Bạn không thể tập trung vào bất cứ việc gì? Bạn không phải người duy nhất cảm thấy thế đâu.
Cảm giác lo âu do đại dịch Covid-19 gây ra đã làm ảnh hưởng đến bộ nhớ làm việc trong não ta.
Chúng ta đều biết đến cảm giác này: Bạn bước vào một căn phòng với ý định làm gì đó, và ngừng lại, cảm thấy chút bối rối và lỡ trớn một chút, rồi phát hiện ra đã quên mất vì sao mình bước vào phòng.
Năm 2011, các nhà nghiên cứu từ Đại học Notre Dame tìm hiểu nguyên do vì sao - và họ cho rằng chính hành động bước qua cánh cửa khiến ta rơi vào tình trạng quên tức thời.
Nghiên cứu của họ lý giải rằng bộ não chỉ được thiết kế để lưu giữ một số thông tin nhất định trong tức thời, và việc thay đổi địa điểm giống như một kích thích sẽ làm một số dữ liệu rơi rớt để nhường chỗ cho thông tin mới.
Từ khi đại dịch virus corona lan rộng, nhiều lần trong ngày tôi cảm thấy quên mất vì sao tôi đi vào bếp. Thực tế là tôi thấy mình hầu như không thể tập trung vào bất cứ việc gì. Tôi không thể nhớ số điện thoại trong đầu đủ lâu để có thể gọi điện tới số đó, và tôi tốn rất nhiều thời gian để viết một cái email đơn giản. Tôi bắt đầu với một việc, và chỉ vài phút sau đã bị xao nhãng. Năng suất làm việc suy giảm.
Tôi không phải người duy nhất bị như vậy. Gần như với tất cả mọi người mà tôi kể cho nghe về vấn đề lo lắng này, chính họ cũng đang gặp tình hình tương tự.
Thình lình, ta phải tốn rất nhiều nỗ lực để thực hiện việc gì đó đơn giản. "Tôi rất bận rộn," một nhà văn bạn tôi gần đây cho biết, "chẳng làm gì ngoài rửa chén và đi bộ."
Tập trung mềm
Vấn đề đang xảy ra chính là tình trạng bộ nhớ làm việc gặp trục trặc: đó là khả năng nắm bắt thông tin truyền tải đến, hình thành một suy nghĩ liền mạch và giữ nó trong đầu đủ lâu để thực hiện việc bạn cần phải làm với ý nghĩ đó.
"Hãy nghĩ rằng nó là bệ đỡ tâm lý để hoạt động nhận thức của chúng ta, những gì chúng ta đang suy nghĩ, vận hành trên đó," Matti Laine, giáo sư tâm lý học tại Đại học Åbo Akademi ở Phần Lan lý giải. "Hoạt động của bộ nhớ thì có liên quan chặt chẽ tới sự chú ý. Bạn tập trung vào một nhiệm vụ, một mục tiêu, hay định hướng hoặc hành vi mà bạn muốn hoàn thành."
Nói cách khác, bộ nhớ làm việc là khả năng suy luận theo thời gian thực, và nó chiếm phần lớn khả năng khiến não người đầy sức mạnh. Nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi tình huống thay đổi quá nhanh, thì sự lo lắng và căng thẳng có thể gây ra tác động đáng kể với khả năng tập trung của bạn.
"Từ rất lâu trước khi đại dịch xảy ra, chúng tôi đã hoàn thành một nghiên cứu trên mạng với một nhóm đông, gồm những người Mỹ trưởng thành, những người tham gia điền vào bảng hỏi tự đánh giá," Laine cho biết.
"Chúng tôi thấy xu hướng quan hệ tiêu cực giữa tình trạng lo âu và bộ nhớ làm việc. Sự căng thẳng càng nhiều thì khả năng của bộ nhớ làm việc càng suy giảm."
Khi bạn trải qua tình trạng vô cùng lo âu, chẳng hạn như ai đó đe dọa đang theo chân bạn trên đường về nhà ngay trong bóng tối - thì có thể bạn sẽ khó nhớ lại chi tiết gương mặt họ. Tình huống căng thẳng kéo dài có thể tàn phá bộ nhớ làm việc, khiến cho ngay cả những việc đơn giản nhất cũng khó khăn hơn trước đây ta từng làm.
"Ta đang nói đến những lo âu và căng thẳng không quá gay gắt," Laine giải thích. "Nó liên quan đến tương lai cực kỳ bất định. Bạn không biết là liệu tình trạng này sẽ tiếp tục trong mùa hè này, hay mùa thu này? Không ai biết. Nó đẩy ta vào tình trạng lo âu triền miên."
Khi thu thập dữ liệu cho một nghiên cứu chưa công bố về huấn luyện bộ nhớ làm việc trong mùa xuân này, Laine cho biết ông và nhóm nghiên cứu đã hỏi khoảng 200 người từ Anh Quốc và Bắc Mỹ liệu họ có cảm thấy lo âu đặc thù nào liên quan đến đại dịch không.
Tình trạng thiếu ngủ cũng "tàn phá" bộ nhớ làm việc của bạn, Oliver Robinson từ Đại học University College London cho biết
"Chúng tôi có thêm vào một câu hỏi liên quan đến lo âu về đại dịch vì thời điểm đó tin tức này tràn ngập," Laine chia sẻ. "Chúng tôi yêu cầu mọi người cho biết mức độ lo âu tính theo thang bậc từ 0 đến 10, trong đó 10 là 'liên tục lo lắng âm ỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày'. Mức độ trung bình, tôi nghĩ là khá cao, đo được ở mức 5,6 điểm."
Thêm vào đó, Laine cho biết những con số này cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa lo âu vì đại dịch và sự suy giảm khả năng của bộ nhớ làm việc, mặc dù có rất nhiều cơ chế khác nhau có thể khiến lo âu, dù có liên quan đến đại dịch hay không, gây ảnh hưởng đến khả năng nhận thức.
"Có ý kiến cho rằng bằng cách nào đó nó ăn mòn khả năng của bạn," ông nói. "Khi bạn lo âu, đầu óc của bạn đầy ý nghĩ, và bằng cách nào đó bộ não của bạn thiên lệch và chú ý hơn đến những chuyện tiêu cực."
Tình trạng lo âu kéo dài cũng có thể gây ra mất ngủ, Oliver Robinson từ Viện Khoa học Thần kinh Nhận thức thuộc Đại học University College London chia sẻ. "Thiếu ngủ là cách dễ dàng làm suy giảm bộ nhớ làm việc," ông nói. "Nếu bạn cũng không ngủ ngon, thì điều đó càng tàn phá bộ nhớ dữ dội hơn."
Thậm chí nếu bạn không nhận thấy một cách rõ ràng rằng mình đang mấp mé bên bờ rơi vào tình trạng này, "thì đó là thứ bạn đang rơi vào," Robinson chia sẻ. Vấn đề với bộ nhớ làm việc cũng có thể một phần là vì khối lượng nhận thức được nạp vào quá tải so với khả năng tiếp nhận của não bộ bạn.
Robinson giải thích rằng thậm chí ngay cả những quy trình nhận thức đơn giản như lập danh sách đồ cần mua sắm giờ đây cũng đòi hỏi nhiều năng lực não bộ hơn.
"Giờ đây, thay vì suy nghĩ, 'Tôi chỉ đơn giản là đi ra cửa hàng', bạn nghĩ về thứ bạn cần, cửa hàng nào đang mở và liệu đi vô cửa hàng đó có an toàn hay không. Vậy là bộ não bạn có thể làm bốn việc cùng lúc. GIờ đây thình lình có tới 10 việc cùng lúc, và bạn không thể làm bất cứ việc gì."
Điều gì tốt cho não?
Xếp hàng trước các cửa hàng trước đây chỉ là một việc tầm phào. Giờ đây vì Covid-19, quy trình có thêm nhiều bước khiến gia tăng căng thẳng và quá tải thần kinh
Tin tốt lành là bạn có thể tập luyện cho bộ nhớ làm việc. Có rất nhiều "trò chơi luyện trí não", nhưng các chuyên gia đồng tình rằng dù có chơi hầu hết các trò chơi này cũng không thực sự có ích lợi gì trừ việc giúp bạn chơi giỏi hơn.
"Các trò chơi huấn luyện nhận thức không giúp tôi nhớ tốt hơn danh sách cần mua hàng," Robinson nói. "Giống như ta cố gắng huấn luyện mọi người chơi tennis bằng cách bắt họ học chạy."
Tuy nhiên, một loại bài tập huấn luyện đặc thù, có tên là N-back, cho thấy nhiều hứa hẹn trong một số nghiên cứu.
Bài tập N-back hơi giống với trò chơi về tập trung kiểu truyền thống, mà người chơi phải tìm ra hai lá bài giống nhau. Nhưng thay vì là hai lá bài, thì ở đây chỉ có một vật thể di chuyển vòng quanh bảng ô vuông. Người chơi phải nhớ vị trí của vật thể qua một số lượt di chuyển - một lượt lùi, hai lượt lùi, cứ vậy.
Dù chơi trò chơi này có đem lại tác dụng trong thế giới thật cho bộ nhớ làm việc hay không vẫn còn là điều gây tranh cãi trong giới khoa học thần kinh, nhưng chơi vài vòng có thể giúp bạn giải tỏa đôi chút căng thẳng. Sau hết thì, chính là sự lo âu là nguyên nhân đầu tiên gây ra tình trạng này, và giải tỏa một chút có thể giúp giải quyết vấn đề về tập trung.
Thông thường, trong trị liệu lo âu, "chúng tôi dựa vào việc cho mọi người thấy rằng mọi việc không đến nỗi tệ như họ nghĩ," Robinson giải thích. "Trong trường hợp này, bạn thực sự không thể dùng cách này. Nhưng bạn có thể giới hạn những việc có thể khiến bạn suy nghĩ về điều đó."
Nói cách khác, khởi động lại bộ nhớ làm việc của bạn đồng nghĩa với việc cắt giảm việc đọc tin tức và việc cân nhắc tạm ngừng chơi mạng xã hội. Nhưng cách hiệu quả nhất có lẽ đơn giản là thuyết phục bản thân rằng sự vất vả này là bình thường.
"Hãy cho phép bản thân cảm thấy ổn khi bản thân thấy không ổn, nghịch lý là, việc này có thể khiến bạn thấy ổn hơn. Nếu bạn cứ bám lấy nó, bạn sẽ không làm được việc gì cả," Robinson nói.
"Chỉ đơn giản là bạn sẽ không làm việc năng suất như trước, và chẳng có gì sai khi ta không thể làm việc 100% công suất: ta vẫn đang ở giữa mùa đại dịch mà."
Kate Morgan
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.