"Tôi cũng có điều hòa bằng nước nữa, nhưng tôi thích ngồi dưới điều hòa thiên nhiên. Nó gợi cho tôi nhớ về ngày xưa," Saberi nói và ra dấu chỉ đến badgir (tháp đón gió) mà chúng tôi đang ngồi ở phía dưới. "Thêm sữa nhé?"
Tháp đón gió
Với cái nóng lên đến 40 độ C vào mùa hè ở Yazd, một thành phố sa mạc ở trung tâm Iran, một ly sữa nóng thường là điều cuối cùng mà tôi nghĩ đến.
Tuy nhiên, từ nơi tôi ngồi ở sân trong có bóng râm mát mẻ nhìn ra sân đang như thiêu đốt trong cái nắng chiều đỏ rực thì mọi ý nghĩ về việc chào tạm biệt chủ nhà ngay lập tức tan biến.
Tôi ngồi lui lại và ngước nhìn theo chiều dài của công trình kỹ thuật tuyệt diệu vốn được cho là đã có hàng ngàn năm tuổi này.
Tháp đón gió là những cấu trúc cao hình ống khói nhô ra từ mái của những căn nhà cổ ở nhiều thành phố sa mạc của Iran.
Ở dạng thức đơn giản nhất, tháp đón gió hút vào những làn gió mát và chuyển hướng chúng xuống phía dưới đi vào nhà hay vào những căn phòng tích trữ dưới lòng đất để đông lạnh những đồ ăn chóng bị hỏng.
Các nghiên cứu cho thấy các tháp đón gió có thể làm giảm nhiệt độ trong nhà xuống khoảng 10 độ.
Từ những người Ba Tư đến người Ai Cập, cho tới người Babylon và người Ả Rập cổ, các nền văn minh đã cố gắng điều chỉnh kiến trúc của họ theo khí hậu nóng bức, khắc nghiệt của môi trường sống của họ bằng cách phát minh ra các phương pháp thông gió tự nhiên.
Các tháp đón gió có thể được tìm thấy trên khắp vùng Trung Đông và Ai Cập, cũng như ở Pakistan và Ấn Độ.
Do tháp đón gió nằm ở vị trí cao nhất của một tòa nhà, nó rất dễ bị xuống cấp và mục nát.
Mặc dù tháp đón gió cổ nhất của Iran chỉ có niên đại từ Thế kỷ thứ 14, nhưng trong những bản thảo của nhà thơ Ba Tư vào Thế kỷ thứ 5 Nasir Khusraw đã có nhắc đến tháp đón gió.
Giữa Iran và Ai Cập vẫn tiếp tục có tranh cãi về nguồn gốc của tháp đón gió.
Các bức tranh có từ khoảng 1.300 năm trước Công nguyên được phát hiện ở gần thành phố Luxor ngày nay đã phác họa hai cấu trúc hình tam giác nằm ở trên hoàng cung của Pharaoh Nebamun, khiến cho các nhà khảo cổ Ai Cập tin rằng tháp đón gió đầu tiên được dựng lên ở Ai Cập.
Trong khi đó, những tàn tích của một ngôi đền thờ lửa Ba Tư có từ năm 4.000 trước Công nguyên có rất nhiều cấu trúc giống như ống khói, trong đó có một số không hề có dấu vết tro, khiến cho các kiến trúc sư Iran đặt ra giả thiết rằng tháp đón gió bắt nguồn từ Iran.
Đón gió từ mọi hướng
Theo Tiến sĩ Abdel Moniem El-Shorbagy, phó giáo sư kiến trúc và thiết kế tại Đại học Effat ở Jeddah, Ả rập Saudi, tháp đón gió được tìm thấy trên khắp vùng Trung Đông, Pakistan và Ấn Độ.
Ví dụ, ta có thể nhắc đến tháp đón gió bốn mặt của cung điện Abbasid có từ Thế kỷ thứ 8 ở Iraq, là công trình cho thấy tác động của kiến trúc Ba Tư truyền thống đối với khu vực này.
Theo một giả thuyết thì các tháp đón được những nơi này biết đến và áp dụng rộng rãi sau cuộc chinh phạt Iran của người Ả Rập vào Thế kỷ thứ 7.
Vào cuối ngày hôm đó trên sân thượng của Yazd Art House, một dinh thự cũ có từ thời kỳ Qajar được chuyển thành một quán cà phê, tôi nhìn ra nền trời thành phố trong lúc lắng nghe một bài hát Iran được phát ra từ một chiếc radio nhỏ treo trên tường.
Trong lúc tôi nhâm nhi một ly Sekanjabin lạnh (một loại thức uống địa phương được pha chế từ mật ong và giấm và được đổ vào trong một chiếc cốc và trên đó có xếp những lát dưa chuột mỏng), tôi nhìn đảo qua những tháp đón gió dày đặc nhô lên những mái nhà. Chúng trông giống như những tòa nhà chọc trời thu nhỏ.
Đa số những tháp đón gió trong những khu vực dân cư ở Yazd có hình dạng chữ nhật. Tất cả bốn mặt của nó đều có lối thông vào để đón gió từ nhiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, Moyeen, một nhân viên trong quá cà phê, nói với tôi rằng các tháp đón gió hình lục giác và bát giác cũng rất thường gặp.
"Các tháp đón gió ở đây đón gió từ nhiều hướng bởi vì chúng tôi có gió mát thổi đến từ mọi hướng - không giống như ở Maybod [một thị trấn nhỏ nằm cách Yazd khoảng 55km về phía tây bắc] nơi tháp đón gió chỉ có một lối thông vào để ngăn gió sa mạc khắc nghiệt, bụi bặm thổi từ phương bắc không cho nó vào trong nhà," anh giải thích.
"Còn ở đây chúng tôi được núi bao bọc và chặn lại gió sa mạc."
Nguyên lý hoạt động
Tôi đứng trên mái nhà, cố gắng hình dung ra nguyên lý vận động đằng sau các tháp đón gió.
Gió mát thổi ở độ cao hơn được đẩy đi xuống thông qua những khe hẹp theo chiều dọc, liền sau đó sẽ đẩy khí nóng trong nhà đi lên và đi ra ngoài thông qua một khe mở ở phía đối diện đầu bắt gió.
Ngay cả khi không có gió mát, các tháp đón gió sẽ hoạt động như ống khói mặt trời, tạo ra một độ dốc áp suất để đẩy khí nóng lên trên và đi ra ngoài tháp, giúp cho bên trong căn nhà có cảm giác mát mẻ hơn bên ngoài.
Với ánh nắng chiều thiêu đốt đang chiếu vào người, tôi quyết định chẳng thà mình đi vào phía dưới tháp đón gió còn hơn là đứng nhìn nó và tôi đã đi đến Lariha House, một trong những ngôi nhà từ thời kỳ Qajar được bảo tồn tốt nhất ở thành phố Yadz.
Tòa nhà này, vốn có niên đại từ Thế kỷ 19, đặc trưng cho kiến trúc Ba Tư vào thời điểm đó.
Công trình này có một khoảng sân hình chữ nhật ở giữa, cũng như các chái nhà mùa đông và mùa hè - phần của ngôi nhà nhằm để tối ưu hóa khả năng đón ánh nắng mặt trời trực tiếp vào mùa đông và hạn chế tối đa ánh nắng vào mùa hè.
Tháp đón gió nằm ở chái mùa hè của ngôi nhà.
Thường thì khí mát từ tháp đón gió thổi qua một hốc phòng ở tầng trệt, thổi xuống từ một lỗ thông gió xuống zir-zamin (tầng hầm), nơi các sản phẩm dễ hư mốc được cất giữ.
Ở khu nhà Lariha House, tôi cảm thấy một chút ớn lạnh khi bước xuống 38 bậc thang để đến một không gian hầm rượu thậm chí còn sâu hơn nữa, gọi là sardab(trong tiếng Farsi có nghĩa là 'nước lạnh'), nơi nước từ những qanat (đường hầm dưới lòng đất được dùng để vận chuyển nước từ núi xuống thành phố) sẽ làm mát dòng khí đi vào.
Lỗi thời trong cuộc sống hiện đại
Cũng giống qanat, vốn đã bị công nghệ hiện đại làm cho trở nên hầu như đã lỗi thời, các tháp đón gió là biểu tượng của quá khứ.
Nó càng ngày càng ít được sử dụng với sự ra đời của các thiết bị điều hòa hiện đại.
Theo lời ông Abbas Farroghi, một cư dân 85 tuổi của Lab-e Khandaq, một trong những khu vực lịch sử của Yazd, thì nhiều hàng xóm của ông đã bỏ kiểu nhà truyền thống để chuyển sang những căn hộ hiện đại.
"Các căn nhà trở thành hoặc là không có ai ở, hoặc là để cho dân ngụ cư và công nhân thuê," ông cho biết. "Trong trường hợp tốt nhất, có người giàu nào đó ở Tehran hay Shiraz mua lại căn nhà để biến nó thành khách sạn."
Bà Farrokhi, người mới đây đã bán căn nhà của bà ở khu Kooche Hana và chuyển đến một căn hộ mới nằm cách đó vài con đường, thường xuyên hồi tưởng "những ngày tháng xưa vui vẻ, khi mà tất cả lũ trẻ tụ tập và ngồi dưới tháp đón gió vào buổi chiều, ăn uống và cười đùa."
Kể từ đó ngôi nhà cũ của bà đã được tân trang lại và giờ đây trở thành khách sạn truyền thống có tên là Royay Ghadim, có nghĩa là 'giấc mơ quá khứ'.
"Lâu lâu tôi vẫn đi thăm căn nhà cũ của mình một lần," bà nói với tôi với một nụ cười hoài niệm. "Giờ đây nó trông đẹp lắm. Tôi vui vì nó đang được giữ gìn."
Thành phố Yazd trở thành Di sản Thế giới do Unesco công nhận vào năm 2017, và mặc dù điều này đem lại động lực mạnh mẽ để bảo tồn những kiến trúc lịch sử của thành phố, ông Farsad Ostadan, người điều hành một công ty du lịch địa phương, tin rằng có thể làm được nhiều hơn.
"Vài năm trước, trong thời gian chúng tôi sắp sửa được công nhận là di sản Unesco, Viện Di sản Văn hóa đã bắt đầu tung ra các khoản cho vay, và những người đã mua những căn nhà cổ này đã có thể sửa sang chúng thành khách sạn, thành nhà hàng và bảo tồn những căn nhà cổ này," ông nói với tôi.
"Nhưng giờ đây mọi người phải chờ đợi trong nhiều năm mới nhận được tiền cho vay. Giờ đây chính quyền không còn tiền nữa cho những chuyện thế này."
Tuy nhiên, Ostadan hy vọng về các công trình lịch sử của thành phố, nhất là các tháp đón gió.
Ông hồi tưởng về những ngày hè dài đằng đẵng ở nhà của ông nội nằm dưới tháp đón gió "cũng mát như là điều hòa mà chúng ta có ngày nay".
Ông nói tiếp: "Vào lúc đó chúng tôi thậm chí còn không biết máy điều hòa là như thế nào."
"Miễn là du khách vẫn tiếp tục đến đây thì mọi thứ sẽ ổn," Ostadan nói và lưu ý rằng dòng tiền đến từ du lịch tạo điều kiện để sửa sang và bảo tồn những căn nhà cổ.
"Du khách quan tâm đến phố cổ và các tháp đón gió, và chúng tôi cũng quan tâm, do đó hy vọng là chúng tôi có thể bảo tồn được chúng."
Shervin Abdolhamidi
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.