Nga ngày 15/03 cho biết sẽ cố gắng thu hồi các mảnh vỡ thiết bị drone của Mỹ đã rơi xuống Biển Đen.
Drone kích cỡ lớn MQ-9 Reaper đã lao xuống biển vào hôm thứ Ba 14/03.
Hoa Kỳ nói họ đã phải cho rơi drone bị hư hại sau khi "không thể bay" vì chiếc tiêm kích Su-27 của Nga va vào cánh quạt của thiết bị - nhưng Moscow đã bác bỏ những tuyên bố này.
Phát biểu trên truyền hình nhà nước, Thư ký Hội đồng An ninh Nga, Nikolai Patrushev, xác nhận Moscow đang nỗ lực tìm kiếm chiếc drone.
Ông Patrushev nói: “Tôi không biết liệu chúng tôi có thể thu hồi được nó hay không nhưng đó là chuyện phải làm”.
Ông cũng cho rằng sự hiện diện của chiếc drone này ở Biển Đen là "sự xác nhận" Mỹ đã trực tiếp tham chiến.
Quan chức cấp cao của Washington John Kirby cho biết Mỹ cũng đang tìm kiếm chiếc drone, nhưng nhấn mạnh rằng nếu Nga tìm được trước, "khả năng khai thác thông tin tình báo hữu ích của họ [Nga] sẽ bị giảm thiểu rất nhiều".
Thông điệp đó được Tướng Mark Milley lặp lại, ông cho biết Mỹ đã thực hiện "các biện pháp giảm nhẹ" để đảm bảo không còn gì có giá trị trên chiếc drone bị rơi.
Tướng Mark Milley nói rằng sẽ rất khó để thu hồi chiếc drone, lưu ý về vùng nước nơi thiết bị này rơi có độ sâu từ 1.200 mét đến 1.500 mét.
Các quan chức quân đội Mỹ cho biết vụ việc xảy ra vào sáng thứ Ba 14/03 và cuộc đối đầu kéo dài khoảng 30-40 phút.
Trong một tuyên bố, Mỹ cho biết các máy bay phản lực của Nga đã xả nhiên liệu vào chiếc drone nhiều lần trước khi va chạm.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Tướng Pat Ryder nói với các phóng viên rằng chiếc drone "không thể bay được và không thể điều khiển được", đồng thời cho biết thêm vụ va chạm có khả năng làm hư hại máy bay Nga.
Nga đã phủ nhận hai chiếc tiêm kích Su-27 của họ có bất kỳ tiếp xúc gì với chiếc drone của Mỹ.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiếc drone đã bị rơi sau một "bước di chuyển đột ngột" và đang bay với bộ tiếp sóng (thiết bị liên lạc) đã tắt.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Lloyd Austin, xác nhận ông đã nói chuyện với người đồng cấp Nga, Sergei Shoigu, một ngày sau khi chiếc drone bị rơi.
Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc điện đàm, Bộ Quốc phòng Nga cho biết ông Shoigu đổ lỗi vụ việc là do "các hoạt động do thám gia tăng đi ngược lại lợi ích của Liên bang Nga".
Nga cũng gọi các chiếc drone của Mỹ rơi ngoài khơi bờ biển Crimea là "mang tính khiêu khích".
Hoa Kỳ và Anh Quốc trước đây đã phải nỗ lực rất nhiều để thu hồi công nghệ của họ sau các sự cố. Đơn cử, họ đã trục vớt xác chiến đấu cơ tàng hình F-35 từ đáy Biển Đông sau khi nó bị chìm.
Nhìn bề ngoài, Lầu Năm Góc có vẻ thoải mái hơn khi bị mất một drone Reaper. Đó là công nghệ cũ hơn và rất nhiều chiếc đã bị mất trước đây.
Và việc cố gắng trục vớt một chiếc drone bị rơi ở vùng nước sâu, gần khu vực chiến sự, với các tàu và tàu ngầm của Nga đang tuần tra, có thể gây ra rủi ro leo thang thậm chí còn xa hơn nữa.
Căng thẳng đã gia tăng trên Biển Đen kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Và kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Mỹ và Anh đã tăng cường các chuyến bay do thám, mặc dù luôn phải hoạt động trong vùng không phận quốc tế.
Chiếc Reaper bị mất này có thể đã mang theo một thiết bị giám sát có khả năng thu thập dữ liệu điện tử như sóng radar.
Bộ Quốc phòng Mỹ trong một thông cáo báo chí cho biết các chuyến giám sát được sử dụng để thu thập thông tin giúp cải thiện nền an ninh cho châu Âu và hỗ trợ "các đối tác đồng minh".
Hoa Kỳ được cho là đã chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine trước đây, bao gồm cả việc giúp nước này đánh chìm một soái hạm của Nga trên Biển Đen.
Ngoại trưởng Ukraine nói với phóng viên James Landale rằng những sự cố như chiếc drone của Mỹ rơi trên Biển Đen là điều không thể tránh khỏi cho đến khi nào Nga rời khỏi Crimea.
Mô tả đây là một "sự cố thường xảy ra", Dmytro Kuleba nói: "Chừng nào Nga còn kiểm soát Crimea, những sự cố kiểu này sẽ không thể tránh khỏi và Biển Đen sẽ không phải là nơi an toàn.
Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, nhưng đa số các quốc gia vẫn công nhận bán đảo này là một phần của Ukraine.
Hỏi ông Kuleba liệu sau sự cố drone, Mỹ và các đồng minh khác có thể trở nên thận trọng hơn hay không?
"Nếu Phương Tây muốn thể hiện sự yếu kém của mình, thì chắc chắn họ nên thể hiện sự thận trọng sau một sự cố như thế này, nhưng tôi không có cảm giác rằng đây sẽ là trạng thái của họ", ông trả lời.
"Trạng thái là không leo thang nhưng cũng không phải là khom mình trước áp lực - về mặt vật lý hay ngôn từ - từ Nga."
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố quân đội nước này sẽ "tiếp tục bay và hoạt động" ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Sau khi được triệu tập để nói chuyện với các quan chức ở Washington, Đại sứ Nga Anatoly Antonov cho biết Moscow coi vụ chiếc drone rơi là "một sự khiêu khích".
Về quan điểm của Điện Kremlin, ông Antonov nói thêm: "Hoạt động không thể chấp nhận được của quân đội Hoa Kỳ ở gần biên giới chúng tôi đã tạo nên quan ngại."
Hôm thứ Tư, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết không có tiếp xúc cấp cao nào giữa Moscow và Washington liên quan đến vụ việc.
Tuy nhiên, ông cho biết Nga sẽ không bao giờ từ chối tham gia đối thoại mang tính xây dựng.
Antoinette Radford & Jonathan Beale
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.