Niềm tin và gia đình là “những giá trị mà chúng ta nên xây dựng cuộc sống và đất nước của mình theo”
Ông Bob Woodson, một nhà hoạt động dân quyền Hoa Kỳ và lãnh đạo phát triển cộng đồng, đã trình bày chi tiết một số nguyên tắc mà ông đã học được từ nhiều thập niên làm việc để giúp hàn gắn và nâng đỡ các cộng đồng đang bị tổn thương ở Hoa Kỳ, trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “American Thought Leaders” của The Epoch Times.
Ông Woodson là người sáng lập đồng thời là chủ tịch của Trung tâm Woodson, nơi cung cấp đào tạo và tài trợ cho các nhà lãnh đạo và tổ chức dựa vào cộng đồng, nhằm hỗ trợ những nỗ lực cải thiện các khu dân cư.
Ông ấy nói rằng điều cốt lõi rút ra từ công việc của mình là tầm quan trọng của việc nhận ra rằng “ở Hoa Kỳ, những giá trị ‘tư sản’ về đức tin [và] gia đình vẫn là nền tảng quan trọng nhất mà chúng ta nên xây dựng cuộc sống và quốc gia của mình theo.”
Ông cho biết một trong những rào cản lớn nhất để giải quyết tình trạng nghèo đói ở các cộng đồng khó khăn nhất ở Hoa Kỳ – những cộng đồng bị cản trở bởi nghèo đói, tội phạm, và sử dụng ma túy tràn lan – là chủ nghĩa tinh hoa (elitism).
“Khi tôi xem xét cái cách mà xã hội [chúng ta] đang cố gắng hỗ trợ nhóm này – và đó là một cách tiếp cận từ trên xuống mà ở đó chúng ta ‘nhảy dù’ thâm nhập vào các cộng đồng thu nhập thấp, vì chúng ta không tin rằng có bất kỳ thế mạnh hoặc tài sản nào vốn có trong những cộng đồng như thế – việc đó tương đương với một cuộc cấy ghép cơ thể,” ông Woodson nói.
“Dù mục đích có tốt đẹp đến đâu, việc cấy ghép có xu hướng bị cơ thể từ chối,” ông nói, và cho biết thêm rằng ông tin câu trả lời là nhìn vào bên trong các cộng đồng khó khăn để tìm ra năng lực và khả năng lãnh đạo nội tại để tạo ra sự thay đổi, những người mà ông gọi là “tác nhân chữa bệnh” hoặc “kháng thể cộng đồng.”
“Tôi đã chứng kiến một số sự biến đổi và hành động chuộc tội kỳ diệu nhất. Tôi đã gặp những người kiên cường, những người đã vượt qua những khó khăn lớn lao. Và tôi thật sự may mắn khi được bước đi bên cạnh họ, cùng họ, và ghi lại tất cả những điều mà tôi đã học được từ họ.”
Ông ấy đã tổng hợp kinh nghiệm của mình trong một cuốn sách mới, “Bài học từ những điều nhỏ nhặt nhất: Những nguyên tắc của Woodson.”
Ông Woodson cho biết một số nguyên tắc mà nền kinh tế thị trường vận hành có thể được áp dụng hữu ích cho nền kinh tế xã hội.
“Quý vị biết đấy, trong nền kinh tế thị trường của chúng ta, chỉ có 3% dân số là doanh nhân, nhưng họ tạo ra 70% việc làm,” ông nói, và lưu ý rằng “chúng ta không tìm kiếm những người có uy tín trong nền kinh tế thị trường của chúng ta, mà chúng ta tìm kiếm những người thành công.” Nhưng trong nền kinh tế xã hội, “chúng ta không áp dụng các nguyên tắc giống nhau” là dựa vào các tác nhân gây ra thay đổi của doanh nhân.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phát triển các doanh nhân xã hội trong nền kinh tế xã hội của chúng ta như cách mà chúng ta trân trọng, hỗ trợ, và phát triển các doanh nhân trong nền kinh tế thị trường của chúng ta.”
Mặc dù những người được gọi là doanh nhân xã hội này có thể không nhiều, nhưng “nếu chúng ta khai thác một cách thích đáng những gì mà họ đang làm, thì chúng ta có thể đầu tư vào đó như cách mà quý vị đầu tư khi là một doanh nhân, thì quý vị có thể mang lại cải cách quy mô lớn trong những cộng đồng đó.”
Ông cho biết khó khăn của mình “là thuyết phục đất nước Hoa Kỳ rằng cách để giúp đỡ các cộng đồng này là hỗ trợ những người biết cách thúc đẩy cải cách và tái thiết từ bên trong cộng đồng.”
Theo kinh nghiệm của Woodson, nếu sức mạnh của các sáng kiến cấp cơ sở không được tận dụng và trách nhiệm cá nhân của người dân ở những cộng đồng khó khăn không được kích hoạt, thì sự giúp đỡ thiện chí từ bên ngoài cộng đồng có thể không thể tạo ra những thay đổi có ý nghĩa.
“Điều tồi tệ nhất mà quý vị có thể làm là đưa tất cả những người nổi tiếng đến đây, và quý vị sẽ tước đi [tất cả nỗ lực],” ông nói, đây là điều mà ông cho là can thiệp vào quá trình nỗ lực phục hồi cộng đồng do chính cộng đồng dẫn dắt, nỗ lực mà thông qua đó các thành viên “có cảm giác mình sở hữu khu vực dân cư [nơi mình sinh sống].”
Ông Woodson cũng chỉ trích mô hình giúp đỡ các cộng đồng khó khăn chỉ thông qua tài trợ bên ngoài, thay vì xác định thế mạnh bên trong và làm việc với các cá nhân [trong những cộng đồng] đó để tạo ra sự thay đổi lâu dài.
Ông cho biết khoảng 70% trong số 22 nghìn tỷ USD được chuyển đến các cộng đồng nghèo khó trong 50 năm qua không phải là dành cho người nghèo, mà là dành cho những người trung gian, những người làm việc chủ yếu dựa trên cơ sở “vấn đề nào có thể tài trợ được, chứ không phải vấn đề nào có thể giải quyết được.”
Ông nói: “Vì vậy, chúng tôi đã tạo ra một phẩm chất có giá trị để thoát khỏi [nghèo đói]. Nếu công việc của quý vị phụ thuộc vào việc có những người phụ thuộc [vào mình] để phục vụ, quý vị có lợi ích riêng nào trong việc thúc đẩy sự độc lập của họ?”
“Quý vị là người nhân ái như thế nào thì cũng không quan trọng. Mọi thứ đều được sắp đặt để chống lại người nghèo và có lợi cho quý vị.”
“Giải pháp thực sự có thể được tìm thấy thông qua việc đầu tư vào những người lãnh đạo cấp cơ sở này.”
Các nguyên tắc khác mà ông Woodson lưu ý trong cuốn sách của mình bao gồm đức tính kiên trì, khả năng chống chọi [với khó khăn], sự tin tưởng, và niềm tin.
Tom Ozimek & Tom Ozimek _ Lê Trường
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.