Sunday, December 3, 2023

Người Mỹ phải rút tiền tiết kiệm hưu trí ‘vì khó khăn’

 BM

Số lượng người Mỹ phải rút tiền từ tài khoản 401(k) của họ để thanh toán hóa đơn và mua sắm các mặt hàng thiết yếu đã tăng vọt. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang trải qua mức độ căng thẳng tài chính ngày càng tăng.


Một báo cáo mới từ Fidelity, nhà cung cấp kế hoạch 401(k) lớn nhất quốc gia, cho thấy một xu hướng đáng lo ngại người Mỹ đang ngày càng phải viện đến khoản tiết kiệm hưu trí của mình dưới hình thức rút tiền vì gặp khó khăn và các khoản nợ.


Báo cáo cho thấy 2.3% người tham gia chương trình hưu trí ở Hoa Kỳ đã rút tiền vì gặp khó khăn trong quý 3 năm 2023, tăng từ 1.8% so với quý 3 năm 2022.


Những lý do hàng đầu để rút tiền vì khó khăn là tránh bị tịch thu tài sản hoặc bị trục xuất và trang trải các chi phí y tế.


Bên cạnh việc rút tiền vì gặp khó khăn, số người Mỹ vay tiền từ tài khoản tiết kiệm hưu trí của họ cũng tăng lên, với tỷ lệ này tăng lên 2.4% trong quý 3 năm 2023 từ khoảng 1.8% trong cùng thời kỳ năm ngoái.


Lạm phát tiếp tục là mối lo ngại lớn trong quý Ba, với gần ¾ số nhân viên cho biết lạm phát đang khiến họ căng thẳng.


Những phát hiện mới nhất từ Fidelity tiếp nối một báo cáo gần đây của Bank of America (BofA), vốn cũng cho thấy việc rút tiền do gặp khó khăn đã tăng đáng kể trong quý 3, đồng thời mặc dù BofA không theo dõi lý do cụ thể của việc rút tiền, nhưng tình trạng hiện tại của nền kinh tế bao gồm cả lạm phát cao dai dẳng có thể là thủ phạm.


Tiền lương không theo kịp lạm phát


BM

Theo một cuộc khảo sát mới từ Bankrate, trong số những người Mỹ có việc làm, 60% số nhân viên cho biết thu nhập của họ không theo kịp mức tăng chi phí chi tiêu của gia đình do lạm phát trong 12 tháng qua. Tỷ lệ này tăng từ mức 55% vào năm ngoái.


Trong khi đó, chưa đến  (29%) số nhân viên cho biết lương của họ đã theo kịp hoặc vượt mức lạm phát trong năm nay so với con số 33% của năm ngoái, trong khi 11% nói rằng họ không biết lương của họ có theo kịp lạm phát không.


Nhà phân tích Sarah Foster của Bankrate nói trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử: “Thị trường việc làm đã mất đà kể từ khi Hệ thống Dự trữ Liên bang bắt đầu tăng lãi suất để giảm bớt lạm phát, nhưng không nhiều.”


“Tỷ lệ người lao động được tăng lương trong năm qua phù hợp với mức lịch sử của năm ngoái và ngày nay nhiều người Mỹ được tăng lương hơn so với trước đại dịch. Mặc dù vậy, lạm phát vẫn ở mức cao đối với nhiều gia đình, làm xói mòn những mức tăng đó.”


“Lạm phát cao có cảm giác giống như bị cắt giảm lương và đó có thể là một lý do khiến người Mỹ cho rằng nền kinh tế không mạnh như trên giấy tờ.”


Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ 5.2% hàng năm trong quý 3, tốc độ vượt dự báo mà một số nhà phân tích cho rằng trên giấy tờ có vẻ tốt hơn thực tế bởi vì khi nhìn từ khía cạnh thu nhập, dữ liệu cho thấy động lực đã suy yếu và tăng trưởng đang chậm lại.


Trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5.2% thì tổng thu nhập quốc nội (GDI) lại tăng với tốc độ thấp 1.5% trong quý trước.


Nhà phân tích thị trường Stephanie Pomboy đã lên X, trước đây là Twitter, để lưu ý rằng chênh lệch giữa GDP và GDI trong quý 3 là lớn nhất từng được ghi nhận.


“Đừng tin vào sự cường điệu đó,” bà viết. “Khoảng cách giữa GDI và GDP là lớn nhất trong lịch sử.”


BM


Nhà phân tích Mike Shedlock viết trong một bài đăng trên blog, đề cập đến sự khác biệt giữa GDP và GDI: “Các con số lẽ ra phải trùng khớp và tương quan với nhau theo thời gian. Nhưng sự khác biệt giữa các thước đo là rất lớn.”


Ông Shedlock nói thêm: “Điểm quan trọng từ thông cáo này là nền kinh tế có thể không hoạt động tốt như cách truyền thông và Tổng thống Joe Biden đang thể hiện.”


Nỗi lo lạm phát quay trở lại


BM

Người tiêu dùng Mỹ ngày càng bi quan hơn khi lo ngại lạm phát gần đây đã tăng lên mức cao nhất trong 22 năm, một dấu hiệu cảnh báo cho nền kinh tế Mỹ.


Thước đo tâm lý người tiêu dùng được theo dõi chặt chẽ của Đại học Michigan đã giảm 4% trong tháng Mười Một xuống mức 61.3%.


Sự sụt giảm này đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp chỉ số tâm lý này sụt giảm, với sự sụt giảm niềm tin ngày càng sâu sắc khi hai cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Ukraine và Gaza không có dấu hiệu sớm kết thúc.

Trong khi đó, kỳ vọng lạm phát tăng vọt trong cả ngắn hạn và dài hạn, phản ánh lo ngại của người tiêu dùng rằng việc giảm áp lực giá gần đây sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.


Theo khảo sát của Đại học Michigan, người tiêu dùng Mỹ kỳ vọng lạm phát sẽ ở mức trung bình 4.5% trong 12 tháng tới và 3.2% trong 5 năm tới. Con số này tăng so với mức tương ứng là 4.2% và 3% mà người tiêu dùng dự đoán khi được hỏi vào tháng Mười.


Đặc biệt, chỉ số kỳ vọng lạm phát 5 năm là cao nhất trong 22 năm.


Bà Joanne Hsu, giám đốc bộ phận Khảo sát Người tiêu dùng của Đại học Michigan, cho biết: “Người tiêu dùng có vẻ lo lắng rằng xu hướng lạm phát giảm nhẹ có thể bị đảo ngược trong những tháng và năm tới.”


Kỳ vọng lạm phát tăng vọt diễn ra bất chấp thực tế là chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát, đã giảm xuống 3.2% trong tháng Mười từ mức 3.7% trong tháng Chín.


Một thước đo khác về niềm tin của người tiêu dùng do Conference Board công bố hôm 28/11 đã cho thấy tâm lý có sự cải thiện đôi chút. Thước đo này đã tăng lên mức 77.8 trong tháng Mười Một kể từ mức 72.7 trong tháng Mười.


Tuy nhiên, bất kỳ chỉ số nào dưới 80 trong thước đo của Conference Board đều báo hiệu một cuộc suy thoái trong năm tới, do đó, sự cải thiện về tâm lý là có hạn.


Cảnh báo suy thoái khắp nơi


BM

Dữ liệu gần đây từ tháng Mười cho thấy trong khi 69% người tiêu dùng Mỹ mong đợi một cuộc suy thoái trong 12 tháng tới, thì có tới 84% các giám đốc điều hành thuộc bộ C (C-Suite, các giám đốc đứng đầu các bộ phận chức năng của công ty và có chức danh viết tắt bắt đầu bằng chữ C (chief), như CEO, CFO, CMO, v.v.) tin rằng suy thoái sẽ thành hiện thực.

 

Mặc dù đã có một số dữ liệu kinh tế đáng khích lệ kể từ đó, bao gồm cả trong thị trường việc làm và xu hướng lạm phát, nhưng các con số dường như không thay đổi nhiều trong hai tháng qua ít nhất là nếu những nhận xét gần đây của Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon là chuẩn xác.


Ông Dimon gần đây đã cảnh báo rằng lạm phát có thể tăng nhanh trở lại và suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng đến đất nước nếu Hệ thống Dự trữ Liên bang tăng lãi suất để ứng phó với áp lực giá cả gia tăng.


“Có rất nhiều thứ ngoài kia là nguy hiểm và gây lạm phát. Hãy chuẩn bị sẵn sàng,” ông Dimon nói tại Hội nghị thượng đỉnh DealBook năm 2023 của The New York Times ở New York hôm 29/11.


Ông Dimon cho rằng căng thẳng địa chính trị và quá trình chuyển đổi năng lượng đang thúc đẩy các chính phủ tăng cường chi tiêu dẫn đến lạm phát. Nếu một đợt lạm phát mới xảy ra, thì lạm phát sẽ gây áp lực buộc Fed phải tăng lãi suất hơn nữa, điều mà có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.


“Lãi suất có thể tăng và việc đó có thể dẫn đến suy thoái,” ông Dimon cho biết, đồng thời bày tỏ thận trọng về nền kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng của lạm phát đối với các gia đình Mỹ.


Giống như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác trước mình, ông Dimon nói rằng gói kích thích được khai triển trong đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và thúc đẩy nền kinh tế, nhưng tác dụng của biện pháp này đang mờ dần.


Ông nói thêm rằng tốc độ tăng lãi suất nhanh chóng của Fed (từ 0 lên hơn 5% với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980), cùng với việc đảo ngược chương trình nới lỏng định lượng, đang gây sức ép lên nền kinh tế và người tiêu dùng.




Tom Ozimek  _  Vân Du

***

Chuẩn bị cho hưu trí: 7 sai lầm thường gặp 

 BM

Có 40% người trưởng thành chưa nghỉ hưu tin rằng việc tiết kiệm cho hưu trí của họ đang đi đúng hướng. Nhưng đối với 60% khác? Họ không cảm thấy như vậy.

https://baomai.blogspot.com/2022/09/chuan-bi-cho-huu-tri-7-sai-lam-thuong.html


baomai.blogspot.com
Báo Mai Music_55 "The NAIL VOICE"
Sự phản bội của Henry Kissinger là nguyên nhân chính khiến VNCH sụp đổ
Nền văn hóa đang suy yếu của Hoa Kỳ
Nhân sâm: công dụng trợ tim và tăng tuổi thọ
Liên Hiệp Quốc kêu gọi người Mỹ giảm ăn thịt nhưng điều này có khả thi không?
Lạm phát đến với cây Giáng Sinh
Ngân hàng cảnh báo về các khoản tiền ‘bất thường’ của Hunter Biden
BMI ‘không phải là thước đo sức khỏe’, chỉ số vòng eo nên là bao nhiêu?
Đài Loan ngập trong thách thức, Trung cộng khó tính đến chuyện xâm lược
Thủ phạm chính gây ra bệnh tim
Những chuyên gia từng ủng hộ việc phong tỏa; giờ đây họ thừa nhận rằng mình đã sai
R.I.P: Nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn
R.I.P: Henry Kissinger
Căng thẳng là một lựa chọn
Niềm hy vọng mới: ‘Một nắm đất sét’
Giảm cân bằng bắp cải được các chuyên gia y tế Nhật Bản ưa chuộng
Cựu chiến binh Đệ nhị Thế chiến 106 tuổi lập kỷ lục
Cuộc điều tra đàn hặc TT Biden
Bột ngọt (MSG) thực sự có hại không?
Hàng triệu người Mỹ đang sa lầy vào bẫy do Trung cộng tạo ra

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.