Ngày Ðộc Lập nói chung là ngày mà các quốc gia, lớn hoặc nhỏ, mở hội mừng vui được thoát khỏi ách cai trị của một nước khác, được tự do.
Ngày Ðộc Lập của Hoa Kỳ không giống như ngày Ðộc Lập của các quốc gia khác. Bởi vì ngày 4 tháng 7 năm 1776 là ngày khai sinh của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ðó là ngày mà Quốc Hội của Ðệ Nhị Lục Ðịa (Second Continental Congress) chấp thuận Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập và tuyên bố các Thuộc Ðịa Mỹ được tự do và trở thành các tiểu bang độc lập.
CON ÐƯỜNG ÐI ÐẾN ÐỘC LẬP
Nhiều người thắc mắc tại sao Hoa Kỳ là một quốc gia mới tại Mỹ châu, một lục địa mới được khám phá mà lại có một Ngày Ðộc Lập? Như vậy, trước đó Hoa Kỳ đã lệ thuộc vào quốc gia nào?
Theo lịch sử Hoa Kỳ thì trong thời kỳ các di dân từ Âu Châu vượt biển đến Mỹ Châu để khai phá và định cư tại lục địa mới này, họ đã thành lập được 13 thuộc địa (Colonies). Các di dân phần lớn từ Anh Quốc, Pháp và một số từ Hòa Lan, Ý vân vân.
Vương Quốc Anh và Pháp Quốc đã tranh giành nhau để kiểm soát vùng phía đông Bắc Châu Mỹ trong thời kỳ các thuộc địa đang hình thành. Và khi mà các di dân đi sâu vào nội địa, thì cả hai nước Anh và Pháp đã chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn nằm giữa dãy núi Appalachian Mountains và sông Mississippi.
Vì biên giới giữa các vùng đất ở Bắc Mỹ mà Anh và Pháp chiếm cứ không rõ ràng và cũng vì cả hai nước này đều tranh nhau mua những bộ da và lông thú của người Da Ðỏ, cho nên xảy ra xung đột.
Cuộc tranh giành này đã làm bùng nổ cuộc Chiến Tranh của người Pháp và người Da Ðỏ chống lại người Anh vào năm 1754, gọi là “French and Indian War”.
“French and Indian War” là cuộc xung đột tại Bắc Mỹ trong quy mô chiến tranh đế quốc giữa Anh và Pháp, hai nước đi tìm thuộc địa. Trong cuộc chiến tranh này mỗi bên đều có sự ủng hộ của các bộ lạc Da Đỏ. Cuộc chiến tranh này kéo dài từ 1754 đến 1763, lịch sử gọi là “The Seven Years’ War” - "Cuộc Chiến Bảy Năm".
Cuối cùng quân Anh đã thắng. Hai bên Anh và Pháp ký Hiệp Ðịnh Paris năm 1763, (Treaty of Paris in 1763). Theo Hiệp Ðịnh này, Vương Quốc Anh được quyền kiểm soát:
· hầu hết các đất đai của Pháp (bây giờ là Canada).
· và tất cả các đất đai của Pháp trên lưu vực phía Ðông sông Mississippi ngoại trừ vùng New Orleans.
Cũng trong năm 1763, Vương Quốc Anh được tiếp nhận vùng Florida từ người Tây Ban Nha. Do đó, Anh Quốc đã kiểm soát hầu hết các lãnh thổ ở Bắc Mỹ từ Ðại Tây Dương đến sông Mississippi.
Cuộc chiến tranh Pháp và Da Ðỏ (The French and Indian War) đã là một khúc quanh của Lịch Sử Mỹ. Nó đã gây ra một loạt thay đổi trong chính sách của Anh Quốc tại châu Mỹ làm nảy sinh ra phong trào giành độc lập của các thuộc địa.
ANH QUỐC THAY ÐỔI CHÍNH SÁCH
Cuộc Chiến Tranh Pháp và Da Ðỏ đã tạo nên cho người Anh nhiều vấn đề quan trọng. Sau cuộc chiến, Vương Quốc Anh đã tìm cách tăng cường sự kiểm soát trên các vùng lãnh thổ tại Mỹ Châu vừa mới mở rộng.
Ngoài ra, trong cuộc chiến đánh quân Pháp và quân Da Ðỏ, Vương Quốc Anh đã phải tiêu rất nhiều tiền của, làm cho số nợ của quốc gia tăng lên gần gấp đôi.
Vua George đệ Tam, lên ngôi năm 1760, chỉ thị cho Quốc Hội Anh thiết lập các chính sách để giải quyết các vấn đề ấy. Lập tức Quốc Hội Anh thông qua các điều luật hạn chế quyền tự do của cư dân thuộc địa Mỹ, đánh thuế vào họ (hoặc vừa hạn chế tự do vừa đánh thuế.)
Trong năm 1763, Quốc Hội Anh cũng đã biểu quyết việc đóng quân Anh thường trực tại Bắc Mỹ để củng cố quyền kiểm soát của người Anh trên lãnh thổ này. Hai năm sau, có đạo luật gọi là “Quartering Act” quy định rằng các cư dân thuộc địa phải cung cấp lương thực và tiếp liệu cho quân đội Anh. Vương Quốc Anh cũng tìm cách gìn giữ hòa bình tại Bắc Mỹ bằng sự thiết lập quan hệ tốt với các bộ tộc thổ dân Da Ðỏ. Người Da Ðỏ đã bị mất đi một phần khá lớn đất đai cho các di dân da trắng.
Ðể lấy lòng người Da Ðỏ, Vương Quốc Anh ra tuyên cáo Tháng 10-1763, cấm các cư dân thuộc địa Mỹ lấn chiếm về phía Tây dãy núi Appalachian cho đến khi các hiệp định ký kết với người Da Ðỏ có thể cho phép mở rộng đến các vùng đất đó.
Vua George và Quốc Hội Anh nghĩ rằng đã đến lúc những cư dân thuộc địa phải bắt đầu tuân hành các luật lệ thương mại và phải trả phần đóng góp của họ trong các chi phí để duy trì Ðế Quốc Anh.
Năm 1764, Quốc Hội Anh thông qua đạo luật “Sugar Act”. Luật này cho phép thu các thứ thuế trên các loại đường và mật nhập vào các thuộc địa. Luật này cũng cho các viên chức Anh được quyền khám xét những cơ sở kinh doanh và nhà cửa của những người bị tình nghi là vi phạm luật này.
Năm 1765, đạo luật “Stamp Act” mở rộng ra khắp các thuộc địa các loại thuế truyền thống của Anh Quốc như thuế đánh vào nhật báo, tài liệu pháp lý và nhiều loại văn bản khác.
PHẢN ỨNG CỦA CÁC THUỘC ÐỊA
Cư dân các thuộc địa Mỹ đã chống đối một cách gay gắt các chính sách mới của Anh quốc. Họ tuyên cáo rằng chính phủ Anh quốc không có quyền giới hạn việc định cư của họ, cũng không có quyền tước đoạt tự do của họ bằng bất cứ một cách nào khác. Họ chống đối các thứ thuế mà Anh quốc đặt ra một cách quyết liệt. Họ lý luận rằng: cư dân thuộc địa không có đại diện trong Quốc Hội, do đó, Vương quốc Anh không có quyền đánh thuế họ. Cư dân thuộc địa đã bộc lộ ý tưởng này bằng biểu ngữ với nội dung “Ðánh thuế mà Không có Ðại Diện là Ðộc tài” - ”Taxation Without Representation is Tyranny.”
Ðể phản đối các luật mới, cư dân thuộc địa đã tổ chức một cuộc tẩy chay hàng hóa Anh Quốc một cách rộng khắp.
Một số cư dân thuộc địa tham gia các hội bí mật (hội kín) có tên là “NHỮNG NGƯỜI CON CỦA TỰ DO” (Sons of Liberty). Các nhóm này đe dọa dùng bạo lực để ngăn chặn sự thi hành các đạo luật của Anh Quốc.
Năm 1765, đại diện của chín thuộc địa đã gặp nhau để bàn về luật “Stamp Act” và tìm cách liên kết hành động chống lại Vương Quốc Anh.
Cuộc tẩy chay và sự phản kháng của các thuộc địa đã báo động đến các nhà lãnh đạo Vương quốc Anh. Năm 1766, Quốc Hội rút lại đạo luật Stamp Act. Nhưng đồng thời Quốc Hội này lại tuyên bố rằng Vương Quốc Anh vẫn có quyền ban hành luật cho các thuộc địa.
Vì vậy sự lắng dịu giữa những thuộc địa Mỹ và Anh quốc chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi. Các xung đột lại dấy lên.
Năm 1767, Quốc Hội Anh thông qua luật “Townshend Acts” đánh thuế trên các loại sản phẩm có chất chì, trên sơn, giấy và trà nhập vào các thuộc địa.
Chính những luật này và một số luật khác đã khơi lại sự bất mãn trong các cư dân thuộc địa. Khi sự căng thẳng giữa người thuộc địa Mỹ và người Anh gia tăng, Vương Quốc Anh đã phản ứng bằng cách gửi quân đội đến Boston và New York City. Sự xuất hiện của quân lính Anh Quốc trên các đường phố đã làm cho dân thuộc địa sùng sục nổi giận.
Ngày 5-3-1770, thường dân thành phố Boston đã mắng nhiếc và chế nhạo một nhóm binh sĩ của quân đội Anh. Quân đội Anh đã bắn vào thường dân làm ba người chết và tám người bị thương, trong đó có hai người chết tại bệnh viện.
Biến cố bất ngờ này, được gọi là Cuộc Thảm sát Boston (Boston Massacre), đã gây xúc động người Mỹ và làm điên đầu chính phủ Anh.
Năm 1770, Quốc Hội Anh rút lại hầu hết các sắc thuế của “Townshend Acts” chỉ giữ lại một thứ, đó là thuế đánh vào trà. Ba năm sau, 1773, Quốc Hội Anh giảm thuế nhập cảng trên trà do công ty East India, một xí nghiệp của Anh Quốc. Việc làm này đã đụng chạm đến dân thuộc địa theo hai cách: thứ nhất, Vương Quốc Anh tái khẳng định quyền đánh thuế dân thuộc địa, và thứ hai, tạo lợi thế cho Công Ty Trà East India trong thương mại, như thế là bất công.
Giận dữ, người Mỹ thề không dùng trà nữa và các thương gia thuộc địa từ khước việc bán trà.
Ngày 16-12-1773, một nhóm dân thuộc địa Mỹ đã diễn tuồng Boston Tea Party để minh họa sự chống đối của họ. Y phục như người Da Ðỏ, cư dân thuộc địa nhảy lên thuyền buôn của công ty East India và ném những thùng trà trên thuyền xuống Hải Cảng Boston.
Ðầu năm 1774, tức giận vì vở kịch Boston Tea Party, Quốc Hội Anh đã ra một đạo luật để trừng phạt dân thuộc địa, trong đó có khoản đóng cửa hải cảng Boston và gia tăng quyền lực cho viên Toàn quyền Hoàng Gia Anh tại thuộc địa Massachusetts và buộc dân thuộc địa phải cung cấp nhà ở và nuôi binh lính Anh Quốc.
Dân thuộc địa Mỹ gọi đạo luật này là “Intolerable Acts” nghĩa là “Không thể chấp nhận được”.
Cũng trong năm 1774, theo đạo luật “Quebec Act”, Vương Quốc Anh mở rộng biên giới của các thuộc địa Anh tại Quebec (nay là Canada) đến vùng đất phía Bắc sông Ohio. Quebec là một thuộc địa rất đông người Pháp, sự kiện này làm cho người Mỹ nhận thấy là đang có sự bành trướng của thuộc địa này.
Ðạo luật mà Mỹ gọi là “Intolerable Act” đã làm cho sự phẫn nộ Anh quốc càng ngày càng dâng lên. Ngày 7-9-1774, các phái đoàn của 12 thuộc địa đã họp Nghị Hội Lục Ðịa Ðầu Tiên (the First Continental Congress) tại Philadelphia.
Các phái đoàn này gồm những người có tinh thần trách nhiệm, không thích sự rối loạn phi pháp, họ vẫn muốn có sự dàn xếp êm thấm với chính phủ Anh quốc. Họ tái khẳng định sự trung thành với Vương quốc Anh, thừa nhận rằng Quốc Hội có quyền chỉ đạo các công tác đối ngoại của thuộc địa. Nhưng đồng thời, các phái đoàn cũng kêu gọi chấm dứt mọi cuộc buôn bán với Vương quốc Anh cho đến khi Quốc Hội rút lại một số luật và thuế kể cả “Intolerable Act”.
Vua George mất hết hy vọng hòa hợp với các thuộc địa, đã nhấn mạnh rằng các thuộc địa phải lựa chọn sự tuân phục luật lệ của Anh Quốc hoặc là bị tiêu diệt.
Thế là Chiến Tranh Cách Mạng (Revolutionary War) bùng nổ. Ngày 19-4-1775, quân đội Anh tìm cách tịch thu hoặc phá hủy các tiếp liệu quân sự của dân quân Massachusetts. Hành động này đã khai hỏa cho cuộc Chiến Tranh Cách Mạng.
Dân thuộc địa - đầu tiên tại Lexington, tiếp theo là Concord, Massachusetts - đã đứng lên tự võ trang chống lại quân Anh.
Những người Mỹ can trường tại Concord đã chận đứng cuộc tiến quân của Anh. Tin về sự thành công này lan nhanh và hy vọng chiến thắng Vương quốc Anh ngày càng lớn lên.
Các lãnh tụ của thuộc địa họp Nghị Hội Lục Ðịa Lần Thứ Hai vào ngày 10-5, 1775. Nghị Hội phải đối diện với nhiệm vụ chuẩn bị cho các thuộc địa lâm chiến. Nghị Hội tổ chức Ðạo Quân Lục Ðịa được dân từ các thuộc địa về tham gia.
Ngày 15-6, Nghị Hội tấn phong George Washington của Virginia làm Tư lệnh Tối Cao của Quân Ðội.
Ngày 23-8-1775, Vua Anh, George chính thức tuyên bố tình hình nổi loạn của các thuộc địa tại Mỹ Châu. Nhà vua cảnh cáo người Mỹ hãy chấm dứt cuộc nổi loạn hoặc sẽ phải bị đánh bại bởi Vương Quốc Anh.
Lời đe dọa này của Vua George đã không có tác dụng nào đến sự quyết tâm chiến đấu của dân thuộc địa. Chỉ có một số người - gọi là người trung thành - ủng hộ sự tuân phục luật lệ Anh quốc, nhưng đa số người Mỹ lúc bấy giờ, đều ủng hộ cuộc chiến đấu cho độc lập.
Những người còn lưng chừng đã được thuyết phục khi họ đọc cuốn sách mỏng của Thomas Paine về “Lẽ Phải Thông Thường” (Common Sense). Trong cuốn sách nhỏ sáng giá này, Thomas Paine đã biện minh cho chính nghĩa của Tự Do. Ông chỉ đưa ra cho người Mỹ hai con đường để lựa chọn: Một là chấp nhận chế độ độc tài của Vua Anh, hai là phá bỏ các xiềng xích, trói buộc của họ bằng cách tuyên cáo thành lập một nước Cộng Hòa. Ða số dân Mỹ tại 13 thuộc địa đầu tiên đã lựa chọn tranh đấu cho độc lập.
Ngày 4 tháng 7 năm 1776, Nghị Hội Lục Ðịa Lần Thứ Hai đã chính thức tuyên cáo nền độc lập và thành lập Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ qua sự chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập.
Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập do Thomas Jefferson của Virginia soạn thảo. Bản tuyên ngôn này là một hành động xóa bỏ vương quyền, Quốc Hội và người Anh. Nó cũng đặt nền tảng cho chính nghĩa của cuộc cách mạng bằng những sự thật hiển nhiên của con người.
Nội dung Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hoa Kỳ rất có giá trị thuyết phục về cả hai mặt: đạo lý nhân bản và chính trị. Nhiều đoạn trong bản tuyên ngôn đã gây một ảnh hưởng sâu xa trên nhân dân Hoa Kỳ và nhiều dân tộc khác trên thế giới.
Ðặc biệt dòng tuyên bố rằng:
“Chúng ta duy trì những chân lý này, chúng hiển nhiên rằng tất cả mọi người được sinh ra đều bình đẳng, và được Thượng Ðế ban cho một số Quyền không thể bị tước đoạt, trong đó có những quyền như Sự sống, Tự Do và Quyền tìm kiếm Hạnh Phúc.” - "We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness.”
Ðể bảo vệ những quyền này, người ta phải tổ chức chính phủ và chính phủ phải thi hành các quyền lực do nhân dân đồng thuận và giao phó. Khi một chính phủ không còn tôn trọng quyền lợi của nhân dân, thì nhân dân có bổn phận thay đổi chính phủ ấy, hoặc hủy bỏ nó để thay vào một chính phủ mới.
Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hoa Kỳ là một chiến thắng của người Mỹ tại 13 thuộc địa đầu tiên của Hoa Kỳ (sau này là 13 tiểu bang đầu tiên, được biểu tượng bằng 13 vạch trên là quốc kỳ Mỹ hiện nay) đối với đế quốc Anh hùng mạnh. Nó đã ảnh hưởng sâu xa đến các quốc gia khác trên thế giới, nhất là các quốc gia bị các nước tây phương chiếm làm thuộc địa và thi hành các chính sách hà khắc.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.