Bản năng tập trung vào những rắc rối và những mối đe dọa có thể huỷ hoại sức khỏe và khiến chúng ta không thể tiếp nhận được ánh sáng của sự hạnh phúc.
Nếu tất cả chúng ta đều dành thời gian để làm những điều tích cực thì những điều tích cực sẽ mang lại niềm vui cho chúng ta, điều đó không chỉ có lợi cho cuộc sống của chúng ta mà còn giúp bộ não của chúng ta nhìn thế giới là một nơi hạnh phúc hơn, tích cực hơn.
Có thể nói gần đây hầu hết mọi người đều cảm thấy hơi tiêu cực, đặc biệt là trong hai năm qua.
Sự gia tăng trầm cảm và lo lắng thường là một dấu hiệu tốt cho thấy chúng ta đang không ở trong tình trạng tốt nhất. Nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Boston cho thấy tỷ lệ trầm cảm gia tăng trong đại dịch lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 03 và tháng 04/2020 và tăng lên vào tháng 03 và tháng 04/2021, tỷ lệ trầm cảm lên tới 32.8% đã làm ảnh hưởng đến 1/3 người Mỹ trưởng thành.
Nhưng bất chấp những gì đang xảy ra trong thế giới hiện tại, có thể có một lý do khác khiến tất cả chúng ta rơi vào trạng thái u sầu, và đó chính là những thứ đang xảy ra trong bộ não của chúng ta.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bộ não của chúng ta phản ứng mạnh với những sự kiện và tình huống bất lợi hơn là những điều tích cực, điều này có thể giải thích tại sao đôi khi dường như chúng ta rất dễ rơi vào cảm giác tiêu cực và khó có thể từ bỏ chúng.
Con người và khuynh hướng tiêu cực
Tại sao chỉ một lời nhận xét chỉ trích từ đồng nghiệp hoặc ai đó cản trở bạn khi tham gia giao thông là đủ để hủy hoại một ngày của bạn? Chúng ta thường nghiền ngẫm về những điều bực bội nhỏ nhặt này, để chúng chiếm lấy suy nghĩ của chúng ta và làm hỏng những điều đã làm nên một ngày tuyệt vời của chúng ta. Vậy tại sao tâm trí của chúng ta dường như lại chỉ tập trung và coi trọng những điều xấu thay vì những điều tốt?
Khoa học cho rằng vì chúng ta có khuynh hướng.
Rất nhiều bằng chứng thực nghiệm chỉ ra rằng con người có xu hướng tập trung vào, học hỏi và sử dụng thông tin tiêu cực từ môi trường của họ nhiều hơn là các thông tin tích cực. Hành vi này có một cái tên, đó là: khuynh hướng tiêu cực – xu hướng của chúng ta là sẽ xử lý và ghi nhớ những kích thích tiêu cực hơn là những kích thích tích cực và thường tập trung vào các sự kiện bất lợi sau khi điều đó xảy ra.
Mặc dù thoạt nhìn có vẻ là kỳ lạ nhưng sự thiên vị này cũng có thể có hữu ích. Tổ tiên gần với thế hệ của chúng ta phải sống trong một thế giới đầy nguy hiểm về thể chất, phải đối phó với các loại động vật, giá lạnh, nạn đói và chiến tranh nên đòi hỏi cha ông của chúng ta phải hết sức cảnh giác về sự an toàn cho bản thân họ.
Khuynh hướng tiêu cực trong thế giới hiện đại
Thời nay, chúng ta đang sống trong một thế giới an toàn hơn nhiều, nhưng các mối đe dọa đối với sức khỏe và hạnh phúc thì thường lại ngấm ngầm hơn chứ không phải trực tiếp từ cuộc tấn công của một con vật hung dữ cụ thể nào đó.
Mặc dù có ít mối đe dọa hơn đối với sức khỏe và sự an toàn cá nhân của chúng ta và những mối đe dọa này thường ít thảm khốc hơn, nhưng bộ não của chúng ta lại vẫn cứ tiếp tục tìm kiếm những mối đe dọa mới để lo lắng. Kết quả là, chúng ta liên tục đi tìm các tình huống nguy hiểm và dành nhiều nguồn lực để tập trung sự chú ý vào những mối đe dọa đó.
Cơ chế an toàn này trong bộ não có thể đang khiến thế giới và sự tồn tại hàng ngày của chúng ta trở nên khó chịu hơn thực tế. Bộ não của chúng ta đã được lập trình sẵn để chú ý nhiều hơn đến những điều tiêu cực, điều này giải thích tại sao rất nhiều người trong chúng ta có xu hướng tập trung vào những khía cạnh tiêu cực trong cuộc sống của mình và ít chú ý đến những điều tích cực – chẳng hạn như sự nhẹ nhõm khi biết rằng bộ não hoạt động theo cách này.
Mối liên quan giữa khuynh hướng tiêu cực và sức khỏe
Nhiều thực tiễn y học truyền thống từ lâu đã nhận ra mối quan hệ giữa cảm xúc và sức khỏe của chúng ta, và khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu về mối tương quan này.
Một nghiên cứu năm 1995 được công bố trên Tập san Tiến bộ trong Y học cho thấy một cơn tức giận sẽ ức chế hệ thống miễn dịch trong tối đa là sáu giờ tính từ khi bắt đầu nổi cơn tức giận đó, và ngược lại, cảm giác quan tâm và lòng trắc ẩn sẽ làm tăng cường hệ thống miễn dịch trong tối đa sáu giờ sau đó.
Những cảm xúc mà chúng ta cho là khó chịu sẽ hủy hoại sức khỏe của chúng ta.
Lấy sự hoài nghi làm ví dụ. Một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên tập san Neurology đã cho biết về sự liên quan giữa mức độ hoài nghi cao hơn – là việc không tin tưởng vào con người và động cơ của họ – với nguy cơ bị chứng mất trí nhớ cao hơn trong cuộc sống sau này; những phát hiện này cũng tính đến nhiều yếu tố rủi ro khác như tuổi tác, giới tính, hút thuốc và sức khỏe tim mạch.
Sự hoài nghi cũng có thể làm tổn thương trái tim của bạn. Một nghiên cứu năm 2009 trên tập san Circulation đã thu thập dữ liệu từ hơn 97,000 phụ nữ tham gia nghiên cứu và phát hiện ra rằng những người nào hay hoài nghi nhất thì sẽ có nhiều khả năng bị mắc bệnh tim nhất. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng: trong thời gian tham gia nghiên cứu, những phụ nữ nào có tính bi quan hơn sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn so với những người có tính lạc quan hơn.
Một bộ não tích cực
Tất cả những thông tin được nêu trên đây không nhằm mục đích nuôi dưỡng bất kỳ sự tiêu cực nào, mà là để giúp chúng ta hiểu tại sao chúng ta có thể dễ dàng mắc kẹt trong các vòng lặp tiêu cực và khó thoát ra khỏi chúng. Tin tốt là trong quá trình này, chúng ta có thể rèn luyện bộ não trở nên tích cực hơn và cải thiện sức khỏe.
Nhận thức
Bước đơn giản đầu tiên là qua những thông tin nêu trên, chúng ta đã bắt đầu nhận thức được rằng bộ não của chúng ta đang hoạt động theo cách này; và cũng thật hữu ích khi biết rằng: chúng ta có sự nhạy cảm hơn với những kích thích tiêu cực từ môi trường và chúng ta có xu hướng bị kẹt trong nhận định đó.
Trong cuốn sách “The Power of Bad” (“Sức mạnh của điều xấu”), đồng tác giả – anh Roy Baumeister nói rằng phần lớn nghiên cứu của họ về khuynh hướng tiêu cực cho thấy rằng những điều tồi tệ có tác động gấp hai, ba hoặc bốn lần so với những điều tốt đẹp. Anh đã nêu ra ví dụ về một mối quan hệ để chứng minh quan điểm của mình: Nếu bạn đã làm điều gì đó khiến người bạn đời khó chịu và nếu muốn làm lành với họ thì bạn sẽ phải làm ba hoặc có lẽ bốn điều tốt đẹp mới có thể giải quyết ổn thỏa được.
Thay đổi sự tập trung
Lần tới, khi bạn nhận thấy mình đang chăm chú lắng nghe một bình luận nhanh từ một người bạn hoặc đang chăm chú vào những bản tin thảm khốc mới nhất thì nên tự nhủ rằng bạn cần phải tìm những tin tức tích cực hơn. Bạn nên ra ngoài đi dạo hoặc nghe những bản nhạc yêu thích. Làm điều gì đó mà bạn biết sẽ làm cho bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Việc thay đổi môi trường và sự tập trung là cực kỳ tốt và sẽ kéo bạn ra khỏi chu kỳ mà bạn có thể bị mắc kẹt.
Nuôi dưỡng tư duy tích cực
Điều này nghe có vẻ khó tin, nhưng thời nay có rất nhiều điều kỳ diệu đang xảy ra trên thế giới mà bạn có thể chưa được nghe. Các thông tin xấu đang thống trị trên sóng phát thanh, nhưng những câu chuyện tích cực cũng vẫn còn ở đó; chỉ cần bạn chịu khó hơn một chút là có thể tìm thấy những câu chuyện tích cực đó. Tôi đã đăng nhập hệ thống Good News Network vào hộp thư đến của mình trong nhiều năm là chính vì lý do này.
Các tác giả của cuốn “The Power of Bad” (“Sức mạnh của điều xấu”) đề xuất một cách khác để nuôi dưỡng tư duy tích cực đó là viết nhật ký về lòng biết ơn để chống lại khuynh hướng hướng tới sự u ám và diệt vong của chúng ta. Tìm kiếm, tập trung vào và viết hàng ngày về những khía cạnh tích cực trong cuộc sống là một cách tuyệt vời để khuyến khích sự tích cực và giúp chúng ta điều chỉnh lại bộ não khỏi những khuynh hướng tiêu cực của bản thân.
Theo bản năng, chúng ta đều biết rằng những điều tiêu cực sẽ không khiến bạn cảm thấy tốt và những điều tích cực thì có. Chúng ta có thể cảm nhận được hiệu ứng khi xem các đoạn phim thời sự về chiến tranh hoặc thiên tai. Đây là những ví dụ cực đoan, nhưng ngay cả những sự kiện tiêu cực nhỏ cũng có thể xâm nhập vào tâm hồn và chi phối tâm trạng, chiếm không gian quý giá trong trái tim và khối óc của chúng ta. Và đây cũng là nơi mà sự chánh niệm xuất hiện. Trong cả cuộc đời, ai cũng có những điều tốt đẹp, tình yêu và niềm vui; chúng ta chỉ cần xác định được nó, tập trung và trau dồi nó.
Đối với tôi, những khoảnh khắc tích cực hàng ngày là:
· Một cái ôm tự nguyện từ một trong những đứa con
· Ngắm những chú chim đang được cho ăn
· Vuốt ve chú mèo
· Chăm sóc cây cối trong vườn nhà
Những điều này khiến tôi hứng khởi và nuôi dưỡng trái tim tôi. Do đó, tôi cố gắng dành thời gian cho những hoạt động này mỗi ngày và tôi coi đó là một phần quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe của mình.
Bạn nên dành thời gian để suy ngẫm về điều gì mang lại niềm vui cho bạn và cố gắng dành thời gian cho những điều đó một cách thường xuyên nhất có thể. Các hoạt động giúp bạn hạnh phúc và khỏe mạnh hơn sẽ chống lại sự tiêu cực đang tranh giành năng lượng và sự chú ý của bạn. Nếu tất cả chúng ta đều dành thời gian để làm những điều tích cực thì những điều tích cực sẽ mang lại niềm vui cho chúng ta, điều đó không chỉ có lợi cho cuộc sống của chúng ta mà còn giúp bộ não của chúng ta nhìn thế giới là một nơi hạnh phúc hơn, tích cực hơn.
Emma Suttie _ Khánh Nam
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.