“Phải chăng tôi không thể ở đây hay là tôi không được phép ở đây?” nhân vật Jobu-Joy hỏi trong bộ phim đình đám Everything Everywhere All at Once (tạm dịch Mọi thứ Mọi nơi Cùng một lúc).
Câu hỏi đầy trăn trở của nhân vật phản diện trong bộ phim – người muốn kết thúc thế giới mà bà cảm thấy không được chào đón – tóm tắt lại chặng đường của diễn viên Hollywood Dương Tử Quỳnh (Michelle Yeoh).
Dương Tử Quỳnh đóng vai siêu anh hùng trong bộ phim – Evelyn Wang, một di dân người Mỹ gốc Hoa và chủ tiệm giặt là được cuốn vào một multiverse (thế giới đa chiều).
Bà cho biết vai này phản ánh những cuộc đấu tranh bà phải trải qua để được công nhận ở Hollywood – giống như câu hỏi mà kẻ thù không đội trời chung của bà đặt ra.
"Bạn muốn được một ghế ở bàn tiệc, để bạn được đặc ân là được thấy và được lên tiếng,” bà Dương Tử Quỳnh nói trong một phỏng vấn qua Zoom. “Cái mà tôi yêu cầu là quyền được cạnh tranh.”
"Ngay từ ngày [Evelyn Wang] được sinh ra, cha cô đã nói cô là điều thất vọng, chỉ vì cô sinh ra là con gái. Lâu lắm rồi tôi mới đọc câu chuyện tôi có thể đồng cảm sâu sắc đến thế.”
Vai diễn Evelyn Wang của Dương Tử Quỳnh đã lấn át mùa giải năm nay. Sau khi thắng ở các giải Golden Globes và Screen Actors Guild, giờ đây bà có thể sẽ làm nên lịch sử ở giải Oscars.
“Tôi nhận thức rõ là điều này không chỉ là tôi được công nhận như một diễn viên. Đó là cả một cộng đồng người châu Á đến cùng nhau và nói: Chị phải làm điều này cho chúng tôi.”
“Người châu Á thường không thể hiện tình cảm nhiều. Tôi nghĩ có sự hiểu lầm rằng chúng tôi không cần được kể câu chuyện của mình, điều đó không đúng,” bà nói. “Cách chúng tôi kể chuyện làm nên sự khác biệt. Khán giả muốn Hollywood phản ánh cộng đồng toàn cầu.”
Trước khi có thành công ở Hollywood, Michelle Yeoh đã là một diễn viên hạng A ở châu Á.
Bà sinh ra ở Ipoh, Perak, ở Malaysia, và theo học ở Học viện Múa Hoàng gia Anh những năm niên thiếu. Một chấn thương ở lưng khiến con đường theo nghề múa của bà phải cắt ngắn, nhưng tập múa nhiều năm không uổng phí vì nó giúp bà thực hiện các pha stunt trong các phim hành động bà đóng mà không cần người đóng thế. Những phim này sau đó giúp bà nổi tiếng.
Sau khi giành ngôi hoa hậu Miss Malaysia, bà bắt đầu đóng phim ở Hong Kong và được nhiều người biết đến với phim Yes Madam! Năm 1985. Bà đóng vai một thanh tra cảnh sát và bộ phim thành công đến nỗi nó truyền cảm hứng cho nhiều phim hành động bằng tiếng Hoa khác có vai chính là nữ.
"Tôi đóng phim hành động vì tôi không tin rằng phụ nữ là người gặp nạn. Câu chuyện của họ phải được kể một cách đúng đắn,” bà Dương Tử Quỳnh nói.
Cody Foo, người là hàng xóm với bà ở Ipoh khi ông mới năm tuổi, kể lại: “Tôi nhớ là mẹ tôi muốn chơi với bác ấy suốt. Tôi biết bác là người quan trọng vì mẹ tôi gọi bác là Aunty Michelle Yeoh, không chỉ là Aunty Michelle. Tôi nhớ có lần tôi xin được chơi cái dây đeo chìa khóa của bác ấy và bác cho tôi chơi, để tôi nghịch nó trong lúc bác ấy nói chuyện với mẹ. Bác ấy cũng như các aunty khác.”
Thành công của bà đã để lại dấu ấn với nhiều người Malaysia như Cody, nay là một nghệ sĩ thu âm 33 tuổi.
“Thật khó mà tưởng tượng thành công trông như thế nào đối với các nhóm thiểu số như chúng tôi trong ngành công nghiệp sáng tạo, cho đến khi Michelle Yeoh cho tôi thấy là tôi có thể làm được,” anh Foo nói.
“Năm 1996, chúng tôi đến ủng hộ bà tại lễ khai trương nhà hàng của bà. Không lâu sau, bà rời Malaysia để đi quay phim Tomorrow Never Dies và sau đó tôi không gặp lại bà nữa,” anh Foo kể.
Michelle Yeoh được trao vai diễn Hollywood lớn đầu tiên trong bộ phim James Bond, diễn cùng Pierce Brosnan. Bà đóng vai một gián điệp Trung cộng – một chuyển biến lớn từ các vai Bond girl truyền thống - ở thời điểm mà các vai diễn cho cộng đồng thiểu số và phụ nữ thường được đóng theo khuôn mẫu.
Trong một bài phỏng vấn với tạp chí Elle, bà nói rằng khi bà sang Mỹ đóng phim lần đầu, mọi người nghĩ rằng nếu họ nói chậm hơn thì bà sẽ hiểu tốt hơn.
“Họ rất sốc là tôi nói được tiếng Anh,” bà kể, bộc lộ rõ vẻ khó hiểu khi nói về kỷ niệm cũ. “Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra.”
“Bị gọi là thiểu số là điều tôi không hiểu ngay. Tôi đến từ Malaysia, và chúng tôi có một xã hội đa sắc tộc, và luôn tôn trọng sự khác biệt của nhau,” bà nói thêm.
Việc bà từ chối đóng các vai nữ phục tùng hay chỉ làm phụ kiện cho các vai nam chính có nghĩa bà nhận được ít vai diễn hơn. Nhưng dần dần điều đó đã thay đổi.
Phim Everything Everywhere All at Once có dàn diễn viên chủ yếu là người châu Á
"Thế giới đã thay đổi, và có những thị trường sẽ tiếp tục phát triển. Điều đó tốt cho Hollywood vì nó cho họ thấy họ cũng phải thay đổi và làm tốt hơn,” bà Dương Tử Quỳnh nói.
Nhưng ngay cả lúc này, sự đóng khung sắc tộc cho các vai diễn không phải là điều duy nhất bà phải đối mặt.
“Tôi nghĩ là nhiều người chúng ta, đặc biệt là phụ nữ, hiểu rằng khi chúng ta già đi, chúng ta bị đặt vào những cái khung nhất định. Là một diễn viên, các vai diễn bạn nhận được sẽ ít hơn và kém quan trọng hơn,” bà nói.
“Chúng ta có các nam diễn viên ở tuổi 60 hay 70 vẫn đóng vai siêu anh hùng giải cứu thế giới. Nhưng lạy Trời, vì sao phụ nữ lại không làm thế được?”
Vai diễn đột phát của Michelle Yeoh là vai Eleanor Young, một phụ nữ chủ gia đình quyền lực trong phim hài lãng mạn Crazy Rich Asians (Siêu giàu châu Á)– một phim cũng có đại đa số diễn viên người Á.
Bà nói thành công của mình là nhờ vào các đạo diễn và người kể chuyện trẻ tuổi: “Tôi dựa vào thế hệ tiếp theo của những người suy nghĩ tiến bộ như hai đạo diễn Daniel, những người đủ táo bạo để viết kịch bản này về một người phụ nữ bình thường được trao một cơ hội để trở thành một siêu anh hùng.”
“Họ tự tạo ra cơ hội cho mình. Họ tự mở con đường của mình. Tôi ước gì mình là một người viết văn, tôi sẽ viết rất nhiều kịch bản cho chính mình,” bà nói thêm.
Bộ phim Everything Everywhere All at Once (tạm dịch Mọi thứ Mọi nơi Cùng một lúc) là một rủi ro rất lớn cho bà, bạn bè và đồng nghiệp của bà nói.
"Nhưng cuộc đời là về chuyện chấp nhận mạo hiểm. Nếu không, bạn sẽ chỉ làm đi làm lại một thứ.."
"Tôi nghĩ cộng đồng châu Á cảm thấy vô hình trong một thời gian dài. Nhưng làn sóng thay đổi đang diễn ra. Phải mất nhiều thời gian, nhưng tôi thấy biết ơn được thấy nó.”
Có lẽ thật phù hợp là Michelle Yeoh, một đại diện tích cực của điện ảnh châu Á, là phụ nữ đầu tiên là người châu Á được đề cử giải Oscar, có lẽ đó là bằng chứng rằng tất cả đang thay đổi. Nhưng có lẽ không phải ở mọi nơi. Và chắc chắn không phải là cùng một lúc.
Derek Cai
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.