Thua cả ba trận vòng đấu bảng khi gặp các đội tuyển Hoa Kỳ, Bồ Đào Nha, và Hòa Lan với các tỷ số 0-3, 0-2 và 0-7. Trước trận đấu cuối gặp Hòa Lan chiều ngày 31 Tháng Bảy, huấn luyện viên trưởng của Việt Nam, ông Mai Đức Chung, 73 tuổi, thẳng thắn thừa nhận, “so với Châu Á, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn thua một bậc, còn khi ra thế giới, chúng ta còn thua xa hơn.”
Thắng thua trong thể thao là chuyện thường tình, không mấy ai cảm thấy xấu hổ hoặc nhục nhã khi đội tuyển nữ Việt Nam thua đậm các đội đương kim vô địch thế giới Hoa Kỳ, đội á quân thế giới Hòa Lan, hay đội của một cường quốc bóng đá Bồ Đào Nha.
Không xấu hổ, nhưng thật buồn. Nhìn các nữ cầu thủ chạy trên sân cỏ, gắng hết sức khi đua với các đội bạn to lớn hơn, lực lưỡng hơn nhiều, khán giả có những lúc thót tim và thương cho những cô gái đồng hương chỉ đáng tuổi con cháu, nhỏ nhắn, và yếu đuối. Cũng như các môn thể thao cường độ cao khác, bóng đá là môn thi thể lực cộng với kỹ năng, cầu thủ càng khỏe càng có ưu thế trên sân cỏ.
Ấy thế nhưng theo tài liệu của Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới (FIFA) công bố hôm 12 Tháng Bảy, cầu thủ đội tuyển nữ Việt Nam có chiều cao trung bình chỉ 1.61 mét. Các đối thủ của họ như đội Hoa Kỳ có tới 13 cầu thủ cao hơn 1.70 mét, Hòa Lan có 16 cầu thủ cao từ 1.70 mét trở lên, còn Bồ Đào Nha cũng có 10 cầu thủ có chiều cao tương tự. Thấp hơn đối thủ 10 cm, thua kém về thể lực có thể là yếu tố chính khiến cho đội Việt Nam phải dừng bước sau ba trận vòng bảng mà không ghi được bàn thắng nào.
Một trí thức trong nước, ông Lê Học Lãnh Vân (FB LVan Le), thổ lộ “trong khi khâm phục và thương cảm cho sự chiến đấu hết mình của các cháu, chỉ nhìn vóc dáng quá nhỏ bé và bước chạy yếu so với đối thủ trên sân, lòng tôi tràn ngập xấu hổ.
Thế hệ bác đối xử quá vô trách nhiệm với các cháu!” Và ông cay đắng cất lời: “Tôi chỉ muốn nói với các cháu: BÁC XIN LỖI CÁC CHÁU, NGÀN LẦN XIN LỖI CÁC CHÁU.” Những người quan tâm tới vận mệnh đất nước có thể cũng chia sẻ nỗi xấu hổ như vậy, cũng cảm thấy mình thiếu trách nhiệm với các thế hệ hiện tại là tương lai của dân tộc.
Dù sao đi nữa, Việt Nam cũng đã có hòa bình gần nửa thế kỷ. Tất cả các nữ cầu thủ của đội tuyển đều được sinh ra và lớn lên khi bom đạn đã ngừng rơi. Ấy thế nhưng tình trạng thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng do nghèo khó vẫn hiện rõ trong vóc dáng thấp bé ngay cả các cô gái được chọn vào đội tuyển quốc gia một môn thể thao quan trọng thi đấu ở nước ngoài.
Truyền thông trong nước tiết lộ, dù là “tuyển thủ quốc gia” nhưng vì nghèo nên phần lớn các “cô gái vàng” này đều phải kiếm sống bằng nghề tay trái, chẳng liên quan gì tới bóng đá. Thủ quân Huỳnh Như, gương mặt xuất sắc nhất, “cây săn bàn” được kỳ vọng nhất của đội tuyển, chính là “Nàng 9” bán dừa ở Trà Vinh, sống bằng cách bán dừa sáp trên mạng. Nữ cầu thủ Thái Thị Thảo và một số cầu thủ của đội bóng nữ Sài Gòn cũng kiếm sống bằng nghề bán hàng trên mạng. Xót xa hơn, huấn luyện viên thủ môn Nguyễn Thị Kim Hồng phải đẩy xe bán bánh mì dạo…
Các cầu thủ cũng không có điều kiện tốt để tập luyện, phát triển kỹ năng thể thao: Thiếu sân bãi đủ tiêu chuẩn, thiếu huấn luyện viên giỏi, thiếu các cuộc thi đấu giao hữu với các đội tuyển đẳng cấp thế giới và nhất là thiếu sự đãi ngộ tài chính đầy đủ để họ có thể sống trọn vẹn với niềm đam mê. Huấn luyện viên Mai Đức Chung có lần than thở công khai rằng các nữ cầu thủ của ông đôi khi thiếu cả quần tập!
Cũng theo lời ông Lãnh Vân, “Thế hệ bác không chăm sóc các cháu đầy đủ không phải vì đất nước thiếu tài nguyên mà bởi vì nguồn lực tài chính do khai thác tài nguyên đáng lẽ phải dành cho các cháu, thế hệ bác lại bỏ túi riêng. Chẳng những vậy, thế hệ bác mà còn ăn thâm vào phần thuộc thế hệ sau, còn vay nợ để các cháu mang nợ khi chưa ra đời!”
Một guồng máy cai trị tham nhũng từ trên xuống dưới, quan chức đảng viên chỉ tìm mọi thủ đoạn biến của công thành của tư, bóc lột người dân tận xương tủy để vinh thân phì gia như đã phơi bày một phần trong vụ án “chuyến bay giải cứu” diễn ra ở Hà Nội vài tuần qua thì mong chi tài nguyên quốc gia được dành cho việc đào tạo, phát triển tài năng của các thế hệ người Việt trong nước.
Cũng liên quan tới giới trẻ trong tuần qua có chuyện ban nhạc nữ Blackpink của Nam Hàn trình diễn tại sân vận động Mỹ Đình ở Hà Nội vào hai tối 29 và 30 Tháng Bảy, thu hút mỗi đêm hơn 30,000 khán giả dù trời mưa lớn. Chuyện giới trẻ Việt Nam dành sự mến mộ đặc biệt cho một ban nhạc Nam Hàn chẳng có gì lạ, dòng nhạc K-pop của đất nước kim chi được giới trẻ gần như cả thế giới hâm mộ. Buổi diễn nào của họ cũng thu hút được rất đông khán giả dù giá vé không hề rẻ.
Nhưng trào lưu “đu theo thần tượng” của những người trẻ Hà Nội có gì đó quá đà. Khuya 28 Tháng Bảy, khi nhóm nhạc Blackpink đến, hàng vạn thanh niên nam nữ đã tràn ngập phi trường Nội Bài để chào đón. Do không biết nhóm ra cửa nào nên đám đông “nháo nhào quanh nhà ga quốc tế để tìm thần tượng” rồi sau đó lại nháo nhào đổ xô về trung tâm thành phố khi biết nhóm Blackpink đã về khách sạn theo lối riêng, theo tường trình của báo VNExpress. Từ lúc đó, nhất cử nhất động của bốn cô ca sĩ Jisoo, Rose, Jennie, và Lisa, của Blackpink, họ ăn gì uống gì, ngủ nghỉ “sang chảnh” thế nào, nói năng ra sao… đều được đám đông theo dõi từng chi tiết nhỏ nhặt nhất và chia sẻ trên khắp các mạng xã hội. Hình ảnh hàng vạn thanh niên nam nữ gào thét, khóc lóc thảm thiết theo từng lời ca, thậm chí trèo lên sân khấu hôn hít những chiếc ghế mà các cô gái này vừa ngồi, và để lại những núi rác sau đêm diễn làm cho không ít người (lớn) phải lắc đầu ngán ngẩm.
Có nhiều vị đạo cao đức trọng vội lên tiếng chê trách lớp trẻ mê muội ngu đần. Ít ai để ý rằng ý đồ của chế độ cộng sản là ru ngủ lớp trẻ trong các hoạt động ăn chơi hưởng thụ phù phiếm, lảng tránh chính trị, quên đi xã hội, quên đi nỗi nhục của đất nước “không chịu phát triển” do bị độc tài cai trị. Và theo dòng cảm xúc “xin lỗi” cũng nên thừa nhận các thế hệ cha anh đã thiếu trách nhiệm trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho lớp trẻ nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ đúng đắn, thái độ ứng xử chừng mực, không tôn sùng thần tượng tới mức đánh mất giá trị bản thân…
Suy cho cùng, đất nước hòa bình gần nửa thế kỷ mà nền tảng văn hóa văn nghệ chẳng những không tiến bộ mà ngày càng lụn bại, suy đồi vô phương cứu chữa. Ngay trong lĩnh vực âm nhạc, Việt Nam chẳng những không có những nhóm nhạc, ban nhạc có sức thu hút mạnh như các nhóm K-Pop Nam Hàn mà ngay đến thể loại tình ca bình thường người nghe vẫn phải nghe đi nghe lại dòng nhạc bolero của miền Nam Việt Nam trước năm 1975 hoặc tìm tới những chương trình sân khấu lộng lẫy của Thúy Nga Paris By Night, Asia từ hải ngoại chuyển về, phù hợp với thị hiếu của lớp trung niên và cao niên từng sống qua thời đất nước chia đôi. Giới trẻ lớn lên trong một khoảng hư vô về âm nhạc, không có “sân chơi” cho họ thì đừng trách tại sao họ lại mê mẩn các thần tượng âm nhạc nước ngoài đến mức hành xử như kẻ cuồng trí.
Từ thể thao đến âm nhạc, nhà cầm quyền cộng sản đã thất bại cay đắng trong chính sách trị quốc, chủ yếu do họ độc tôn quyền lực và bạo lực, ngăn cản tự do, thực thi sách lược ngu dân để trị và giam hãm dân chúng trong nghèo khó. Lớp người đi trước, nhất là những người đã sinh sống nhiều năm ở Phương Tây như tác giả Lãnh Vân nêu trên, cảm thấy xấu hổ với thế hệ con cháu, cảm thấy mình thiếu trách nhiệm chăm sóc… đó là những cảm xúc thật, đáng trân trọng. Nếu những người cộng sản cũng cảm thấy xấu hổ như vậy thì tình hình còn có cơ may thay đổi.
Nhưng thay vì chỉ “xin lỗi, ngàn lần xin lỗi các cháu,” liệu những người băn khoăn trăn trở với đất nước có thể làm gì nữa để giải thể chế độ cộng sản, trả lại không khí tự do dân chủ để lớp trẻ có cơ hội trưởng thành mà không phải tự ti, không mặc cảm khi tiếp xúc với các bạn đồng trang lứa Nam Hàn và các nước khác trên thế giới?
https://www.youtube.com/watch?
Hiếu Chân
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.