Người đàn ông chặn nòng súng cảnh sát tại Hồng Kông ngày 25/8/2019 được ví như Tank Man thời hiện đại.
Trong cuộc biểu tình tại Hồng Kông vào tối 25/8 (giờ địa phương), nhiều hãng truyền thông đưa tin về một người đàn ông lớn tuổi cầu xin cảnh sát không nổ súng vào những người biểu tình trẻ tuổi.
Diễn biến leo thang đã xuất hiện khi những người cảnh sát rút súng lục nhắm vào những người biểu tình trẻ tuổi, một sĩ quan sau đó đã bắn súng chỉ thiên. Trong tình huống căng thẳng đó, một người đàn ông đã đứng chắn nòng súng của một viên cảnh sát và cầu xin anh ta không nổ súng.
Bức ảnh ghi lại tình huống này đã được lan truyền trên nhiều hãng thông tấn và mạng xã hội.
Cảnh sát chĩa súng vào những người biểu tình, trong khi một người đàn ông lớn tuổi xin họ đừng bắn.
Nhưng không phải tờ báo nào cũng đăng các bức ảnh chi tiết hơn về hành động dũng cảm của người đàn ông.
Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), nhà hoạt động dân chủ 22 tuổi, đã công bố những bức ảnh chi tiết trên trang Twitter của anh vào cùng ngày, kèm vài dòng mô tả sự việc.
Các bức ảnh liên tiếp đã ghi lại chân thực tình huống người đàn ông lớn tuổi đeo kính, cầm ô và quỳ gối cầu xin người cảnh sát đang cầm súng chĩa về phía những người biểu tình và các phóng viên. Viên sĩ quan vẫn tiếp tục chĩa súng vào những người biểu tình, đồng thời dùng chân đạp thẳng vào bụng người đàn ông đang quỳ gối và khiến ông ngã xuống đất.
Người đàn ông lớn tuổi quỳ xuống cầu xin viên cảnh sát không nổ súng vào những người biểu tình trẻ tuổi tối ngày 25/8/2019 tại Hồng Kông.
Hoàng Chi Phong, cựu thủ lĩnh sinh viên nổi tiếng trong phong trào Ô năm 2014, đã ví người đàn ông đối diện với nòng súng tối 25/8 cũng dũng cảm tựa như Tank Man – người đàn ông chắn ngang đoàn xe tăng vào ngày 5/6/1989, ngay sau ngày quân đội Trung Cộng thảm sát sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.
Anh viết trên Twitter: “Người đàn ông chắn xe tăng ở Bắc Kinh năm 1989 đã trở thành Người đàn ông chặn súng lục ở Hồng Kông năm 2019”.
Các kênh tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Cộng đổ lỗi cho Mỹ là “bàn tay đen đằng sau hậu trường tạo ra sự hỗn loạn ở Hồng Kông”. Theo Reuters, thuật ngữ này cũng từng được sử dụng để chống lại các nhà lãnh đạo phong trào biểu tình Thiên An Môn năm 1989.
Các nhà quan sát đang đưa ra những dự đoán khác nhau về khả năng chính quyền Trung Cộng sử dụng bạo lực để đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông, như họ đã từng làm đối với phong trào Thiên An Môn năm 1989.
Một số ý kiến cho rằng Đảng Cộng sản Trung Cộng không dám tái diễn một cuộc thảm sát đẫm máu như cách đây 30 năm, tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết Bắc Kinh có kế hoạch cài cắm đặc vụ giả dạng những người biểu tình, gây ra những tội ác khủng khiếp đối với cảnh sát để lấy cớ trấn áp phong trào dân chủ tại thành phố Hồng Kông.
Minh Hòa
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.