Yoko Sen kiếm sống nhờ vào đôi tai nhạy cảm của mình.
Vốn là một nhạc sĩ âm thanh điện tử, việc thính hợp hoàn cảnh với âm thanh là thế mạnh lớn nhất của cô.
Nhưng khi cô ngã bệnh năm năm trước và phần lớn thời gian phải tới lui bệnh viện thì năng lực này lại trở thành gánh nặng: khi mà xung quanh toàn là máy móc, những tiếng bíp và tiếng còi báo trở thành âm thanh hỗn tạp và gây gián đoạn khiến cho cô ngày càng mệt mỏi.
Nghe nhiều quá hóa trơ?
"Âm thanh đó làm tôi rất phiền, nhất là những tiếng bíp và tiếng còi báo," Sen nói. "Nhưng còn có tiếng loa trên đầu, tiếng người nói chuyện và la hét, tiếng sập cửa nữa. Đó thật sự là một môi trường âm thanh ồn ào và lộn xộn. Và tôi nghĩ rằng nó thật sự đeo đẳng tôi."
Khi xuất viện, cô bắt đầu thắc mắc: Có phải là những tiếp bíp và tiếng dập cửa này ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe bệnh nhân? Và cô có thể làm gì?
Những câu hỏi này là động lực để cô lập công ty khởi nghiệp Sen Sound.
Cô đã nghiên cứu về nó kỹ hơn khi đang là nghệ sĩ nội trú của Sibley Innovation Hub, một nhóm sáng tạo được cơ cấu vào bên trong Bệnh viện Tưởng niệm Sibley ở thủ đô Washington DC của Mỹ.
Lúc đầu, cô muốn thay đổi âm thanh trơ lì của những tiếng còi báo giám sát để giúp đỡ bệnh nhân.
Nhưng rồi kể từ đó, cô đã mở rộng sứ mạng của mình để giúp nhân viên bệnh viện cảm thấy nhẹ nhõm.
Suy cho cùng, đối với các bệnh nhân, tiếng ồn bệnh viện có thể gây nhức đầu và dẫn đến mất ngủ vốn làm cho quá trình phục hồi chậm đi.
Thế nhưng đáng lo hơn là các nhân viên bệnh viện bị ngập trong biển tiếng ồn triền miên, khiến có thể phát sinh triệu chứng 'mệt mỏi vì còi báo' - sự chai lì trước những tiếng bíp do đã trở nên quá bão hòa với âm thanh. Hậu quả là nhiều khả năng những tiếng bíp và tín hiệu quan trọng bị chìm trong tiếng huyên náo, và điều này có thể nguy hiểm.
"Bằng cách chăm sóc cho những người phải chăm sóc người khác, chúng tôi có thể tác động vào hệ thống một cách tích cực hơn," Sen nói.
"Thông thường những trải nghiệm của nhân viên bệnh viện bị bỏ qua. Tuy nhiên cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để tác động lên trạng thái của bệnh nhân là cải thiện tình hình của các bác sĩ và y tá."
Chuông báo không được phản hồi
Mặc dù tiếng ồn nhìn chung là không được để ý trong ngành y, nhưng có một số nghiên cứu đã nhấn mạnh vấn đề này lan rộng và dai dẳng đến mức nào.
Các bác sĩ có thể điều chỉnh 'âm thanh báo động nhỏ xuống', và điều đó khiến họ có thể bỏ lỡ, không nghe được tín hiệu khi bệnh nhân gặp nguy hiểm.
Một báo cáo của Hiệp hội Các Y tá Chăm sóc Đặc biệt của Mỹ cho thấy từ 72% cho đến 99% các chuông báo động trong bệnh viện đều là báo động giả. Tại chỉ một bệnh viện, Bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore, tiểu bang Maryland, có trung bình 350 lần báo động trên mỗi bệnh nhân mỗi ngày.
Một nghiên cứu toàn cầu của Viện Mayo cho thấy các bệnh viện đã trở nên ngày càng ồn ào trong vòng 50 năm qua, với mức độ tiếng ồn ban ngày từ 57 decibel lên đến 72 decibel và ban đêm từ 42 đến 60 decibel.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mức độ tiếng ồn vào ban đêm không nên vượt quá 30 decibel và nếu nó vượt quá 55 decibel thì giấc ngủ sẽ bị quấy rầy và nguy cơ bệnh tim mạch sẽ gia tăng.
Một nghiên cứu khác tìm hiểu chủ yếu về chuông báo động nhịp tim bất thường đã phát hiệu rằng gần 90% tiếng chuông báo là báo động giả.
"Hãy tưởng tượng người hàng xóm có tiếng còi báo động trên xe cứ reo liên tục," bản báo cáo viết. "Nếu có ai đó thật sự đột nhập lên chiếc xe này khiến còi báo vang lên nữa thì liệu có ai đó sẽ gọi cảnh sát không?"
Có thể là không. Trong thời gian từ năm 2005 cho đến 2010, ít nhất đã có 216 trường hợp tử vong trên khắp nước Mỹ có liên quan đến những chuông báo không được phản hồi hay chuông báo bị hỏng.
Con số này trông có thể thấp vì các ca tử vong liên quan đến chuông báo thường ít được báo cáo. Và mặc dù trách nhiệm trong những ca tử vong này chính thức thuộc về phía các nhân viên bệnh viện, gốc rễ của vấn đề nhìn chung nằm ngoài khả năng của họ.
Thích nghi với tiếng ồn
"Các điều dưỡng đã bắt đầu điều chỉnh âm thanh đó để họ dễ thích nghi hơn. Nó đã thành ra là chỉ 'bíp, bíp, bíp, bíp," bà Michele Pelter, phó giáo sư Trường Điều dưỡng thuộc Đại học UCSF và là đồng tác giả của nghiên cứu trên chuông báo và nhịp tim rối loạn, cho biết.
"Chúng tôi cũng biết rằng các hộ lý đang điều chỉnh âm lượng xuống để thần kinh được nhẹ nhõm và để bệnh nhân và thân nhân của họ được thoải mái."
"Trong những trường hợp cực đoan, các điều dưỡng thậm chí còn tắt chuông báo hoàn toàn."
Điều này không phải là không có lý do. Mặc dù các neuron thần kinh thính giác trên não bộ chúng ta sẽ dừng kích thích khi có một âm thanh hay một kiểu âm thanh cứ vang lên lặp đi lặp lại - tạo ra một hiện tượng được gọi là sự chú tâm thính giác có chọn lọc - nhưng điều đó không có nghĩa là thiệt hại của ô nhiễm tiếng ồn đã bị chặn lại, theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học Thần kinh Châu Âu.
Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng nếu bạn tiếp xúc với tiếng ồn liên tục ở mức độ cao và thấp, bạn sẽ phát sinh một loạt những vấn đề như mất ngủ và những chứng bệnh nghiêm trọng hơn như tiểu đường, trầm cảm và biến chứng khi sinh nở, theo Science X.
Để tìm giải pháp, Sen đã làm việc với các nhà nghiên cứu về âm học tâm lý và thiết kế chuông báo động khẩn cấp để tạo ra những âm thanh hài hòa hơn mà không làm giảm tính chất khẩn cấp của những âm báo động hiện tại.
Những tiếng ồn trong bệnh viện cũng có thể khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi hơn
Kết quả là một loạt âm báo mà bà giúp đỡ công ty thiết bị Medtronic thiết kế và sẽ sớm được tung ra thị trường.
Phòng Yên tĩnh
Sen cũng đang làm việc với một tổ chức phi lợi nhuận để tạo ra một bộ chuông báo nữa dành riêng cho khoa nhi vốn sẽ được chính các em nhỏ thiết kế.
Có hai lý do cho việc này: tác động tiêu cực của ô nhiễm tiếng ồn đã được chứng tỏ có tác động đến trẻ em ở tỷ lệ cao hơn đối với người lớn, theo Sen, và việc để cho trẻ em tạo ra âm thanh riêng của mình có thể làm thành chiếc cầu nối cần thiết giữa những bên có liên quan trong quá trình thay đổi.
"Rất khó để cho mọi người nói chuyện với nhau. Nếu đó là những âm thanh do các cháu nhỏ thiết kế thì tôi nghĩ mọi người sẽ sẵn lòng ngồi lại cùng nhau và lắng nghe," Sen nói.
Một ý tưởng nữa mà nhóm của Sen đã nghĩ ra là 'Phòng Yên tĩnh' - một không gian chỉ có ánh sáng mờ, ghế ngồi thoải mái, trị liệu bằng thảo dược và nhạc nền do Sen sáng tác. Không chỉ là nơi để thư giãn, 'Phòng Yên tĩnh' chính là cách thay đổi văn hóa các bệnh viện.
Chiến lược này sẽ chứng tỏ sẽ hiệu quả hơn là những nỗ lực nhằm thay đổi văn hóa trước đây, chẳng hạn như các tấm bích chương có dòng chữ 'Shhh' - tức là giữ im lặng (theo lời Sen thì những bích chương này sẽ làm tăng 'ô nhiễm thị giác' ở bệnh viện).
Khía cạnh quan trọng của việc làm này không phải là bản thân căn phòng này, Sen giải thích, mà đưa ra ý tưởng rằng các nhân viên bệnh viện có thể ưu tiên việc có thời gian nghỉ ngơi để đầu óc và đôi tai của họ được thảnh thơi.
Được đặt nguyên mẫu tại Bệnh viện Tưởng niệm Sibley - vốn là một phân nhánh của Bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore - căn phòng này không chỉ có công dụng làm giúp cho nhân viên lấy lại sinh lực mà còn cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân và chất lượng dịch vụ y tế.
Dựa trên số liệu được thu thập từ phản hồi của các nhân viên, 'Phòng Yên tĩnh' này làm giảm áp lực, nâng cao nâng lực chăm sóc y tế và thậm chí còn tăng cường sự an toàn cho bệnh nhân nhờ vào tính chất làm dịu của căn phòng. Vì lẽ đó, Bệnh viện Sibley đã quyết định giữ căn phòng này vĩnh viễn. Sen cũng đang thảo luận với một số bệnh viện khác trên khắp nước Mỹ để áp dụng ý tưởng này.
Không chỉ là trách nhiệm của y tá
Việc mà một người không hề được đào tạo về quản lý bệnh viện hay y khoa lại tìm cách thay đổi bệnh viện có thể gây ngạc nhiên.
Nhưng đó một phần là do cách nhìn từ bên ngoài đã khiến cho công việc của Sen có tác động đến như vậy, ông Dawson, cựu giám đốc điều hành của Sibley Innovation Hub, nói. "
"Yoko đúng nghĩa là lắng nghe thế giới rất khác chúng ta và có một cái nhìn nghệ thuật hết sức mạnh mẽ về vấn đề này - rằng môi trường bệnh viện không những là không dễ chịu mà còn thù nghịch và gây hại," ông nói.
Các nhà nghiên cứu khác cũng đang tìm hiểu vấn đề tiếng ồn và sự mệt mỏi với còi báo. Hồi năm 2014, Ủy ban Liên kết (Cơ quan chứng nhận chất lượng cho các cơ sở chăm sóc y tế của Mỹ) đã đưa an toàn chuông báo động là một mục tiêu quốc gia về an toàn cho bệnh nhân, theo đó yêu cầu các bệnh viện phải ưu tiên việc quản lý chuông báo động trong các nhân viên.
Nhưng như Pelter đã giải thích, giải pháp đối với vấn đề không thể chỉ trông đợi vào mỗi y tá.
"Đây sẽ là điều mà chúng tôi phải giải quyết trong ngành này, điều mà họ sẽ phải giúp đỡ chúng ta," bà nói.
Tessa Love
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.