Mọi chuyện bắt đầu từ cây củ từ Mexico.
Đó là năm 1942. Một giáo sư hóa học từ Pennsylvania muốn tìm kiếm nguồn progesterone rẻ tiền - một loại hormone nội tiết tố nữ. Chất hormone này hồi đó được sử dụng nhiều, trong đó có cả việc giúp chống sảy thai và điều trị cho những phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh.
Trên thực tế thì Russell Marker đã sáng chế ra cách tạo progesterone từ một loại hóa chất có trên một số cây cỏ. Có một cách là dùng các ống cuộng của cây củ từ Nhật dại. Nhưng chúng mỏng mảnh và như cỏ, không chứa đủ hormone.
Marker tìm kiếm các lựa chọn thay thế.
Ông nghiên cứu hơn 400 loài cây khác nhau nhưng chưa tìm được cây nào thích hợp. Rồi ông xem thấy hình vẽ trong một cuốn sách về thực vật học ít người biết. Cây củ từ có những củ to, sần sùi, được cho là nặng tới 100kg. Ông đã đi tới quốc gia có loại cây này, Mexico, và mang trộm một củ về.
Sáng chế đột phá
Với việc tìm được nguồn cung cấp progesterone với giá phải chăng, các nhà nghiên cứu đã biến nó thành một thứ thuốc ngừa thai. Viên thuốc tránh thai được tung ra thị trường sau đó chưa tới một thập niên. Nhưng Marker thì lại biến mất một cách bí hiểm khỏi đời sống công cộng và bị ám ảnh với mối quan tâm sưu tầm bạc.
Sự ảnh hưởng về kinh tế và xã hội của thuốc tránh thai đã được ghi nhận đầy đủ. Mọi người nay có thể tận hưởng cảm giác yêu đương mà không sợ mang thai. Đột nhiên phụ nữ có thể dành những năm ở tuổi 20, 30 để theo đuổi việc học hành, sự nghiệp thay vì phải lo chuyện nội trợ, bỉm sữa.
Thuốc tránh thai đem tự do đến cho phụ nữ, để họ có thể lựa chọn có con vào khi nào, và thậm chí là liệu họ có muốn có con hay không.
Thế nhưng ngay từ ban đầu, viên thuốc này đã có một bí mật.
Trong những năm gần đây, các khoa học gia bắt đầu nhận ra rằng não của những phụ nữ dùng thuốc tránh thai trông khác một cách căn bản so với những người không dùng: có một số vùng trên não của họ trông giống với não 'nam giới' hơn.
Thuốc ngừa thai giúp cho phép họ lựa chọn thời điểm họ muốn có con.
Hành vi ứng xử của họ cũng thay đổi. Những phụ nữ dùng một số loại thuốc nhất định vấp phải ít nhiều khó khăn trong việc sử dụng từ ngữ - điều mà phụ nữ thường rất khéo.
Mặt khác, họ lại giỏi hơn trong việc hình dung ra vị trí các vật thể được cho xoay đảo, là thứ thường được coi là sở trường của nam giới.
Phụ nữ dùng một số loại thuốc ngừa thai có khả năng nhận biết các vật thể được xoay đảo ba chiều khác nhau tốt hơn
Và cuối cùng, phụ nữ dùng một số loại thuốc tránh thai nhất định có khả năng tốt hơn trong việc nhận diện khuôn mặt người, một khả năng vốn đã là thế mạnh của phụ nữ.
Thật khó hiểu. Các khoa học gia cũng thấy vậy. Thực sự thì điều gì đang xảy ra?
Nguyên tắc hoạt động của thuốc ngừa thai
Chúng ta thường được cho biết rằng thuốc tránh thai có chứa các nội tiết tố nữ oestrogen (một loại hormone sinh dục nữ chính) và progesterone (tiết ra trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai và phát triển phôi thai). Nhưng không có viên nào chứa một trong hai loại hormone này.
Đó là bởi khi uống thuốc qua đường miệng, oestrogen và progesterone phân rã quá sớm, không tác dụng. Thay vào đó, viên thuốc có chứa các thành phần tổng hợp, là các chất được tạo thành từ những hormone ổn định hơn, đã được điều chỉnh để có tính năng giống như các nội tiết tố nữ nêu trên đó.
Mọi nhãn thuốc tổng hợp có trên thị trường đều chứa cùng các chất tổng hợp từ oestrogen, ethinyl estradiol, và một trong tám chất progesterones tổng hợp, được gọi là progestin.
Ethinyl estradiol khiến cơ thể người phụ nữ không rụng trứng hàng tháng, trong lúc progestins thì làm chất nhờn ở cửa âm đạo đặc lại, biến tử cung thành môi trường không thân thiện cho việc thụ thai. Thậm chí nếu như trứng có rụng và được thụ tinh thì cũng sẽ không thể duy trì trạng thái ổn định và phát triển sau đó.
Mụn trứng cá, mọc lông
Nghe có vẻ ổn. Tuy nhiên, dẫu có tác dụng tránh thai nhưng các chất hormone đó lại không hoàn toàn phù hợp với các hormone tự nhiên trong cơ thể chúng ta.
Kết quả là những chất tổng hợp đó gây ra những tác dụng phụ mà ta không bao giờ có nếu dùng chất progesterone thật.
Các hormone tổng hợp cho phụ nữ có trong các viên thuốc tránh thai có thể gây ra chứng mọc nhiều lông trên mặt.
Do thuốc ngừa thai có chứa các chất tổng hợp hormone nữ, nó có thể gây tác dụng phụ ngoài mong muón, chẳng hạn như gây mọc nhiều lông trên mặt.
Trên internet tràn ngập các tin vụn vặt về mụn trứng cá, đổ mồ hôi hay bị mọc lông sau khi dùng thuốc. Một phụ nữ mô tả là thấy lông mọc ra trên ngực, còn người khác thì kể là mặt lỗ chỗ mụn trứng cá sau khi thử một loại thuốc mới.
Những hiệu ứng 'nam giới' đã được các khoa học gia nghiên cứu kỹ lưỡng, và chúng đều có thực: một số loại thuộc thực sự khiến cho các hiệu ứng đó trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là ở những phụ nữ nhạy cảm với thuốc.
Thế nhưng nguyên nhân gây ra các hiệu ứng đó thì thật đáng ngạc nhiên. Theo một nghiên cứu từ 2012 thì 83% số phụ nữ Mỹ có sử dụng thuốc tránh thai đều dùng loại thuốc có chứa chất progestin làm từ nội tiết tố nam. Một số nhãn thuốc tránh thai nổi tiếng có thể kể đến là Ortho Tri-Cyclen, Loestrin FE 1/20 và Tri-Sprintec®, bên cạnh những loại thuốc khác.
Nội tiết tố nam mà các thuốc này sử dụng là một loại bà con gần gũi của chất testosterone (một loại hormone sinh dục), được gọi là nandrolone. Là một chất nội tiết tố nam mạnh mẽ (hormone có ảnh hưởng tới sự phát triển của hệ thống sinh sản ở nam giới), nó có thể dẫn tới việc phát triển một số đặc tính nam ở các phụ nữ dùng thuốc.
"Nó thực sự có lúc còn được dùng làm doping cho nam giới," Belinda Pletzer, nhà thần kinh học nhận thức tại Đại học Salzburg, Áo, nói. Nó giúp phát triển cơ bắp, cho nên rất quen thuộc với những người tập tạ và đấm bốc: cựu vô địch quyền Anh hạng nặng Tyson Fury gần đây đã bị án treo hai năm sau khi có kết quả dương tính với chất steroid này hồi 2015 (Tyson nói rằng chất này có trong cơ thể là do ông ăn thịt của một con heo rừng chưa bị hoạn).
Chúng ta đã biết về các tác dụng phụ này từ hàng thập niên qua: chất progestin đầu tiên từng được sản xuất, norethindrone, là kích thích tố nam.
Trở lại hồi thập niên 1940, 50 và 60, những phụ nữ có thai đôi khi dùng norethindrone liều cao để chống sảy thai. Nhưng hormone này cũng gây ra một số thay đổi bất ổn trong cơ thể họ.
Người phụ nữ đổ mồ hôi nhiều hơn, lông tóc rậm hơn, và bị mụn trứng cá nhiều hơn. Một số người nhận thấy giọng họ trở nên trầm hơn. Gần một phần năm các bé gái có mẹ từng dùng loại thuốc tránh thai này có cơ quan sinh dục trông như của các bé trai. Một số em trong những bé kém may mắn này thậm chí còn cần phải phẫu thuật.
Từ 'nam tính hoá' đến 'nữ tính hoá'
Ngày nay chất progestin đã giảm đi nhiều thứ nội tiết tố nam này. Các liều thuốc tránh thai trở nên nhỏ đi nhiều, và các chất hormone thường được kết hợp với các nội tiết tố nữ tổng hợp, giúp cân bằng lại nhiều hiệu ứng nam giới hóa trong cơ thể chúng ta.
Nhưng chúng cũng gây một số phản ứng phụ.
"Những chất progestin này, vốn đã được giảm liều lượng đi theo năm tháng, vẫn liên quan tới cấu trúc hoá học của chất testosterone," Regine Sitruk-Ware, bác sĩ chuyên khoa nội tiết sinh sản tại New York, nói. "Bản thân nó vẫn là nội tiết tố nam."
Theo thời gian, đã có một số thế hệ progestin khác nhau. Những phiên bản thuốc tránh thai đời đầu hầu như toàn là androgenic (kích thích tố nam), nhưng những phiên bản về sau được làm bằng chất progesterone tổng hợp.
Điều này tạo nên tác dụng ngược lại - chúng thường được mô tả là dùng để chữa mụn trứng cá hoặc chứng mọc lông quá nhiều, bởi chúng làm người dùng 'nữ tính hoá' (tuy chúng cũng có thể tạo ra những tác dụng phụ không mong muốn do gây mất cân bằng hormone trong cơ thể). Một số ví dụ về các loại thuốc đời sau là Yasmin and Ocella.
Những loại thuốc ngừa thai mới hơn được chế tại với thành phần chống 'nam tính hóa', thường được mô tả là chữa trị mụn cá hoặc tình trạng mọc lông tóc quá mức.
Nhìn chung, các đời thuốc cũ, rẻ tiền hơn sẽ chứa các nội tiết tố nam, còn các loại thuốc mới, đắt tiền hơn sẽ chứa chất chống nam tính hoá. Vấn đề giá thành có thể là lý do khiến cho chỉ có 17% phụ nữ dùng thuốc ở Mỹ chọn các loại thuốc chống nam tính hoá.
Trên toàn cơ thể chúng ta có những cơ quan thụ cảm nội tiết tố nam, đặc biệt là ở các tuyến mồ hôi và các nang tóc, lông, và điều này lý giải lý do vì sao progestin có nội tiết tố nam khiến phụ nữ đổ mồ hôi nhiều hơn, mọc nhiều lông tóc hơn, và bị mụn trứng cá nhiều hơn.
Làm thay đổi cấu trúc não
Chưa hết, các chất steroid mạnh, mang đặc trưng giới tính này cũng tác động tới não.
Ở nam giới, các chất androgen tiết ra khi dậy thì được cho là sẽ làm thay đổi não. Điều này cũng đúng ở phụ nữ, khi mà những lượng nhỏ testosterone cũng có thể khiến một số vùng não co lại và một số vùng khác phát triển to ra.
Dựa trên những gì chúng ta biết về sức mạnh của các loại hormone này, thì có vẻ như thật đáng ngạc nhiên khi cho tới gần đây không ai kiểm tra xem các progestin làm từ các hormone nam có gây tác động gì không.
"Có rất nhiều nghiên cứu về tác dụng phụ về mặt thể chất," Pletzer nói. "Cũng có những nghiên cứu về tác dụng phụ đối với tâm lý, tình cảm, bởi đó là điều mà các phụ nữ dùng thuốc nói là họ bị ảnh hưởng. Nhưng rất hiếm các nghiên cứu nhìn vào vấn đề não và nhận thức."
Một trong các nghiên cứu đầu tiên như thế mới chỉ được thực hiện hồi tám năm trước, sau khi thuốc tránh thai đã được đưa ra sử dụng cả 50 năm.
Vào lúc đó, Pletzer đang quan tâm nghiên cứu việc não phụ nữ thay đổi ra sao trong suốt chu kỳ kinh nguyệt.
Nhưng bà nhận ra rằng bà đã loại những người dùng thuốc tránh thai ra khỏi nghiên cứu của mình, và bà tự đặt câu hỏi tại sao.
"Chúng tôi biết rằng các chất steroid mà cơ thể chúng ta tiết ra, như progesterone và testosterone, thì tác động lên não. Cho nên tất nhiên là tôi trông đợi rằng các hormone tổng hợp cũng có tác động," bà nói.
Pletzer từ bỏ ý tưởng ban đầu và thay vào đó đã tiến hành thử nghiệm tác dụng của thuốc. Phụ nữ và đàn ông được cho dùng không thường xuyên thuốc tránh thai chứa hormone, sau đó não bộ của họ được quét scan.
Kết quả thu được khiến bà kinh ngạc. Nó cho thấy một số khu vực não ở các phụ nữ có dùng thuốc trở nên lớn hơn so với những người không dùng. Các khu vực này của đàn ông cũng lớn hơn ở phụ nữ.
Nghiên cứu chỉ được thực hiện trên diện khá nhỏ và không phân biệt giữa các thuốc tránh thai có chứa nội tiết tố nam và có chứa thành phần chống nội tiết tố nam, cho nên Pletzer thận trọng, không dựa quá nhiều vào kết quả thu được.
Làm thay đổi hành vi ứng xử
Nhưng một nghiên cứu khác cho thấy cả hai loại hormone này thực sự đều làm thay đổi hành vi ứng xử của người dùng thuốc.
Một số loại thuốc tránh thai có thể khiến người phụ nữ sử dụng ngôn ngữ kém đi.
Hoá ra là các phụ nữ dùng thuốc có chất progestin nội tiết tố nam thì có độ lưu loát khi nói (khả năng nghĩ về những từ mới) thấp hơn.
Họ cũng giỏi hơn trong việc nhận dạng các vật thể xoay lộn. Điều này hợp lý, bởi nam giới thường được cho là kém hơn phụ nữ chút ít về độ nói năng rõ ràng trong một số trường hợp nhất định và giỏi hơn về nhận biết hình học.
Các nghiên cứu khác cho thấy phụ nữ dùng biện pháp tránh thai bằng cách uống thuốc thì nhớ tới các câu chuyện cảm động theo cách giống như nam giới - nhớ tới các ý chính thay vì các chi tiết của câu chuyện.
Họ cũng không tinh ý trong việc nhận biết cảm xúc của người khác, như tâm trạng giận dữ, đau buồn, hay kinh tởm - giống như nam giới. Có vẻ như một số loại thuốc tránh thai nhất định đang "nam tính hoá" não của những phụ nữ dùng thuốc.
Tuy nhiên, bằng chứng gây kinh ngạc nhất có lẽ lại đến từ một bài nghiên cứu được công bố hồi 2015. Lúc này, Pletzer đã so sánh não của các phụ nữ dùng hai loại thuốc tránh thai với các phụ nữ không dùng thuốc.
Một số khu vực trên não của các phụ nữ dùng thuốc có chứa chất progestine chống nam tính hoá đời mới thì lớn hơn so với những người khác.
Điều quan trọng là những thay đổi này dường như ảnh hưởng tới hành vi ứng xử của họ.
Có hai khu vực não bị ảnh hưởng đặc biệt rõ: vùng mặt hình thoi, một khu vực có kích thước bằng hạt đậu, là khu vực xử lý thông tin trên khuôn mặt (từ ảnh bạn bè đến phim hoạt hình), và khu vực hồi hải mã, nơi đóng vai trò nhận biết địa điểm (chẳng hạn như cảnh quan thành phố). Những người phụ nữ này cũng có khả năng nhận diện tốt hơn.
Những phụ nữ dùng thuốc ngừa thai không tinh ý trong việc nhận biết cảm xúc của người khác, như tâm trạng giận dữ, đau buồn, hay kinh tởm.
Nhận diện là điều mà phụ nữ thường rất giỏi - ngay cả khi vẫn còn là trẻ sơ sinh - cho nên điều này phụ hợp để lý giải cho các trường hợp uống thuốc tránh thai gây tác động tới não. Trong trường hợp này, các viên thuốc tránh thai có thành phần chống nam tính hoá có thể đã tạo ra hiệu ứng "nữ tính hoá".
Cũng giống như trước, một số khu vực não ở các phụ nữ dùng thuốc có chất chống nam tính hoá cũng to hơn so với người khác, trong đó có những vùng rất giống với não nam giới. Thời gian dùng thuốc tránh thai càng dài thì các vùng đó càng lớn hơn.
Có thể giải thích đơn giản thế này: toàn bộ các loại thuốc tổng hợp đều có chứa chất oestrogen tổng hợp, và đó là chất gây nữ tính hoá. Điều này có nghĩa là ở cùng những người phụ nữ đó, họ có thể chịu tác dụng phụ của cả việc "nữ tính hoá" và "nam tính hoá" cùng lúc lên não.
Không ai có thể ngờ rằng một củ từ xấu xí thế lại cho thể làm trỗi dậy một cuộc tiến hoá nữ quyền. Viên thuốc tránh thai nhiều lần được gọi là sáng chế vĩ đại nhất của Thế kỷ 20 và được cho là đã giúp làm tăng lương của phụ nữ lên 30% kể từ thập niên 1960 tới nay.
Tuỳ vào việc sử dụng loại thuốc tránh thai nào mà người phụ nữ có thể bị các tác dụng phụ tương ứng, thậm chí khả năng nhận diện của người đó cũng có thể thay đổi.
Nhưng thuốc tránh thai cũng có mặt đen tối của nó. Như Pletzer viết hồi 2014, khi các vận động viên dùng các chất steroid mà ta gọi là 'doping' thì việc đó được coi là tình trạng lạm dụng thuốc và bị xã hội lên án gay gắt. Nhưng chúng ta lại vui vẻ với việc hàng triệu phụ nữ uống thứ hormone này vào người mỗi ngày, mà có khi uống ngay từ dậy thì cho tới lúc mãn kinh.
Các khoa học gia vẫn chưa biết đích xác các ảnh hưởng mà thuốc tránh thai gây ra với não thì có tác động tới đâu đối với hành vi ứng xử của chúng ta. Nhưng có lẽ nay đã đến lúc chúng ta cần đem vấn đề này ra xem xét.
Zaria Gorvett
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.