Quý cô sang trọng kéo lão ăn xin vào quán ăn, cảnh sát rưng rưng vì một điều kỳ diệu.
Từng ngạc nhiên khi thấy quý cô nọ kiên nhẫn thuyết phục người ăn xin ngồi trên góc phố, anh cảnh sát không khỏi xúc động khi biết được cuộc hội ngộ thú vị giữa hai người.
Một ngày nọ, người phụ nữ trông thấy một người ăn xin trên đường. Ông ta trông có vẻ khá già với râu ria xồm xoàm cùng quần áo lếch thếch. Mọi người qua đường đều nhìn ông bằng ánh mắt chẳng tốt đẹp gì vì với họ ông chỉ là một kẻ ăn xin bẩn thỉu và rách rưới. Chỉ có người phụ nữ này thấy thương cảm với người đàn ông nghèo khổ kia.
Ngoài trời thì rét căm, lão ăn xin co quắp trong bộ trang phục chính xác hơn là một cái áo khoác lớn đã sờn cũ quần lấy người. Trông chúng không có vẻ gì là có thể mang đến hơi ấm cho ông cả.
"Thưa ông, ông vẫn ổn chứ?", người phụ nữ lịch sự hỏi.
Nhìn vào quý cô đang đứng trước mặt, ông lão gằn giọng hừm một tiếng lớn. Một người có địa vị như vậy đứng trước mình chỉ có thể là giống như nhiều người khác, muốn chọc ghẹo, chế giễu mình mà thôi.
Người phụ nữ vẫn đứng yên ở đó. Điều làm ông càng ngạc nhiên hơn nữa là cô còn mỉm cười và hỏi ông có đói không.
“Không. Tôi vừa mới đi ăn với Tổng thống về đây. Xong chuyện rồi, cô đi đi”, người ăn xin đáp lời với vẻ châm biếm.
Người phụ nữ nọ vẫn cười. Cô khẽ đưa tay vào dưới cánh tay người ăn xin và cố kéo ông đứng dậy.
“Này cô, cô đang làm cái quái gì vậy?”, người ăn xin kêu toáng lên.
Một người cảnh sát từ xa đi tới hỏi: “Có chuyện gì không, thưa cô?”.
“Không có chuyện gì lớn đâu ngài cảnh sát. Tôi chỉ đang cố kéo ông ấy đứng lên thôi. Anh giúp tôi một tay nhé!”, cô trả lời.
Người cảnh sát ngạc nhiên nhìn cô và nói:
“Người đàn ông vô gia cư này đã ở đây mấy năm rồi. Chắc cô phải có chuyện gì cần giải quyết với ông ta chứ?”.
“Chỉ là tôi muốn đưa ông ấy đến một cửa tiệm để ăn chút gì đó và giúp ông tránh cái lạnh ngoài trời một lúc thôi”.
“Cô bị điên à, thưa cô?”, người ăn xin cương quyết. “Tôi không muốn tới đó!”.
Đột nhiên, ông cảm thấy có một bàn tay to khỏe đang nhấc lấy cánh tay kia của mình, ông nói lớn:
“Buông tôi ra, ngài cảnh sát. Tôi có tội gì đâu”.
“Đây là cơ hội để ông có một bữa ăn no đấy. Đừng như vậy”, người cảnh sát khuyên nhủ.
Sau một hồi giằng co, cuối cùng cả ba cũng đi tới một quán cà phê. Quán ăn vừa mới phục vụ xong cho buổi sáng và vẫn còn quá sớm để bắt đầu bữa trưa. Người quản lý sải bước về phía bàn và hỏi xem chuyện gì đang xảy ra.
“Có chuyện gì vậy thưa ngài cảnh sát? Gã ăn xin này phạm tội gì à?”.
“Không! Quý cô đây muốn mời ông ấy một bữa ăn”, vị cảnh sát đáp.
Người quản lý tỏ rõ thái độ không hài lòng: “Không phải trong quán của tôi chứ? Ông ấy sẽ khiến việc kinh doanh của chúng tôi bị ảnh hưởng".
Người ăn xin liền nói: "Giờ thì cô đã biết tại sao tôi không muốn đến đây rồi đấy. Buông tôi ra! Tôi đã nói không muốn đến chỗ này rồi mà".
Người phụ nữ nhẹ nhàng quay sang nói với người quản lý: "Thưa ông, tôi chắc là ông biết ngân hàng Eddy & Associates ở cuối dãy phố này chứ?”.
"Đương nhiên tôi biết. Họ thường tổ chức họp hàng tuần trong phòng tiệc của chúng tôi”, người quản lý nhanh nhẹn đáp.
“Chắc các ông cũng kiếm được kha khá từ những buổi đó nhỉ?”.
“Vì sao chuyện đó lại khiến cô bận tâm?”.
Bởi vì tôi là CEO của công ty đó!".
Người quản lý thốt lên và không biết phải nói gì nữa trong hoàn cảnh này.
Người phụ nữ quay sang phía cảnh sát và hỏi: “Anh có thời gian để dùng bữa cùng chúng tôi chứ?”.
“Cảm ơn cô nhưng tôi đang trong ca trực”, anh đáp.
“Vậy thì một cốc cà phê nhé?”.
“Vâng. Tôi nghĩ như thế sẽ tốt hơn”.
Người quản lý nhanh nhảu nói: “Để tôi đi làm cà phê cho anh, anh cảnh sát”.
“Cô thật tốt với người ăn xin”, viên cảnh sát nói với quý cô.
" Sự thật là khi bước xuống phố sáng nay, đây không phải là điều tôi dự định sẽ làm đâu”. Cô quay sang nhìn người ăn xin và hỏi: “Này ông lão, ông có nhớ tôi không?”.
Người ăn xin suy nghĩ một hồi: “Đúng là nhìn cô quen lắm”.
“Ông có nhớ cô gái từng co ro trong cái rét và đói từng xuất hiện ở gần nơi ông làm việc trước đây chứ? Cô ấy có vẻ già đi nhiều phải không?”, người phụ nữ gợi ý.
Chứng kiến cuộc trò chuyện, người cảnh sát không khỏi ngạc nhiên. Anh không thể tưởng tượng được rằng quý cô xinh đẹp đang đứng trước mặt mình từng là một cô gái nghèo khổ.
“Lúc ấy tôi vừa mới ra trường và chuyển tới thành phố này để tìm một công việc. Rất lâu sau đó, tôi vẫn chưa kiếm được công việc nào. Không còn đồng nào trong túi, tôi phải trả căn phòng đang thuê và thành người vô gia cư, sống trên những con phố một thời gian.
Tôi vẫn còn nhớ, đó là vào những ngày lạnh giá của tháng 2. Tôi thấy quán ăn này và đã liều mình bước vào với hy vọng sẽ tìm được chút thức ăn nào đó còn thừa hay những đồng bạc lẻ còn sót lại”.
Một ký ức lóe lên trong đầu người ăn xin:
“A! Tôi nhận ra cô rồi. Hồi đó tôi làm ở quầy thu ngân. Cô bước vào và hỏi liệu cô có thể làm việc gì đó để đổi lấy thức ăn không. Tôi trả lời điều đó vi phạm quy định của cửa hàng”.
“Đúng! Và sau đó, ông đã mang ra cho tôi một cái bánh sandwich kẹp thịt bò nướng thật là to cùng một cốc cà phê. Ông còn tử tế cho tôi ngồi vào bàn để thưởng thức bữa ăn của mình. Tôi đã nhìn thấy ông trả thay tôi số tiền của bữa ăn đó”.
Người ăn xin bắt đầu tò mò: “Và cô đã bắt đầu kinh doanh ngay sau đó?"
“Cũng không nhanh vậy. Trưa hôm đó, tôi đã tìm được việc. Sau một khoảng thời gian học hỏi, tôi đứng ra kinh doanh riêng”.
Người phụ nữ mở túi xách lấy ra một tấm danh thiếp và dặn dò ông lão: “Hãy ghé qua phòng nhân sự của chúng tôi nhé. Tôi sẽ nói với người trưởng phòng. Chỗ chúng tôi có lẽ có việc cần đến ông đấy. Tôi sẽ đưa trước cho ông một số tiền để ông trang trải sinh hoạt”.
Người ăn xin bật khóc khi nghe những lời nói đó. Ông nghẹn ngào nói trong nước mắt:
“Làm sao tôi có thể trả ơn cô đây?”.
“Ông không cần phải làm vậy đâu. Cảm ơn trời đất khi đã để tôi được gặp lại ông. Cảm ơn anh cảnh sát vì đã giúp chúng tôi nhé!”.
Người cảnh sát đáp lời:
“Thưa cô Eddy, tôi phải cảm ơn cô mới phải. Hôm nay cô đã cho tôi thấy một điều kỳ diệu. Và cũng cảm ơn cô rất nhiều vì cốc cà phê nhé!”.
Nghe đến đây, người phụ nữ chợt nhớ ra: “Tôi quên không hỏi anh thích dùng sữa hay đường rồi. Đây là cà phê đen”.
“Tôi thích cho sữa và nhiều đường nữa”.
“Ôi, tôi sơ ý quá!”.
“Cô đừng xin lỗi. Với tôi, ly cà phê trên tay có vị ngọt ngào như đã thêm đường vậy!”.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.