Một cựu công tố viên liên bang cho biết: “Đạo luật Gián điệp chưa bao giờ được sử dụng để truy tố trong bối cảnh như thế này.”
Theo một số luật sư và các chuyên gia khác, bản cáo trạng truy tố cựu Tổng thống (TT) Donald Trump về việc lưu giữ các tài liệu quân sự và cản trở chính phủ lấy những tài liệu này được xây dựng dựa trên một lý thuyết pháp lý mới có nhiều điểm thiếu sức thuyết phục.
Vụ án này đã được miêu tả trên các hãng truyền thông là về việc ông Trump giữ lại các tài liệu mật từ nhiệm kỳ tổng thống của mình. Tuy nhiên, các cáo buộc đã bỏ qua vấn đề đó và thay vào đó sử dụng một điều khoản trong Đạo luật Gián điệp vốn hình sự hóa việc không chuyển giao thông tin quốc phòng. Bản cáo trạng này còn cáo buộc rằng ông Trump và nhân viên Waltine Nauta đã che giấu một số tài liệu khi chính phủ yêu cầu những tài liệu này thông qua một trát lệnh.
Một số luật sư nói với The Epoch Times rằng các hành vi vi phạm được cho là theo Đạo luật Gián điệp đặt ra một trọng trách chứng minh và đặt ra câu hỏi liệu đạo luật này có nên được áp dụng ngay từ đầu hay không và, nếu không, liệu cuộc điều tra cơ bản này có nên làm cơ sở cho các cáo buộc về hành vi cản trở hay không.
Ông Will Scharf, một cựu công tố viên liên bang, cho biết: “Vấn đề pháp lý then chốt ở đây là sự tác động qua lại giữa Đạo luật Hồ sơ Tổng thống và Đạo luật Gián điệp.”
Đạo luật Hồ sơ Tổng thống năm 1978 quy định rằng sau khi một tổng thống rời nhiệm sở, Cơ quan Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia (NARA) sẽ lưu giữ tất cả các hồ sơ chính thức của tổng thống.
Luật này cho phép các cựu tổng thống giữ các tài liệu cá nhân như “sổ nhật ký, sổ ghi chép hàng ngày, hoặc các ghi chú cá nhân khác” mà không được sử dụng cho công việc của chính phủ.
Trang web của NARA nêu rõ: “Nếu một cựu Tổng thống hoặc Phó Tổng thống tìm thấy hồ sơ Tổng thống trong số các tài liệu cá nhân, thì người đó phải liên hệ với NARA một cách kịp thời để bảo đảm việc chuyển các hồ sơ Tổng thống đó cho NARA.”
Tuy nhiên, Đạo luật Hồ sơ Tổng thống không phải là một đạo luật hình sự. Nếu một cựu tổng thống từ chối chuyển giao một số tài liệu hoặc tuyên bố rằng các tài liệu hiển nhiên chính thức đó là của cá nhân, thì điều tồi tệ nhất mà tổng thống đó có thể phải đối mặt là một vụ kiện dân sự.
Có rất ít án lệ về những vấn đề như vậy. Hồi năm 2012, tổ chức Judicial Watch đã tìm cách buộc cựu Tổng thống Bill Clinton phải chuyển giao hàng chục đoạn băng phỏng vấn mà ông đã lưu giữ trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Ông Clinton đã tuyên bố các đoạn băng này là của cá nhân và tòa án đã ủng hộ ông. Thẩm phán Amy Berman Jackson, một người được cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, đã lập luận rằng tòa án không có cách nào để phán xét một khẳng định của tổng thống về những gì là của cá nhân và không phải của cá nhân.
Bà Jackson viết, “Vì Tổng thống được giao phó hoàn toàn việc quản lý và thậm chí cả việc giải quyết các hồ sơ Tổng thống trong thời gian tại vị, nên Tòa án này khó có thể kết luận Quốc hội dự định rằng ông ấy sẽ có ít thẩm quyền hơn để làm những gì ông ấy muốn với những gì ông ấy cho là hồ sơ cá nhân của ông.”
Tuy nhiên, hiện tại Bộ Tư pháp (DOJ) đang lập luận rằng các cựu tổng thống có thể bị buộc tội theo Đạo luật Gián điệp năm 1917 vì sở hữu các tài liệu mà họ đã giữ từ nhiệm kỳ tổng thống của mình.
“Đó là một vấn đề pháp lý hoàn toàn mới,” ông Scharf nói. “Trước đây vấn đề đó chưa bao giờ được phân tích. Đạo luật gián điệp chưa bao giờ được sử dụng để truy tố trong bối cảnh như thế này.”
Một số luật sư tin rằng Đạo luật Gián điệp không thể được sử dụng theo cách này bởi vì đạo luật này không có mục đích được sử dụng theo cách như vậy. Trước năm 1978, các cựu tổng thống sở hữu tất cả các tài liệu từ nhiệm kỳ tổng thống của họ, kể cả mọi thông tin về quốc phòng. Chưa bao giờ có bất kỳ ý kiến nào cho rằng việc họ nắm giữ những tài liệu như vậy là vi phạm Đạo luật Gián điệp.
Ông Jesse Binnall, luật sư đại diện cho ông Trump trong một vấn đề khác, cho biết, “Quốc hội đã nói rất, rất rõ ràng … rằng đạo luật áp dụng cho các tổng thống và cựu tổng thống là Đạo luật Hồ sơ Tổng thống. Đạo luật áp dụng cho những người khác là Đạo luật Gián điệp, vốn có những quy định khác.”
Ông Mike Davis thuộc Dự án Điều III (Article III Project) theo phái bảo tồn truyền thống cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
Ông nói trong một tweet, “Ngay cả khi Tổng thống giải mật và lấy đi hồ sơ tổng thống của mình khi rời nhiệm sở, thì ông ấy vẫn có thể bị buộc tội theo Đạo luật Gián điệp … Tôi dám chắc rằng lý thuyết đó sẽ không hợp pháp với Tối cao Pháp viện.”
Ý định phạm tội
Phần lớn bản cáo trạng này dựa trên cáo buộc rằng ông Trump “cố ý” lưu giữ các tài liệu quốc phòng — với ý định phạm tội.
Tuy nhiên, tài liệu này không cung cấp bằng chứng cho ý định đó.
Hôm 11/05/2022, DOJ nhận được một trát lệnh buộc ông Trump phải chuyển giao tất cả các tài liệu có đánh dấu mật, bao gồm cả tài liệu điện tử.
Một trong những tuyên bố then chốt là ông Trump đã chỉ thị cho ông Nauta di chuyển các thùng tài liệu khắp nơi trước khi luật sư của ông đến lục soát các thùng tài liệu này để đáp lại trát lệnh đó.
Ông Nauta bị cáo buộc đã chuyển 64 chiếc thùng ra khỏi một phòng chứa đồ, nơi ông Trump cất giữ các vật dụng và tài liệu từ nhiệm kỳ tổng thống của mình và chuyển những thứ này đến tư gia của ông tại khu nghỉ dưỡng. Ông Nauta sau đó đã chuyển lại 30 thùng ngay trước khi ông Evan Corcoran, luật sư khi đó của ông Trump, lục soát phòng lưu trữ để tìm các tài liệu được yêu cầu theo trát lệnh. Theo bản cáo trạng, những tài liệu được yêu cầu này có đề cập đến cảnh quay camera an ninh thu được từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump thông qua một trát lệnh.
Bản cáo trạng cáo buộc rằng các thùng hồ sơ này đã được chuyển đi để giấu các tài liệu đáp ứng từ ông Corcoran. Bản cáo trạng đưa ra một tin nhắn văn bản trong đó ông Nauta nói rằng ông Trump bảo ông đặt một số thùng vào trong phòng.
“Tôi nghĩ ông ấy muốn chọn lọc từ những chiếc thùng này,” ông Nauta nói.
Trên thực tế, không có thông tin nào về việc liệu ông Trump có xem qua các thùng này hay không và nếu có, thì ông ấy đang tìm kiếm điều gì.
Ngày 08/08/2022, khi FBI đột kích vào dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở West Palm Beach, 102 tài liệu có đánh dấu mật đã được tìm thấy trong phòng chứa đồ và trong văn phòng của ông Trump.
Một số luật sư lập luận rằng lẽ ra ông Trump nên phản đối trát lệnh vì trát lệnh này quá bao quát. Có khả năng ông Trump giữ nhiều tài liệu có đánh dấu mật đã được giải mật. Rất nhiều tài liệu như vậy có sẵn trên mạng.
Ngoài ra, trát lệnh này không đề cập gì đến thông tin quốc phòng, vốn không cần phải đánh dấu mật.
Bản cáo trạng nêu rõ rằng ông Trump bị cáo buộc phạm tội cố ý giữ lại 31 tài liệu cụ thể liên quan đến quốc phòng bắt đầu vào ngày 21/01/2021, sau khi ông được cho là đã “khiến” cho các thùng tài liệu trong nhiệm kỳ của mình được chuyển đến dinh thự Mar-a-Lago.
Thông tin chi tiết về việc chuyển các thùng tài liệu đến dinh thự Mar-a-Lago vẫn chưa rõ ràng. Hãng thông tấn Newsweek đưa tin rằng 27 thùng đã được chuyển đến tư gia của ông Trump một cách tình cờ. Luật sư cũ của ông Trump, ông Timothy Parlatore, cho biết các tài liệu đã được Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (General Services Administration) chuyển đến.
Bản cáo trạng không giải thích làm thế nào ông Trump được cho là biết những tài liệu cụ thể này. Bản cáo trạng không đưa ra bằng chứng về bất kỳ ý định tội phạm nào từ phía ông Trump trong việc lấy và giữ những tài liệu này.
Ông Scharf nói: “Có những điểm yếu pháp lý nghiêm trọng, nghiêm trọng trong các lập luận mà họ đang sử dụng.”
Ông lập luận, nếu các cáo buộc theo Đạo luật Gián điệp không được sự giám sát của tư pháp, thì các cáo buộc bổ sung về tội cản trở không nên như vậy.
“Có một thông lệ lâu đời của DOJ là quý vị không truy tố tội cản trở, hoặc thực sự là bất kỳ tội phạm nào liên quan đến thủ tục và thực thi công lý, trừ phi có tính chất phạm tội cơ bản,” ông Scharf nói. “Vì vậy, nếu DOJ tiến hành một cuộc điều tra về điều gì đó, ai đó bị cáo buộc cản trở cuộc điều tra đó, nhưng hóa ra bản thân cuộc điều tra lại không có cơ sở vững chắc, thì điều đó thường sẽ không dẫn đến một bản cáo trạng.”
Tuy nhiên, khi nói đến các cuộc điều tra liên quan đến ông Trump, các công tố viên thường chỉ đưa ra các cáo buộc phạm tội can thiệp thủ tục và thực thi công lý, chẳng hạn như trong trường hợp cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, Trung tướng Michael Flynn, và cố vấn chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông, ông George Papadopoulos.
Ông Steve Friend, cựu đặc vụ FBI đồng thời là người tố cáo, cho biết, “Đặc biệt, tôi nghĩ trong vụ án này, quý vị đang nhận thấy quá trình vũ khí hóa tội can thiệp thủ tục và thực thi công lý mà FBI đã bắt đầu sử dụng, nơi họ sẽ, dưới một số tiền đề thiếu thuyết phục hoặc giả định nào đó, mở một cuộc điều tra về ai đó vì một điều gì đó và sau đó trong suốt quá trình của cuộc điều tra, họ hy vọng rằng có thể đưa ra các cáo buộc là tội phạm can thiệp thủ tục và thực thi công lý.”
Cách đối xử với trường hợp của nhà Clinton
Có những gợi ý cho thấy ông Trump tin rằng ông có thể đối phó với chính phủ theo cách tương tự như cách của ông Clinton và phu nhân của ông, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Trong một sự kiện gặp gỡ cử tri của CNN hồi đầu năm nay, ông Trump nói rằng dựa trên Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, ông được phép “thương lượng” với NARA về những gì ông có thể và không thể giữ làm vật phẩm cá nhân. NARA đã bác bỏ cách giải thích như vậy, nhưng ông Trump có thể đang đề cập đến trường hợp của bà Clinton vào năm 2012.
Bản cáo trạng này cũng cho thấy rằng ông Trump đã hỏi các luật sư của mình về việc liệu ông có thể giải quyết trát lệnh đó tương tự như cách mà bà Hillary Clinton đã từng làm vào năm 2015 hay không. Khi đó, các luật sư của bà đã gặp phải tai tiếng trong việc sắp xếp các thư điện tử của bà từ thời bà còn làm việc ở Bộ Ngoại giao và cho xóa khoảng một nửa thư điện tử trong số đó, cho rằng các thư điện tử này không liên quan gì đến công việc. Sau đó, FBI đã phát hiện ra hàng ngàn thư điện tử liên quan đến công việc đã bị mất tích.
“Không phải sẽ tốt hơn nếu chúng ta nói với họ rằng chúng ta không có gì ở đây sao?” ông Trump được cho là đã đặt câu hỏi và đề cập đến vụ việc của bà Clinton nhiều lần.
Ông Binnall cho rằng ông Trump đã đưa ra “những câu hỏi pháp lý hoàn toàn hợp lệ.”
“Quý vị sẽ nói là, ‘Chà, đợi đã. Nếu [các luật sư của bà Clinton] có thể làm điều đó một cách hợp pháp, và họ đã thành công, thì tại sao chúng ta không thể làm theo cách tương tự chứ?’”
Hành vi truy tố sai trái
Ông Jack Smith, một cựu công tố viên liên bang, được Tổng chưởng lý Hoa Kỳ Merrick Garland bổ nhiệm làm biện lý đặc biệt vào ngày 18/11/2022, đã khởi tố vụ việc này.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa đã chỉ trích ông Smith vì đã cho phép các công tố viên của mình đi chệch hướng cả trong vụ truy tố này và trong vai trò trước đây của ông với cương vị là người đứng đầu Bộ phận Chính trực Công cộng (Public Integrity Section) của DOJ.
Ông Binnall nhớ rằng, cách đây một thập niên, các công tố viên dưới quyền của ông Smith đã từng vi phạm các quyền hiến định của một bị cáo trước một đại bồi thẩm đoàn, dẫn đến việc tòa án bác bỏ các cáo buộc đối với bị cáo này. Trong vụ việc tương tự, ông cho biết các công tố viên đã thu giữ điện thoại của thân chủ của ông và không sử dụng một nhóm sàng lọc để ngăn các điều tra viên nhìn thấy các liên lạc đặc quyền giữa ông Binnall với thân chủ của ông ấy.
Trong vụ việc của ông Trump, ông Binnall cho rằng ông Smith đã xoay sở để có được một lệnh tư pháp nhằm phá vỡ đặc quyền luật sư-thân chủ của ông Trump, nhưng vấn đề đó có thể được tái tranh luận.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng quý vị sẽ nhận thấy các kiến nghị ngăn chặn [bằng chứng] dựa trên hành vi vi phạm đặc quyền luật sư-thân chủ này.”
Theo ông William Shipley, một cựu công tố viên liên bang hiện đang đại diện cho nhiều người bị buộc tội liên quan đến cuộc biểu tình và bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 06/01/2021, các luật sư của ông Trump cũng có thể cố gắng loại bỏ bằng chứng xét xử thu được trong vụ đột kích dinh thự Mar-a-Lago với lý do lệnh khám xét này đã được áp dụng rộng rãi.
Ông Shipley đã viết trong một bài đăng trên Twitter: “Vấn đề là các món đồ bị tịch thu không được mô tả ‘chi tiết.’”
Ông Binnall cũng phỏng đoán rằng vụ án này sẽ bị bác bỏ do hành vi truy tố sai trái.
Ông Parlatore nói với giới truyền thông rằng ông đã thấy nhiều vụ án có hành vi sai trái như vậy khi tự nguyện xuất hiện trước một đại bồi thẩm đoàn để thẩm vấn. Nói chuyện với đài CBS News, ông Parlatore kể rằng, một trong các công tố viên đã cáo buộc ông “từ chối” trả lời một câu hỏi liên quan đến các cuộc nói chuyện đặc quyền giữa luật sư và thân chủ, và ông đã phải giải thích với các bồi thẩm viên rằng ông không từ chối mà đúng hơn là bị cấm trả lời do các quy tắc đạo đức.
Cũng có các bài báo cho rằng các công tố viên đã ngụ ý với luật sư của ông Nauta rằng việc ứng tuyển vào vị trí thẩm phán của ông ở Hoa Thịnh Đốn có thể phụ thuộc vào thiện chí hợp tác của thân chủ.
“Đó là một ví dụ rõ ràng khác về hành vi truy tố sai trái,” ông Binnall nói, đồng thời lập luận rằng việc ông Garland bổ nhiệm ông Smith đã để lộ ra thành kiến của ông ấy.
“Nhân sự luôn là nhân tố của chính sách.”
“Ông Merrick Garland biết chính xác mình sẽ nhận được gì khi bổ nhiệm ông Jack Smith làm biện lý đặc biệt. Ông đã bổ nhiệm một người nhiệt thành. Ông đã chỉ định một người ghét ông Trump. Ông đã chỉ định ai đó mà ông ấy biết là sẽ không từ thủ đoạn nào để theo đuổi và tóm lấy ông Trump.”
Ông cho rằng sự tương phản giữa việc ông Smith tích cực theo đuổi vụ việc này so với cách tiếp cận thận trọng của FBI trong cuộc điều tra các thư điện tử của bà Hillary Clinton cho thấy việc áp dụng luật không bình đẳng.
Ông Binnall nói: “Những gì chúng ta có ở đây chính là quý vị sẽ luôn tìm cớ để những người như [Tổng thống] Joe Biden và bà Hillary Clinton không phải chịu trách nhiệm, trong khi luôn tìm cớ để truy đuổi ông Donald Trump.”
Petr Svab
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.