Theo một quy tắc được hoàn thiện hồi tháng 04/2022 của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, tiêu chuẩn tối thiểu mới cho bóng đèn được thiết lập ở mức 45 lumen một đơn vị đo độ sáng trên mỗi watt. Quy tắc này áp dụng cho tất cả “các bóng đèn dịch vụ nói chung,” một danh mục bao gồm phần lớn nguồn sáng được tìm thấy trong nhà, chẳng hạn như loại bóng được lắp vào các đèn bên cạnh bàn hoặc lắp cố định trên trần nhà.
Hầu hết các bóng đèn sợi đốt và bóng đèn halogen truyền thống sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn mà quy tắc này đề ra. Mặc dù việc tiếp tục sử dụng bóng đèn không đáp ứng ngưỡng mới sẽ không phải là bất hợp pháp, nhưng các nhà sản xuất và nhà bán lẻ sẽ không còn được phép sản xuất hoặc bán những loại bóng đèn này nữa.
Một số loại bóng đèn đặc biệt, bao gồm bóng đèn nhiệt, bóng đèn ba pha, bóng đèn chùm, bóng đèn tủ lạnh, và đèn dành cho trồng trọt, không nằm trong danh sách phải thay đổi.
Bóng đèn LED so với bóng đèn truyền thống
Một bóng đèn sợi đốt, như được mô tả trong bằng sáng chế vào những năm 1870 của Thomas Edison, phát ra ánh sáng bằng cách làm nóng sợi dây tóc bên trong. Một bóng đèn huỳnh quang một phiên bản thay thế sớm hơn, hiệu quả hơn cho bóng đèn sợi đốt vào thời đó tạo ra ánh sáng bằng cách phóng điện qua một loại khí được ion hóa.
Trong khi đó, ở bóng đèn LED, một dòng điện đi qua một vi mạch, chiếu sáng các nguồn sáng cực nhỏ gọi là đi-ốt phát quang (light emitting diode, LED) và tạo ra ánh sáng khả kiến.
Không giống như đèn sợi đốt và đèn huỳnh quang, đèn LED phát ra ánh sáng và nhiệt theo một hướng chứ không tỏa ra xung quanh. Bản chất định hướng ánh sáng cho phép đèn LED sử dụng ánh sáng và năng lượng hiệu quả hơn cho các ứng dụng như chiếu sáng cho công việc hoặc đèn âm trần, mặc dù điều đó cũng có nghĩa là để tạo ra bóng đèn LED chiếu sáng theo mọi hướng thì cần có kỹ thuật phức tạp.
Giá trung bình của một bóng đèn LED dao động từ 5 đến 7 USD, trong khi bóng đèn sợi đốt thường có giá khoảng 2 đến 3 USD mỗi cái. Tuy nhiên, chuyển sang đèn LED dường như tiết kiệm tiền trong thời gian dài.
Theo Bộ Năng lượng, đèn LED sử dụng năng lượng ít hơn ít nhất 75% so với bóng đèn sợi đốt và lâu bền hơn từ 25 đến 50 lần.
Khi công bố quy tắc được hoàn thiện này hồi năm ngoái, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho biết, “Bằng cách nâng cao các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng cho bóng đèn, chúng tôi đang tiết kiệm cho người tiêu dùng Mỹ 3 tỷ USD mỗi năm và giảm đáng kể lượng khí thải carbon nội địa.”
Một con đường để đèn LED trở nên phổ biến
Trong một hành động khác hồi tháng 12/2022, Bộ Năng lượng đã đề nghị nâng cao các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với bóng đèn để yêu cầu bóng đèn đạt hơn 120 lumen/watt. Đề nghị này dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2025.
Sau khi được thực hiện, quy tắc nói trên sẽ thực sự loại bỏ cái được gọi là đèn huỳnh quang compact (compact fluorescent lamp, CFL). Hiệu suất của loại bóng này đáp ứng ngưỡng 45 lumen/watt nhưng sẽ không đạt mức 120 lumen/watt. Việc loại bỏ CFL sẽ khiến đèn LED trở thành lựa chọn duy nhất còn lại để chiếu sáng căn nhà đối với hầu hết người Mỹ.
Như đã nói, đèn CFL đã bị cấm ở một số tiểu bang như California và Vermont, do thực tế là loại bóng này có chứa thủy ngân. Các thiết bị chứa thủy ngân thường được xử lý như chất thải nguy hiểm, khiến việc tiêu hủy chúng trở nên phức tạp.
Việc chính phủ TT Biden thúc đẩy sử dụng đèn LED nhiều hơn, cũng như những nỗ lực trước đây nhằm đẩy nhanh việc thôi sử dụng các thiết bị nhà bếp và xe hơi chạy bằng xăng, đã bị những người phản đối việc chính phủ vượt quá thẩm quyền chế giễu.
Nhà hoạt động chính trị tự do Spike Cohen đã viết trên Twitter, “Nếu không có chính phủ, ai sẽ nói cho quý vị là biết quý vị phải mua loại bóng đèn nào?”
Các mốc thời gian về cuộc chiến bóng đèn
Tranh luận về bóng đèn và việc sử dụng năng lượng đã có từ năm 2007, khi Tổng thống George W. Bush ký Đạo luật An ninh và Độc lập Năng lượng (EISA) để thiết lập một loạt các mục tiêu quản lý năng lượng, bao gồm tiêu chuẩn hiệu suất mới cho bóng đèn gia dụng. Vòng cuối cùng của các quy định về bóng đèn được nêu trong EISA 2007 đã được Tổng thống Barack Obama đưa ra hồi năm 2014. Khi đi vận động tranh cử, ông Obama đã hứa sẽ loại bỏ dần tất cả các bóng đèn sợi đốt.
Năm 2019, Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ sáng kiến về bóng đèn tiết kiệm năng lượng thời ông Obama vốn lẽ ra sẽ đẩy bóng đèn sợi đốt và bóng đèn halogen ra khỏi thị trường Hoa Kỳ vào cuối năm đó. Vào thời điểm đó, Bộ Năng lượng của chính phủ ông Trump cho biết chính phủ tiền nhiệm đã mở rộng các tiêu chuẩn bóng đèn “theo cách không phù hợp” với cách giải thích các điều khoản trong EISA.
Trong một bài diễn văn trước các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa ở Baltimore, ông Trump đã bảo vệ quyết định loại bỏ chính sách này khi cho biết ánh sáng mà các loại bóng thay thế cho bóng đèn sợi đốt tạo ra trông không đẹp mắt, và nếu bị hỏng thì những loại bóng này phải được xem như “chất thải nguy hiểm.”
“Chúng ta đang làm gì đây? Nó [loại bóng thay cho bóng đèn sợi đốt] được xem như chất thải nguy hiểm, nhưng lại đắt gấp nhiều lần và nói thẳng ra là ánh sáng không tốt bằng,” ông về những bóng đèn tiết kiệm năng lượng. “Vì vậy, chúng tôi sẽ bán những loại bóng đó, nhưng chúng tôi cũng sẽ bán bóng đèn sợi đốt. Người dân rất hài lòng về điều đó. Thật tuyệt vời.”
Ông Fred Upton (Cộng Hòa-Michigan), đồng tác giả của EISA lúc đầu, đã gọi bóng đèn sợi đốt là “lỗi thời và kém hiệu quả” vì sử dụng loại công nghệ kế thừa từ thế kỷ 19 và ca ngợi “cách tiếp cận lưỡng đảng, hợp lý” để “tiết kiệm năng lượng cũng như giúp thúc đẩy việc tạo ra các công việc sản xuất mới ở trong nước.”
Năm 2011, ông Upton đã thay đổi quan điểm của mình trong nỗ lực giành chức chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện. Ông hứa với các đồng sự Đảng Cộng Hòa của mình, những người xem lệnh cấm bóng đèn sợi đốt là hành vi vượt thẩm quyền của chính phủ, là ông sẽ hành động để bãi bỏ các tiêu chuẩn EISA. Ông đã về hưu hồi tháng Một vừa qua, vài tuần sau khi Bộ Năng lượng của ông Biden đề nghị tiêu chuẩn 120 lumen/watt cho bóng đèn gia dụng.
Bill Pan _ Thanh Nhã
***
Tại Hoa Kỳ, việc sở hữu bóng đèn sợi đốt không phải là bất hợp pháp, nhưng việc các cửa hàng bán và các công ty sản xuất những sản phẩm đó mới là bất hợp pháp.
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.