Ở nhiều quốc gia trên thế giới, mùa thu là mùa tựu trường. Nhưng mùa tựu trường mang ý nghĩa rất khác nhau ở từng nơi, chẳng hạn như ở Mỹ, hay Chile, Nga, hay Iceland.
Ở đâu thì học sinh có số giờ học ở trường ít nhất? Gia đình nào sẽ chi nhiều tiền nhất cho chuyện con cái đi học? Và quốc gia nào có chương trình giáo dục khiến học sinh tới trường trung bình dài đến 23 năm?
Dưới đây là một số thông tin về các hệ thống giáo dục trên toàn cầu:
27,5 tỷ đô la Mỹ đủ mua được bao nhiêu giấy và keo dán?
Tại Mỹ, một gia đình trung bình phải chi khoảng 685 đô la các đồ dùng cần thiết cho con tới trường đối với trẻ từ lớp mẫu giáo cho tới trường cấp hai, là mức cao hơn tới gần 250 đô la so với năm 2005, và như vậy thì tính ra tổng số sẽ là 27,5 tỷ đô la Mỹ cho năm học 2018.
Cộng vào với chi phí cho học đại học thì con số này tăng lên 83 tỷ đô la. Các món đắt tiền nhất là máy tính computer, với mức chi trung bình là 299 đô la một hộ gia đình.
Người Đan Mạch ở trường nhiều hơn học sinh trung bình ở các nơi khác 200 giờ mỗi năm
Trong số 33 quốc gia phát triển, học sinh tiểu học tại Nga có ít giờ học có giáo viên hướng dẫn hàng năm nhất - chỉ trên 500 giờ (mức trung bình trên thế giới là 800 giờ). Tính ra thì sẽ là 5 giờ mỗi ngày, với các giờ giải lao sau mỗi tiết học, trong tám tháng tới trường mỗi năm. Tuy nhiên, điều đó có vẻ như không khiến nước này tụt hậu trong lĩnh vực giáo dục: Tỷ lệ tốt nghiệp đại học ở Nga đạt gần như 100%.
Đan Mạch thì yêu cầu học sinh tiểu học phải có khoảng 1.000 giờ học trên lớp mỗi năm. Một năm học ở đây dài hơn ở Nga gần hai tháng, ngày học cũng dài hơn.
Tuy nhiên, là quốc gia liên tục nằm trong nhóm năm nước đầu bảng về giáo dục, Đan Mạch có lẽ đang chứng tỏ được rằng có những lợi ích nào đó trong việc có năm học dài đến vậy.
Muốn tìm chỗ học với giá rẻ? Vậy thì quên Hong Kong đi
Tùy vào việc trẻ con đi học ở đâu mà một gia đình sẽ phải tính chuyện cân nhắc khoản chênh lệch tới hơn 100 ngàn đô la chi phí.
Sau khi tính tổng cộng các khoản học phí, tiền mua sách, tiền đi lại và nhà ở từ khi học tiểu học cho tới khi học đại học thì Hong Kong trở thành nơi đắt đỏ nhất trên thế giới cho việc học hành - chênh lệch đáng kể so với những nơi khác.
Các bậc phụ huynh ở Hong Kong chi trung bình 131.161 đô la tiền túi cho việc học của một đứa trẻ, sau khi đã có các loại học bổng, các khoản vay hoặc tiền chính quyền hỗ trợ.
Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất đứng vị trí thứ hai với khoảng 99 ngàn đô la, tiếp đến là Singapore, 71 ngàn, và Mỹ, 58 ngàn.
Tuy chi phí tại các trường đại học ở Mỹ tăng vọt nhưng bản thân phụ huynh chỉ phải trả trung bình là 23% chi phí hàng năm.
Để so sánh thì ở Pháp, các phụ huynh chỉ phải đóng góp khoảng 16 ngàn đô la cho toàn bộ quá trình đi học của con cái.
Bố mẹ không phải những đối tượng duy nhất phải trả giá cho việc học hành của trẻ em. Hãy nghĩ tới những cái cây
Ngay cả trong kỷ nguyên của thực tế ảo, máy in 3D và drone thì chiếc bút chì đơn giản vẫn tiếp tục ghi dấu ấn tại các trường học trên toàn thế giới. Ngày nay, hơn 400 năm sau khi được phát minh ra, ước tính có từ 15 đến 20 tỷ chiếc bút chì được sản xuất mỗi năm.
Cây tuyết tùng vùng Tây Bắc Thái Bình Dương là nguồn phổ biến nhất cho việc làm vỏ bút ở Mỹ, còn hầu hết than chì được khai mỏ tại Trung cộng và Sri Lanka.
Ước tính từ 60.000 đến 80.000 cây được khai thác mỗi năm để duy trì đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất bút chì trên toàn cầu.
Học sinh tại Úc dành một phần tư cuộc đời để tới lớp
Còn tại các nước như New Zealand và Iceland thì việc đi học sẽ chưa kết thúc khi chưa đủ gần 20 năm.
'Đời học sinh' được tính bằng tỷ lệ đăng ký trung bình của các lứa tuổi khác nhau từ tiểu học cho tới bậc đại học.
Úc hiện giữ kỷ lục là có 'đời sinh viên' dài nhất, 22,9 năm tính từ khi học tiểu học cho tới đại học, hoặc theo tuổi thì từ 6 đến 28 tuổi.
Có thời gian đi học ngắn nhất là ở Niger, nơi học sinh thường bắt đầu vào tiểu học khi 7 tuổi. Ở đây, thời gian đi học trung bình của các em chỉ có 5,3 năm - ít hơn 17 năm so với Úc.
Peter Rubinstein
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.