Một nhà đạo đức y tế cho biết các chính sách COVID-19 như phong tỏa, đeo khẩu trang, và quy định bắt buộc chích vaccine không chỉ là một phương pháp để kiểm soát sự bùng phát của một bệnh truyền nhiễm mà trên thực tế, là một mô hình quản trị mới lợi dụng một tình trạng khẩn cấp đã được tuyên bố.
Tiến sĩ Aaron Kheriaty, cựu giám đốc chương trình đạo đức y tế tại Đại học California–Irvine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây trên chương trình “Crossroads” của EpochTV rằng những chính sách này đã đặt nền móng cho sự trỗi dậy của nhà nước an ninh y sinh.
Ông Kheriaty, tác giả của cuốn sách có nhan đề “The New Abnormal: The Rise of the Biomedical Security State” (tạm dịch: “Sự Bất Thường Mới: Sự Trỗi Dậy Của Nhà Nước An Ninh Y Sinh”) làm rõ rằng khái niệm về nhà nước an ninh y sinh là sự kết hợp giữa quân sự hóa y tế công cộng và các công nghệ giám sát và kiểm soát kỹ thuật số, “đã được các cơ quan quyền lực cảnh sát của nhà nước này hậu thuẫn.”
Mô hình quản trị mới
Ông Kheriaty cho hay: “Y tế công cộng đã chứng tỏ là một phương tiện rất hữu ích để khiến dân cư làm những gì mà các quan chức y tế và những người nắm quyền khác muốn họ làm.”
Ông Kheriaty khẳng định rằng nếu mô hình quản trị mới này được áp dụng, thì mô hình này sẽ mở đường cho các lực lượng rất mạnh đang hoạt động trong các lĩnh vực công và tư nhân được hưởng lợi từ đó đồng thời sẽ thúc đẩy người dân theo hướng tạo ra và tái tạo các cuộc khủng hoảng mới để duy trì và thúc đẩy chế độ an toàn sinh học này trên một nền tảng đang tiếp diễn.
Ví dụ, một nỗ lực đã được thực hiện để sắp đặt bệnh đậu mùa khỉ như một mầm bệnh có khả năng gây nguy hiểm cho người dân. Theo ông Kheriaty, trên thực tế, bệnh đậu mùa khỉ chỉ gây rủi ro cho một tỷ lệ rất nhỏ dân số liên quan đến một số loại hành vi nhất định.
Hồi đầu tháng Mười Hai, chính phủ Tổng thống Biden đã loan báo rằng họ dự kiến sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng do bệnh đậu mùa khỉ, với lý do số ca mắc bệnh thấp.
Tuyên bố khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ, được đưa ra lần đầu tiên hôm 04/08/2022 và được gia hạn hồi đầu tháng Mười Một, sẽ kết thúc vào ngày 31/01/2023.
Ông Kheriaty cho biết cũng có những nỗ lực nhằm định nghĩa lại các vấn đề khác như vấn đề y tế công cộng. Một ví dụ mà ông nêu ra là “một bức thư công khai tuyên bố phân biệt chủng tộc là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng,” được ký bởi một nhóm gồm 1,200 quan chức y tế công cộng trong khoảng thời gian phong tỏa đầu tiên do COVID-19.
Ông Kheriaty cho biết ban đầu các đợt phong tỏa được thực hiện để ứng phó với loại virus corona mới, nhưng bởi vì phân biệt chủng tộc được xem là một cuộc khủng hoảng y tế công cộng, nên các quan chức đã cho phép các cuộc tụ tập đông người ở nơi công cộng trong loạt các cuộc biểu tình sau ca tử vong của ông George Floyd và các cuộc bạo loạn Black Lives Matter.
Ông nói: “Trong ba năm qua, biến đổi khí hậu là vấn đề thứ hai đã được định nghĩa lại từ vấn đề môi trường thành vấn đề y tế công cộng.”
Ông Kheriaty cho biết biến đổi khí hậu từng được dựng lên trong phạm trù về sinh thái học, môi trường, và sinh quyển.
“Bây giờ biến đổi khí hậu được dựng lên trong phạm trù về tác hại đối với sức khỏe con người và tác hại đối với sức khỏe cộng đồng. Và hiện có những đề nghị tuyên bố biến đổi khí hậu không chỉ là một vấn đề sức khỏe cộng đồng mà còn là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, vì vậy các chính trị gia nghiêm túc nắm quyền, các học giả nghiêm túc được bổ nhiệm tại các trường đại học Ivy League, đã đưa ra các đề nghị nhằm áp dụng, chẳng hạn, các biện pháp phong tỏa để ứng phó với biến đổi khí hậu hoặc phong tỏa để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ở Âu Châu.”
Các công nghệ trợ giúp cho mô hình quản trị mới
Ông Kheriaty cho biết, những công nghệ này, vốn có sẵn hiện nay nhưng chưa được áp dụng trên quy mô lớn — chẳng hạn như ID kỹ thuật số gắn với dữ liệu sinh trắc học và các mã kim của ngân hàng trung ương — có thể được khai triển khi tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng tiếp theo được ban bố.
Nhà nghiên cứu này cho biết mọi người cần nắm bắt được những gì đang diễn ra với các chính sách về COVID-19.
Ông nói: “Nhiều chính sách cụ thể về đại dịch đã được thu hồi, nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng đó vẫn được giữ nguyên, chỉ chờ cuộc khủng hoảng tiếp theo được ban bố hoặc tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng tiếp theo được tuyên bố, để tiến hành các bước kế tiếp.”
Ông Kheriaty giải thích rằng công nghệ ID kỹ thuật số này vốn lưu trữ dữ liệu nhận dạng của một người gắn liền với khuôn mặt, ảnh quét mống mắt, và dấu vân tay của họ trên [điện toán] đám mây có thể cung cấp khả năng đánh giá trạng thái cảm xúc của một người tại bất kỳ thời điểm nào bằng cách sử dụng các thiết bị đeo được hoặc cấy ghép vốn sẽ thu thập dữ liệu sinh trắc học dưới da, như nhịp tim và huyết áp.
Ông nói thêm rằng ID kỹ thuật số này cũng có thể được liên kết với điểm tín dụng và giấy thông hành vaccine của một người.
Các mã kim của ngân hàng trung ương
Ông Kheriaty cho biết công nghệ thứ hai sẽ gắn liền với ID kỹ thuật số này là các loại mã kim của ngân hàng trung ương (CBDC) đã được chế độ cộng sản Trung cộng thúc đẩy trong Thế vận hội Bắc Kinh gần đây.
Nhà nghiên cứu này cho biết, Trung cộng đã tung ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trong Thế vận hội Bắc Kinh, không chỉ cho người dân của mình mà còn xuất cảng ra quốc tế bằng cách yêu cầu tất cả những người tham dự Olympic từ các quốc gia khác nhau thực hiện tất cả các việc mua và giao dịch bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số thông qua một ứng dụng trên điện thoại của họ.
Ông Kheriaty đã chỉ ra rằng ứng dụng này cho phép chính phủ và một số tổ chức tư nhân theo dõi thông tin tài chính và các giao dịch của mọi cá nhân tham gia, truy cập vào tài khoản ngân hàng của họ, và về căn bản là thúc đẩy và cuối cùng kiểm soát hành vi của cá nhân bằng cách kiểm soát cách người đó tiêu tiền.
Hồi tháng Mười Hai, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York đã khai triển chương trình thí điểm kéo dài 12 tuần với 9 tổ chức tài chính lớn, trong đó có Citigroup Inc., MasterCard Inc. và Walls Fargo & Co. nhằm thử nghiệm một CBDC và một nền tảng mã kim thí điểm được gọi là Regulated Liability Network.
Mặc dù Fed tại New York đã lưu ý rằng họ sẽ không sử dụng kết quả này để tạo ra chính sách hoặc đưa ra các quyết định về việc chính thức phát hành CBDC, nhưng ngân hàng trung ương này đã chịu áp lực từ Hoa Thịnh Đốn để đuổi kịp các quốc gia đã số hóa tiền tệ của mình, đặc biệt là Trung cộng.
Tòa Bạch Ốc đã tuyên bố CBDC “có khả năng mang lại các lợi ích đáng kể.”
Đồng dollar mã kim ‘không giống’ với tiền giấy
Ông Kheriaty cảnh báo rằng “một đồng dollar mã kim không giống với tờ 1 dollar.” Ông giải thích, chẳng hạn như một khoản giảm thuế 1,000 dollar dưới dạng những đồng dollar mã kim do chính phủ trao cho một người có thể đi kèm với các điều kiện ràng buộc, chẳng hạn như ngày hết hạn, một yêu cầu chỉ chi khoản giảm thuế cho năng lượng xanh, hoặc một lệnh cấm quyên góp tiền này cho các tổ chức bất vụ lợi cụ thể nào đó.
Ông nói: “Đây là những cơ chế giám sát và kiểm soát mà hẳn là Hitler và Stalin đã mơ tới.”
Ông Kheriaty nói rằng người Mỹ không biết rằng những công nghệ này có thể được khai triển trong bảy hoặc tám năm nữa.
“Đây là những công nghệ đã có sẵn, chỉ là chưa được áp dụng trên quy mô rộng rãi mà thôi,” ông nói.
Minh họa cho quan điểm của mình, ông Kheriaty cho hay, “Những đồng mã kim này sẽ được bán cho chúng ta … trên cơ sở thuận tiện.” Nếu ai đó quên hộ chiếu khi đang ở một phi trường nào đó, người đó có thể được đề nghị một cách xác thực khác thông qua một động tác quét mống mắt, một số loại kiểm tra lý lịch, hoặc xác thực mô hình chi tiêu tiền của họ.
“Sau đó, quý vị có thể thực hiện chuyến bay của mình, vì vậy đồng tiền này sẽ được bán trên cơ sở tiện lợi và là kiểu lý tưởng không hạn chế của Thung lũng Silicon. Nhưng trên thực tế, chúng ta sẽ cho đi nhiều hơn là nhận được nếu ủng hộ những công nghệ mới này.”
Cùng hành động tập thể và tại địa phương
Ông nói: “Nền tảng cho mọi thứ vốn đã xảy ra trong ba năm qua — tất cả các biện pháp chống đại dịch đã được thực hiện, đặc biệt là các biện pháp độc đoán hoặc xâm nhập hơn — là tình trạng khẩn cấp được tuyên bố này, trong đó các quyền hiến định tạm thời bị đình chỉ.”
Ông Kheriaty cho biết trong 3 năm qua, mọi người đều đã quan sát thấy những kết quả ban đầu của hệ thống Hiến Pháp đang bị xói mòn. Tuy nhiên, mọi người cần hiểu rằng quá trình xói mòn này sẽ tiếp tục trừ khi họ phản kháng.
Trong thời kỳ đại dịch, mọi người rất tập trung vào chính trị quốc gia và thực hiện những thay đổi thông qua các cuộc bầu cử tổng thống và thượng viện để phản kháng, ông Kheriaty cho biết, “nhưng hầu hết những gì ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của [họ] đều xảy ra ở cấp địa phương.”
Ông Kheriaty chỉ ra rằng trong khi hoạt động chính trị cấp quốc gia và hoạt động chính trị cấp tiểu bang có ý nghĩa quan trọng, thì hoạt động chính trị địa phương lại vô cùng quan trọng, vì các quan chức địa phương ở cấp quận, cấp thành phố, cấp thị trấn nhỏ, hoặc thậm chí trong hội đồng trường cũng “có ảnh hưởng lớn” đến cuộc sống của mọi người.
Ông Kheriaty giải thích rằng điều kiện tiên quyết để phản kháng thành công và tạo ra một sự thay đổi trong các chính sách là giao tiếp trực tiếp trong các môi trường xã hội khác nhau và chia sẻ thông tin. Ông nói thêm: Mọi người có thể trao đổi với nhau tại trận bóng đá của con em họ, một bữa tiệc ở khu phố, hoặc tham gia một câu lạc bộ sách nơi họ có thể đọc một thứ gì đó thú vị và thảo luận về quyển sách đó.
Ông Kheriaty xem những đợt phong tỏa và các nỗ lực giãn cách xã hội của chế độ an ninh sinh học là để ngăn cách mọi người với nhau. Ông giải thích rằng mọi người buộc phải giao tiếp thông qua các thiết bị điện tử. Điều này cho phép các nền tảng đại công nghệ (Big Tech) ngăn chặn và kiểm soát luồng thông tin giữa người dùng.
“Thật khó để bàn về những quan điểm khác nếu mọi người không thể tụ tập quanh chiếc máy nước nóng lạnh, khi mọi người không trực tiếp gặp mặt nhau.”
Nhưng mọi người cần phải hành động tập thể, ông Kheriaty khuyến nghị. “Nếu hành động đơn lẻ, chúng ta sẽ bị đè bẹp.” Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng, nếu mọi người bắt đầu tham gia cùng nhau và trong các nhóm nhỏ và bắt đầu phản kháng cùng nhau, thì việc ngăn chặn một số quy định đó có thể rất hiệu quả.
“Những nhóm nhỏ này hoạt động ở cấp địa phương, đây là sức mạnh thực sự của xã hội dân sự ở Hoa Kỳ. Và đây là những gì sẽ làm cho hệ thống Hiến Pháp ở Hoa Kỳ khả thi và hoạt động,” ông nói. “Khi chúng ta đánh mất điều đó, ngay cả khi Hiến Pháp vẫn còn trên giấy tờ, chúng ta đã thay đổi cách thức mà toàn bộ xã hội của chúng ta đang vận hành.”
Ella Kietlinska & Joshua Philipp _ Khánh Ngọc & Thanh Nhã
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.