Wednesday, March 15, 2023

Khủng hoảng ngân hàng làm rung chuyển hệ thống tài chính Hoa Kỳ

 BM

Các vụ sụp đổ ngân hàng đột ngột đã gây ra một cuộc khủng hoảng, làm xói mòn niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính Hoa Kỳ lần đầu tiên kể từ năm 2008


BM


Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009, niềm tin vào hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ đã bị xói mòn khi ba ngân hàng lớn đóng cửa trong một tuần: Silvergate, Silicon Valley Bank (SVB), và Signature Bank. Trong lúc các chuyên gia chuẩn bị tinh thần cho quân cờ domino tiếp theo rơi xuống trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra, thì chính phủ liên bang và Cục Dự trữ Liên bang đang cố gắng ngăn chặn một hiệu ứng lây lan vốn có thể tàn phá nền kinh tế rộng lớn hơn.


Nhưng liệu những nỗ lực này có đủ hay không?


BM


Trong sự sụp đổ của SVB và Signature Bank, công chúng vẫn đang cố gắng hiểu chính xác về những gì đã xảy ra với các tổ chức tài chính này. Mặc dù có một số lý do dẫn đến sự sụp đổ của SVB, nhưng lãi suất đóng vai trò là một tác nhân quan trọng.


Hầu hết các khách hàng của SVB là các công ty đầu tư mạo hiểm, các công ty công nghệ, và các giám đốc điều hành ở Thung lũng Silicon. Ngân hàng này đã thu hút các khách hàng mới bằng cách cung cấp lãi suất tiền gửi cao hơn, được tài trợ bằng cách mua trái phiếu dài hạn có lợi suất cao. Tuy nhiên, SVB nhanh chóng trở nên dễ bị tổn thương trước sáng kiến thắt chặt định lượng của Fed, làm xói mòn giá trị của các trái phiếu đó và gây ra tổn thất đầu tư trên diện rộng.


Các vấn đề về bảng cân đối kế toán đã trở nên phổ biến khi ngân hàng này cần duy trì đủ mức tiền gửi có sẵn và phân bổ một tỷ lệ cao từ vốn của họ để trang trải cho các mức lãi suất tiền gửi cao hơn. Fidelity cũng lưu ý rằng SVB đã tạo ra “danh tiếng về việc có các tiêu chuẩn cho vay không quá nghiêm ngặt,” có nghĩa là ngân hàng này có thể đã cung cấp các khoản cho vay cho các công ty được tài trợ bởi đầu tư mạo hiểm có các khoản tiền gửi tại SVB. Có được vốn đã trở thành một việc khó khăn hơn vì một môi trường lãi suất ngày càng tăng đã tàn phá lĩnh vực công nghệ.

BM

“Có một câu ngạn ngữ cổ nói rằng Fed thắt chặt cho đến khi có thứ gì đó vỡ ra,” ông Jurrien Timmer, giám đốc vĩ mô toàn cầu tại Fidelity, cho biết trong một ghi chú. “Có vẻ như chúng ta cảm nhận được về những gì đang vỡ ra trong chu kỳ này của Fed.”


Khi những vấn đề về bảng cân đối kế toán này trở nên rõ ràng, sự hoảng loạn bắt đầu lan rộng trên truyền thông xã hội. Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Patrick McHenry (Cộng Hòa-North Carolina) gọi đây là “vụ rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng đầu tiên do Twitter kích hoạt.”


Nhưng điều đó có đúng với Silvergate và Signature Bank không?


Silvergate Capital Corp., một ngân hàng chuyên về mã kim với tài sản trị giá 11 tỷ USD, đã thông báo hôm 08/03 rằng họ sẽ ngừng hoạt động và thanh lý ngân hàng này, với lý do “những diễn biến trong ngành cũng như những phát triển về quy định gần đây.”


Trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ này, ngân hàng chuyên về mã kim Signature Bank đã đột ngột sụp đổ sau khi các khách hàng rút hơn 10 tỷ USD tiền gửi hôm 10/03. Theo ông Barney Frank, cựu nghị sĩ từng đảm nhiệm vai trò giám đốc tại Signature Bank, những người gửi tiền đã hoảng sợ trước những gì đã xảy ra tại SVB.


Ông nói với hãng truyền thông CNBC: “Chúng tôi không thấy dấu hiệu có vấn đề cho đến khi chúng tôi có một vụ rút tiền gửi hàng loạt vào cuối ngày thứ Sáu (10/03), đây hoàn toàn là hiệu ứng lây lan từ SVB.”

BM

“Tôi nghĩ một phần của những gì đã xảy ra là do các cơ quan quản lý đã muốn gửi một thông điệp chống mã kim rất mạnh mẽ. Chúng tôi đã trở thành nạn nhân điển hình vì không có tình trạng mất khả năng thanh toán nào xảy ra theo các nguyên tắc căn bản.”


Mặc dù có nhiều lo ngại rằng First Republic sẽ là ngân hàng tiếp theo sụp đổ, nhưng công ty này đã xác nhận rằng họ có quyền truy cập vào hơn 70 tỷ USD thanh khoản chưa sử dụng, sau khi nhận được sự trợ giúp từ Fed và JPMorgan Chase. Cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm hơn 60% hôm 13/03, nhưng tăng tới 50% vào ngày hôm sau.

Cuộc khủng hoảng năm 2008 tái diễn?


BM


Một nhóm các nhà kinh tế đã so sánh tình hình hiện tại với những gì đã xảy ra vào năm 2008, khi các tổ chức tài chính chấp nhận quá nhiều rủi ro trong một môi trường có các quy định nghiêm ngặt và các điều kiện tiền tệ lỏng lẻo.


Nhưng không phải ai cũng tin rằng tình huống năm 2008 đã quay trở lại.


Ông Mike Coop, giám đốc đầu tư tại công ty Morningstar Investment Management, tin rằng tình hình hiện nay đã khác hơn rất nhiều vì các ngân hàng lớn đang “ở trong tình trạng tốt hơn nhiều so với SVB.” Ông lưu ý, đây có thể là những trường hợp cá biệt hơn là tình trạng xấu đi trên toàn hệ thống.


Sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009, chính phủ liên bang và các cơ quan quản lý đã mở ra những thay đổi cấu trúc quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng, chẳng hạn như bắt buộc các ngân hàng phải duy trì lượng vốn lớn hơn để làm những bước đệm. Hơn nữa, các ngân hàng lớn phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan quản lý, có nghĩa là họ sẽ đa dạng hóa việc tài trợ và cho vay của mình để cung cấp dịch vụ tài chính cho nhiều ngành công nghiệp.


BM

Ông Coop viết, “Nói tóm lại, sự sụp đổ của SVB có khả năng báo hiệu chi phí nợ tăng lên và giảm khả năng tiếp cận vốn đối với các công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ, sau một thời bùng nổ nhiều thế hệ mới xảy ra một lần.”


Cựu Tổng thống Donald Trump — trong một bài đăng viết chữ hoa toàn bộ trên mạng xã hội Truth Social hồi cuối tuần trước — đã so sánh sự hỗn loạn này với năm 1929, cảnh báo rằng các ngân hàng đã bắt đầu thất bại vì các chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden.


“Ông Joe Biden sẽ trở thành Tổng thống Herbert Hoover của thời hiện đại. Chúng ta sẽ có một cuộc Đại Khủng Hoảng lớn hơn và mạnh hơn nhiều so với năm 1929. Bằng chứng là các ngân hàng đã bắt đầu sụp đổ rồi!!!”


Những can thiệp từ phía chính phủ Hoa Kỳ


 BM

Fed, Bộ Ngân khố, và Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã phát hành một tuyên bố chung vào cuối hôm 12/03, đề ra một kế hoạch để bảo vệ những người gửi tiền và ngăn chặn những lo ngại về hiệu ứng lây lan của hệ thống.


Theo kế hoạch này, Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi (DIF) của FDIC sẽ chi trả cho những người gửi tiền, ngay cả khi khoảng 90% số tài khoản không được bảo hiểm do giới hạn 250,000 USD của cơ quan này đối với các khoản tiền gửi được bảo đảm. Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ cũng sẽ tạo ra một chương trình tài trợ có kỳ hạn cho ngân hàng mới để bảo vệ các tổ chức khỏi sự bất ổn của thị trường do sụp đổ của SVB bằng cách gia hạn các khoản vay lên đến một năm cho các ngân hàng, các nghiệp đoàn tín dụng, và các hiệp hội tiết kiệm.


Để đủ điều kiện, các tổ chức tài chính này cần cầm cố tài sản bảo đảm có chất lượng cao, bao gồm công khố phiếu và chứng khoán có bảo đảm bằng nợ nhà. Bộ Ngân khố cũng sẽ cung cấp một khoản dự phòng trị giá 25 tỷ USD từ Quỹ Bình ổn Trao đổi để bù đắp mọi tổn thất có thể xảy ra.


“Hành động này sẽ củng cố năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc bảo vệ các khoản tiền gửi và bảo đảm việc cung cấp tiền và tín dụng liên tục cho nền kinh tế,” Fed cho biết trong một tuyên bố. “Cục Dự trữ Liên bang đã sẵn sàng để giải quyết bất kỳ áp lực thanh khoản nào có thể phát sinh.”


BM

Các quan chức đã bác bỏ quan điểm cho rằng chính phủ Hoa Kỳ đang cứu trợ các ngân hàng này, với việc Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói với chương trình “Face the Nation” của hãng truyền thông CBS rằng “chúng tôi sẽ không làm điều đó một lần nữa.”


“Nhưng chúng tôi quan tâm đến những người gửi tiền và tập trung vào việc cố gắng đáp ứng các nhu cầu của họ,” bà nói. “Chúng tôi muốn bảo đảm rằng những rắc rối tồn tại ở một ngân hàng không tạo ra hiệu ứng lây lan sang những ngân hàng đang lành mạnh khác.”


Tổng thống Biden cũng cam đoan với công chúng hôm 13/03 rằng những người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ khoản tổn thất nào vì chi phí của những chương trình này sẽ bắt nguồn từ những gì mà các ngân hàng đóng góp vào DIF.


Đổ lỗi cho ESG hay ông Trump?


BM


Trong khi nói những lời nhận xét được chuẩn bị sẵn tại Tòa Bạch Ốc hôm 13/03, Tổng thống Biden cam đoan với người dân Hoa Kỳ rằng hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ an toàn, xác nhận rằng những người gửi tiền sẽ được bảo vệ nhưng ban quản trị và các nhà đầu tư thì không. Ông cũng dành một chút thời gian để đổ lỗi cho cựu Tổng thống Trump và chính phủ của ông Trump đã loại bỏ các quy định trong dự luật Dodd-Frank năm 2010 mang tính bước ngoặt.


BM


“Dưới thời chính phủ Obama–Biden, chúng tôi đã đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với các ngân hàng như Silicon Valley Bank và Signature Bank, trong đó có Luật Dodd-Frank, để bảo đảm cuộc khủng hoảng mà chúng ta đã chứng kiến hồi năm 2008 sẽ không xảy ra lần nữa,” tổng thống nói. “Thật không may, chính phủ nhiệm kỳ vừa rồi đã loại bỏ một số yêu cầu trong số đó.”


Các nhà lãnh đạo khác của Đảng Dân Chủ cũng đưa ra ý kiến tương tự, viện dẫn ra Đạo luật Tăng trưởng Kinh tế, Giảm bớt Quy định, và Bảo vệ Người tiêu dùng thời cựu Tổng thống Trump, là chính sách đã nới lỏng các hạn chế đối với các ngân hàng vừa và nhỏ, chẳng hạn như SVB và Signature.


BM

“Đối với mối quan tâm cho rằng ‘làm thế nào điều này có thể xảy ra,’ thì rõ ràng là những nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump và [Chủ tịch Hạ viện] Kevin McCarthy [Cộng Hòa-California] … để thông qua ‘Đạo luật Cải tổ’ vào năm 2018 đã miễn cho Silicon Valley Bank khỏi các phép thử nghiệm khả năng chịu đựng và quy định vốn có thể ngăn chặn được cuộc khủng hoảng này,” Dân biểu Eric Swalwell (Dân Chủ-California) cho biết trong một tuyên bố. “Đây là một bài học: sự lơi lỏng các quy định ngân hàng đối với các ngân hàng vừa và nhỏ đã cho phép tổ chức quản trị yếu kém này không bị kiểm soát.”


Tuy nhiên, những cải tổ của chính phủ cựu Tổng thống Trump đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng, bao gồm 33 thành viên tại Hạ viện và 17 thành viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện.


Một số thành viên Đảng Cộng Hòa nổi tiếng đang khẳng định rằng những sự kiện gần đây này là do sự quản lý và quy định quá mức tập trung vào một nghị trình đa dạng, công bằng, và hòa nhập (DEI).


Thống đốc Florida Ron DeSantis, một thành viên Đảng Cộng Hòa, nói với Fox News hôm 12/03 rằng, “Ngân hàng này, họ rất quan tâm đến DEI cùng chính trị và tất cả những thứ khác, tôi nghĩ điều đó thực sự khiến họ không tập trung vào sứ mệnh cốt lõi của mình.”


BM


“Chúng ta có một bộ máy hành chính liên bang đồ sộ, nhưng dường như họ không bao giờ có thể ở đó khi chúng ta cần họ để có thể ngăn chặn những việc như thế này.”


Ông Samuel Gregg, một thành viên ưu tú tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ (AIER), đồng ý rằng ban quản trị của ngân hàng này đã tập trung vào các sáng kiến DEI và ESG (môi trường, xã hội, và quản trị) hơn là trách nhiệm cốt lõi của họ. Điều này, cộng với các diễn biến của thị trường, lãi suất cao hơn, và các quyết định chiến lược tồi tệ, đã góp phần vào sự sụp đổ của SVB.


BM


Ông Gregg cho biết trong một thư điện tử: “Có thể mọi người sẽ bắt đầu hiểu rằng khi một số chuyên gia đánh giá rủi ro trụ cột của ngân hàng của họ đang bận rộn cho quảng bá DEI và các sáng kiến khác như vậy, thì đó là một dấu hiệu hợp lý rằng mọi người nên rút vốn khỏi ngân hàng đó — ngay lập tức.”


Dù nguyên nhân là gì, thì các nhà quan sát đều đồng ý rằng các thị trường đã không lường trước những gì đã xảy ra, đặc biệt là sau khi người ta phát hiện rằng KPMG đã đưa ra một bản đánh giá cho thấy hoạt động kinh doanh vẫn còn ổn thỏa trong các báo cáo kiểm toán của họ đối với SVB và Signature vài ngày trước khi các ngân hàng này sụp đổ. Các bản tin cho biết các nhà quản lý tại Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch và Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng sẽ xem xét kỹ lưỡng KPMG.


Không thiếu các ý kiến


BM


Ông Bill Ackman, người sáng lập và là tổng giám đốc Pershing Square Capital Management, đã ca ngợi phản ứng của chính phủ, khi tuyên bố trong một tweet rằng các quan chức “đã gửi một thông điệp rằng những người gửi tiền có thể tin tưởng vào hệ thống ngân hàng.”


Nhà quản lý quỹ phòng hộ này cho rằng những người nộp thuế sẽ gặp khó khăn nếu không có những hành động này và hệ thống quốc gia gồm các ngân hàng cộng đồng và khu vực sẽ bị “phá hủy.”


Nhưng những người chỉ trích lập luận rằng biện pháp này của chính phủ sẽ thúc đẩy một môi trường rủi ro đạo đức — tức là, khi một người được khuyến khích chấp nhận rủi ro bởi anh ta sẽ không phải gánh chịu các chi phí cho rủi ro đó — và khuyến khích hành vi mạo hiểm hơn từ phía những người gửi tiền.


BM


Ông Peter Schiff, nhà kinh tế trưởng kiêm chiến lược gia toàn cầu của Euro Pacific Capital, cho rằng đây là “một sai lầm khác” của ngân hàng trung ương và chính phủ Hoa Kỳ mà sẽ “dẫn đến sự bất ổn lớn hơn trong hệ thống ngân hàng và những tổn thất lớn hơn trong tương lai.”


“Gói cứu trợ này có nghĩa là những người gửi tiền sẽ để tiền của họ vào những ngân hàng rủi ro nhất và được trả lãi suất cao hơn, vì không có rủi ro thua lỗ,” ông viết trong một tweet. “Bởi vậy, tất cả các ngân hàng sẽ chấp nhận rủi ro lớn hơn để trả lãi suất cao hơn. Thế nên, về lâu dài, sẽ có thêm nhiều ngân hàng sụp đổ, với các chi phí dài hạn lớn hơn rất nhiều.”


Khi Hoa Kỳ cố gắng thoát khỏi chuỗi sụp đổ ngân hàng, ông Frank, một đồng tác giả của dự luật Dodd-Frank khi còn ở Quốc hội, cho rằng FDIC nên tăng mức trần 250,000 USD cho các khách hàng doanh nghiệp.


“Khi quý vị nói về các khoản tiền gửi doanh nghiệp, quý vị đang nói về việc thanh toán lương cho những người đang có thu nhập trung bình,” ông nói với The Wall Street Journal hôm 14/03. “Không nên có một mức duy nhất; họ nên nâng mức trần hiện tại như một sự thay đổi chính sách.”


Ông Blake Harris, người sáng lập và là đối tác quản lý tại Blake Harris Law, tin rằng các nhà hoạch định chính sách nên xem xét yêu cầu tỷ lệ dự trữ vốn cao hơn, sánh ngang các ngân hàng Thụy Sĩ. Mặc dù ông cho rằng các ngân hàng chuyên biệt hơn dễ nhạy cảm với hiệu ứng lây lan nhất, nhưng ông Harris cũng lưu ý rằng mọi ngân hàng khác đều phải đối mặt với các rủi ro.


BM


“Các ngân hàng ít gặp rủi ro nhất là các ngân hàng Thụy Sĩ vì họ có một số ngân hàng có các hệ số dự trữ vốn cao nhất,” ông nói. “Các ngân hàng này sẽ chứng kiến một làn sóng tiền vốn rất lớn đến với họ.”


Thật vậy, mối lo ngại xung quanh việc các ngân hàng lớn hơn bị ảnh hưởng bởi những vụ sụp đổ này có thể là hợp lý. Reuters đưa tin cho hay, các quỹ tương hỗ do BlackRock, Fidelity, và Morgan Stanley quản lý dễ bị ảnh hưởng nhất bởi những vụ sụp đổ của ngân hàng khu vực.


Về chẩn đoán nguyên nhân cho những vụ sụp đổ ngân hàng gần đây, ngày càng có nhiều nhà kinh tế đổ lỗi cho Fed.


Ông Steve Hanke, một cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống Ronald Reagan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng các chính sách thắt chặt của ngân hàng trung ương đã tạo ra tình hình hiện tại.


BM

Chính sách thắt chặt định lượng của Fed liên quan đến việc giảm quy mô bảng cân đối kế toán của họ bằng cách bán bớt các tài sản, yếu tố làm giảm lượng tiền trong lưu thông. Mặc dù chính sách này nhằm mục đích kiềm chế áp lực lạm phát, nhưng ông Hanke, một giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng nó đã đi quá xa.


Ông nói: “Như tôi đã dự đoán, sự chậm lại trong tăng trưởng nguồn cung tiền này nghiêm trọng đến mức nó đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng.”


Lần đầu tiên kể từ khi ngân hàng trung ương bắt đầu chia sẻ dữ liệu này, nguồn cung tiền của Hoa Kỳ đã giảm trong hai tháng liên tiếp: âm 1.05% vào tháng 12/2022 và âm 1.73% vào tháng Một.


Bảng cân đối kế toán của Fed cũng đã co lại trong bốn tháng liên tiếp, bao gồm một mức giảm 5.5% hồi tháng Hai xuống dưới 8.39 ngàn tỷ USD, là mức vẫn cao gấp đôi so với thời kỳ trước đại dịch.


Tình hình hiện tại sẽ ra sao?

 

Các chuyên gia cho rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ công bố tăng lãi suất một phần tư điểm tại cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang vào tuần tới hoặc tạm dừng chiến dịch thắt chặt của họ.


BM


Theo CME FedWatch Tool, các nhà đầu tư hầu hết đã dự kiến mức tăng 25 điểm căn bản đối với lãi suất quỹ liên bang chuẩn, nâng phạm vi mục tiêu lên 4.75 đến 5%. Tuy nhiên, trong một ghi chú hôm 12/03, các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết tổ chức tài chính này không còn dự đoán rằng ủy ban thiết lập lãi suất sẽ tăng lãi suất vào ngày 22/03 nữa; các nhà kinh tế của công ty này vẫn mong đợi các đợt tăng ¼ điểm vào tháng Năm, tháng Sáu, và tháng Bảy.


Khả năng tạm dừng những đợt tăng lãi suất có thể đã được hưởng ứng thêm nữa bởi báo cáo Chỉ số Giá Tiêu dùng tháng Hai. Báo cáo này cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm xuống 6%. Dự báo cho báo cáo của tháng tới, mô hình Nowcasting của Fed Cleveland ước tính một kết quả 5.2%.


Tuy nhiên, mặc dù các nhà đầu tư cảm thấy vui mừng trước khả năng thắt chặt tiền tệ có thể chậm lại, thì cựu Bộ trưởng Ngân khố Larry Summers lại thừa nhận rằng ông “sẽ thất vọng” nếu Fed ngừng chiến dịch chống lạm phát.


BM

“Tôi chắc chắn nghĩ rằng Fed cần tập trung vào thách thức lạm phát này,” ông Summers nói với hãng thông tấn CNN hôm 13/03. “Đó thực sự là những gì người dân Mỹ đã nói, đó là những gì họ xem là thách thức kinh tế chính của chúng ta. Và tôi nghĩ đó là điều mà lịch sử đã dạy chúng ta rằng nếu chúng ta không kiểm soát được lạm phát, thì cuối cùng chúng ta sẽ có những cuộc suy thoái lớn hơn nhiều và sẽ đau đớn hơn rất nhiều.”


Mặc dù vậy, sự hạ bậc tín nhiệm gần đây có thể cho thấy rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để tạo ra niềm tin vào hệ thống ngân hàng.


BM


Bất chấp những can thiệp của chính phủ, Moody’s Investors Service vẫn hạ thấp triển vọng của họ đối với hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ, từ mức ổn định xuống mức tiêu cực. Cơ quan xếp hạng tín dụng này đã xác định một loạt các mối lo ngại, trong đó có những lo ngại rằng các ngân hàng khác như SVB và Signature Bank sẽ “nhạy cảm hơn với sự cạnh tranh của người gửi tiền hoặc sự tháo chạy vốn sau cùng, với những tác động bất lợi đến nguồn vốn, thanh khoản, thu nhập và vốn.”


Moody’s đã viết trong một báo cáo rằng, “Chúng tôi đã thay đổi triển vọng của mình từ ổn định sang tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ để phản ánh sự xuống cấp nhanh chóng trong môi trường hoạt động sau việc rút tiền gửi hàng loạt tại Silicon Valley Bank (SVB), Silvergate Bank, và Signature Bank (SNY) và sự sụp đổ của SVB và SNY.”




Andrew Moran  _  Vân Du


http://baomai.blogspot.com/

Thêm 2 ngân hàng tìm cách trấn an khách hàng
Dr. Naomi Wolf: Thư xin lỗi gửi đến những người Bảo Thủ
Hãy quên Ukraine đi _ Quân đội Hoa Kỳ nên tiêu diệt các băng đảng
Tìm hiểu ChatGPT "trí thông minh nhân tạo"
Dự luật ngân sách tài khóa 2024 của Joe Biden
Nikki Haley lên án sự ‘cứu trợ’ của Tổng thống Biden
Dấu hiệu đáng lo ngại khi gửi tiền vào ngân hàng
Hoa Kỳ đưa ra loạt hành động chống lại ảnh hưởng độc hại của ĐCS_TC
Bão Nor’easter đổ bộ vào Bờ Đông
Nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực Indonesia
Bị cáo đề nghị bãi bỏ vụ án ngày 06/01 dựa trên phim mới được tiết lộ
Người Mỹ ‘tỉnh ngộ’ sau khi Silicon Valley Bank sụp đổ
IRS nhắc người về hưu rút tiền từ tài khoản IRA
Hoạt động tội phạm phát triển nhanh nhất ở Hoa Kỳ
Câu chuyện biểu tình ngày 1 tháng 6 năm 2021
Khả năng tự chữa lành bệnh của cơ thể
Cách ĐCS_TC sử dụng điện thoại của quý vị
Silicon Valley Bank được FDIC tiếp quản sau khi sụp đổ
Silicon Valley Bank sụp đổ
Trí tuệ của nữ thần Athena thách thức các chân ngôn thời hiện đại

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.