Phong trào toàn dân mặc áo vàng xuống đường (loại áo phản quang trang bị cho tài xế khi xe hỏng phải ngừng, đỗ đột xuất trên đường) gọi là Gilets Jaunes ở Pháp thứ bảy tuần này đã bước sang tuần thứ ba.
Chính phủ Pháp hôm 2/12 cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp vì biểu tình bạo động của phong trào Áo Vàng tại Paris và nhiều nơi khác.
Kể từ ngày 17 tháng trước, mỗi thứ bảy, Gilets Jaunes lại xuống đường đấu tranh đòi chính quyền Macron đáp ứng các yêu sách về đời sống.
Báo chí Pháp đang đếm "Act" (tức là phân cảnh) của Gilets Jaunes, mỗi tuần một Act. Tuần này đang là Act 3, ác liệt hơn hẳn, sôi động hơn hẳn.
Từ sáng sớm, Gilets Jaunes đổ về quảng trường Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) vừa đi vừa hát bài La Marseillaise và hô vang: "Macron từ chức!". Dọc theo đại lộ Champs Elysees, những người biểu tình ôn hòa khác đã treo khẩu hiệu: "Macron, đừng đối xử với chúng tôi như kẻ ngốc nữa!".
Riêng trong Paris, đã có hơn 15 cuộc đụng độ lớn giữa cảnh sát và người biểu tình bạo loạn, đập phá và cướp tài sản của các cửa hàng sang trọng trên đường phố Paris.
Những người biểu tình đeo mặt nạ và đội mũ trùm đầu ném rào cản, bom xăng và các đồ vật khác trong cuộc đối mặt với cảnh sát quanh đại lộ Champs Elysees nổi tiếng thế giới. Theo BFM loan tin thì đến cuối ngày có 287 người bị bắt giữ, 110 người bị thương (trong đó có 17 cảnh sát), một người bị thương nặng được đưa đi cấp cứu khẩn.
Gilets Jaunes là ai?
Có lẽ từ sau cuộc Cách mạng Pháp 1789, đây là lần đầu tiên người Pháp xuống đường biểu tình một cách "không có tổ chức", tức là không một tổ chức công đoàn, chính trị, tôn giáo... nào đứng ra hô hào kêu gọi và quy tụ lực lượng biểu tình chống đối.
Nguyên cớ trực tiếp là người dân Pháp bất mãn với chính sách tăng giá xăng dầu của chính phủ, nhất là cánh tài xế xe tải. Họ tự động mặc áo phản quang vàng, tụ tập lại dàn xe đi thật chậm với tốc độ sên bò để làm ách tắc nhiều nơi trên hệ thống xa lộ nước Pháp vào thứ bảy cách đây hai tuần.
Sau đấy, sự bất mãn có không khí để dâng cao trong toàn dân. Đến ngày 26 tháng 11, phía Gilets Jaunes đã đưa ra một danh sách 8 người phát ngôn chính thức của phong trào (6 nam 2 nữ) ở độ tuổi từ 22 đến 33. Theo các nguồn tin không chính thức thì một số trong tám người này có liên hệ gần xa với đảng Front National của bà Marine Le Pen.
Theo các phát ngôn viên này và những khẩu hiệu của Gilets Jaunes đưa ra trong ba tuần nay, những bất mãn chính đã cháy âm ỉ trong xã hội Pháp từ bấy lâu nay đang được dịp bùng nổ:
· Những người có thu nhập thấp, họ phải sống bên ngoài các thành phố lớn và bị ảnh hưởng nặng nhất trong việc tăng giá xăng dầu.
· Những xí nghiệp trung bình và nhỏ, đặc biệt là các xí nghiệp trong ngành chuyên chở hàng hoá, họ bị ảnh hưởng nặng tuy nhà nước có kế hoạch hỗ trợ giá.
· Tầng lớp nghỉ hưu với lương hưu ngày càng "teo tóp" lại qua các vụ tăng 1,7% bảo hiểm trên lương hưu của đầu năm 2018.
· Những người sống về nghề nông và những người sống nơi đồng quê, xa thành phố, mọi di chuyển của họ đều bằng xe.
· Cuối cùng là những người trẻ không dễ dàng tìm ra việc làm. Chính các người trẻ này tạo ra các cuộc đụng độ với cảnh sát, họ khiêu khích cảnh sát bằng cách ném đá và bom xăng, xịt sơn màu vào đoàn cảnh sát án ngữ trên đại lộ Champs Elysées và quảng trường Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe)
Hơi cay bao bọc phố phường quanh Khải hoàn môn
Qua phát ngôn hôm qua của ông Emmanuel Macron, đang tham dự cuộc hợp thượng đỉnh G20 tại Argentina, thì chính phủ sẽ không lùi bước trước bạo lực đường phố.
Tuy thế, ngày 26/11/2018, thượng viện Pháp đã ra quyết định đình chỉ mọi chương trình tăng thuế trên giá xăng dầu cho năm 2019, một động thái được xem như có mục đích là làm dịu lại tình hình đang nóng bỏng trên toàn nước Pháp.
Hiệp ước toàn cầu về khí thải COP21 năm 2015 của 194 nước cũng là nguyên nhân gây xáo trộn xã hội Pháp.
Người dọn dẹp ở Khải hoàn môn, đằng sau có dòng chữ: "Áo vàng sẽ chiến thắng"
Một hiện tượng khác nữa làm cho giá xăng dầu nhảy vọt và tình hình trở nên nghiêm trọng hơn cho chính phủ là giá xăng dầu thế giới đã đột ngột tăng lên 80 $US/thùng thay vì 57 $US trong năm trước đó. Chính vì thế nên giá xăng dầu tại Pháp do bộ tài chính quyết định đã tăng 6,7 cents cho dầu và 2,9 cents cho xăng vào đầu tháng 10/2018, và làm cho giá mỗi lít vượt qua mức 1,5 euros.
Đây chính là một giọt nước làm tràn ly và gây khó khăn cho kế hoạch chuyển dần các phương tiện di chuyển cá nhân qua các nhiên liệu sạch hơn để tôn trọng hiệp ước toàn cầu về khí thải CO2 mà chính phủ Pháp đã ký với 194 quốc gia, trừ ba quốc gia là Mỹ, Syria và Nicaragua.
Ngày 2/12, một ngày sau bạo động
Cũng nên biết, thuế xăng dầu tại Pháp TICPE chiếm đến 64% và thuế trung bình tại các nước trong thị trường chung Âu châu cũng áp thuế trong khoảng này như sau :
Hà Lan 68%
Phần Lan, Hy lạp, Anh quốc 66%,
Đức, Bỉ , Ý 65%,
Pháp, Bồ đào nha, Thụy Điển 64%,
Ái nhỉ lan 63%,
Đan mạch, Tiệp, Estonia, Lettonia, 62%
Áo, Tiệp 59%
Malte 57%
Đảo Chypre, Hongarie 56%
Tây ban nha , Lituania, Ba Lan 55%
Roumanie, Bungarie 52%
Cảnh sát chống bạo động ở Paris ngày 1/12
Đoàn biểu tình phản đối tăng thuế xăng dầu, bước qua tuần thứ ba đã thiên biến vạn hóa thành các vấn đề xã hội đa dạng, bạo lực đã thay cho các cuộc tuần hành ôn hoà và hiện lan rộng ra toàn nước Pháp tại hầu hết các thành phố lớn như Marseilles, Toulon, Bordeaux, Valenciennes... Một toà thị chính tỉnh ở Puy en Velay thuộc vùng Haute Loire đã bị Gilets Jaunes đốt cháy.
Gilets Jaunes đang nổi giận, và Act 4 vào thứ bảy tới đây sẽ xảy ra những chuyện gì thì thật khó mà đoán trước nếu chính phủ vẫn tiếp tục giữ thái độ "cứng rắn" trước những đòi hỏi cấp thiết của người dân.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.