Thoát ly tổ ấm gia đình là một nghi thức mà nhiều thanh niên mơ ước.
Tuy nhiên, đó là điều xa xỉ đối với những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ (sinh ra vào khoảng từ 1981-1996) và thế hệ Z (sinh vào khoảng từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2000) trong thế giới phương Tây. Họ phải chờ rất lâu mới đạt được điều đó.
Tại Mỹ, người trẻ đang sống với cha mẹ nhiều hơn bao giờ hết kể từ năm 1940, theo phân tích dữ liệu điều tra dân số mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Một nghiên cứu năm 2019 của Viện Cititas ở Anh cho thấy tỷ lệ thanh niên 23 tuổi sống với cha mẹ ở Anh tăng từ 37% vào năm 1998 lên 49% một thập kỷ sau đó.
Ra riêng từ sớm
Ở Thụy Điển, câu chuyện khác hẳn.
Độ tuổi phổ biến nhất để thoát ly cha mẹ là từ 18 đến 19, so với mức trung bình của EU là 26 tuổi, theo số liệu của Eurostat. Và phần lớn những thanh niên Thụy Điển này không chuyển vào những căn nhà thuê chật chội hay ký túc xá sinh viên. Họ sống một mình.
"Tôi luôn muốn rời nhà và tôi luôn ở tư thế sẵn sàng," Ida Staberg, người từ hồi 19 tuổi đã tự mình thuê một căn hộ ở Vällingby, vùng ngoại ô phía tây bắc Stockholm, nói. Cô đã ở riêng được hai năm.
Đó là một căn phòng thiết kế mở studio bài trí đơn giản- chỉ có vài bức ảnh và một con bướm dây treo trên tường - diện tích khoảng 30 mét vuông. Cô có hợp đồng thuê dài hạn với tiền thuê khoảng 850 đô la (8.000 kronor) mỗi tháng. Cô trả bằng tiền lương làm việc cho một công ty an ninh. Cha mẹ và hai em trai cô sống cách đó khoảng một giờ, ở phía bên kia thành phố.
Với Ida Staberg, một khi cảm giác thoải mái do được độc lập qua đi, những vấn đề về sức khỏe tinh thần sẽ kéo đến
"Để biết được tôi có thể tự chăm sóc bản thân và tôi nắm cuộc sống mình trong tay, mà không cần gia đình hoặc anh chị em và thời biểu của họ dẫn dắt" là những lợi ích chính, cô nói.
Hơn một nửa số hộ gia đình Thụy Điển là người độc thân, tỷ lệ cao nhất ở EU, theo Eurostat.
Số liệu chính thức do cơ quan thống kê của chính phủ Thụy Điển Statistics Sweden cung cấp cho BBC cho thấy tỷ lệ đó bao gồm khoảng một phần năm những người từ 18 đến 25 tuổi, mặc dù các nhà nghiên cứu của cơ quan này ước tính rằng con số thực có thể cao hơn, vì nhiều người vẫn còn giữ địa chỉ của cha mẹ trong khi họ đã ra ngoài thuê nhà.
Nguyên tắc ra ở riêng khi còn trẻ thậm chí vẫn xảy ra khi thị trường nhà ở khan hiếm trầm trọng.
Nhiều người xếp hàng chờ đợi để được có chỗ ở với tiền thuê được kiểm soát và thị trường cho thuê lại đắt đỏ đã khiến việc tìm kiếm căn hộ giá vừa phải ở các thành phố lớn trở nên khó khăn hơn, và điều này buộc một số người phải gác lại việc ra riêng vào lúc khác. Nhưng tỷ lệ thanh niên sống một mình hầu như không thay đổi kể từ năm 2011, theo Statistics Sweden.
"Điều đặc biệt ở Thụy Điển - và các nước Bắc Âu - là sự đa dạng về độ tuổi thoát ly thấp hơn hơn so với các quốc gia khác," ông Gunnar Andersson, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Stockholm, giải thích.
"Ở những nơi khác ở Châu Âu, việc phụ thuộc vào gia đình thì không bị coi là có vấn đề, và ở Nam Âu việc đó thậm chí còn được xem là mục tiêu - nếu không thế thì bạn giống như là khước từ gia đình mình vậy," ông nói. "Ở Thụy Điển... mục tiêu là tạo ra một cá nhân độc lập... mọi người sẽ thấy là có vấn đề nếu như đứa con cứ ở nhà."
Andersson giải thích rằng 'văn hóa chủ nghĩa cá nhân' của người Thụy Điển có từ nhiều thế kỷ trước, với thanh thiếu niên ở các khu nông thôn thường rời nhà để đi làm ở một trang trại khác.
Trong những năm gần đây, nguyên tắc người trẻ sống một mình, theo ông, thực tế là nhờ vào hệ thống phúc lợi mạnh của Thụy Điển, mà theo lý thuyết sẽ cho phép họ tiếp cận nhà ở, y tế và giáo dục giá phải chăng mà không cần nhờ vào sự hỗ trợ của người thân hoặc bạn đời.
Trong khi đó, ông nói rằng nguồn cung ứng nhà ở tại các thành phố và thị trấn của Thụy Điển, vốn phần lớn là các căn hộ nhỏ gọn, giúp duy trì tập quán này.
Ngược lại, tại các trung tâm đô thị như London, Paris hay New York, có rất nhiều nhà ở là các căn nhà lớn được sửa sang thành nhà cho thuê, cho nên việc những bạn trẻ vừa ra trường thuê nhà ở chung cũng là chuyện hợp lý.
Thoát ly hay cô đơn?
Nhưng trong khi nhiều thanh niên Thụy Điển yêu thích tự do xã hội và tài chính mà đối với bạn bè đồng trang lứa trên khắp thế giới nghe giống như điều huyễn hoặc, có lo ngại rằng việc thoát ly gia đình sớm có thể có những mặt trái.
Karin Schulz, tổng thư ký của tổ chức từ thiện sức khỏe tâm thần Thụy Điển Mind, lập luận rằng "mặc dù việc người trẻ có thể tự lập là điều tuyệt vời, nhưng thoát ly gia đình sau khi xong trung học có thể có tác động tai hại đối với những người chưa chuẩn bị về tâm lý để sống một mình."
"Đối với một số người họ chưa thực sự sẵn sàng... Có rất nhiều thứ phải suy nghĩ, rất nhiều quyết định để đưa ra và đó là một cuộc vật lộn đối với nhiều người," cô giải thích.
Ida Staberg, hiện 21 tuổi, đã gặp vấn đề về tiền bạc và các công việc hành chính khi lần đầu tiên cô chuyển đến căn hộ của mình ở Vällingby.
"Tôi nhanh chóng nhận ra rằng có rất nhiều điều phải suy nghĩ," cô giải thích. "Lúc đầu, tôi thậm chí còn không biết cách thanh toán hóa đơn và cũng có áp lực khi tự mình kiếm tiền nhưng cũng có những việc như khi nước rửa chén hết và bạn không thể rửa bát đĩa, hoặc giấy vệ sinh không tự nạp thêm khi hết.
Bên cạnh vấn đề tài chính và tự quản lý cuộc sống, sự cô đơn về tình cảm là một thách thức khác cho những người trẻ sống một mình, Karin Schulz nói
Theo Schulz, cảm giác cô đơn về tình cảm là một thử thách khác.
Mặc dù hầu hết thanh thiếu niên có cuộc sống xã hội tích cực và mạng lưới quan hệ rộng lớn trên mạng xã hội, cô nói rằng một số người có thể phải vật lộn khi chuyển ra sống riêng nếu họ không có bạn thân hoặc họ hàng "để thực sự chia sẻ về cuộc sống và cảm xúc".
Bất chấp danh tiếng toàn cầu của Thụy Điển về việc ưu tiên cuộc sống gia đình khi con cái nhỏ, Schulz tin rằng các phụ huynh thường tập trung nhiều hơn vào việc hỗ trợ thực tế thay vì hỗ trợ tình cảm khi con cái rời gia đình.
Một nghiên cứu của Statistics Sweden hồi năm 2017 cho thấy hơn 55% trong số những người từ 16 đến 24 tuổi không giao tiếp với bất kỳ người họ hàng thân thiết nào.
"Chúng tôi nghe phàn nàn rất nhiều rằng họ [những người trẻ] không có bất kỳ người lớn nào đủ mạnh dạn và cởi mở để thực sự nói chuyện với họ, chủ động hỏi họ xem họ thế nào."
Cuộc sống buồn hơn?
Schulz nói rằng không thể xác lập mối liên hệ rõ ràng giữa sự cô đơn và các chẩn đoán sức khỏe tâm thần cụ thể. Nhưng số thanh niên từ 16 đến 24 tuổi được điều trị tâm thần ở Thụy Điển đã tăng gần 70% trong thập kỷ qua, theo số liệu được công bố bởi Hội đồng Quốc gia Thụy Điển về Y tế và Phúc lợi năm 2018.
Christoffer Sandström, 26 tuổi, sống một mình từ năm 21 tuổi, đã lên tiếng về cuộc vật lộn của mình sau khi chuyển đến một căn hộ thuê ở Stockholm từ Sundsvall, một thành phố cách khoảng 380km về phía bắc.
"Nó tổn hại một chút đến sức khỏe tinh thần của tôi và tôi cảm thấy bị cô lập hơn bao giờ hết trong đời mình," anh nói. "Tôi bị mất năng lượng, và cảm thấy buồn hơn một chút và không hứng khởi vào buổi sáng như trước hoặc khi mặt trời mọc. Tôi chỉ muốn làm cho thời gian qua nhanh và mau hết ngày."
Anh ở chung nhà với bạn bè lúc đi du lịch đến Úc và cho biết anh thấy điều này ít thách thức hơn. "Có rất nhiều áp lực đối với người trẻ [ở Thụy Điển] để trở thành người trưởng thành và cư xử như người trưởng thành," anh nói. "Nhưng sống một mình khó hơn sống chung với bạn bè và gia đình."
Anh nói rằng anh cảm thấy tốt hơn kể từ khi kết giao một nhóm bạn tốt trong công việc và tham gia các hoạt động thể thao. "Đôi khi tôi vẫn cảm thấy cô đơn, nhưng bây giờ thì đỡ hơn chút đỉnh."
Đối với Ida Staberg, sự mới lạ của việc độc lập cũng nhanh chóng tan biến và vấn đề tâm lý mà cô từng gặp phải khi còn nhỏ bắt đầu trỗi dậy. "Tôi cảm thấy cô độc và không có ai ở gần," cô giải thích. "Nó giống như sự trống rỗng... Dễ bắt đầu những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, hoặc những suy nghĩ phá hoại."
Chưa có cuộc khảo sát nào về sự cô đơn trên toàn quốc kể từ năm 2013, nhưng nghiên cứu của Statistics Sweden cho thấy 16,8% các thanh thiếu niên 16 đến 24 tuổi cho biết họ đã 'cảm thấy cô đơn trong hai tuần qua'. Chỉ những người Thụy Điển trong nhóm trên 75 tuổi là có mức độ cô đơn cao hơn (17,4%).
Tiến sĩ Filip Fors Connolly, nhà xã hội học tại Đại học Umeå ở miền bắc Thụy Điển và là đồng tác giả của chương sách 'Sự cô đơn Thụy Điển', lập luận rằng sống một mình 'chắc chắn là một nhân tố' khi nói về mức độ cô đơn cảm xúc của người trẻ Thụy Điển.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nếu nhìn toàn cảnh thì mọi việc phức tạp hơn. Ví dụ, những người trẻ có thể có xu hướng cho biết họ có cảm giác cô đơn hơn những người sống cô độc trưởng thành, bất chấp hoàn cảnh xã hội khách quan của họ, bởi vì ở độ tuổi đó họ 'bất an hơn về bản thân'.
Một kiểu sống chung mới?
Liệu việc sống chung có phù hợp với một dân tộc nặng tính cá nhân hóa như Thụy Điển?
Mặc dù thiếu dữ liệu cứng về vấn đề này, sự cô đơn như là một vấn đề xã hội và sức khỏe tiềm tàng đối với người Thụy Điển trẻ đang ngày càng gây ra tranh luận.
Nhật báo lớn nhất Thụy Điển Dagens Nyheter gần đây đã chạy tít "Sự cô đơn trong giới trẻ có phải là dịch bệnh mới?"
Trong khi đó, Hội Chữ Thập Đỏ đã gia tăng nguồn lực để đối phó nỗi cô đơn trong các nhóm tuổi khác nhau. Một công ty khởi nghiệp Bắc Âu, No Isolation, đã vận động chính phủ bổ nhiệm một bộ trưởng theo dõi vấn đề cô đơn. Vấn đề này cũng tác động lên các cuộc thảo luận về hội nhập; Thụy Điển thường xuyên tiến gần đến cuối bảng xếp hạng toàn cầu trong lĩnh vực kết bạn mới.
Vào năm 2011, một trong những ngôi nhà phố thời trung cổ ít ỏi của Stockholm, có tên là Hus 24, đã trở thành bất động sản đầu tiên ở Bắc Âu được chính thức đặt tên là 'không gian sống chung'.
Được Lisa Renander, một doanh nhân cảm thấy cô đơn khi cô từ Thung lũng Silicon trở về Thụy Điển, trình làng, tòa nhà có 12 chỗ dành cho những người trẻ có trình độ đang tìm kiếm một ngôi nhà chung.
Một ngôi nhà tương tự, K9, cũng được ra mắt năm năm sau đó - một khách sạn không còn sử dụng nữa được cải tạo để có chỗ ở cho 50 người đi làm bao gồm luật sư, chuyên gia tư vấn, giáo viên, nhân viên pha chế và vũ công chuyên nghiệp cùng với các nhân viên khởi nghiệp.
Công ty mới nhất trong làn sóng này, Colive (có nghĩa là Sống chung), vừa khai trương bất động sản đầu tiên dành cho 11 người vào hồi tháng 5/2019, trong một khu tầng áp mái thoáng đãng tại Södermalm, một trong những khu vực hippy nhất ở trung tâm thành phố. Tại đây, giá thuê căn hộ một phòng ngủ đôi cỡ nhỏ có giá vào khoảng tương đương với mức thuê căn studio như của Ida Staberg ở Vällingby (khoảng 850 đô la một tháng).
Việc muốn tìm giải pháp cho tình trạng xếp hàng dài chờ nhà ở Thụy Điển và xử lý vấn đề cô đơn trong giới trẻ khiến Katarina Liljestam Beyer và Jonas Häggqvist mở công ty Colive
"Sống chung cung cấp một môi trường xã hội cho rất nhiều người đang cảm thấy cô đơn," đồng sáng lập loại hình kinh doanh này, Katarina Liljestam Beyer nói. Bà nói rằng việc xử lý tình trạng cô đơn là mục tiêu chính của công ty, bên cạnh việc cung cấp giải pháp cho tình trạng hàng dài những người chờ đợi để có được căn hộ với giá phải chăng ở Stockholm và cho những mùa đông kéo dài ở thành phố này.
"Ở Thụy Điển trời rất tối vào buổi tối (vào mùa đông) và bạn không cảm thấy muốn ra ngoài trong tuần, điều này khiến một số người cảm thấy bị lẻ loi. Nếu bạn sống cùng người khác, bạn có người ăn tối cùng dưới một mái nhà như là phòng riêng của bạn. Nếu không muốn giao tiếp, bạn chỉ cần đóng cửa lại."
"Về mặt chất lượng cuộc sống, việc có người khác bên cạnh mang lại rất nhiều niềm vui - đặc biệt là nếu họ có cùng chung suy nghĩ," cô Katrine Bimell, 25 tuổi, kiến trúc sư thực tế ảo, một trong những người được vào ở ban đầu vốn được sàng lọc cẩn thận từ hàng trăm ứng viên, nói.
Không hợp tư duy Thụy Điển?
Cô nói rằng cô 'cảm thấy ổn' với việc sống một mình ở tuổi thiếu niên và đầu những năm 20 tuổi, nhưng đã trải qua sự thay đổi lớn trong tâm trạng khi cô bắt đầu sống chung. "Có một sự tương phản như thế... bởi vì khi đó cuộc sống ở nhà trở nên đa sắc hơn."
Một phúc trình hồi năm 2014 của công ty tư vấn sáng tạo United Minds cho rằng gần một nửa số người từ 18 đến 35 tuổi ở Stockholm muốn chia sẻ với bạn bè hoặc những người khác ngoài những người thân yêu nhất của họ và Katarina Liljestam Beyer nói rằng nghiên cứu của chính công ty đã chứng minh cho điều này.
Có lẽ không phải là điều trùng hợp khi xu hướng sống chung đã xuất hiện song hành với sự bùng nổ trong các ứng dụng tìm ra những cách sáng tạo mới để khuyến khích người Thụy Điển kết giao.
Các ứng dụng này bao gồm Panion, vốn cho phép người dùng tìm kiếm bạn bè có cùng sở thích và tham gia các hoạt động nhóm, và GoFrendly, một nền tảng dành cho nữ kết nối người dùng với những người đồng cảm trong cùng khu vực.
Katrine Bimell, hiện đang sống chung với người khác theo mô hình nhà chung, hy vọng mô hình này sẽ phát triển, nhưng những người khác thì không chắc lắm
Giáo sư nhân khẩu học Gunnar Andersson tin rằng không có khả năng các dự án nhà ở tập thể sẽ sớm trở thành dòng chính, do văn hóa chủ nghĩa cá nhân bắt rễ sâu ở Thụy Điển. Các thế hệ trước cũng đã thử ý tưởng này, nhưng nó không được phát triển thành quy mô lớn.
"Mọi người dường như đồng ý rằng đây sẽ là điều tuyệt vời, trên lý thuyết là vậy," ông lập luận. "Còn trong đời thực, không có gì xảy ra... có lẽ vì việc ở chung, suy cho cùng, không phù hợp với logic và tư duy của người Thụy Điển."
Trong khi đó, nhiều người Thụy Điển trẻ nói rằng họ sẽ không đánh đổi trải nghiệm sống một mình.
"Ở Thụy Điển, chúng tôi muốn cảm thấy như những cá nhân. Tôi nghĩ đó là điều tốt - chúng tôi không phụ thuộc như những người khác," cô Jonna Lundin, người đã chuyển đến một căn hộ một phòng ngủ ở Stockholm năm 19 tuổi để học đại học, nói. "Đối với tôi, đó là một cách để hiểu bản thân mình, những gì tôi muốn, những gì tôi thích và không thích."
Bạn trai của cô gần đây cũng chuyển đến ở chung, nhưng cô cho biết cô hiếm khi cảm thấy cô đơn hoặc buồn chán khi sống một mình và không thể hình dung sẽ trở về với bố mẹ hoặc sống trong nhà ở tập thể nếu quan hệ tình cảm của cô đổ vỡ.
Quay trở lại Vällingby, Ida Staberg nói rằng ngay cả sau khi thời gian vật lộn với nỗi cô đơn, cô sẽ không thay đổi những gì cô đã trải qua. "Ngay cả khi có lúc nó rất khó khăn và cô đơn... nó dạy cho bạn rất nhiều và giúp bạn lớn lên rất nhiều," cô nói. "Do đó, tôi nghĩ rằng đó là điều tích cực."
Maddy Savage
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.