghị quyết thường niên của Quốc hội).
Ông Vought nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây, “Kể từ 15–20 năm qua, chúng ta đã đạt đến mức mà nếu tất cả các chiến binh tài chính không cắt giảm các khoản trợ cấp An sinh xã hội hoặc Medicare, thì khi họ thức dậy vào buổi sáng, họ cảm thấy như thể họ chưa làm gì cả. Đúng là tôi cho rằng, việc không tập trung vào những gì quý vị có quyền kiểm soát thì không ổn chút nào.”
“Bây giờ, hãy tua nhanh đến năm 2023. Đây không còn là chính phủ của ông Bill Clinton nữa, mà là một chế độ Tả khuynh siêu hiếu chiến đang thức tỉnh và được vũ khí hóa, và tôi nghĩ đó là mệnh lệnh trọng tâm hiện nay đối với nghệ thuật trị quốc,” ông Vought tiếp tục nói và giải thích rằng Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện phải “liên kết hai vấn đề là giải quyết chế độ chống lại chính cử tri và phe của họ, và thực tế là họ có thể tiết kiệm tiền bằng cách cấp dưỡng ít hơn cho nhà nước hành chính.”
Do đó, ông Vought nói rằng Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện nên “phản đối gay gắt giới hạn nợ này,” đồng thời nhấn mạnh vào việc cắt giảm 9 ngàn tỷ USD chi tiêu tùy ý theo kế hoạch trong thập niên tới để đạt được một ngân sách liên bang cân bằng. Để rồi, sau khi một tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa và các khối đa số mạnh mẽ hơn trong Quốc hội của Đảng Cộng Hòa được bầu vào năm 2024, hãy giải quyết vấn đề chi tiêu bắt buộc.
Ông Vought nói, “Thế nhưng, tôi sẽ không bắt đầu với các khoản trợ cấp Medicare hay An sinh Xã hội. Tôi sẽ tập trung vào mạng lưới an sinh xã hội đã thực sự trở thành Tem phiếu Thực phẩm Quốc gia (Food Stamp Nation) hoặc các chương trình Obamacare mở rộng vốn đã thực sự mở rộng phúc lợi, tôi sẽ tập trung vào những chỗ đó.”
Ủy ban Ngân sách Hạ viện của Đảng Cộng Hòa, do Chủ tịch Jodey Arrington (Cộng Hòa-Texas) đứng đầu, đang soạn một dự thảo nghị quyết ngân sách trước ngày 15/04. Dự thảo này sẽ đặt ra các giới hạn chi tiêu cho từng dự luật trong số 12 dự luật phân bổ ngân sách chính — bắt đầu từ tháng Năm và cuối cùng sẽ trở thành đề nghị ngân sách hằng năm sẽ được Hạ viện biểu quyết vào tháng Chín.
Ngay sau khi từ hội nghị thường niên ở Orlando trở về Điện Capitol, Dân biểu Ralph Norman (Cộng Hòa-South Carolina), thành viên Đảng Cộng Hòa cao cấp thứ hai trong ủy ban ngân sách nói:“Ông Russ Vought đóng một vai trò quan trọng trong việc này.”
Ông Norman nói, “Ông Russ có một điểm rất hay là ông đã nhận ra vấn đề đó từ khi còn là người đứng đầu OMB và hiện giờ ông ấy đang nhìn nhận vấn đề đó không phải với tư cách là một quan chức trong bất kỳ chính phủ nào, mà đứng trên lập trường về chính sách. Chúng tôi đã có rất nhiều cuộc họp với ông ấy và chúng tôi sẽ họp nhiều hơn nữa.”
Các thành viên Đảng Cộng Hòa khác trong ủy ban ngân sách được The Epoch Times phỏng vấn cũng đánh giá cao ông Vought như vậy và bày tỏ sự tin tưởng rằng Hội nghị Đảng Cộng Hòa Hạ viện được thống nhất với sự dẫn dắt của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), ông Arrington cũng như chiến lược mới cho các vấn đề ngân sách và mức trần nợ. Nhưng họ cũng nhận thức ra thực trạng khác biệt giữa hai đảng trong bối cảnh cuộc tranh luận về ngân sách vẫn tiếp diễn.
Khi được hỏi liệu ông có thấy Đảng Dân Chủ có các dấu hiệu sẵn sàng thỏa hiệp về chi tiêu liên bang hay không, Dân biểu Josh Brecheen (Cộng Hòa-Oklahoma) đã cho biết “ngân sách mà Tổng thống đưa ra dựa trên hệ tư tưởng của Đảng Dân Chủ, bản ngân sách đó cho quý vị biết họ nghĩ những điều chúng ta nên làm để giảm thâm hụt là gì. Đó là thuế và chi tiêu, vì vậy chúng ta đang gặp bế tắc về hệ tư tưởng.”
Là một tân dân biểu, từng làm việc cho Thượng nghị sĩ Tom Coburn (Cộng Hòa-Oklahoma) trước khi được bầu vào Hạ viện hồi tháng 11/2022, ông Brecheen cho biết cuộc trò chuyện riêng mới đây với ông McCarthy đã khích lệ ông rất nhiều. “Bốn ngày trước tôi đã trò chuyện với ông ấy, tôi nói với ông ấy rằng ‘Tôi đã nói với ông ấy điều này bốn ngày trước, tôi nói với ông ấy rằng ‘Cách mà ông tổ chức hội nghị này đã khích lệ tôi.’”
Ông Brecheen là một trong số 20 dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã nhận được những nhượng bộ về chính sách và chiến lược từ ông McCarthy trong cuộc biểu quyết lần thứ 15 mà kết quả là dân biểu đến từ California này trở thành Chủ tịch Hạ viện. Ông Brecheen cũng ca ngợi khả năng lãnh đạo của ông Arrington trong ủy ban ngân sách.
Ông Brecheen nói: “Ông ấy đáng tin, thành thật, và quan tâm đến khoản nợ này. Ông Jodey [Arrington] đang cố gắng để điều hướng và để hội nghị của Đảng Cộng Hòa xem xét quan điểm đó. Ông đang cố gắng giảng giải cho hội nghị này để chúng tôi không chỉ nói rằng ‘chúng ta đã gặp rắc rối rồi, chúng ta đã gặp rắc rối lớn rồi.’”
Cho rằng ông Vought là người “tài giỏi,” ông Brecheen đã tán dương cách tiếp cận ngân sách của cựu Giám đốc Lâm thời OMB này. “Ông ấy nói rằng chúng ta thật sự đang đối mặt với một chính phủ liên bang đã thức tỉnh, được vũ khí hóa và lãng phí, và những người theo phái bảo tồn truyền thống nên làm gì trong cuộc tranh luận về mức trần nợ này? Họ nên tập trung vào những chỗ mà chính phủ muốn họ hướng đến.”
Dân biểu Bob Good (Cộng Hòa-Virginia), một thành viên khác của ủy ban ngân sách nói trên, chia sẻ với The Epoch Times rằng ông nghĩ rằng động lực trong cuộc tranh luận về chi tiêu này đã thay đổi theo hướng có lợi cho Đảng Cộng Hòa.
Ông Good nói: “Tôi nghĩ rằng có một sự đồng thuận rộng rãi về việc cắt giảm đáng kể, hơn nữa cuộc trò chuyện này hoặc cách nói chuyện này đang chuyển từ việc liệu chúng ta sẽ cắt giảm hay không sang chúng ta cắt giảm bao nhiêu và chúng ta cắt giảm những gì.”
Khi được hỏi về khả năng Đảng Dân Chủ sẽ thỏa hiệp với Đảng Cộng Hòa về việc cắt giảm chi tiêu, ông Good tỏ ra nghi ngờ. Ông nói: “Tôi không thấy hoặc nghe rằng Đảng Dân Chủ có bất kỳ sự công nhận nào về mức độ nghiêm trọng của tình hình tài chính với nợ quốc gia lên tới 32 ngàn tỷ USD và việc ông Biden đưa ra một ngân sách kỷ lục 6.9 ngàn tỷ USD vốn sẽ gây ra cho chúng ta một mức thâm hụt [thường niên] trị giá 2 ngàn tỷ USD.”
Có thể Đảng Dân Chủ tại Hạ viện sẽ bị vỡ mộng khi họ mong đợi rằng tình trạng bất hòa giữa các thành viên Đảng Cộng Hòa sẽ phá hỏng chiến lược của ông Vought. Dân biểu Carlos Gimenez (Cộng Hòa-Florida), một người có chủ trương ôn hòa, nói với Punchbowl News trong hội nghị thường niên của Đảng Cộng Hòa rằng ông nghĩ “đại đa số, nếu không muốn nói là toàn bộ hội nghị này” ủng hộ việc thực hiện một giải pháp cho “tình trạng chi tiêu ngoài tầm kiểm soát.”
Mark Tapscott _ Thanh Nhã
***
Cỗ máy phá hoại mang tên tỉnh thức
Chủ nghĩa thức tỉnh phá hủy chế độ trọng dụng nhân tài để ủng hộ cho sự bình đẳng bị cưỡng bách về thành quả — đơn thuốc của lịch sử dành cho sự suy tàn của nền văn minh.
https://baomai.blogspot.com/
***
Người Mỹ ‘tỉnh ngộ’ sau khi Silicon Valley Bank sụp đổ
Người đồng sáng lập Home Depot, ông Bernie Marcus, kêu gọi người dân Mỹ “tỉnh ngộ” trước thực tế rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở trong “thời kỳ khó khăn,” sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB).
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.