Một nữ hiệu trưởng nổi tiếng người Anh, được biết đến với việc áp dụng nghiêm khắc các nội quy trường học, đã chia sẻ rằng phương pháp giảng dạy cấp tiến đang hủy hoại các em học sinh bởi vì phương pháp này lý giải lệch lạc về lòng trắc ẩn khi dung túng các hành vi sai trái của một đứa trẻ đồng thời cưỡng ép cảm giác tội lỗi về màu “da trắng” lên các thầy cô.
Cô Katharine Birbalsingh, người được mệnh danh là “nữ hiệu trưởng nghiêm khắc nhất Anh quốc,” đã chia sẻ trong một bài diễn văn tại Trung tâm Nghiên cứu Độc lập (The Centre for Independent Studies) 73 thành phố Sydney, Úc, vào ngày 15/11/2022 rằng ở các nước phương Tây chẳng hạn như Úc và Anh quốc, “để dạy dỗ trẻ em một cách đúng đắn, các bạn phải lội ngược dòng.”
Cô Birbalsingh, một người Jamaica gốc Indo-Guyana sinh ra ở New Zealand, hồi tưởng lại một chuyến tham quan đến một ngôi trường ở Úc, nơi mà các học sinh người bản địa Úc (Aboriginal) chiếm phần lớn trong tổng số các học sinh. Cô Birbalsingh chia sẻ rằng, các thầy cô ở đây đang chơi đàn guitar thay vì dạy môn toán hay môn khoa học bởi vì các thầy cô này cho rằng “những đứa trẻ đó sẽ không thực sự học được gì nhiều.”
Các thầy cô này đã nói với cô rằng, “Chúng ta hãy sống vui vẻ khi có thể. Chúng ta hãy ca một số bài hát và để cho bọn trẻ tận hưởng cuộc sống.”
Đáp lại những chỉ trích cho rằng cô là một người “hẹp hòi,” cô Birbalsingh đã chia sẻ từ quan điểm của cô rằng, “điều hẹp hòi thực sự là lúc nào cũng dung túng cho sai lầm của một đứa trẻ, và không bao giờ phạt cấm túc đứa trẻ đó.”
“Nếu em không làm bài tập thì cũng không sao, nếu em không thể ngồi trên một cái ghế thì cũng không sao. Cuối cùng thì, em đến từ một gia đình nghèo khó. Do vậy, tôi sẽ tha lỗi cho em vì điều này, và tôi sẽ cho phép em tiếp tục đi học, và tôi sẽ cùng em hát một vài ca khúc thay vì đốc thúc các em học hành giỏi giang hơn trong các môn toán và Anh ngữ.”
“Rồi thì, khi các em rời khỏi trường học, các em sẽ không biết chữ và không biết đếm như bình thường trong suốt phần đời còn lại. Điều đó nghĩa là hẹp hòi phải không? Đó là hẹp hòi — và bây giờ những người kia gọi đó là lòng trắc ẩn. Đó chính là điều mà chúng tôi cần mọi người hiểu rõ — rốt cuộc thì đối xử với một đứa trẻ bằng lòng trắc ẩn, quan tâm và yêu thương một đứa trẻ có nghĩa là chặt chẽ tuân theo những nguyên tắc đúng đắn.”
Nhà sư phạm này đã lập luận rằng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn các em xuất thân từ các gia đình dân tộc thiểu số và có gia cảnh nghèo khó hơn chính là các nạn nhân chịu tổn hại lớn nhất của phương pháp giảng dạy cấp tiến bởi vì các em hoàn toàn lệ thuộc vào nhà trường và các thầy cô của các em.
Mặt khác, đối với các em đến từ những gia đình có hoàn cảnh kinh tế xã hội khá hơn, gia đình của các em có thể lấp đầy khoảng trống đó, ví như bằng cách đưa bọn trẻ đi tham quan các viện bảo tàng vào dịp cuối tuần, đi du lịch nhiều nơi khác nhau, hoặc trò chuyện về các vấn đề và tình hình chính trị trong một giai đoạn cụ thể.
“Và nếu các thầy cô của các em, thông qua điều mà họ tin là lòng trắc ẩn, đang không ngừng khiến em học sinh đó trở nên yếu kém hơn bằng cách không buộc em ấy chịu trách nhiệm về hành vi của mình, và đứa trẻ đó không có nơi nào để đi cả. Cuối cùng bọn trẻ ngồi tù, dựa dẫm vào phúc lợi xã hội, hoặc làm một công việc không có triển vọng thăng tiến. Sau đó, chúng ta tuyên bố rằng, ‘Ồ, những người này nghèo khó mà. Liệu họ có thể làm gì khác?’”
Úc đã được xác định là một đất nước đang lâm vào một tình cảnh có vấn đề liên quan đến hành vi của học sinh. Dựa theo chỉ số môi trường kỷ luật của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA), hệ thống trường học tại Úc xếp hạng thứ 70/77 về kỷ luật lớp học.
Cứ năm em học sinh thì có hai em cho biết các bạn học cùng lớp của mình không nghe lời các thầy cô, trong khi đó gần phân nửa số học sinh cho biết rằng hầu hết hay toàn bộ các tiết học đều ồn ào và không có kỷ luật.
Kết quả đầu ra của nền giáo dục tại Úc cũng có khuynh hướng lao dốc trong nhiều thập niên qua, với các kết quả PISA năm 2018 so với các kết quả năm 2000 cho thấy [năng lực của] các em học sinh đã bị tụt lại một năm ở môn toán và gần như tụt lại một năm ở môn đọc và môn khoa học.
Hồi tháng 09/2022, ông Danielle Wood, Giám đốc điều hành của Viện Grattan, đã chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh Việc làm như sau: “Dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy kết quả môn đọc và môn toán của học sinh tại các trường học ở Úc — so với kết quả ở những nước khác và kết quả học tập tại Úc trong những năm về trước — đang có khuynh hướng tuột dốc.”
Chính trị sắc tộc ngăn cản các thầy cô ‘làm điều đúng đắn’
Nữ hiệu trưởng người Anh này đã lưu ý thêm rằng chính trị bản sắc dựa trên sắc tộc lại càng ngăn cản các thầy cô dạy dỗ những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn tốt hơn.
Cô Birbalsingh đã lập luận rằng các thầy cô da màu như cô “không mang nặng cảm giác tội lỗi mà những thầy cô da trắng gặp phải do họ cảm thấy ngượng về đặc quyền của mình đến mức họ không thể bắt một đứa trẻ da màu chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.”
“Họ sẽ không bắt một đứa trẻ da màu chịu phạt cấm túc bởi vì, ‘Tôi là người giàu hoặc tôi là người da trắng và tôi cảm thấy ngượng, vì vậy tôi không thể làm việc này.’ Nhưng rốt cuộc ai mới là người chịu tổn hại? Chính là đứa trẻ da màu đáng thương không được chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.”
Cô đã kêu gọi các thầy cô khác “hãy thoát khỏi cảm giác tội lỗi bị cưỡng ép lên chúng ta,” và lập luận rằng việc cho phép đứa trẻ làm điều sai trái mà không xử phạt mới “thực sự là phân biệt chủng tộc tại thời điểm đó, bởi vì bạn đang làm hại bọn trẻ do bạn cảm thấy tội lỗi về đặc quyền của chính mình.”
“Chúng ta đã làm hỏng bọn trẻ bởi vì, ngay tại thời điểm đó, chúng ta cảm thấy lo lắng trước việc làm điều đúng đắn.”
Ngôi trường mà cô Birbalsingh thành lập tại Anh quốc này, Trường Cộng đồng Michaela nằm gần Wembley, đã dẫn đầu về các điểm số GCSE Progress 8 vào năm 2022. Đây là các điểm số giúp đo lường sự tiến bộ của từng học sinh xuyên suốt cấp độ trung học cơ sở. Tỷ lệ xếp hạng chung của ngôi trường này là 2.27, có nghĩa là trung bình thì một học sinh theo học tại trường Michaela cuối cùng sẽ có trình độ cao hơn hai lớp so với trình độ em đó có được nếu theo học tại một ngôi trường khác.
Cô Birbalsingh chia sẻ các yếu tố chính phía sau sự thành công của ngôi trường này chính là “các giá trị truyền thống, kỷ luật truyền thống, và phương pháp giảng dạy truyền thống.”
“Hàng năm, chúng tôi sẽ gửi một vài học sinh của chúng tôi đến trường Cambridge và trường Oxford, nhưng không chỉ có như vậy,” cô chia sẻ trong bài diễn văn nói trên. “Chúng tôi cũng có những em học sinh khác có thể trở thành những người thợ sửa ống nước và những thợ làm tóc, v.v., nhưng các em đến đúng giờ. Các em biết cách đứng thẳng và ngồi ngay ngắn. Các em biết cách mang theo thiết bị của mình. Các em biết cách nói chào buổi sáng và chào buổi chiều, thưa Thầy, và thưa Cô.”
“Khi các em tản bộ ngoài hành lang, các em cảm thấy vui vẻ, và đây chính là điều then chốt. Bạn vui vẻ khi bạn là một người thành công. Bạn vui vẻ khi bạn biết rõ mình là ai và bạn có thể trao đi điều gì.”
“Chúng tôi kỳ vọng các em trở thành những người có lễ độ. Chúng tôi kỳ vọng các em cố gắng hơn nữa để giúp đỡ những người khác. Nếu một em học sinh đánh rơi một chiếc đĩa ở nhà ăn của một ngôi trường bình thường trong nội thành, tất cả những em khác sẽ bắt đầu la lối và đập bàn. Đó là điều mà bọn trẻ sẽ làm. Còn các học sinh của chúng tôi, nếu như có ai đó làm rơi một chiếc đĩa, thì năm sáu em khác sẽ chạy đến giúp đỡ người đó dọn dẹp thức ăn trên sàn nhà.”
Nina Nguyen _ Minh Châu
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.