Sự sụp đổ nhanh chóng của Silicon Valley Bank — vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ — đang làm dấy lên các câu hỏi trong số những người tiết kiệm bình dân và các nhà đầu tư nhỏ lẻ về những tác động có thể xảy đến đối với tiền của họ, kể cả khi họ không có bất kỳ khoản tiền gửi nào tại ngân hàng đã sụp đổ này.
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) hồi tuần trước (06-12/03) và vài ngày sau đó là sự sụp đổ của Signature Bank (vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ ba trong lịch sử Mỹ) đã được các nhà chức trách tài chính Hoa Kỳ đối diện bằng một phản ứng khẩn cấp.
Cục Dự trữ Liên bang đã khai triển một chương trình tài trợ khẩn cấp cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính nhận tiền gửi khác, trong khi Bộ Ngân khố dự phòng 25 tỷ USD cho chương trình này.
Hệ thống bảo hiểm tiền gửi của quốc gia, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), đã nhanh chóng tiếp quản SVB và Signature Bank, rồi đưa các ngân hàng này vào một chế độ giải quyết đặc biệt nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các chủ nợ và những người gửi tiền.
Kế đến, theo một “ngoại lệ do có rủi ro hệ thống” đặc biệt được cấp cho SVB và Signature Bank, FDIC đã mở rộng hạn mức bảo hiểm tiền gửi thông thường 250,000 USD của cơ quan này sang chi trả cho tất cả những người gửi tiền ở cả hai tổ chức, nghĩa là những người gửi tiền đó sẽ nhận lại được toàn bộ số tiền của họ, không chỉ phần được bảo hiểm trong mức giới hạn bảo hiểm.
Hôm 13/03, Tổng thống Joe Biden cho biết các biện pháp khẩn cấp này có nghĩa là hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ là “an toàn” và người Mỹ có thể “tin tưởng” rằng các khoản tiền gửi của họ được an toàn.
Những làn sóng xung kích từ hai vụ sụp đổ nói trên đã giáng xuống cả các cổ phiếu ngân hàng của Hoa Kỳ lẫn ngoại quốc, đặt ra những câu hỏi về tác động đối với tài chính của các gia đình Mỹ, kể cả cho những người không gửi tiền trong các ngân hàng đã sụp đổ.
Sự kiện này có ý nghĩa gì đối với những người tiết kiệm?
Thông thường, khi một ngân hàng hoặc một tổ chức tài chính được FDIC bảo hiểm sụp đổ, cơ quan này sẽ nhanh chóng bồi thường cho những người tiết kiệm bằng cách hoàn trả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của họ, lên tới mức giới hạn bảo hiểm là 250,000 USD cho mỗi người gửi tiền cho mỗi loại tài khoản.
Nhìn chung, điều này có nghĩa là bất kỳ khoản tiền nào trên 250,000 USD cho mỗi người gửi tiền cho mỗi loại tài khoản — phần tiền không được bảo hiểm — đều có thể bị mất trắng. Tuy nhiên, trên thực tế, FDIC thường có thể khôi phục một phần số tiền không được bảo hiểm bằng cách bán phần tài sản còn lại của ngân hàng đã sụp đổ và hoàn trả thêm cho những người gửi tiền.
Nhưng trong trường hợp của SVB và Signature Bank, FDIC đang hành động theo một “ngoại lệ do có rủi ro hệ thống” đặc biệt để miễn bỏ giới hạn bảo hiểm 250,000 USD thông thường và cho phép những người gửi tiền có toàn quyền tiếp cận với tất cả số tiền của họ, kể cả đối với phần tiền thông thường không được bảo hiểm.
Điều này có nghĩa là những người gửi tiền của SVB và Signature Bank sẽ được thanh toán toàn bộ, mặc dù các cổ đông sẽ bị mất hết tiền đầu tư và các chủ nợ có khả năng mất hết tiền của họ.
Tuy nhiên, những người gửi tiền của các ngân hàng và tổ chức tài chính khác tiếp tục phải tuân theo giới hạn bảo hiểm thông thường của FDIC, và vì vậy nên lưu ý rằng các phần tiền gửi không được bảo hiểm vượt mức giới hạn 250,000 USD của họ vẫn có thể bị mất nếu những tổ chức đó sụp đổ.
FDIC cho biết bất kỳ tổn thất nào mà họ phải gánh chịu bằng cách chi trả cho các phần tiền gửi không được bảo hiểm trong SVB và Signature Bank sẽ được bù đắp bằng các khoản phí đặc biệt, hoặc phí bảo hiểm, áp dụng cho các ngân hàng.
William Luther, giám đốc Dự án Tiền tệ Lành mạnh tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ (AIER), nói rằng các ngân hàng có xu hướng chuyển các khoản phí cao hơn cho những người tiêu dùng.
Ông cho rằng bất kỳ khoản phí bảo hiểm hoặc phí đặc biệt nào mà FDIC áp đặt đối với các ngân hàng khác liên quan đến sự sụp đổ của SVB và Signature Bank cuối cùng sẽ chuyển xuống cho những khách hàng của các ngân hàng đó và do đó sẽ có một số tác động đến tiền của họ dưới hình thức các mức phí cao hơn.
Ngân hàng của tôi có an toàn không?
Trong khi cổ phiếu các ngân hàng bị ảnh hưởng do vụ sụp đổ kép này, thì các chuyên gia cho rằng tác động lan tỏa đối với các ngân hàng khác có thể sẽ là hạn chế.
Ông Jurrien Timmer, giám đốc vĩ mô toàn cầu tại Fidelity, cho biết trong một tuyên bố rằng, “Đây là một trường hợp kinh điển về việc không có sự tương xứng giữa tài sản và nợ, do lãi suất cao hơn gây ra, và bị đòn bẩy nợ làm phức tạp thêm.”
Khi Cục Dự trữ Liên bang ngày càng tăng lãi suất để dập tắt lạm phát tăng vọt, thì giá trị trái phiếu càng giảm và các ngân hàng như SVB đã phải chịu lỗ đối với tài sản trái phiếu của họ.
“Tin tốt là đây dường như là một sự cố đơn lẻ, hoặc chí ít là một vấn đề có thể chỉ giới hạn ở một số ngân hàng nhỏ hơn,” ông Timmer nói thêm. “Theo quan điểm của tôi, đây dường như không phải là một tình huống có thể trở thành vấn đề mang tính hệ thống, giống như vụ sụp đổ cho vay bảo đảm bằng nợ nhà dưới chuẩn đã xảy ra vào năm 2007.”
Và trong khi gần đây, chủ tịch FDIC Martin Gruenberg cho biết các ngân hàng Hoa Kỳ đang chịu khoản lỗ chưa thực hiện của các tài sản nắm giữ là trái phiếu ở vào khoảng 620 tỷ USD, thì ông cũng nói thêm rằng các ngân hàng trong nước “nhìn chung đang ở trong một tình trạng tài chính vững mạnh và không bị buộc phải hiện thực hóa các khoản thua lỗ bằng việc bán các chứng khoán đã bị giảm giá.”
Vụ sụp đổ của SVB bùng phát khi công ty này lỗ 1.8 tỷ USD sau khi thanh lý phần lớn danh mục đầu tư công khố phiếu, vốn đã giảm giá trị do Fed tăng lãi suất.
Trong lúc một số ngân hàng khu vực chứng kiến cổ phiếu của họ giảm sau sự sụp đổ của SVB và Signature và khi cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s Investor Service đã đưa sáu ngân hàng vào diện xem xét hạ bậc, thì không có dấu hiệu nào về việc sẽ có những vụ sụp đổ tiếp theo xảy ra.
Tuy nhiên, hôm thứ Hai (13/03), Moody’s đã hạ bậc tín nhiệm đối với toàn bộ lĩnh vực ngân hàng Hoa Kỳ, từ mức ổn định xuống mức tiêu cực, với lý do “môi trường hoạt động xấu đi nhanh chóng.”
Moody’s, một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn (cùng với Standard & Poor’s và Fitch), cho biết các ngân hàng có “các khoản lỗ chưa thực hiện lớn về chứng khoán và các khoản tiền gửi doanh nghiệp không được bảo hiểm” vốn có nguy cơ bị rút tiền hàng loạt cao hơn.
Sự kiện này có ý nghĩa gì đối với các tài khoản hưu trí 401(k)?
Sự sụp đổ của SVB và Signature Bank đã gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu, với các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ mất khoảng 90 tỷ USD giá trị thị trường hôm thứ Hai (13/03).
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các ngân hàng khu vực, với cổ phiếu của First Republic giảm gần 62% và cổ phiếu của Western Alliance giảm gần 47% vào cuối ngày hôm đó.
Tuy nhiên, chứng khoán đã tăng trở lại hôm thứ Ba (14/03) khi các nhà đầu tư trở nên lạc quan rằng bất kỳ tác động lan tỏa nào từ việc đóng cửa SVB và Signature Bank đã được ngăn chặn.
Cổ phiếu của First Republic đã tăng gần 50% trong phiên giao dịch sáng thứ Ba (14/03), trong khi cổ phiếu của Western Alliance tăng 43%.
Tương tự như vậy, quỹ hoán đổi danh mục chuyên theo dõi các ngân hàng khu vực, SPDR S&P Regional Banking ETF, đã tăng hơn 6% vào sáng hôm thứ Ba, sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày hôm trước với mức giảm 12%.
“Xét đến mức độ mà các ngân hàng này đã bị tổn thất, thì họ sẽ có một sự phục hồi trở lại,” ông Peter Boockvar, giám đốc đầu tư tại Bleakley Financial Group, nói với hãng truyền thông CNBC. “Thách thức đối với các ngân hàng, theo tôi, là triển vọng lợi nhuận hơn là khả năng tồn tại.”
Tuy nhiên, đó có thể là một đợt phục hồi nhẹ vốn có thể yếu dần hoặc bật ngược trở lại trước những tin tức mới về căng thẳng đang xuất hiện trong lĩnh vực ngân hàng.
Vậy các nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu ngân hàng nên làm gì trong ngắn hạn?
“Chiến lược tốt nhất vào lúc này có lẽ là không làm gì cả,” ông Mike Bailey, giám đốc nghiên cứu tại FBB Capital Partners, nói với hãng thông tấn Bloomberg. “Nếu các nhà đầu tư bán lẻ đang tiết kiệm tiền cho các mục tiêu trong dài hạn, thì tin tức về SVB này chỉ là một sự trục trặc nhỏ.”
Tuy nhiên, những người Mỹ có các tài khoản hưu trí liên quan nhiều đến cổ phiếu ngân hàng có thể chứng kiến một số biến động giảm giá không mong muốn.
Công ty quản lý quỹ Vanguard, nằm trong số ba nhà cung cấp hàng đầu về các dịch vụ quản lý tài sản 401(k), sở hữu khoảng 10.9% cổ phần của công ty mẹ SVB. Giao dịch cổ phiếu của SVB Financial Group (SIVB) đã bị tạm dừng hôm thứ Sáu (10/03) và vẫn bị đóng băng, giảm hơn 80% từ đầu năm đến nay.
Ông Matt Reed, người quản lý Danh mục Dịch vụ Tài chính Chọn lọc của Fidelity (Fidelity Select Financial Services Portfolio, FIDSX), cho biết ông nghĩ rằng tác động từ các vụ sụp đổ của SVB và Signature Bank đối với lĩnh vực tài chính sẽ là hạn chế.
Ông Reed cho biết, “SVB là một ngân hàng duy nhất phát triển nhanh chóng trong một thị trường ngách rất cụ thể, trong khi hệ thống ngân hàng rộng lớn hơn thường xuyên bị thử nghiệm khả năng chịu đựng, đã bổ sung vốn và thanh khoản có ý nghĩa trong thập niên qua, đồng thời đã cố gắng quản lý các bảng cân đối kế toán một cách thận trọng.”
“Mặc dù các thị trường có thể lo ngại, nhưng có vẻ như không có tác động lan tỏa có ý nghĩa nào đến hệ thống ngân hàng và nền kinh tế rộng lớn hơn.”
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.