Monday, June 14, 2021

Cha mẹ có nên che giấu các cảm xúc tiêu cực với con trẻ?

     BM

Trẻ em có khả năng đồng cảm mạnh mẽ. Chúng có thể khiến bạn mỉm cười ngay cả trong khoảng thời gian khó khăn.

Các bậc cha mẹ thường che giấu những giọt nước mắt và những thất vọng trước những đứa trẻ, nhưng đôi khi đó không phải là điều tốt nhất cho con trẻ.

 

Từ việc khóc thầm trong nhà vệ sinh cho đến việc đùng đùng giận dữ bỏ ra khỏi nhà, rất nhiều bậc phụ huynh và người giám hộ đều không muốn những đứa bé nhìn thấy họ xúc động. Nhưng đó có phải là điều đúng đắn nên làm, hay là bạn nên nói rõ ràng về nỗi sợ những con nhện của mình hoặc là bạn đang rất tức giận với ông chủ của mình ra sao? Dù chủ đề này thật phức tạp, một số câu trả lời rõ ràng bắt đầu xuất hiện.


BM


Nhiều bậc cha mẹ lo lắng rằng thể hiện những cảm xúc tiêu cực trước mặt những đứa trẻ sẽ làm cho chúng đau lòng. Ví dụ, đứa bé có thể nghĩ rằng đó là do lỗi của chúng, hoặc đơn giản là chúng sẽ cùng chịu đựng loại cảm xúc đó với cha mẹ mình. Thật vậy, loại lo lắng sau nghe có vẻ có cơ sở – hiện tượng “lây lan cảm xúc” là có thật, và một nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng cha mẹ có thể truyền nỗi sợ hãi về việc khám răng cho con họ, ví dụ như vậy.

 

Mặt khác, có một ý tưởng trực quan rằng chúng ta nên “sống thật” với những đứa bé và chúng sẽ được hưởng lợi từ việc chứng kiến cha mẹ nỗ lực hết mình để vượt qua những cảm xúc tiêu cực, giống như bất kỳ con người nào khác. Nếu những đứa trẻ của bạn thấy điều này, thì liệu nó có góp phần giúp chúng học được cách vượt qua những cảm xúc của chính mình hay không?

 

Sự nguy hiểm của việc kìm nén cảm xúc


BM


Có ba khái niệm cần cân nhắc khi phải thể hiện cảm xúc trước mặt con trẻ: Việc kìm nén, việc biểu hiện cảm xúc “không kiểm soát”, và việc nói về những cảm xúc. Kìm nén cảm xúc là khi bạn che giấu những dấu hiệu bề ngoài của cảm xúc đó. Nhưng rất không may là chúng không có hiệu quả – hành vi đè nén cảm xúc ấy sẽ làm tăng huyết áp và kích thích trạng thái sinh lý của bạn. Người đối diện có thể dễ dàng quan sát được sự đau khổ của bạn mặc dù bạn vẫn đang cố gắng che giấu nó đi, điều đó cũng làm họ cảm thấy căng thẳng. Những nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng khi cha mẹ có những cảm xúc tiêu cực (như tức giận hoặc phẫn uất) và che giấu nó với những đứa bé, thì mối quan hệ trong gia đình thường xấu đi và khả năng cha mẹ đáp ứng nhu cầu của con giảm.

 

Trên thực tế, ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể thích nghi với những động lực tương tác từ cha mẹ chúng. Nếu bạn làm suy giảm những động lực tự nhiên này, những đứa trẻ sơ sinh có thể sẽ cảm nhận được và rất khó chịu. Điều này được minh họa một cách rõ nét trong các thí nghiệm “vô cảm” nổi tiếng, trong đó cha mẹ thể hiện và duy trì một biểu cảm trơ, không biểu lộ bất kỳ cảm xúc nào trong một thời gian ngắn. Đây là một tác nhân gây căng thẳng, thậm chí đối với những đứa trẻ sơ sinh – chúng rõ ràng không thoải mái với việc vô cảm của cha mẹ và chúng sẽ cố gắng lôi kéo cha mẹ tiếp tục tương tác với chúng.


BM


Mặt khác, việc cha mẹ thể hiện sự tức giận và buồn phiền một cách không kiểm soát cũng không giúp ích gì cho đứa trẻ. Không kiểm soát có nghĩa là cảm xúc thể hiện thái quá mà hoàn toàn không có sự điều hòa hoặc can thiệp của lý trí. La hét, đập phá đồ vật và khiển trách người khác chỉ “vì làm bạn tức giận” đều là những ví dụ cho tình huống này. Trong trường hợp về nỗi sợ nha sĩ, việc không kiểm soát cảm xúc được thể hiện ở việc bạn cứ hành động như thể phòng khám răng là một nơi cực kỳ nguy hiểm và đáng sợ, thay vì nói một cách chân thật với đứa trẻ rằng: “Cha biết là cha có một nỗi sợ hãi về việc nhổ răng và cha đang cố gắng để vượt qua nó.”

 

Điểm trung hòa

 

Và như thế, nếu sự kìm nén cực độ là xấu, và sự bộc phát không kiểm soát cũng đồng dạng là tệ hại, vậy điều gì là hài hòa nhất? Nó có thể là nói về các cảm xúc, kiểm soát được chúng và thể hiện cho con trẻ rằng bạn đang cố gắng để vượt qua. Các nghiên cứu cổ điển đã phát hiện ra rằng đứa bé 6 tuổi có kỹ năng thấu hiểu cảm xúc và quan điểm tốt hơn nếu người mẹ trò chuyện về cảm xúc với em từ khi em 3 tuổi. Trên thực tế, người mẹ càng nói chuyện nhiều với trẻ thì kết quả sẽ càng tốt hơn.


BM


Trong một nghiên cứu khác, một số người mẹ đã ghi lại nhật ký về những cảm xúc mà họ cho trẻ mẫu giáo chứng kiến, bao gồm tất cả các chi tiết về việc họ làm thế nào để vượt qua và giải thích về những cảm xúc này.

 

Theo đánh giá của những giáo viên thì những đứa trẻ nào có mẹ là người hay biểu lộ trạng thái buồn chán và căng thẳng nhiều thì thường có tri thức cảm xúc cao hơn. Còn trong trường hợp người mẹ thường giải thích với con về những lý do gây ra sự buồn phiền của bà, thì hành vi xã hội (bao gồm giúp đỡ và phối hợp với người khác) của đứa trẻ cũng cao hơn. Điều này cũng có thể sẽ đúng với người cha, chỉ là trong lịch sử, việc nghiên cứu về việc giáo dục trẻ em được thực hiện đối với người mẹ.

 

Nhưng làm thế nào bạn có thể đạt được cách tiếp cận cân bằng nhất trong gia đình? Hãy xem xét ba tình huống sau:

 

Bạn đang rất chán nản và bạn muốn rời khỏi nhà để khóc. Con bạn cảm giác thấy một điều gì đó không đúng lắm nhưng chúng lại không biết đó là gì.


Bạn đang rất buồn chán và bạn không thể nhịn được khóc trước mặt đứa trẻ.

 

Bạn đang rất buồn chán và đã khóc một chút, và nói với con rằng mẹ đang rất mệt mỏi, rằng hôm nay là một ngày tồi tệ – và điều đó không có liên quan gì đến chúng. Bạn hãy giải thích với con rằng bạn phải tìm một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi một chút, rồi gọi điện thoại tâm sự với vài người bạn, sau đó mọi chuyện sẽ trở nên tốt hơn ngay.


BM


Chỉ có tình huống thứ ba là trao cho đứa bé cơ hội hiểu biết về cảm xúc và cách thức để vượt qua những trạng thái tiêu cực đó. Các nhà nghiên cứu gọi hành động này là cha mẹ đóng vai trò của một “huấn luyện viên cảm xúc” cho con trẻ. Theo cách giáo dục này, các trạng thái cảm xúc tiêu cực được nhìn nhận như một cơ hội cho trẻ học giải quyết những vấn đề sẽ xuất hiện sau này.

 

Rất rõ ràng, cha mẹ không nên che giấu cảm xúc, hoặc giải phóng chúng một cách không giới hạn và không kiểm soát. Thay vào đó, họ nên nói chuyện cởi mở về những cảm xúc với con cái, đặc biệt là về các nguyên nhân dẫn đến những trạng thái ấy và việc họ đã cố gắng như thế nào để vượt qua.

 

Như vậy, lần sau khi bạn cảm thấy buồn chán, tức giận hoặc thất vọng và con trẻ đang chứng kiến những cảm xúc đó, thì hãy giải thích cho chúng hiểu điều gì đang diễn ra với bạn. Bạn có thể đang trao cho chúng một đặc ân quý báu. Và điều đó cũng rất có ích đối với bạn – bởi vì trẻ em có lòng trắc ẩn thật tuyệt vời và những lời khuyên từ chúng có thể làm bạn mỉm cười đấy.

 

 

BM


John Lambie là một học giả về tâm lý học tại Đại Học Anglia Ruskin ở Vương Quốc Anh. Bài báo này đã được xuất bản lần đầu tiên trên tờ The Conversation.

 

 

 

John Lambie _ Hoàng Long 

***


Cảm xúc đến từ tim hay não?

 BM
Khi một người được lắp vào một trái tim mới thì tâm lý anh ta cũng biến đổi khác thường. Tại sao? Câu trả lời sẽ tiết lộ một sự thật bất ngờ về cơ thể chúng ta, David Robson cho biết.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.