Lê Huỳnh Hà (trái) và Lê Hoàng Thạch, hai người khởi xướng chiến dịch "Mẹ ơi đừng giết con"
Một chiến dịch xã hội nhận được nhiều chú ý đang gặp phải một số phản ứng gay gắt từ cộng đồng nữ giới và chuyên gia về quyền phụ nữ và sinh sản.
"Mẹ ơi, Đừng Giết Con" là một chiến dịch do hai chàng trai Lê Hoàng Thạch và Lê Huỳnh Hà phát động hôm 1/12 với lời kêu gọi 100.000 chữ ký để kiến nghị Quốc hội xem xét dự thảo và ban hành "Luật Cấm nạo phá thai" tại Việt Nam.
Chiến dịch đề ra với nội dung mong muốn cứu lấy "300.000 thai nhi vô tội mỗi năm" - ám chỉ số liệu của Bộ Y tế vào 2017 rằng có 300.000 ca phá thai mỗi năm.
Anh Lê Hoàng Thạch cho biết mục đích chính của chiến dịch là "để tuyên truyền về tình trạng nạo phá thai để giúp bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và thai nhi".
Tuy nhiên, chỉ mới ít lâu sau khi phát động, chiến dịch đã gặp nhiều sự phản đối mạnh mẽ, hầu hết là từ cộng đồng các bạn trẻ nữ giới. Thậm chí có nhóm thành lập trang "Bố ơi, hãy đeo bao" như một cách để phản đối chiến dịch.
Chiến dịch "Mẹ ơi, đừng giết con"
"Hồi mẹ mình mang thai cũng có ý định bỏ mình, nhưng may là ba mình phản đối, nên mình cũng muốn nói thay cho các thai nhi, là các thai nhi đó có quyền được sống," anh Lê Hoàng Thạch nói về lý do cá nhân thúc đẩy mình phát động chiến dịch.
"Còn Hà thì hồi nhỏ coi tivi bị ám ảnh cảnh phá thai, lớn lên thì khi đi học đại học, thấy có nhiều cô phá thai nên Hà cảm thấy rất day dứt," anh Thạch nói với phóng viên Thùy Linh hôm 11/12.
Anh Thạch cho biết anh và anh Hà đã làm công tác thiện nghiệp từ hơn 10 năm nay, nhưng cảm thấy các hoạt động không có tác động lâu dài lên xã hội nên cùng ekip trong quỹ HTBC để kêu gọi lấy chữ ký.
Chiến dịch "Mẹ ơi Đừng giết con" thu hút nhiều sự chú ý với một chiến dịch truyền thông rầm rộ.
Theo anh Thạch, chiến dịch sẽ chia ra làm ba giai đoạn kéo dài trong khoảng một năm:
· Giai đoạn 1 (1-2 tháng), tạo chiến dịch, lấy ý kiến của dư luận.
· Giai đoạn 2 (3-5 tháng), liên hệ với luật sư, đại biểu Quốc hội để viết kiến nghị.
· Giai đoạn 3 (1-3 tháng), lấy ý kiến dư luận về kiến nghị, sửa đổi trước khi trình lên Quốc hội.
Anh nói đã tham khảo ý kiến các luật sư, người học ngành luật, ý kiến của Hội Chữ thập đỏ, các bác sĩ và các bà mẹ và cảm thấy "chiến dịch có khả thi".
"Khi người đàn ông góp phần tạo ra thai nhi, ép người phụ nữ phá thai thì họ sẽ bị xử lý".
"Những người phụ nữ không có điều kiện, thì luật kiến nghị họ gửi đơn vào các cơ quan xã hội, nếu họ nói 'Tôi sẽ nhận đứa con của cô, nên hãy đẻ, đừng phá' còn không có đơn nào chấp nhận thì cô được phá."
Đối với những đối tượng mang thai dưới 18 tuổi, hoặc trẻ vị thành niên thì anh Thạch cho rằng, nếu "thấy khó áp dụng, quá phức tạp thì đối tượng này cần lộ trình áp dụng riêng".
Thạch so sánh việc ra luật chống nạo phá thai tương tự như khi ra luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm của Việt Nam.
"Hồi xưa phải cấm, thì bắt đầu đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông, sau 11 năm thì số lượng người chết vì tai nạn giao thông giảm rõ rệt. Khi áp dụng rồi thì sẽ cụ thể họ được phá trong trường hợp nào, không ở trong trường hợp nào."
Trước những sự phản ứng dữ dội từ một nhóm cộng đồng mạng, anh Thạch nói: "Mọi người hãy đợi kiến nghị ra thành văn bản, rồi hẵng góp ý và chỉ trích sau".
Banner quảng bá của "Mẹ ơi Đừng giết con"
Một trong những chỉ trích nhiều người bên phía phản đối vạch ra là trang Facebook chiến dịch "Mẹ ơi, Đừng giết con" đã mua lại từ trang fanpage của Nghệ sĩ Trấn Thành, vốn được tạo từ tháng 7/2017 với hàng chục ngàn like và follow.
Anh Thạch thừa nhận bộ phận hỗ trợ truyền thông của chiến dịch đã quyết định mua lại trang fanpage của Nghệ sĩ Trấn Thành để giúp quảng bá chiến dịch.
"Nếu mình lập fanpage trắng thì số lượng người tiếp cận rất ít và chậm. Đây là chuyện rất là bình thường ở Việt Nam thôi, do đơn vị hỗ trợ truyền thông họ làm."
"Nhưng mình xin nhắc lại đây là chiến dịch xã hội, nhân đạo, không vì nhãn hàng hay đảng phái chính trị nào," Thạch nói.
Tại sao nhiều người phản đối?
Chiến dịch "Mẹ ơi, Đừng giết con" tuy nhận được nhiều sự chú ý và ủng hộ của một số bạn trẻ, nhưng lại nhận được nhiều chỉ trích, sự phản đối gay gắt từ cộng đồng nữ giới.
Nguyễn Đoàn Đan Phương, 18 tuổi, nói bạn tạo ra trang "Bố ơi, Nhớ đeo bao" như một cách để mỉa mai châm chọc sự vô lý của chiến dịch "Mẹ ơi, Đừng giết con".
Nguyễn Đoàn Đan Phương nói muốn đưa trang "Bố ơi Nhớ đeo bao" thành một trang phổ cập giáo dục giới tính, tình dục đồng thuận và an toàn, và ủng hộ quyền được lựa chọn và nâng cao và nhận thức về nạo phá thai ở Việt Nam
"Em đứng về phía những người phụ nữ, những người hiểu họ muốn gì, biết bản thân họ cần gì mà không cần sự can thiệp gây cảm giác tội lỗi (guilt-tripping) của người ngoài, của định kiến xã hội.
''Cơ thể của họ-quyền của họ," cựu nữ sinh trường Marie Curie Hà Nội lý giải quyết tâm phản đối chiến dịch của anh Lê Hoàng Thạch.
"Chính từ cái tên chiến dịch đã cố tình chĩa mũi súng dư luận và chỉ ra rằng người có trách nhiệm duy nhất trong việc có thai và phá thai là người phụ nữ dù điều đó là vô cùng nực cười."
"Để đảm bảo quan hệ tình dục an toàn, phá thai an toàn cần các biện pháp giải quyết tận gốc như giáo dục nhận thức chứ không phải đùng một phát ra một bộ luật trời ơi đất hỡi đánh phủ đầu phụ nữ," Đan Phương nói.
Trang "Bố ơi, Nhớ Đeo Bao" cũng nhanh chóng nhận được nhiều sự ủng hộ từ các bạn nữ, người có cùng quan điểm với Đan Phương.
Nguyễn Khánh Linh, 28 tuổi, chuyên gia trí tuệ nhân tạo tại Singapore, là một trong số những người kịch liệt phản đối chiến dịch "Mẹ ơi Đừng giết con".
Linh cho biết là một người phụ nữ đã lập gia đình nhưng bác sĩ cho biết cấu tạo tử cung của chị không đảm bảo để sinh con.
"Nếu mang thai trong trường hợp của mình thì mình sẽ chết và con mình sẽ chết, ai sẽ chịu trách nhiệm đây."
Linh cũng đang là admin của trang Beautiful Mind VN, một trang Facebook tư vấn và chăm sóc sức khỏe tâm lý cho các bạn trẻ Việt Nam từ 2015 đến nay.
Linh phản đối lập luận "loại trừ trường hợp bất khả kháng như hiếp dâm, và lý do sức khỏe" của anh Lê Hoàng Thạch.
Bạn trẻ này chỉ ra rằng, các vụ việc hiếp dâm thường mất rất nhiều thời gian và rất khó để chứng minh trong khi thai lớn tính bằng ngày, và không phải ai cũng thoải mái đi đâu cũng phải 'giải thích' vì sao có bầu.
Ngoài vấn đề sức khỏe, Linh còn cho rằng các vấn đề xã hội, tài chính, gia cảnh không cho phép, dẫn đến việc ra đời bị xã hội ghẻ lạnh, ngược đãi, không có điều kiện phát triển rơi vào hoàn cảnh bóc lột sức lao động, mại dâm, buôn người.
Nguyễn Khánh Linh (giữa, váy xám) cùng dàn cố vấn gồm các bác sĩ, tiến sĩ tâm lý của Beautiful Mind VN tổ chức workshop hè 2018 về "Sống chung với trầm cảm"
Và việc cấm phá không làm giảm tình trạng nạo phá thai mà chỉ khiến nhiều người phụ nữ chọn các biện pháp phá thai không đảm bảo, phá thai chui, gây nguy hiểm cho sức khỏe và cả tính mạng.
"Hãy đổi lại là một chiến dịch gợi lên sự cảm thông, thấu hiểu, bảo vệ và đầy tính nhân văn. Cái tên chiến dịch phải hủy ngay lập tức. Và cho phép mình nói thẳng, nên thay hai người khởi xướng.
"Vì mindset của họ không ổn cho lắm. Nó sẽ gây hại nhiều hơn là lợi. Các bạn ấy thay vào đó có thể giáo dục tình dục an toàn," Linh nói.
Lê Hoàng Minh Sơn, đồng sáng lập viên của mạng lưới thanh niên hành động vì sự lựa chọn (Vietnam Youth Action for Choice) cũng là một người phản đối chiến dịch "Mẹ ơi, đừng giết con".
"Mình khá bất ngờ với chiến dịch này vì trong khoảng năm năm mình bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền sinh sản và sự tham gia của thanh niên, mình chỉ hiểu rằng phá thai ở Việt Nam là một chủ đề có nhiều tranh cãi và có nhiều người phản đối nhưng chưa từng nghĩ sẽ có một chiến dịch được triển khai thực tế như vậy."
"Việc các bạn thanh niên tham gia chính trị để bảo vệ một niềm tin hay quan điểm về lợi ích cộng đồng là một điểm thú vị và rất đáng mừng trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, mình thấy việc các bạn làm dũng cảm nhưng không khoa học."
Là một người học và nghiên cứu về sức khỏe sinh sản, tình dục và quyền, từng nhận giải thưởng Quỹ Bill và Melinda Gates về sức khỏe sinh sản và Dân số, Sơn nói anh tự nhận bản thân là một người ủng hộ phụ nữ được tiếp cận đến dịch vụ phá thai an toàn và hợp pháp.
"Là một người con trai mình sẽ không bao giờ có thể thực sự hiểu và trải nghiệm được cái quyết định để sử dụng dịch vụ này ở phụ nữ nên mình tin rằng, ngoài việc có thể nghiên cứu và chia sẻ, đồng cảm với phụ nữ ở trải nghiệm này mình tin mọi quyết định liên quan đến sinh sản của phụ nữ hãy để cho cô ấy quyết định."
Lê Hoàng Minh Sơn nhận được học bổng của chính phủ Úc trong năm 2018 để theo học chương trình Thạc sĩ về Nghiên cứu Phụ nữ tại Đại học Flinders, Nam Úc.
Theo anh Sơn, Luật Dân số do Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình từng đề nghị điều 21 quy định phá thai, trong đó quy định phụ nữ được phép phá thai theo nguyện vọng khi thai dưới 12 tuần tuổi, và được phá thai khi trên 12 tuần nếu nguy hại đến tính mạng hay do hiếp dâm, loạn luân.
Theo anh Sơn, bản sửa đổi luật cuối trước khi đệ trình quốc hội vào 2018 vừa qua, điều khoản cấm phá thai trên 12 đã được bỏ và duy trì sự hợp pháp hóa cho tới 22 tuần theo hướng dẫn quốc gia về dịch vụ Chăm sóc Sức khỏe sinh sản 2009, bản cập nhật năm 2016.
Anh Sơn cũng kịch liệt phản đối thông điệp "cho rằng việc phá thai sẽ giảm sút sức khỏe sinh sản của phụ nữ, và đem lại nỗi đau tinh thần" của chiến dịch "Mẹ ơi, Đừng giết con".
"Là một người học về y tế công cộng và làm nghiên cứu, mình cực kỳ kịch liệt phản đối ý kiến này vì đây là một sự hiểu lầm mà chúng ta được dạy từ bé để lúc nào chúng ta cũng phải ghê sợ phá thai. Mình nói như vậy bởi vì có rất nhiều bằng chứng và khẳng định về tính an toàn về dịch vụ này khi được thực hiện với hai điều kiện, một là cơ sở đạt tiêu chuẩn, hai là người thực hiện là cán bộ có chuyên môn được đào tạo."
Anh Sơn dẫn chứng Dịch vụ Sức khỏe Anh Quốc (NHS) cho rằng phá thai thường không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Nghiên cứu khác tại Mỹ cho thấy sinh đẻ có nguy cơ tử vong gấp 14 lần phá thai.
Tại Việt Nam, báo cáo quốc gia về Công tác thực hiện bình đẳng giới năm 2014 tại Việt Nam cũng báo cáo, tỷ lệ biến chứng do phá thai ở Việt Nam rất nhỏ, chỉ khoảng 0.17%.
Vì vậy theo anh Sơn, để giải quyết tình trạng nạo phá thai, cho rằng giáo dục tình dục toàn diện (Comprehensive Sexuality Education) là biện pháp lâu dài cần phải được thực hiện trong trường học, người dân từ nhỏ đến khi trưởng thành đều nhận thức được về cơ thể mình, tình dục an toàn và đồng thuận, duy trì mối quan hệ lành mạnh, tránh thai, phá thai an toàn và quyền.
"Ở các quốc gia có tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn thấp, có tỷ suất phá thai thấp như Hà Lan hay Đan Mạch, họ đều có chương trình giáo dục tình dục rất hệ thống và bài bản."
Thùy Linh Nguyễn
***
Việc
phá thai và 'tự phá thai' trên thế giới
|
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.