Hơn một thập niên sau Thế Chiến 2, Canada chế tạo thành công chiến đấu cơ phản lực Arrow siêu đẳng, nhưng dự án nhanh chóng bị xoá sổ do quá tốn kém.
Việc dự án chấm dứt cho thấy các nước nhỏ khó lòng cạnh tranh nổi trong Kỷ nguyên Phản lực cơ.
Trong những năm đầu của thời Chiến tranh Lạnh, Canada quyết định sẽ thiết kế và chế tạo ra chiến đấu cơ tối tân nhất thế giới.
Tham vọng
Canada vốn nổi tiếng với những chiếc máy bay dã chiến, có khả năng hạ cánh và cất cánh nơi địa hình hoang dã. Từ hồi cuối thập niên 1930, quốc gia Bắc Mỹ này đã bắt đầu sản xuất các máy bay do Anh thiết kế để trợ lực cho quân Đồng minh. Hầu hết những phi cơ này đều là những thiết kế mang tính biểu tượng thời chiến, như chiến đấu cơ Hawker Hurricane và phi cơ ném bom Avro Lancaster.
Các chính trị gia và kỹ sư đầy tham vọng của Canada không thỏa mãn với vai trò này. Họ quyết định gây dựng ngành chế tạo máy bay hàng đầu thế giới, hoạt động riêng biệt khỏi các nhà máy và lực lượng nhân công có tay nghề đã hình thành được trong thời chiến.
Không vừa lòng với việc lắp ráp máy bay do nước khác thiết kế, thế hệ lãnh đạo mới của Canada đã quyết tâm tự chế tạo ra thiết kế của riêng mình.
Avro Aircraft, hãng chế tạo máy bay Canada được thành lập sau chiến tranh, là công ty sẽ thực hiện giấc mơ này.
Không bị ràng buộc bởi những cách tư duy của các đối thủ cạnh tranh vốn đã phát triển vững mạnh, ổn định hơn, các kỹ sư của Avro được quyền thử nghiệm các loại chiến đấu cơ mang tính cách mạng đột phá, phi cơ dân dụng, đĩa bay và thậm chí cả phi thuyền không gian.
Những hoạt động này đã đưa Canada vào vị thế đạt mức công nghệ tân tiến của Thời đại Phi cơ Phản lực.
Để làm được vậy, các kỹ sư phải đương đầu với những vấn đề mà các nước nhỏ như Canada gặp phải trong các lĩnh vực công nghệ cao ở thời điểm đó, bởi ngay cả khi các chính trị gia đặt niềm tin và sẵn lòng rót tiền vào thì đây vẫn là một dự án mạo hiểm.
Và chiến đấu cơ Arrow ra mắt.
Vào ngày 4/10/1957, 14.000 người tới nhà chứa máy bay lớn ở ngoại ô Toronto để chiêm ngưỡng cảnh chiếc máy bay to đẹp, cánh rộng, màu trắng trình làng.
Đó là chiếc máy bay đánh chặn Avro Arrow. Dài rộng hơn một phần ba so với chiếc chiến đấu cơ Typhoon của EU ngày nay, Arrow có thể bay với vận tốc gần bằng tốc độ Mach 2.0 (1.500 dặm/giờ, tức là bằng vận tốc tối đa của phi cơ siêu thanh Concorde của Hoa Kỳ), và có khả năng còn bay nhanh hơn nữa.
Nó trị giá tới 250 triệu đô la Canada (tương đương 1,58 tỷ đô la Mỹ vào thời điểm hiện tại), đưa quốc gia này trở thành một siêu cường về không quân.
Dự án thực sự mang tính đột phá. Các kỹ sư của Avro đã được trao quyền tạo ra một phi cơ siêu đẳng kỷ lục mà không phải bận tâm về chuyện tiết kiệm chi phí.
Tan mộng
Nhưng người Canada đã sớm nhận ra rằng kỷ nguyên siêu thanh đã khiến các dự án hàng không trở nên đắt đỏ đến nỗi số các nước có thể thực hiện chúng chỉ đếm được trên đầu ngón tay - và thật không may, Canada không phải là một trong số các nước đó.
Quảng cáo cho Hãng Avro Aircraft nhân kỷ niệm "50 năm đầu tiên đầy sức mạnh của ngành hàng không Canada 1909 - 1959" chỉ vừa mới được in thì vào "Thứ Sáu Đen tối", 20/2/1959, loa phóng thanh của nhà máy Avro Aircraft tại ngoại ô Toronto vang lên hết công suất.
Hàng ngàn nhân viên Avro được nghe Chủ tịch Công ty thông báo rằng "gã khốn ở Ottawa" (vị tân thủ tướng vừa được bầu của Canada, John Diefenbaker) đã hủy bỏ toàn bộ chương trình Arrow.
Sau đó, ngay trong ngày, 14.500 nhân viên nam nữ có tay nghề bị mất việc.
Chiếc chiến đấu cơ này đã trở thành niềm tự hào dân tộc cho biết bao người dân Canada
Vào thời điểm nghe tin xấu, Ken Barnes là kỹ sư thiết kế dày dặn kinh nghiệm trong dự án chế tạo chiếc máy bay đột phá này.
Như bao người dân Canada, Barnes bàng hoàng trước quyết định hủy bỏ dự án Avro Arrow. Khi được yêu cầu hủy bỏ các bản vẽ, Barnes đã giấu chúng trong tầng hầm của nhà mình.
Các bản thiết kế nằm nguyên đó cho đến tận lúc cháu trai của Barnes phát hiện ra sau khi ông qua đời.
Ám ảnh
Tin này đã trở thành dòng tin hàng đầu trên khắp Canada vào năm ngoái, và dấy lên tia hy vọng về một phép lạ khác, rằng có lẽ một trong những chiếc máy bay nguyên mẫu bằng cách nào đó đã thoát khỏi cảnh bị phá hủy.
Nếu việc sa thải hàng loạt là hành động nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của công ty thì biện pháp này đã không hiệu quả.
Trong một động thái gây chấn động Canada, việc cắt phá tan nát các mẫu chiến đấu cơ Arrow được tiến hành ngay phía trước nhà máy.
Khoảnh khắc đó, được ghi lại qua một bức ảnh đen trắng mờ nhạt, tiếp tục ám ảnh dai dẳng đất nước Canada.
Ba năm sau, công ty Avro Aircraft đóng cửa. Tổng cộng khoảng 50.000 người mất việc.
"Bạn sẽ không thấy một nước nào đầu tư mạnh mẽ đến vậy vào việc chế tạo ra một chiếc phi cơ không bao giờ đi vào hoạt động cả," Erin Gregory, người phụ trách Bảo tàng Hàng không và Không gian Canada nói.
"Đối với người Canada, đây là một cơ hội bị bỏ lỡ. Sau đó, có ý tưởng rằng chúng tôi là một quốc gia đất rộng người thưa với tinh thần sáng tạo cao trong nhiều lĩnh vực, mà dự án Arrow là một ví dụ điển hình. Nó là đỉnh cao của công nghệ hàng không, và Avro là công ty hàng không công nghệ cao ở Canada. Tuy nhiên, chính phủ đã phá hỏng hết cả."
"Người Canada đã thôi không còn tụ tập gặp nhau hàng đêm để hồi tưởng về những ngày huy hoàng của chiến đấu cơ Arrow nữa," Amy Shira Teitel, sử gia người Canada chuyên về phi thuyền không gian và là tác giả cuốn 'Chiến đấu giành Không gian: Hai Phi công và Trận chiến Lịch sử Để Phụ nữ Bay vào Không gian', nói.
"Tuy nhiên, Canada vẫn bị ám ảnh với văn hóa Canada, và chiến đấu cơ Arrow thì mang tính cách mạng. Đó là một phi cơ phản lực tốc độ siêu thanh Mach 2 ngang cơ với sản phẩm Hoa Kỳ, và là tác phẩm hoàn toàn do bàn tay khối óc của người Canada làm ra, được chế tạo tại Malton, Ontario. Thế mà sau đó, lại có một quyết định kỳ lạ là hủy bỏ và coi như nó chưa từng tồn tại."
Có một câu nói đùa của người Canada rằng việc hủy bỏ chiến đấu cơ Arrow chính là điều tuyệt diệu nhất cho nước Mỹ.
Nhiều người Canada còn đi xa hơn với việc quy trách nhiệm về sự thất bại của chương trình cho quốc gia láng giềng vừa là bạn mà lại vừa như thù ở phía nam.
Song các tranh cãi và thuyết âm mưu đã che giấu một sự thật quan trọng.
"Các dự án quốc phòng công nghệ cao thì vô cùng tốn kém," Joe Coles từ Hush-Kit, trang blog chuyên viết về hàng không, nói. "Nếu như chính phủ không đảm bảo sẽ ký đơn đặt hàng lớn thì những dự án này thường không thể thực hiện."
"Tính đến thời điểm bị hủy bỏ, chi phí của chương trình đã tăng lên đến con số đáng kinh ngạc là 250 triệu đô la Canada," Gregory nói. "Đó là một số tiền lớn khủng khiếp trong những năm 1950, đặc biệt là đối với một nước nhỏ như Canada. Mà dự án thì vẫn cần thêm nhiều triệu đô la nữa, cho nên cắt bỏ đi thì sẽ đơn giản hơn."
Chiếc CF-100 đã mang đến cho kỹ sư thiết kế của Avro kinh nghiệm quý báu trong việc chế tạo máy bay phản lực siêu việt
Chiến đấu cơ Arrow là sự phản ánh hình ảnh độc đáo của công ty đã chế tạo ra nó.
Hãng sản xuất máy bay Avro Aircraft ra đời dựa theo chiến lược "nhà máy nương bóng" của Anh, theo đó việc sản xuất máy bay, xe tăng và các loại vũ khí khác được phân tán ra để đưa vào thực hiện tại các nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ xe hơi trong thời kỳ ráo riết chuẩn bị cho trong Thế Chiến 2.
Trong chiến tranh, nhà máy đã sản xuất những chiếc máy bay mang tính biểu tượng như Hawker Hurricane và máy bay ném bom Lancaster.
Từ 'nhà lắp ráp' thành 'nhà thiết kế, sản xuất'
Khi chiến thắng đang đến gần, bộ trưởng trong nội các chính phủ Canada CD Howe tin rằng điều tối quan trọng là phải biết tận dụng cơ hội này để thành lập ngành công nghiệp máy bay Canada.
Các kỹ sư của Avro đón nhận thách thức.
Năm 1949, C-102 Jetliner, chiếc phi cơ phản lực đầu tiên của Canada, cũng là chiếc phi cơ dân dụng đầu tiên của vùng Bắc Mỹ và là chiếc thứ hai trên thế giới, ra mắt.
Một năm sau, Canada tung ra chiến đấu cơ phản lực đầu tiên, và cho đến nay cũng là dòng máy bay duy nhất được sản xuất hàng loạt, chiếc CF-100 Canuck.
Mặc dù chung tên với các nhà sản xuất máy bay ném bom Lancaster, nhưng thực sự thì Avro là công ty con của Hawker.
Nhóm Dự án Đặc biệt của Avro tiên phong nghiên cứu loại đĩa bay có thể cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng, gọi là Avrocar.
Một nhóm khác thì nghiên cứu chế tạo phi thuyền Space Threshold Vehicle có khả năng chở được một người lên rìa tầng khí quyển rồi quay trở về Trái Đất. Một nghiên cứu khả thi cho một phi cơ siêu thanh bay xuyên Đại Tây Dương đã được làm xong tính đến thời điểm dự án Arrow bị hủy bỏ.
"Avro vừa đáng kinh ngạc về thành tích công nghệ vừa là trung tâm của khát vọng quốc gia trở thành cường quốc hàng không," Randall Wakelam, giáo sư lịch sử tại Đại học Quân sự Hoàng gia Canada, nói.
"Chính phủ dự định biến Canada từ một quốc gia nhỏ chuyên lắp ráp máy bay do Anh, Mỹ thiết kế thành nhà sản xuất phi cơ tầm cỡ quốc tế, ngang hàng với các nước khác."
Bỏ làm phi cơ dân dụng để làm chiến đấu cơ
Các quyết định của chính phủ ở Ottawa không phải lúc nào cũng hậu thuẫn cho Avro.
Năm 1950, Chiến tranh Lạnh trở nên nóng bỏng khi Bắc Hàn tiến chiếm Nam Hàn.
CD Howe yêu cầu Avro hủy bỏ dự án Jetliner và ưu tiên sản xuất Canuck.
Như điềm báo về số phận của Arrow, bất chấp sự quan tâm của Mỹ đối với hoạt động sản xuất máy bay của Canada, các nhân viên đã cắt rời từng mảnh, phá bỏ chiếc Jetliner nguyên mẫu.
Đến năm 1954, Không quân Hoàng gia Canada (RCAF) công bố yêu cầu cần đáp ứng của một máy bay chiến đấu mới.
Arrow thắng, nhưng lại nhanh chóng phát triển thành một dự án phức tạp nhằm hướng tới áp dụng các kiến thức khoa học tân tiến nhất mà Avro có khả năng quản lý cũng như chính phủ có khả năng tài chính.
Phi cơ đánh chặn phải đạt năng lực bay và khai hoả ở độ cao 50.000 bộ, với vận tốc trên Mach 1.5. Nó phải có khả năng hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt của Bắc Cực và có thể bay đường trường theo yêu cầu.
Để đạt được những mục tiêu này, các kỹ sư của Avro đã chế tạo ra hệ thống kiểm soát bay điều khiển điện tử đầu tiên (là hệ thống điều khiển bằng máy tính thay thế cho hệ thống kiểm soát bay cơ khí điều khiển bằng tay của phi cơ) trong máy bay, và máy tính hoa tiêu điều khiển bay được sử dụng từ xa.
Họ sử dụng các vật liệu mới trong khung máy bay, và một công ty trong cùng hệ thống đã thiết kế và chế tạo động cơ Iroquois mới, cực mạnh, nhẹ, siêu thanh.
Để tận dụng tối đa tiềm năng, máy bay đánh chặn có thêm một chương trình vũ khí mới, được gọi là Astra (còn có biệt danh là "Giá trên trời"), và một tên lửa mới.
Siêu phẩm Arrow
Chiến đấu cơ Arrow tân tiến đến mức Canada không có đủ phương tiện để thử nghiệm. Thay vào đó, các kỹ sư đã phải sử dụng các cơ sở tại Hoa Kỳ như Uỷ ban Tư vấn Quốc gia về Siêu thanh (NACA) tại Langley Park, Virginia. (Năm 1958, NACA trở thành NASA.)
"Arrow là một máy bay chiến đấu công nghệ cao, năng lực cực mạnh," Coles nói. "Các nhà thiết kế đã chế tạo ra nó mà hầu như không phải quan tâm tới vấn đề tốn kém chi phí, và nó gần như được 'mạ vàng'."
Arrow còn đạt được một thành tích "đầu tiên" nữa: đó là chiếc phi cơ tinh vi phức tạp đến vậy đầu tiên được các kỹ sư chế tạo ra bản nguyên mẫu bằng việc sử dụng các công cụ máy móc thay vì làm thủ công. Quá trình này chỉ mất có 28 tháng kể từ bản phác thảo đầu tiên cho đến khi sản phẩm ra mắt công chúng, và đến tháng 2/1959, dây chuyền chế tạo máy bay đã thực sự hoạt động.
Gánh nặng chi phí
Vào thời điểm thông báo tin xấu ngày "Thứ Sáu Đen tối" 20/2/1959, lúc quyết định huỷ bỏ dự án Arrow được loan báo, có năm chiếc máy bay nguyên mẫu đã hoàn thành. Còn một chiếc nữa đã được gắn động cơ Iroquois đã gần xong để sẵn sàng cất cánh, và bốn chiếc khác đang trong các công đoạn lắp ráp khác nhau.
Trong nhà máy để đầy các bộ phận, phụ tùng máy bay. Các phiên bản Arrow đạt vận tốc Mach 3 và siêu thanh - Mach 5 - đang được thiết kế.
"Nhiều vấn đề đã âm ỉ từ lâu, chỉ là chưa được đem ra thảo luận công khai thôi, từ nhiều tháng trước khi [tân Thủ tướng] John Diefenbaker đưa ra quyết định của mình," ông Wakelam nói.
"Việc nên tiếp tục hay từ bỏ dự án bị ảnh hưởng bởi không chỉ các yếu tố niềm tự hào dân tộc và tiến bộ công nghệ, mà còn cả về tính kinh tế, hiệu quả tạo công ăn việc làm, bởi những hạn chế trong ngân sách liên bang, thị trường cạn kiệt và các nguy cơ công nghệ nhanh bị lỗi thời."
Với Jetliner, chính phủ ông Diefenbaker đã ra lệnh phá bỏ tất cả các máy bay nguyên mẫu, bất chấp lời đề nghị từ Hoa Kỳ theo đó mua lại toàn bộ các máy bay đã hoàn thành, cũng như yêu cầu từ Anh, muốn sử dụng một số chiếc để nghiên cứu chế tạo phi cơ siêu thanh.
Phần còn lại của dự án Arrow cũng không may mắn gì hơn. Chính phủ khi đó đã hủy bỏ hệ thống Astra. Một động cơ Iroquois đã được trao cho Anh để giúp dự án máy bay siêu thanh, nhưng chính phủ Ottawa không tiếp tục theo đuổi dự án, bất chấp những lợi ích thương mại.
Thực hư vụ chiến đấu cơ Arrow 'thoát nạn'
Không lâu sau ngày "Thứ Sáu Đen tối", tin đồn bắt đầu lan truyền rằng có một chiếc Arrow đã được một trong các phi công thử nghiệm lái trộm đi cất giấu.
Bằng cách so sánh những bức ảnh đầu tiên việc phá hủy các phi cơ nguyên mẫu bên ngoài nhà máy Avro với những cái sau này, có vẻ như phi cơ nguyên mẫu RL-202 đã biến mất.
Tính đến thời điểm dự án bị hủy bỏ, đã có năm chiếc Arrow nguyên mẫu được hoàn tất
Có nhân chứng hẳn hoi. Nhà văn người Canada, June Callwood, sống gần nhà máy, tuyên bố đã nghe thấy tiếng một Arrow cất cánh trong ngày dự án bị huỷ.
Sau đó, vào năm 1968, Trung tướng Không quân Wilfred Curtis, anh hùng thời chiến và là người chịu trách nhiệm triển khai chương trình Arrow, đã từ chối trả lời khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn rằng liệu có phải một chiếc Arrow nguyên mẫu đã được đem giấu đi ở nơi an toàn hay không.
Được thổi bùng thêm với vụ phát hiện ra các ghế phóng của chiếc Arrow và các món đồ khác ở Vương quốc Anh, các "Arrowhead" bắt đầu băn khoăn về việc phải chăng một trong những chiếc Arrow nguyên mẫu đã được đưa lậu đến Anh an toàn.
Những phát hiện, theo một báo cáo, đã dẫn tới việc có nhân chứng kể lại một vụ xảy ra tại căn cứ Không quân Hoàng gia Anh ở tỉnh Kent, Anh Quốc, vào thời thập niên 1960, khi có một chiếc máy bay cánh lớn màu trắng không mang ký hiệu quốc gia, cũng không đăng ký thuộc nước nào, đã đáp xuống. Có phải đó chính là một chiếc Arrow?
Kỹ sư thiết kế phác thảo Ken Barnes không phải là nhân viên Avro duy nhất đã cất giấu một số chi tiết thiết kế của Avro hoặc các tài liệu vô giá trong ngày "Thứ Sáu Đen tối" - và có lẽ, thay vì xem những thứ này là bằng chứng cho thấy có một chiếc Arrow nguyên mẫu bị mất ở đâu đó thì người ta lại hùa nhau thêm thắt thành câu chuyện một chiếc máy bay mất tích.
"Cuối cùng thì, bất kể những điều mà một số người nói, Mỹ không hề gây áp lực để giết chết dự án Arrow," Coles nói. "Đó chỉ là do những đòi hỏi ngân sách quá mức của siêu chiến đấu cơ Canada này mà thôi."
Chiến đấu cơ Arrow tân tiến ngang cơ với bất kỳ máy bay đánh chặn nào được chế tạo bởi quốc gia khác vào thời điểm đó
Hãng Avro Aircraft có thể cũng phải đối mặt với số phận tương tự ngay cả khi chương trình Arrow vẫn tiếp tục.
"Bạn chỉ cần nghĩ về số lượng khổng lồ các phi cơ mà bạn nhìn thấy tại 'nghĩa địa máy bay' ở Pima, Arizona," Gregory nói.
"Tất cả các công ty Mỹ tạo ra các thiết kế mới trong suốt thời Chiến tranh Lạnh đều nhờ vào việc có được các hợp đồng của chính phủ. Hoa Kỳ có thể đủ khả năng đó, nhưng tôi không nghĩ rằng chính phủ Canada có khả năng ký hợp đồng với Avro để hãng có thể duy trì được trong thời thập niên 1960, 1970 và 1980."
Dù sao đi nữa, một yếu tố tầm nhìn chiến lược trong thời chiến của Canada đã thành hiện thực. "Canada là quốc gia có ngành công nghiệp hàng không vũ trụ lớn thứ năm trên thế giới," Gregory nói thêm.
Mark Piesing
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.