Giống như bất cứ một thanh niên nào của thế hệ Y, Bích Ngọc đam mê những tấm hình chụp đồ ăn, thức uống trên Instagram. Nhưng không phải chỉ là sự cám dỗ vì những bức hình đẹp, cô lên mạng xã hội còn để kiểm tra xem những cách nấu nướng nào là an toàn.
Cô gái 18 tuổi này là một trong số nhiều những người Việt đang ngày càng trở nên thận trọng hơn về những hiểm họa đang ẩn núp trong những món ăn của họ. Ngọc theo dõi những người nổi tiếng trên mạng xã hội cũng như đọc các phần bình luận trong các bài viết trên trang web Foody để quyết định xem có nên tin tưởng một nhà hàng, một thương hiệu hay một món nào đó hay không.
“Theo như tôi hiểu, sức khỏe của chúng ta là rất quan trọng,” Ngọc nói. “Nếu tôi bị đau bụng, đau nhẹ thì ok nhưng nếu đau nặng thì tôi phải đi chữa trị. Do đó tốt hơn là phòng tránh để không bị bệnh.”
Một phụ nữ bán hải sản ở một chợ truyền thống ở thành phố Bảo Lộc ở Tây Nguyên. An toàn thực phẩm đang là mối lo hàng đầu của người dân Việt Nam, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới.
Các vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm xảy ra thường xuyên ở Việt Nam và các doanh nghiệp cũng như những người tiêu dùng đang tìm kiếm các giải pháp trong khi ngày một nhiều các vụ việc như vậy. Những người bán hàng rong thường tái sử dụng các loại dầu ăn nhiều lần đến nỗi nó trở nên độc hại. Các đoạn video được chia sẻ trên mạng cho thấy một người bán hàng nhuộm phẩm các loại rau để chúng trông tươi ngon hơn. Và gần đây, vụ trộn hóa chất từ pin vào cà phê và hạt tiêu đã dẫn đến việc năm người bị bắt giam vào tháng 4 vừa qua.
Thực phẩm bẩn tràn lan
Các vấn đề về an toàn thực phẩm khiến Việt Nam phải tiêu tốn 740 triệu USD và nó trở thành nỗi lo hàng đầu của công chúng, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank). Có thể kể đến nhiều lý do gây tổn thất sản lượng, từ việc người lao động bị ốm phải nghỉ làm, cho tới việc nông dân phải tiêu hủy hoa màu nhiễm bệnh hoặc gia cầm chết non.
Từ vụ rau xà lách nhiễm khuẩn ở California cho tới vụ dâu tây có kim khâu ở Úc, không có nơi nào trên thế giới là không bị các nguy cơ về an toàn thực phẩm. Nhưng ở Việt Nam, những nguy cơ này thường được coi là một thực tế phổ biến đáng buồn hơn là một sự may rủi. Ở quốc gia có khoảng 100 triệu dân này, hiếm có ai đi ăn ngoài mà chưa một lần bị ngộ độc thức ăn. Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, dù là ăn ngoài đường hay ăn trong một khách sạn 5 sao.
Cửa hàng máy lạnh so với quán ăn ngoài đường
Những mối lo ngại này phản ánh sự thay đổi trong ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam.
Chuỗi nhà hàng Phở Ông Hùng hay Thai Express đang ngày một phát triển mạnh. Và cũng đang có một sự bùng nổ các cửa hàng tiện ích, với việc 7-Eleven vào thị trường của quốc gia Cộng sản năm 2017 để cạnh tranh với các chuỗi cửa hàng như Circle K của Mỹ, Family Mart của Nhật Bản và Coopmart của Việt Nam.
Người tiêu dùng nhận ra các nhãn hàng và tin rằng, dù đúng hoặc không đúng, các sản phẩm như sò ngao hay đậu nhớt đóng gói ni lông từ các cửa hàng có điều hòa máy lạnh vẫn an toàn hơn từ các chợ ngoài đường.
Tương tự như vậy, việc mạng lưới các cửa hàng tạp hóa có đủ mọi thứ phát triển khắp nơi cho người mua sắm một sự đảm bảo về tính nhất quán.
"Vấn đề là làm thế nào để thích ứng với nhu cầu của khách hàng", Lê Thị Minh Trang, giám đốc chất lượng tại các siêu thị của Auchan Việt Nam cho biết.
Theo bà Trang, 90% lượng hàng của công ty bà có nguồn gốc trong nước và công ty này kiểm soát chất lượng bằng cách yêu cầu các nhà cung cấp đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định. Ví dụ, một số phải có chứng nhận nông nghiệp sạch, hay chứng nhận GAP, và các bảo đảm khác đối chiếu với dành mục hàng bị cấm của công ty.
Các doanh nghiệp khác thì đang cố gắng cải thiện mức độ vệ sinh. Một trong số đó là CP Việt Nam, Công ty cổ phần chăn nuôi được biết tiếng với các sản phẩm nông nghiệp như trứng và thịt vịt. Công ty này tập trung vào việc truy xuất nguồn gốc để mọi người có thể theo dõi việc mua hàng của họ trong suốt chuỗi cung ứng.
Lạm dụng hóa chất
Ngoài ra còn có Phoenix, một công ty kinh doanh lớn mặt hàng gạo, đang tìm giải pháp cho các cánh đồng lúa bị phun thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ một cách bừa bãi. Công ty này đang làm việc với các nông dân để làm các cánh đồng thoát nước sớm hơn do đó họ không cần dùng nhiều thuốc diệt nấm để diệt nấm mốc.
"Rất nhiều loại hóa chất nông nghiệp đang được sử dụng ở Việt Nam", Vivek Sharma, phó chủ tịch Phoenix ở Đông Nam Á, cho biết vào tuần trước tại một hội nghị an toàn thực phẩm tại Thành phố HCM do Công ty Tài chính Quốc tế của Ngân hàng Thế giới tổ chức.
Nhưng cũng có một nguy cơ của việc phải chạy theo xu thế quá mức, hoặc chịu sức ép phải làm cho thực phẩm “trông” an toàn hơn. Giống như các nhà cung cấp dán nhãn “thực phẩm hữu cơ” ở Mỹ, các cửa hàng của Việt Nam cũng chạy theo nhãn thực phẩm “xanh và sạch,” nhưng không có gì đảm bảo là thực phẩm ở bên trong có đúng chất lượng như quảng cáo trên bao bì hay không.
Chợ ngoài đường vẫn được ưa chuộng
Tuy nhiên theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, người Việt Nam vẫn mua 80% lượng thực phẩm từ các chợ truyền thống.
Một trong số những người đó là Nguyễn Ngân, một người bán đồ ăn nhẹ như viên cá và trứng chim cút từ một “cửa hàng rong” trên xe máy của mình. Là một người mua sắm, ông Ngân nói rằng ông không có khả năng mua đồ ở siêu thị, nhưng cũng thích các chợ ngoài trời vì ông có thể mua các sản phẩm tươi sống trực tiếp từ nông dân và ngư dân.
"Tôi nghĩ rằng cá có chất lượng tốt, tôi ăn nó và không có bất kỳ vấn đề gì", người đàn ông 51 tuổi nói.
Nhưng Việt Nam vẫn chưa bằng Thái Lan, nơi thức ăn đường phố có giá cả phải chăng và được coi là tương đối an toàn. Do đó, người Việt Nam sẽ tìm kiếm các lựa chọn sạch sẽ, đặc biệt là lựa chọn thay thế cho những gì họ cho là đồ nhập khẩu giá rẻ và không an toàn từ Trung cộng. Các cuộc khảo sát người tiêu dùng cho thấy người Việt Nam ngày càng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho thực phẩm an toàn. Theo Ngân hàng Thế giới, đây là mối quan tâm lớn nhất đối với người dân địa phương, thậm chí còn quan trọng hơn các vấn đề như tham nhũng hay chi phí sinh hoạt.
Ha Nguyen
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.