Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ tiếp tục chủ đề về sự chia rẽ chính trị trầm trọng mà chúng ta đã chứng kiến trên khắp thế giới trong thời gian gần đây.
Không chỉ Hạ viện và Thượng viện Mỹ giờ đây nằm trong tay những đảng khác nhau mà những phân tích sớm cho thấy một loạt những cuộc đua rất sát nút. Đó là các cuộc đua dựa trên khoảng cách to lớn giữa các khu vực nông thôn với vùng ngoại ô và vùng thành thị, giữa các vấn đề về sắc tộc và địa vị kinh tế.
Cựu Tổng thống Barack Obama đã đề cập đến chủ đề này trong một vài lần can thiệp hiếm hoi gần đây vào cuộc tranh luận công khai ở Mỹ để nhấn mạnh ông lo ngại thế nào về mối đe dọa đối với nền dân chủ và tiến bộ do sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng tăng gây ra, và điều này dẫn đến chia rẽ xã hội như thế nào.
Theo ý kiến của tôi, ông ấy lo lắng là đúng.
Của cải đang ngày càng tập trung nhiều vào một nhóm thiểu số những người giàu có nhất thế giới.
Ước đoán quá cao
Điều này không chỉ xảy ra ở Mỹ.
Hồi 2017, lần đầu tiên khi chúng ta có con số đo lường đáng tin cậy về sự giàu có được lấy từ dữ liệu thống kê quốc gia, 1% những người giàu có nhất trên thế giới có lượng tài sản nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại.
Nhưng khi các nhà nghiên cứu khảo sát yêu cầu mọi người đoán tỷ lệ tài sản mà 1% dân số gồm những người giàu nhất ở đất nước họ sở hữu, họ đều đưa ra con số trật lất rất xa, như những nghiên cứu có tựa đề 'Mối nguy nhận thức' của Ipsos cho thấy.
Anh và Pháp là những quốc gia đoán tệ nhất. Tỷ lệ tài sản mà 1% những người giàu nhất ở hai nước này thật sự sở hữu là giống nhau, ở mức 23%. Tuy nhiên, người Anh nghĩ rằng con số này ở nước họ là 59% trong khi người Pháp nghĩ ở nước họ là 56%.
Tuy nhiên, người dân ở một số nước thật sự đánh giá không đúng mức sự tập trung tài sản.
Con số ước đoán trung bình ở Nga là 1% dân số gồm những người giàu nhất chiếm 53% của cải xã hội - một con số thực ra không khác xa quá so với ước đoán của dân Pháp và dân Anh.
Nhưng thực tế thì tệ hơn nhiều: 1% những người giàu nhất ở Nga thật sự sở hữu một tỷ lệ khác thường là 70% tài sản đất nước, gấp ba lần tỷ lệ ở Anh và Pháp.
Hoa Kỳ cũng nổi lên như là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất về phân chia tài sản trong số những quốc gia giàu nằm trong số được nghiên cứu, với 1% trên cùng sở hữu 37% tài sản của đất nước.
Tuy nhiên, một lần nữa, cũng như Anh và Pháp, suy đoán của người dân Mỹ kém lạc quan hơn với con số phỏng đoán là 57%.
Vậy thì, tại sao chúng ta lại đi xa thực tế đến như vậy?
Một nguyên nhân chính để giải thích là phản ứng cảm xúc của chúng ta chứ không phải là sự thiếu hiểu biết về các thông tin.
Cũng giống như Obama, chúng ta biết rằng sự bất bình đẳng là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng, và chúng ta thường nghe những giai thoại sống động về của cải thừa mứa bên cạnh những câu chuyện về cái nghèo đói thật sự mà nhiều người phải trải qua, do đó mà con số đoán chừng của chúng ta có thể trở nên phóng đại.
Cho dù chúng ta có ý thức được hay không, chúng ta đang gửi đi một thông điệp rằng đây là một vấn đề lớn gây lo lắng: sự bất bình đẳng đè nặng trong tâm trí chúng ta, do đó chúng ta có xu hướng thổi phồng con số.
Các nhà tâm lý học xã hội có một cách gọi hiện tượng này, họ gọi nó là: 'sự mù mờ về con số do tình cảm'.
Điều này có nghĩa là khi chúng ta hỏi mọi người ước đoán về quy mô của vấn đề, nguyên nhân và kết quả diễn ra ở cả hai chiều hướng: chúng ta không chỉ lo lắng về những điều chúng ta nghĩ là vấn đề lớn mà chúng ta còn phóng đại quy mô vấn đề đã khiến chúng ta lo lắng.
Sự mù mờ về con số do tình cảm chỉ ra một kết luận quan trọng: việc chúng ta hiểu sai lệch trên thực tế là bởi phần nào mang yếu tố cảm tính, cho nên việc ta nói với mọi người rằng họ đã sai về thực tế sẽ không có tác dụng bao nhiêu, bởi vì cách làm đó đã chẩn đoán sai nguyên nhân.
Nhận thức sai lệch của chúng ta không phải là do thiếu hiểu biết mà là do một thế giới quan được định hình bởi những niềm tin và suy nghĩ bên trong.
Chúng tôi cũng hỏi mọi người họ cho rằng 1% những người giàu nhất nên sở hữu bao nhiêu, và câu trả lời của họ cho thấy những xu hướng thú vị.
Trước hết, mọi người hầu hết đều không kêu gọi phân chia bình đẳng tuyệt đối về tài sản - tính trung bình thì những người được hỏi cho rằng nhóm 1% những người giàu nhất nên nắm 14%, theo ý của dân Israel, cho đến 32% theo ý dân Trung cộng.
Tuy nhiên, một số người ở tất cả các nước thật sự muốn có sự bình đẳng tuyệt đối về tài sản và tỷ lệ này ở Anh là cao nhất: 19% dân Anh nói rằng 1% dân số gồm những người giàu trên cùng chỉ nên sở hữu 1% tài sản. Theo sau sát nút là Nga với 18% người được vấn ý cũng đồng ý với tỷ lệ sở hữu tài sản là 1%.
Nhưng, điểm thứ hai ở đây là, nếu chúng ta quay lại với mức trung bình về bất bình đẳng mà chúng ta cho là chấp nhận được và so sánh nó với mức độ thực tế, có điều gì đó bật ra ngay lập tức: bề ngoài, mọi người dường như khá thoải mái với tình trạng bất bình đẳng về tài sản ở nhiều quốc gia.
Chẳng hạn, người Pháp nói rằng 1% những người giàu nhất nên sở hữu 27% của cải, trong khi hiện tại họ thật sự chỉ sở hữu có 23%.
Một cách diễn giải đơn giản của sự việc này là người Pháp - một đất nước vốn xem 'égalité', tức là sự bình đẳng, là một phần của câu khẩu hiệu của quốc gia của họ - muốn cho những người giàu nhất nhiều của cải hơn một chút.
Đương nhiên, đó là cách diễn giải hoàn toàn sai.
Chúng ta biết được từ câu hỏi thăm dò về dự đoán tỷ lệ sở hữu của cải thực tế rằng người Pháp trung bình cho rằng 1% những người giàu nhất hiện sở hữu 56% lượng tài sản quốc gia.
Như vậy tức là theo những gì người Pháp nói ra thì những người giàu nhất nước này chỉ nên sở hữu phân nửa những gì mà họ hiện có.
Điều này chỉ đến một lợi ích then chốt của việc hiểu được nhiều quan niệm sai lầm của chúng ta về tài chính và của cải: chúng ta cần biết người dân nghĩ như thế nào về tình hình hiện nay trước khi chúng ta hỏi họ phải nên như thế nào.
Nếu không, khi không biết chúng ta hiểu sai thế nào về thực tế, chúng ta sẽ đưa ra những kết luận rất sai lệch về mọi việc phải nên như thế nào.
Bobby Duffy
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.